ĐÔNG HỒ BÀN VỀ QUỐC VĂN

                                                                                             

                                                                                                 

 

Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969) thường được biết đến như một nhà thơ và một tác gia địa phương học về vùng đất Cực Nam nước ta. Trong di sản sách báo của Đông Hồ (mà có lẽ vẫn chưa được thống kê sưu tầm đầy đủ) hình như chưa ai nhắc đến loạt tiểu luận khá gây ấn tượng của ông, đăng báo 1927, bàn về quốc văn. Tôi không thông hiểu nhiều về tác gia Đông Hồ, chỉ xin tự giới hạn ở việc giới thiệu mấy bài tiểu luận còn ít người biết này của ông mà thôi.

 

Như nguồn tài liệu tôi biết, loạt này gồm 2 bài báo lớn. Một là bài Học quốc ngữ đăng 2 kỳ Đông Pháp thời báo, xuất bản tại Sài Gòn tháng 8-1927. Hai là bài Quốc văn Nam Việt đăng 9 kỳ cũng trên tờ báo này  trong tháng 9-1927.

 

Loạt bài này của Đông Hồ cho thấy ông đã góp tiếng nói khá sớm vào luồng suy nghĩ chung của giới sĩ phu người Việt đương thời về việc lựa chọn, trong những điều kiện khả thể, một đường lối ngôn ngữ cho cộng đồng dân tộc khi ấy đang bước vào thời hiện đại.

 

Từ nửa sau thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX ở xã hội Việt Nam hiện diện 3 ngôn ngữ với viễn cảnh rất khác nhau:

 

1- Chữ Hán vốn chỉ tồn tại ở dạng chữ viết chứ không sống trong dạng lời nói (không phải là sinh ngữ đối với cư dân Việt), chỉ thông dụng ở giới nho sĩ và giới quan lại của chính quyền; thế nhưng chính thứ văn tự vay mượn từ quá lâu đời này lại gói theo một dung lượng ký ức văn hoá lịch sử đáng kể của dân tộc do nó đã trải qua ngót một ngàn năm được sử dụng bởi bộ phận ưu tú của cộng đồng.

 

2- Tiếng Pháp chữ Pháp bắt đầu được phổ biến nhưng mới chỉ kịp chứng tỏ là phương tiện kiếm sống cho một bộ phận nhỏ cư dân (bộ phận viên chức) chứ chưa cho thấy nó là cửa mở vào một nguồn tri thức mới và một nền văn hoá lớn mà cộng đồng dân tộc này chưa từng biết.

 

3- Tiếng Việt, với tư cách là tiếng mẹ đẻ, phổ thông trong toàn cộng đồng dân tộc ở dạng lời nói, nhưng cả 2 dạng văn tự ứng với nó đều đang có vấn đề: chữ Nôm quá phụ thuộc chữ Hán, lại chưa hề được chuẩn hoá để có thể thông dụng trong số đông công chúng thất học; chữ Quốc ngữ (tiếng Việt ghi bằng các ký tự của chữ latin) từ phạm vi sử dụng hẹp (bộ phận hiểu biết của cộng đồng theo đạo Kitô) đang được phổ biến rộng ra, đang tự chứng tỏ là thứ chữ viết dễ sử dụng; nhưng việc chuyển sang dùng hệ văn tự xa lạ với truyền thống này cũng ngấm ngầm chứa đựng nguy cơ đánh mất một phần ký ức văn hoá lịch sử vốn gắn với văn tự Hán Nôm mà các thế hệ trước từng sử dụng.

 

Chính sách ngôn ngữ của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam có một điểm nhất quán là loại bỏ quy chế chính thức của chữ Hán; nhưng trong việc lựa chọn cái thay thế, họ đã chuyển từ ý chí ban đầu phổ biến và độc tôn chữ Pháp tiếng Pháp sang phương án mềm dẻo: kết hợp sử dụng tiếng Pháp với tiếng Việt, chữ Pháp với chữ Quốc ngữ. Nền học Pháp-Việt (sản phẩm của phương án mềm dẻo nói trên) trở thành cơ sở của hệ thống nhà trường phổ thông ở xã hội thuộc địa.

