DẤU HIỆU “XUNG ĐỘT TRƯỜNG PHÁI” TRONG CUỘC TRANH LUẬN VỀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI (VIỆT BẮC, 1949)

 

                                                                                      

 

 

Về hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (từ 25 đến 28 tháng 9 năm 1949) trong đó có cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi, tư liệu hiện còn lại chỉ là bài tường thuật đăng trên tạp chí Văn nghệ số kép 17-18, cũng gọi là số tranh luận (tháng 11&12/1949). Một buổi chiều tranh luận (thời gian dành cho tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi: chiều 28/9/1949) được đăng tải trên 14 trang tạp chí (khoảng 5 ngàn chữ) cho thấy tường thuật khá kỹ lưỡng.(1)

Đối tượng tranh luận là thơ của Nguyễn Đình Thi thời đầu kháng chiến, nói rõ hơn là “thơ không vần” mà những bài được nhắc đến là: Đêm mít tinh, Sáng mát trong…, Không nói, Đường núi, Khúc hát miền Tây. Trong thành phần tham gia thảo luận, bên cạnh “khổ chủ” Nguyễn Đình Thi chỉ có một số rất ít người đứng về phía ông: đó là Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng. Đoạn tường thuật ngắn của Nguyễn Huy Tưởng phác hoạ:

          

 “Trong một góc tối, đầu cúi xuống cuốn sổ tay nhỏ bên cạnh Văn Cao và Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi ghi những lời phê bình của anh chị em về trường hợp thơ anh”. (Văn nghệ,  s. 17&18, tr.34) (2)

                                                                                       

Những người  đứng về phía “chống” lại thơ Nguyễn Đình Thi gồm hầu hết số còn lại: Xuân Diệu trình bày đề dẫn và phát biểu thêm 2 lần nữa; Thanh Tịnh phát biểu 2 lần; Ngô Tất Tố – 3 lần; Thế Lữ – 4 lần; Tố Hữu phát biểu 1 lần, cuối cùng thêm lần phát biểu tổng kết; Xuân Thuỷ – 1 lần; Phạm Văn Khoa – 1 lần; Nguyễn Xuân Khoát – 1 lần; Tâm Trung – 1 lần; Phan Thị Nga – 2 lần; Hữu Tâm – 1 lần (bài tường thuật cho biết đây là nhà thơ trẻ của Trung đoàn thủ đô); Xuân Trường – 1 lần.

 

Đọc lại biên bản tranh luận , có thể nhận ra hai loại xung đột về xu hướng nghệ thuật mà thơ Nguyễn Đình Thi lúc ấy phải đương đầu.

 

Thứ nhất là xung đột giữa thơ Nguyễn Đình Thi hồi này với chủ trương “đại chúng hoá”, một trong những chủ trương được đề ra cho văn nghệ kháng chiến. Hầu hết các ý kiến phản đối đều lấy tính dễ hiểu, nhất là dễ hiểu cho quần chúng công nông binh đông đảo, làm tiêu chuẩn và căn cứ để phê phán. Trong lời kết của Chủ tịch đoàn, Tố Hữu nói: “Nhiều khi thấy bài thơ hay mà chưa chắc nó đã hay(…) Tôi không thể lấy cái “ta” làm tiêu chuẩn. Người nghệ sĩ phải tự hỏi : quần chúng xem bài này thế nào? quần chúng có xúc cảm không?”(Văn nghệ số dẫn trên, tr.56). Cái “ta” Tố Hữu nói ở đây chính là trỏ cái “tôi” trữ tình; lúc này cái “tôi” ấy bị gạt sang một bên; yêu cầu văn nghệ phải dễ hiểu đối với đại chúng ít học là một trong những yêu cầu hàng đầu được nêu ra từ phía chỉ huy cuộc kháng chiến.

 

Tuy nhiên, bên cạnh xung đột nêu trên, ở cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi còn bộc lộ dấu hiệu về một xung đột khác nữa; ở đây kiểu thơ do Nguyễn Đình Thi đề xuất vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các chuẩn “thơ mới”(1932-45) mà những đại diện lên tiếng ở đây là Xuân Diệu, Thế Lữ, Thanh Tịnh.

