TÌM THẤY LẠI BẢN IN LẦN ĐẦU (1937)

TIỂU THUYẾT GIÔNG TỐ CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG

                                                                                                      

 

Đây là một tin vui, một tin rất vui, trước hết là với những ai quan tâm đến lịch sử văn chương hiện đại Việt Nam, nhất là các chuyên gia về văn học 1930-45, trong số đó có các nhà “Phụng học”. Là vì ít ra suốt dăm chục năm nay, những chuyên gia về Vũ Trọng Phụng hầu như đều buộc phải nghĩ rằng bản in thành sách lần đầu của tiểu thuyết Giông tố đã không còn, đã tuyệt bản!

 

Cách nay dăm năm, một số người có quan tâm đã tính đến việc đăng rao vặt lên báo để tìm xem trong dân gian ai còn giữ được bản sách ấy, song nghĩ đây là việc ít gây được chú ý, ít tác dụng nên lại thôi.

 

Khoảng hơn một tháng trước đây, trước lúc đi dự hội nghị phê bình văn học ở Đồ Sơn, tôi nhận được e-mail của một bạn trong Câu lạc bộ những người yêu sách cũ ở Tp. HCM là Hoàng Minh; bạn Minh cho tôi biết bạn đang sở hữu một văn bản mà tôi tưởng đã tuyệt bản, luôn thể bạn giới thiệu hoạt động của Câu lạc bộ những người yêu sách cũ mà bạn là thành viên. Tôi bèn đề nghị Câu lạc bộ của bạn tìm một số bản sách Việt được coi là đã mất, ví dụ tập Gái quê in 1936 của Hàn Mặc Tử, hoặc tiểu thuyết Giông tố in thành sách lần đầu 1937 bởi Nhà xuất bản Văn Thanh ở Hà Nội.

 

Thật là mừng khi bạn Minh trả lời rằng trong hai cuốn tôi nêu ra đó thì có một bản Giông tố in 1937 đang thuộc sở hữu của linh mục Nguyễn Hữu Triết, thành viên Câu lạc bộ những người yêu sách cũ ở Tp. HCM. Được linh mục Triết đồng ý, bạn Minh đã chụp ảnh cuốn sách quý hiếm này gửi cho tôi.

 

Vậy là sau nhiều khắc khoải tìm kiếm, nay đã có thể nói chắc rằng: bản in sách lần đầu của tiểu thuyết Giông tố nay vẫn còn! Quả là một tin vui, một tin rất   vui!

 

Xin nhắc lại rằng tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng ban đầu xuất hiện dưới dạng truyện đăng nhiều kỳ trên tuần san Hà Nội báo từ số 1(1/1/1936); sau 11 kỳ, toà soạn thông báo chấm dứt đăng tải tác phẩm này, khi đó mới hết chương 10. Hai tháng sau, từ số 18, tác phẩm này của Vũ Trọng Phụng lại được Hà Nội báo lặng lẽ đăng tiếp từ số 18 (6/5/1936) với nhan đề mới Thị Mịch, lần này tác phẩm đăng liên tục đến hết ở số 39 (30/9/1936).

 

Đầu năm 1937, tác phẩm này lần đầu tiên được in thành sách riêng bởi Nhà xuất bản Văn Thanh.

 

Các soạn giả sách Lược truyện các tác gia Việt Nam (tập II, Hà Nội,1972, Nxb. KHXH) mô tả: bản Giông tố in sách lần đầu này in tại nhà in Tân Dân, khổ sách 13x20cm, dày 340 trang; các soạn giả còn ghi số ký hiệu ở Thư viện quốc gia của cuốn này là P.13713. Thế nhưng từ đầu những năm 1960, hầu như không độc giả nào đến Thư viện quốc gia  còn mượn được thấy được bản in Giông tố của nhà sách Văn Thanh ấy nữa.

 

Để đọc tác phẩm này, hồi ấy người ta phải tìm bản in năm 1951 của nhà sách Mai Lĩnh hoặc bản in năm 1956 của Nhà xuất bản Văn Nghệ. Ở miền Nam thì từ 1954 đến 1975 hình như không ai in lại Giông tố (có lẽ vì không xin được bản quyền từ gia đình tác giả ở ngoài Bắc). Vì vậy cho đến trước năm 1987, tác phẩm này và nhiều tác phẩm khác của cùng tác giả đều rất hiếm, hầu như không có, ngay ở những thư viện lớn.

 

Từ 1987, Giông tố và các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng được tái bản nhiều lần với số lượng lớn, song ít ai để ý rằng các bản Giông tố đang khá sẵn tại các quầy sách hiệu sách hiện nay đều lấy nguồn văn bản từ một bản thứ sinh nào đó. Ta nên biết rằng các bên liên kết in sách hiện nay thường không cẩn trọng mấy về văn bản tác phẩm đưa in.  Sẽ may cho người đọc nếu mua được cuốn Giông tố in theo sát bản của Nhà sách Mai Lĩnh 1951 hoặc bản của Nhà xuất bản Văn Nghệ 1956 tuy không ai dám chắc hai bản này không có khác biệt gì so với Giông tố hồi đăng Hà Nội báo 1936 hoặc in sách bởi nhà Văn Thanh 1937. Một điều nữa cũng ít ai biết là Giông tố thuộc vào số không nhiều những tác phẩm văn học hiện đại có nhiều dị bản đáng kể nhất xét về văn bản tác phẩm: bản đăng báo không giống bản in sách, bản in sách về sau không giống bản in đầu. Những chuyện này cần được giải quyết bằng những nghiên cứu khảo chứng về văn bản học, − công việc tưởng chừng chỉ cần cho các tác phẩm Hán Nôm. Nhưng để có thể thực hiện các công việc văn bản học đó, trước tiên phải tìm ra, phải có được trong tay văn bản của các lần in đó, nhất là lần đăng báo đầu tiên và lần in sách đầu tiên.

 

Chính vì thế, tôi cho rằng việc tìm thấy lại được bản in sách lần đầu này của tiểu thuyết Giông tố sẽ là một trong những cơ sở tư liệu quan trọng để khảo sát về mặt văn bản học đối với tác phẩm này, từ đó có được một văn bản chính xác của tác phẩm quan trọng này cung cấp cho các giới bạn đọc.

 

                                                                                                                01.11.2006

 

Tuổi trẻ cuối tuần, Tp. HCM, s. 45 (12/11/2006).