 

Đầu thế kỷ XX ở Việt Nam có hiện tượng lý thú: hai phía đối lập nhau (phía chính quyền thực dân và phía sĩ phu yêu nước chống Pháp) rốt cuộc lại đồng thuận nhau ở chủ trương phổ cập chữ Quốc ngữ vào dân chúng.

 

Giới sĩ phu người Việt, do từng gắn bó với Nho giáo và Hán học, đã phải trải qua không ít vật vã trong nhận thức để có thể thừa nhận hệ chữ latin phiên âm tiếng Việt là chữ Quốc ngữ của cộng đồng mình. Nếu một vài thế hệ đàn anh bận tâm vì nguồn gốc Âu Tây của dạng chữ viết mới này của tiếng Việt, vì sự gần gũi của chữ viết này với kẻ thực dân đang cai trị đất mình, v.v…thì Đông Hồ, có lẽ do chỗ là thuộc lớp thức giả trẻ hơn, đã xem trọng khía cạnh này: cái mà giờ đây ghi bằng thứ chữ viết mới ấy chính là tiếng mẹ đẻ của người Việt, do vậy việc học thứ chữ viết mới này chính là học tiếng mẹ đẻ. Ông viện đến uy tín của thi hào Ấn Độ R. Tagore trong câu nói mà ông trích dịch làm đề từ cho bài viết của mình: “Có nhờ học tiếng nước nhà thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”. Nói như ngày nay, dùng chữ quốc ngữ và tiếng Việt làm công cụ chính thức trong giáo dục thì mới giúp phát triển được tư duy của các thế hệ người Việt. Đông Hồ còn trích một câu nữa làm đề từ bài viết thứ hai trên đề tài này của ông, − lời nhà văn Pháp Alphonse Daudet: “Khi một dân tộc đã mắc vào vòng nô lệ mà còn khéo giữ được tiếng nước nhà thì cũng như còn giữ được cái chìa khoá để mở cửa ngục giam mình”. Tinh thần dân tộc hoặc, như người ta thường nói, lòng yêu nước, không nghi ngờ gì nữa, vẫn là thuộc tính hữu cơ của việc cổ động học quốc ngữ.

 

Cái tình thế chính trị đương thời mà giới sĩ phu mô tả dứt khoát là tình thế “nước mất nhà tan”, “vua là tượng gỗ dân là thân trâu” khiến tư tưởng trung quân truyền thống của họ lâm vào khủng hoảng, phá sản. Ý niệm “nước” bị tách khỏi ngôi vua (trên thực tế), trở thành một thực thể chơi vơi. Một loạt chí sĩ tìm cách gắn “nước” với “dân”, xây dựng ý niệm về người “quốc dân”. Các nhân sĩ có xu hướng duy tân cải lương thì dần dần chuyển sự chú ý sang các quan hệ dân sự và con người công dân tuy chưa thật ý thức rõ điều đó cả về lý lẽ lẫn chữ dùng. Trong việc vận động dùng chữ quốc ngữ, Đông Hồ gắn “dân tộc” với “tiếng nói”, gắn “nước” với chữ ghi tiếng nói dân tộc.

 

“Phàm một dân tộc nào đều có riêng một tiếng nói, đã có riêng một tiếng nói tất có riêng một thứ chữ. Chữ của nước nào là quốc ngữ của nước ấy. Người trong một nước mà không thông chữ của một nước, là không đủ tư cách làm người dân trong nước ấy.” (Học quốc ngữ)

 

Đông Hồ không phản đối việc học các thứ tiếng nước ngoài, nhưng phản đối những ai toan biến tiếng Pháp chữ Pháp thành quốc ngữ cho mọi người Việt trên đất Việt; ông coi đó là “một lẽ đại nghịch với lẽ tự nhiên”. Theo ông, trải một ngàn năm học chữ Hán tiếp nhận văn hoá Hán mà 25 triệu người Việt đã không đổi thành 25 triệu người Tàu được, thì cũng không thể bằng phổ cập chữ Pháp tiếng Pháp để biến 25 triệu người Việt thành người Pháp được. Đông Hồ nhận ra có một hàm lượng dân tộc tính đáng kể chứa đựng trong ngôn ngữ dân tộc.