 

Những nhận xét phê phán của Xuân Diệu cho thấy, tuy có đôi chỗ ông muốn nhân danh “nghệ thuật dân chủ mới”, nhưng trên thực tế, ông chủ yếu đứng trên lập trường của thơ mới 1932-45: chính là với những chuẩn mực nghệ thuật thơ mà bằng vào đó, Xuân Diệu đã đạt được thành công lớn hồi giữa những năm 1930. Giờ đây, vào cuối những năm 1940, Xuân Diệu dị ứng gay gắt với một hiện tượng vượt ra ngoài các chuẩn mực ấy. Ông nêu hai đặc điểm của thơ Nguyễn Đình Thi : 1) không vần; 2) câu thơ dài ngắn tự do. Xuân Diệu cho các ý trong các bài thơ Đêm mit tinh, Sáng mát trong…là “đầu ngô mình sở (incohérance)”: “các đoạn trong tứ thơ không dính nhau”… “không hiểu sao đang đêm mit tinh lại nói đến nhớ Hà Nội”. Theo quan niệm của Xuân Diệu, “phải làm sao người ta thấy ý này bắt sang ý kia là tự nhiên”. Ông đòi hỏi “ý tình phải quấn quýt lấy nhau theo một sự hợp lý nào đó”. Chính vì thế ông cho rằng trong các bài thơ của Nguyễn Đình Thi có những đoạn những câu mà “không có ở trong bài cũng không sao”, ví dụ ba câu đầu trong bài Sáng mát trong…( Sáng mát trong như sáng năm xưa / Gió thổi mùa thu hương cốm mới / Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em ). trường hợp bài Đường núi, có lẽ vì không thể bảo câu nào là “thừa”, nhưng tất cả dưới mắt Xuân Diệu đều dường như không dính nhau, ông đành nêu nhận xét phủ định này: “những nét thơ rất đẹp nhưng chỗ này một nét, chỗ kia một nét, tán loạn như trong một bức tranh siêu thực” (chỉ cần bỏ thái độ phủ định đi thì đây hoàn toàn là một nhận xét xuất sắc). phần nhận xét về hình thức, Xuân Diệu nêu ba điểm: một là “câu thơ anh Thi đúc quá. Anh Thi rất tiết kiệm chữ… nhưng lại tiết kiệm quá. Không những không có chữ thừa mà chữ đệm cũng không có. Không những đúc trong một câu mà còn đúc cả đoạn nữa”. Xuân Diệu chủ trương lời thơ chỉ nên cô đúc một cách vừa phải, trung bình: “Sự tiết kiệm chữ và tiết kiệm lời (…) phải đến cái trình độ thích trung (…). Nếu đúc quá, độc giả không theo kịp được, thì cũng không còn là thơ nữa”. Hai là, về chuyện vần hay không vần, tuy Xuân Diệu nói đây không phải vấn đề của thơ Nguyễn Đình Thi, nhưng những biện luận dài của Xuân Diệu cho thấy ông chủ trương thơ phải có vần, ông nhấn mạnh rất nhiều lợi ích của vần (a/ vần như chỗ nghỉ hơi; b/ giữ vần được xem như chỗ để “hồn thơ tựa vào câu thơ một cách vững chắc”; c/ vần giúp công chúng và tác giả nhớ thuộc; d/ vần gắn với thói quen của của quần chúng, với tập quán tiếng Việt). Ba là, Xuân Diệu thấy “rất khó chấm câu” cho thơ Nguyễn Đình Thi, “vì câu này tràn sang câu kia. Không biết chấm thế nào cho đúng”. Xuân Diệu chủ trương “phải giữ chấm câu” với nhiều lợi ích của nó, theo quan niệm của ông (quan niệm này Xuân Diệu giữ đến tận cuối đời).

Như vậy, trong các nhận xét của mình, Xuân Diệu đã đối chiếu các đặc điểm thi pháp của Nguyễn Đình Thi với các chuẩn nghệ thuật của “thơ mới”, trước hết là những chuẩn mà chính Xuân Diệu đã quan niệm và tuân thủ. Những đối chiếu này làm nổi bật những nét khác biệt, đổi mới của thơ Nguyễn Đình Thi. Song những đổi mới ấy lại bị Xuân Diệu xem như những hiện tượng “phạm quy”, “phạm luật” trong sự sáng tác, nên ông không thể thừa nhận.

 

Về ý kiến Thế Lữ, đoạn tường thuật ngắn của Nguyễn Huy Tưởng cho biết từ trước khi có cuộc tranh luận chiều 28/9/1949, “anh (tức Thế Lữ) đã nhiều lần tranh luận về thơ với Nguyễn Đình Thi, cãi nhau đã lắm mà chưa ngã ngũ ra sao”. Tại cuộc tranh luận, Thế Lữ phát biểu tới bốn lần. Ông xem thơ Nguyễn Đình Thi thời gian này như “là một cuộc thí nghiệm về thơ nói chung”, và tuy thừa nhận quyền thí nghiệm, ông vẫn đặt câu hỏi hoài nghi : “thơ không vần anh Thi làm nay đã là một môn phái chưa? ” Ông, giống như Xuân Diệu, cảm thấy kiểu thơ này “chung đúc quá, hà tiện lời quá”, tỏ ý tiếc cho những “câu nối” bị bỏ đi. Nhưng điều quan trọng hơn là Thế Lữ nhận thấy một nét khác : “Thơ anh Thi có dáng điệu kiêu căng, im lặng, không ghi rõ những điều mình rung động(…)Tôi ví anh Thi với người đạo sĩ nói lên những lời chỉ có những người đã tu luyện như mình mới hiểu được”. “Anh Thi chỉ để vào đấy những điều chỉ có riêng mình anh rung cảm”. “Thơ anh Thi có tính cách quý phái cao đạo”. Thế Lữ cảm thấy lo ngại vì Nguyễn Đình Thi “đã gieo rắc lối thơ của anh trong làng thơ”. Được Thanh Tịnh đồng tình (cho rằng lối thơ này có thể gây “loạn thơ”), Thế Lữ lên tiếng cảnh cáo: “Thơ anh Thi nguy hiểm, và còn là một cái nguy cơ. Các nghệ sĩ hay bám vào hình ảnh mới lạ, miễn là nó long lanh để đưa tâm hồn mình vào đấy. Đó là cái thú “vicieux”(bệnh tật) của nghệ sĩ.” Ngay sau khi hội nghị dành thời gian cho Nguyễn Đình Thi tự phê bình và tự biện hộ, trước khi Tố Hữu phát biểu kết luận, Thế Lữ còn lưu ý một lần nữa sự “nguy hiểm” nói trên và giữ lại cho mình sự hoài nghi đối với các lập luận “nội dung mới phải đi với hình thức mới” của Nguyễn Đình Thi.

 

Có thể nói, hơn hẳn một bậc so với Xuân Diệu, những nhận xét về hiện tượng thơ Nguyễn Đình Thi của Thế Lữ ở đây thực sự là những phán xét nghiệt ngã, riết róng đến mức bất công, tuy cả hai (Thế Lữ và Xuân Diệu) đều đứng trên lập trường các chuẩn mực của thơ mới 1932-45. Với phát biểu của Xuân Diệu, thơ mới 1932-45 chỉ “đánh dấu” và tỏ thái độ không chấp nhận những hiện tượng tìm tòi vượt ngoài giới hạn các chuẩn mực của mình. Với các phát biểu của Thế Lữ, thơ mới 1932-45-- mà đại diện là một trong những thủ lĩnh danh tiếng của nó, -- đã phản công quyết liệt đối với những tìm tòi ngoài giới hạn của mình. Phương tiện, căn cứ để công kích dĩ nhiên không chỉ là các chuẩn của thơ mới – giờ đây mặc nhiên đã được thừa nhận rộng rãi, -- mà còn là các phương châm đặc hữu của văn nghệ kháng chiến (ví dụ Thanh Tịnh nói đã đưa thơ không vần của Nguyễn Đình Thi cho bộ đội đọc, thấy họ không thích vì trúc trắc, đưa cho trí thức đọc họ cũng không thích…).

 

Có thể nói, tại cuộc tranh luận này, chính các chuẩn mực của thơ mới 1932-45 được công nhiên thừa nhận như một thước đo “kinh điển”. Một hiện tượng vượt ra ngoài nó, dù chỉ với một lượng tác phẩm rất ít, ở đây là thơ Nguyễn Đình Thi, bị đem ra cân đo, đương nhiên là ở vào thế bị động và bất lợi.