 

“Đã nói rằng phàm dân tộc nào đều có riêng một thứ tiếng, có riêng một thứ chữ, thì mỗi thứ chữ đều có một cái tinh thần riêng, không bao giờ lầm lộn nhau được […] Cái tinh thần ấy là cái tinh thần của giang san nòi giống từ mấy muôn đời chung đúc mà thành, thì chữ và người bao giờ cũng có một mối vô hình ràng buộc lẫn nhau tới không thể bỏ nhau được. Nên người một nước bỏ chữ nước mình mà lấy chữ một nước khác làm quốc ngữ, là một lẽ đại nghịch với lẽ tự nhiên của trời đất không bao giờ có, nếu dân nào làm trái với lẽ đó là dân đó đã đến ngày tự buộc mình vào vòng vô tri thức để tiêu diệt lấy mình, vì tiếng là nước, tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước mất, mà mất đó mới thật là mất hẳn không sao vãn hồi được nữa” (Học quốc ngữ)

 

Tương tự quan niệm tổ quốc, đất nước của sĩ phu đương thời, Đông Hồ cũng hình dung nước như một thực thể hữu linh, do vậy mà có ý niệm quốc hồn (hồn nước). Chỗ độc đáo và mới mẻ (mới mẻ so với lớp sĩ phu đàn anh vốn gắn với chữ Hán và coi Nho giáo như quốc giáo) của Đông Hồ là ông lấy tiếng nói riêng của dân tộc (quốc âm) làm nét đặc trưng, tiêu biểu cho hồn nước, từ đó nêu lên một dãy ý niệm tương liên: quốc hồn, quốc âm, quốc ngữ, quốc văn, quốc vận.

Xin đọc cả đoạn dài để thấy cả tinh thần lẫn lời văn trong nghị luận của nhà thơ Đông Hồ:

“Cổ kim đông tây đều thường nói nước sống được là nhờ ở quốc hồn. Nhưng quốc hồn là một khối hồn nhiên một mối siêu hình chỉ lấy trí từng người mà tưởng tượng thì cũng còn mơ màng phảng phất quá, không lấy gì làm bằng cớ nhứt định được. Tất cũng phải có một cái gì làm tiêu biểu rõ ràng, bằng cớ hiển nhiên cho cuộc sinh hoạt của một dân tộc một quốc gia mới được. Muốn biểu lộ cái quốc hồn ấy cho rõ ràng đích đáng thì chỉ có lấy quốc âm mà thôi. Quốc âm tức là cái tiếng nói riêng của một giống dân, hình như ông Tạo Vật đã uốn đầu lưỡi mà khảy lên cái tiếng thiên nhiên kia, trong trí nghĩ được thế nào là tự nhiên buột miệng nói lên thế ấy, khỏi phải tập luyện sửa sang gì cả […] Nhưng tiếng nói chỉ thoảng qua là hết. Nay muốn giữ lại tiếng nói ấy thì tất phải có một thứ chữ để ghi chép lại. Chữ ấy tức là quốc văn vậy. Chữ của một nước nào là quốc văn của nước ấy, từ những câu ca dao thật thà ở chốn thôn quê mộc mạc cho đến lời văn thơ chải chuốt ở chỗ thi xã văn đàn đều là quốc văn cả. Quốc hồn biểu lộ ra được là ở đó. Quốc văn mà được phong phú tốt đẹp thì quốc hồn mới được tươi tỉnh sáng suốt, quốc vận mới nhơn đó mà được vẻ vang rực rỡ.” (Quốc văn Nam Việt)

 

Sau khi gắng sức chứng minh rằng “quốc vận” (vận nước), “quốc hồn”(hồn nước) tuỳ thuộc “quốc văn”, “quốc ngữ” (tiếng nói và chữ viết của nước mình) như trên, Đông Hồ trở lại khẳng định “nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân trong nước” là học chữ quốc ngữ và góp phần bồi luyện quốc văn.

 

“Nay muốn cầu cho quốc vận được vẻ vang rực rỡ thì tất phải giữ cho quốc hồn được tươi tỉnh sáng suốt, mà muốn giữ cho quốc hồn được tươi tỉnh sáng suốt là phải bồi luyện cho quốc văn được phong phú tốt đẹp. Thế thì nghĩa vụ trách nhiệm của người dân trong nước là phải học tập lấy chữ quốc ngữ mình để bồi đắp cho nước nhà có một nền quốc văn cho thật xứng đáng vững vàng. Nước sống được là ở đó.” (Quốc văn Nam Việt)

 

Khái niệm “quốc văn” trong cách hiểu của Đông Hồ cũng như của phần đông nhân sĩ trí thức những năm 1920-40, bao gồm tất cả những sáng tác và trứ thuật bằng tiếng Việt, trước kia được ghi bằng chữ Nôm và từ nay, theo ông, nên được ghi bằng chữ Quốc ngữ. Đông Hồ ghi nhận “quốc văn mới bắt đầu phôi thai từ đời Trần” qua đến thế kỷ XV-XVI với thơ Nôm cung đình thời Hồng Đức, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, văn sách Lê Quý Đôn, các khúc ngâm Chinh phụ, Cung oán…

           

“Nhưng đó chỉ là những bài thơ ca ngâm khúc ngăn ngắn chưa đủ làm tài liệu mô  phạm cho một nền quốc văn cho xứng đáng được.”

 

Đến Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du ở thế kỷ XIX, “thiên văn chương tuyệt bút”,

           

“ngót ba ngàn rưỡi câu thơ lục bát phát biểu diễn xuất được hết cái tinh hoa của non sông nòi giống, để chứng nhận rằng tiếng Việt Nam không phải là nghèo hèn thiếu thốn gì, nói ra cũng vẫn được thanh thoát nhẹ nhàng, tả mạc bức tranh tính tình người ta cũng rất thanh tao êm ái…Thế là từ ấy tiếng Việt Nam mới có cái cơ sở vững vàng, kẻ sau nầy học tập quốc ngữ mới có chỗ làm nền nếp mẫu mực chắc chắn mà noi theo…Như thế thì quốc văn ta phát đạt mới từ hơn một trăm năm nay…”

“Nhưng nếu chúng ta nay nhân đã sẵn cái nề nếp ấy mà tu bổ lại cho hoàn toàn thêm, phát huy cho tăng tiến lên trong vài ba trăm năm nữa, quốc văn Việt Nam sao lại không đến được thời đại toàn thạnh?” (Quốc văn Nam Việt)

 

Cái đích mà Đông Hồ muốn nhắm tới là một nền quốc văn thịnh đạt, và chữ quốc ngữ, theo ông sẽ là phương tiện cần thiết cho sự xây dựng ấy. Điều ông quan tâm đó còn là hơi cao xa, vả lại cũng chỉ có thể được chia sẻ bởi một số ít người thuộc giới văn nhân học sĩ như ông. Việc can hệ đến toàn xã hội đến tương lai dân tộc đáng để toan tính trước mắt là làm sao nâng vị trí chữ quốc ngữ trong đời sống, trước hết là  có được một vị trí nhất định trong nền giáo dục phổ thông. Đông Hồ đã nhận ra điều này. Ông nhắc đến một kinh nghiệm nước ngoài mà dư luận thời ấy cũng đã biết đến và thường nhắc nhở: nước Mỹ sớm văn minh vì biết coi trọng giáo dục phổ thông…

 

“…Xem thế thì muốn cho nước giàu dân mạnh cũng phải lấy cái phổ thông làm gốc, mà như nước Nam hiện nay lại càng cần có cái giáo dục phổ thông lắm nữa. Vì đám bình dân ở chốn thôn quê, trong chỗ tre gai đất bùn kia nếu còn ngây ngô ngơ ngác, say say mê mê, dầu có người tri thức cao siêu tài giỏi như thần thánh đi nữa cũng không mong vận động được việc gì, mà cũng đành khoanh tay thôi!