Quả vậy, ở phần trình bày của mình, vốn mang tính chất tự phê bình, Nguyễn Đình Thi chỉ có thể gợi ra sự cảm thông, thái độ hiểu biết đối với những tìm tòi của mình. Tuy vậy, dù vắn tắt, ông cũng nêu khá rõ một quan niệm, một chủ trương trong nghệ thuật thơ.

 

“Hình thức cũ để tả nội dung cũ. Nội dung mới, tự nó sẽ tìm đến hình thức mới” -- đó là lý lẽ, cũng là thực tiễn kinh nghiệm của bản thân : “Bài đầu tiên theo thể nàylà Đêm mit tinh (…) tôi làm nó theo hình thức thường; bốn, năm đêm liền, thấy không được. Cuối cùng, tôi quay sang một thể khác, và có bài Đêm mit tinh như các anh chị đã đọc. Sau bài ấy, tôi còn làm tiếp nhiều bài nữa”.

 

Nguyễn Đình Thi gọi kiểu thơ mà mình đang theo đuổi là “thơ tự do” mà nét cốt yếu về hình thức là câu thơ dài hay ngắn, có vần hay không vần -- đều “không quan hệ” (không quan trọng), không có chuẩn cố định. Đối với ấn tượng lạ lẫm trước “thơ không vần”, ông nói: “Có vần là một lợi khí rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ…Những bài thơ cũ, cùng một nhịp đều đều, tôi không chịu được”. Đối với ấn tượng về ý thơ không “dính”, “đầu ngô mình sở”, ông nói: “Tôi không thích những bài thơ nói ra tâm tình. Nó phải nói ra cảm xúc: cảm xúc là tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ, cảm thế nào nói thế ấy”. Ông không thích kiểu thơ kể lể tình cảm mà chủ trương “chỉ nói cái sống ra bằng những hình ảnh, thành cảm xúc”. “Thơ như thế không phải đầu ngô mình sở. Nó cũng có sợi dây nối liền những hình ảnh đó lại. Đó là một thứ dây lý luận rất khéo”.

 

Đối với ấn tượng của Thế Lữ về tính cách “quý phái cao đạo”, “kiêu căng” của kiểu thơ này, Nguyễn Đình Thi chưa chống trả được bao lăm. Chỉ có thể nhận thấy những hàm ý trả lời, ví dụ : “Rất đau thương mà không nói, đó là thái độ nội dung của tôi”, hoặc : “Khi gạt luật bên ngoài đi, phải có luật bên trong rất mạnh”.          

Tóm lại, Nguyễn Đình Thi dù vắn tắt đã nói được một quan niệm về thơ, một cách làm thơ với những nét khác biệt đáng kể so với quan niệm của Xuân Diệu, Thế Lữ, tức là quan niệm được thành tựu bởi phong trào thơ mới 1932-45.

 

Trên đây là sự trình bày tương đối chi tiết các ý kiến trong tranh luận. Điều tôi lưu ý là ở đây nét đậm nhất chính là sự va chạm, xung đột giữa chuẩn mực thơ mới 1932-45 với những tìm tòi hậu thơ mới mà Nguyễn Đình Thi thực hiện vào cuối những năm 1940, cũng tức là thời gian đầu cuộc kháng chiến 1946-54 . Cần phải nói rõ, không khí trong giới văn nghệ đi kháng chiến hồi này là một không khí rất trong sáng, các ý kiến tranh luận, dù gay gắt cũng vẫn rất vô tư. Chính vì vậy, tính xung đột về quan niệm càng thuần tuý, thuần khiết. Xin dẫn thêm câu nhận xét trong bài tường thuật của Nguyễn Huy Tưởng: “Do cái không khí rộn rã chung quanh và do cái không khí của bản thân hội nghị, phiên họp tranh luận cuối cùng này về một vấn đề vừa gay go vừa thú vị, là một buổi dốc bầu tâm sự thể hiện trong những câu đối đáp khi kịch liệt khi nồng nàn.”

Nói rằng những tìm tòi về thơ của Nguyễn Đình Thi va chạm với các chuẩn mực của thơ mới 1932-45, cần phải cụ thể hoá hơn: đó là chuẩn thơ mới của tuyến mà tôi tạm gọi là tuyến “từ Thế Lữ đến Xuân Diệu”.