Nay lấy chữ quốc ngữ làm món sơ học phổ thông cho người mình là tài bồi trí đức cho bọn bình dân Nam Việt, gây cho có một cái cơ sở vững vàng, khiến cho bất cứ người nào cũng đều có cái đạo đức giản đan, có tri thức thông thường, đều tiệm [= tạm? ] biết được các sự vật, các tình hình trong hoàn cảnh của mình trong cuộc đời, cho biết chỗ mà trông biết lối mà theo, hành vi sanh hoạt cho phải đường cho khỏi quay cuồng xuẩn động. Cái học phổ thông ấy là cái nguồn gốc cho nhân tính nhân cách, là cái nề nếp cho sự nghiệp văn minh của một nước, thì nước ta không sao không có được.” (Quốc văn Nam Việt)

   

Khi Đông Hồ viết những bài báo này thì nền báo chí tiếng Việt (bằng chữ Quốc ngữ) ở Nam Kỳ đã có độ dài dăm sáu chục năm tồn tại và phát triển; tại miền Nam và miền Bắc, mỗi nơi đã có vài chục tờ nhật báo chữ Quốc ngữ (tiếng Việt), số lượng phát hành của những tờ được đọc nhiềt nhất lên đến gần chục ngàn bản mỗi số (1) …; như thế tức là trong xã hội đã có một cộng đồng sử dụng chữ quốc ngữ khá đông đảo. Trong khi ấy, ở hệ thống nhà trường phổ thông đương thời, vị trí chữ quốc ngữ còn rất hạn hẹp. Sau nhiều vận động, đề đạt của dư luận báo chí, từ 18-9-1924 Nha Học chính Đông Pháp mới sửa đổi học quy, cho lấy chữ quốc ngữ dạy ở ba lớp dưới của bậc tiểu học; còn các lớp và cấp học khác vẫn dùng tiếng Pháp như cũ. Giới nhân sĩ giàu tinh thần dân tộc tất nhiên chưa thể thoả mãn với những sửa đổi ấy; họ tiếp tục vận động đưa chữ quốc ngữ vào nhà trường ở các lớp và cấp học cao hơn. Đối tượng vận động của họ không chỉ là các quan chức của chính quyền thực dân và các quan chức người Việt trong bộ máy cai trị; họ còn phải đương đầu với một bộ phận không ít phụ huynh học sinh vốn có những tính toán riêng về lợi ích và tương lai con cái. Những người này tính rằng cho con cái học tiếng Pháp chừng trên chục năm rồi đi làm thông ngôn ký lục…kiếm mỗi tháng ngót trăm bạc lương, − là thiết thực hơn so với việc đeo đuổi chữ “mẹ đẻ” vốn không hứa hẹn lợi ích gì đáng kể. Theo chiều hướng tính toán đó, việc chữ quốc ngữ được đưa vào dạy ở một số lớp ở cấp tiểu học phổ thông chẳng những không khiến họ vui, ngược lại, khiến họ lo lắng. Một thái độ và tâm trạng phản đối việc đưa chữ quốc ngữ vào nhà trường đã hình thành ngay trong công chúng người Việt với những lý do là: tiếng Việt nghèo vốn từ, phạm vi sử dụng hẹp, khó diễn tả các kiến thức cơ xảo kỹ nghệ mới từ phương Tây đưa tới…, tóm lại học tiếng Việt không lợi bằng học tiếng Pháp, đưa tiếng Việt vào nhà trường càng với liều lượng nhiều bao nhiêu lại càng làm mất thời giờ học tiếng Pháp của học sinh bấy nhiêu…

 

Trong hai bài viết dài này Đông Hồ đã phải vật lộn khá căng thẳng với những tính toán tương tự, −  những tính toán mà trong số đó không phải không có những điều hữu lý. Có chỗ Đông Hồ phải thừa nhận sự toan tính đó về ý nghĩa thực tiễn rồi nhân đó thuyết phục người ta lưu ý đến chữ quốc ngữ trong hoài bão cao xa:

           

“Đã đành rằng người ta không thể nhịn đói mà bàn triết lý giảng đạo đức được, nhưng ngoài cái kế mưu sinh nhỏ hẹp thường ngày cũng phải hoài bão một cái chí hướng gì cao thượng, gây dựng một cái sự nghiệp gì bất hủ về sau này chớ đời người ta sống có phải chỉ khu khu trong vòng y thực đâu?”

 

Lý lẽ này nếu có thể đi vào đầu óc giới học thức thì lại hoàn toàn không thể thuyết phục công chúng bình dân, ngay người bình dân đô thị.

Có lẽ chính Đông Hồ còn chưa thấy rõ sức sống mạnh mẽ thực sự của tiếng Việt và chữ quốc ngữ ngay trong đời sống dân sự đương thời; và trong việc tham gia “tài bồi quốc văn” bằng mở trường dạy chữ quốc ngữ, Đông Hồ cũng đã phạm những sai lầm nhất định về quan niệm và phương hướng đến nỗi mấy lần phải đóng cửa trường, − những sai lầm mà chỉ những người sắc sảo như Phan Khôi mới có thể nhận thấy và chỉ ra. (2)

Tuy vậy cũng có những chỗ Đông Hồ đã tìm được những lý lẽ xác đáng, chẳng hạn cho rằng tình trạng nghèo hay giàu (về vốn từ, về khả năng biểu đạt…) của ngôn ngữ có sự tuỳ thuộc nhất định vào trình độ phát triển về xã hội, vào địa vị chính trị của quốc gia dân tộc:

“Thiếu kém hay giàu đủ, đó là do tư tưởng tri thức của người ta thấp hẹp hay cao rộng chớ nào phải tại chữ.”

“Chữ Việt Nam sở dĩ chưa có thế lực lan rộng ra ngoài thế giới là bởi nước Việt Nam chưa có thế lực, quốc dân Việt Nam chưa có thế lực đó thôi.”(Quốc văn Nam Việt)

 

Đông Hồ cũng hoàn toàn có lý khi dứt khoát bác bỏ luồng ý kiến cho rằng có thể gác tiếng Việt lại để gây dựng Pháp văn thành quốc văn cho Việt Nam. Ông hình tượng hoá bằng cách ví đề xuất đó với chuyện người ta bỏ ngôi nhà tranh tre cha mẹ để lại cho mình để đi ở nhờ toà lâu đài đã có chủ, may lắm được một bên chái một góc hè. Đó là chuyện “nếu người còn biết nghĩ một chút thì còn ai dám công nhận được”.

 

Đông Hồ coi ý kiến của mình trong hai bài báo nói ở đây là “mấy lời trung cáo với quốc dân” trong đó cốt khẳng định “việc học quốc ngữ […] là việc ích lợi cho tôn bang tổ quốc, ích lợi cho cả một nòi giống”… “Sanh ra làm kiếp người Việt Nam ngày nay, trách nhiệm lớn lao, nghĩa vụ nặng nề như thế, ta há có dám không đương chịu?”

Đây cũng là ý thức của Đông Hồ về trách nhiệm kẻ sĩ trước lẽ tồn vong và phát triển của ngôn ngữ dân tộc, của nền quốc văn Việt Nam.

 

Tháng 2/2003

(sửa và bổ sung, tháng 8/2006)

                                                                                                                    

-----------------

(1) Một thống kê cho biết, năm 1929 khắp 3 kỳ Việt Nam có 153 tờ báo, trong đó 37 tờ báo tiếng Việt (Bắc Kỳ 14 tờ, Nam Kỳ 27 tờ, Trung Kỳ 6 tờ) ( theo Huỳnh Văn Tòng: Báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến 1945, Tp. HCM, 2000, tr.180).

 (2) Giữa năm 1931, nhân đọc thấy một bài trên tạp chí Nam phong nói việc Trí đức học xá (ở Hà Tiên, do Đông Hồ chủ trương) đóng cửa lần thứ ba, tác giả bài báo ấy lấy đó làm buồn vì “quốc ngữ không phải món đắc dụng”, Phan Khôi, dưới bút danh Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy trên nhật báo Trung lập, nêu một nhận định khác: “Ngày nay quốc văn tuy chưa thông hành cho lắm chớ cũng đã đứng lên cái địa vị kha khá rồi”; “về sự mưu lợi thì bọn viết báo, soạn tuồng cải lương, viết và dịch tiểu thuyết,… đều là hạng sống về chữ quốc ngữ”... Ông cho rằng “chỉ sợ các ông chủ trương Trí đức học xá “bấy lâu nay dạy cái gì chớ không phải văn chương quốc ngữ”; qua một vài ví dụ, Phan Khôi kết luận: “nếu các ông đổ cả đống Hán văn vào trong Quốc ngữ thì tôi là anh học sinh Trí đức học xá là tôi cũng phải ôm sách bỏ ra về”, “các ông dạy cái gì đâu chớ nào có phải là văn Quốc ngữ?” (Trung lập, 7/10/1931).