 

Thơ mới 1932-45 là một phong trào rộng lớn và không thuần nhất. Với thời gian, người ta thấy rõ tuyến từ Thế Lữ đến Xuân Diệu không phải tuyến đạt đến thành tựu cao nhất (ví dụ so với “trường thơ loạn” mà tiêu biểu là Hàn Mặc Tử), nhưng lại là tuyến mà thành tựu được phổ cập nhất, và đương thời đây cũng là tuyến thanh thế nhất. Với tuyến này, thơ mới thoát khỏi cái khuôn của những thể thơ cách luật đã có trong truyền thống thơ tiếng Việt, nhưng các thể thơ do nó tạo ra vẫn là một thứ “cách luật” nới rộng (tiêu biểu là thể câu thơ 8 chữ); các yêu cầu về vần, về liên hệ cú pháp-ngữ nghĩa vẫn được xem trọng. Những yêu cầu về nội dung và hình thức mà Xuân Diệu nêu lên trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi ở Việt Bắc năm 1949, vẫn chủ yếu là sự diễn đạt những chuẩn mực của thơ mới 1932-45 ở tuyến của ông. Sự đồng tình của số đông người dự thảo luận với các ý kiến của Xuân Diệu, Thế Lữ chỉ cho thấy mức độ phổ cập, cũng là mức độ bị quy phạm hoá, trở thành hình thức được thừa nhận chung, - của các tìm tòi và thành tựu của thơ mới 1932-45 thuộc tuyến từ Thế Lữ đến Xuân Diệu.

Những tìm tòi về thơ hồi 1948-49 của Nguyễn Đình Thi thực tế là vấp phải những chuẩn mực đã trở thành quy phạm ấy. Đó là những quy phạm tuy mềm mại, linh hoạt nhưng vẫn là những giới hạn không dễ vượt qua mà không hứng chịu phản ứng bất bình, thậm chí cho đến tận những năm 1980-1990 này.

                                                                                                                           03/6/1995

-----------------

(1) Các bài tường thuật Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc thường do Nguyễn Huy Tưởng hoặc Xuân Diệu thực hiện. Về buổi tranh luận thơ Nguyễn Đình Thi, bài tường thuật không ghi rõ ai viết, nhưng có lẽ là Xuân Diệu viết; một dấu hiệu tỏ rõ điều đó là đoạn ghi ý kiến Xuân Thuỷ, chỗ bàn về vần hay không vần từ thơ cổ phong sang Đường luật, bài ghi có đánh chú thích (1) đưa xuống cuối trang nêu một nhận xét ngược lại ( khẳng định Kinh Thi, “ca dao Tàu”, Sở từ, cổ phong đều có vần), dưới chú thích này ký X.D..

Nguyễn Huy Tưởng cũng có một đoạn tường thuật ngắn cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi, đoạn này nằm trong bài tường thuật chung của ông về Hội nghị tranh luận.

(2) Xem trong cuốn: Sưu tập Văn nghệ 1948-1954, tập 2: 1949, Hữu Nhuận sưu tầm, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1999, tr. 633-646.

                                                                                                                       
         

 

PHU LUC : Các bài thơ không vần của Nguyễn Đình Thi là đối tượng tranh luận

 

Không nói

 

Dừng chân trong mưa bay

Ướt đầm mái tóc

Em em nhìn đi đâu

 

Môi em đôi mắt

Còn ốm đây (*)

Nhìn em nữa

Phút giây

 

Chiều mờ gió hút

Bắt tay

Đồng chí

Em

Bóng nhỏ

Đường lầy

-------

(*) Lưu ý : Trong bản đăng Văn nghệ (số 6 / 1948 ), hai dòng thơ thứ 4 và 5 là : “ Môi em đôi mắt / Còn ốm đây “, từ giữa dòng thơ thứ  5 là “ ốm “ (chữ ô có dấu sắc); nhưng sau này các bản in lại hoặc trích dẫn đều thường có dạng “ôm” (chữ ô không có dấu sắc); không rõ bản đăng báo lần đầu in sai hay các bản về sau là dị bản? (chú thích của người biên tập Sưu tập VĂN NGHệ 1948-54, tập 1: 1948 , tr. 377.)

 

 

Sáng mát trong như sáng năm xưa…

 

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

 

Gió thổi mùa thu vào Hà Nội

Phố dài xao xác heo may

Nắng soi ngõ vắng

Thềm cũ lối ra đi

Lá rụng đầy

 

Ôi nắng dội chan hoà

Nao nao trời biếc

Gió đượm hương đồng rộng

Hương rừng chiến khu

Tháp Rùa lim dim nhìn nắng

Những cánh chim non

Trông vời nghìn nẻo

Mây trắng nổi tơi bời

Mấy đứa giết người

Hung hăng một buổi

Tháng Tám về rồi đây

Hôm nay nghìn năm gió thổi

Trời muôn xưa

Đàn con hè phố

Môi hớn hở

Ngày hẹn đến rồi

Các anh ngậm cười bãi núi ven sông

Hà Nội

Ơi núi rừng

 

 

Đường núi

 

Chiều nhạt nhạt về nơi nào xa lắm

Ngây ngất sương mây

Lối mòn không dấu chân

Gió nổi

Ta nghe ta hát một mình

 

Ôi cánh đồng

Chiều nay rung rinh lúa ngả

Giải lụa đào bay múa

Tiếng hát ai lênh đênh

Bờ tre xôn xao ánh lửa

Bếp hồng trang giấy trắng khuya

Mịt mùng súng vẳng

Một mảnh trăng

                        dốc ngả chập chùng

 

Bước chân bóng động nghiêng bờ núi

 

Nguồn : Văn nghệ, s. 6, tháng Mười, tháng Mười Một 1948

Theo sách : Sưu tập Văn nghệ 1948-1954 (56 số tạp chí Văn nghễ xuất bản trong kháng chiến tại Việt Bắc),  tập 1: 1948 / Hữu Nhuận sưu tầm/ Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1998, tr. 377-379.

 

 

 

Đêm mít-tinh

 

Muôn ngàn đêm hẹn nhau họp đêm nay

Yên lặng nép ngồi

 

Tia vàng vút bay

Tung lên hoa lửa

Lên lên mãi

Một vầng sao ngời muôn vầng sao

Bụi ngọc ngập trời

Rơi rơi trên đầu trên cổ

Trên ngón tay

Triệu triệu sao

Rừng Việt Bắc

 

Trời sao đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

 

Những xóm đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

 

Ngàn sao phơi phới đang bay

Dạt dào mắt không thấy nữa

Dưới kia Hà Nội nhìn lên

Phố phường nín thở

Những lề đường mòn cũ

Lành lạnh mưa phùn

Hà Nội

Một mình buồn xé ruột

Ngày ngày thức dậy

Quay mặt đi đâu ngày hôm nay

Gió mùa đông trong lá chưa đi

Còn đến bao giờ bao giờ

Đêm nay trời sao trắng bạch

Cháy trùm đất nước

 

Đêm loè sáng

Đi lên đi lên

Ta lớn ta khoẻ

Súng ta rợp đồng

Ngàn sao chào múa

Trời nắng bỏng

Bao nhiêu tường chói loá

Những lùm cây cháy cả lên

Rừng Phan Lương dữ dội reo hò

Đỏ đỏ trôi đường phố

 

Hà Nội phố hè ngực đập thình thình

Tiếng hát reo cười cuốn trào nước mắt

 

Sao ơi núi rừng ơi nức nở

 

 Văn nghệ, s. 8&9, số Mùa Xuân 1949

Theo sách : Sưu tập Văn nghệ 1948-1954 (56 số tạp chí Văn nghệ xuất bản trong kháng chiến tại Việt Bắc), tập 2: 1949, tr.30-31.

 

 

 

٠ Bài viết này là tham luận tại hội thảo về “Tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi ở Việt Bắc 1949” do Trường Viết Văn Nguyễn Du tổ chức, Hà Nội, tháng 6/1995;

٠ Đã đăng Văn hoá văn nghệ công an, số 6 (tháng 11&12/1995)

Đăng lại : Thơ [tạp chí sáng tác, lý luận, phê bình và thông tin về thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam] , Hà Nội, s. 2 (tháng 4&5/2006), tr. 20-29.