2/1/1967

            Ồ! Sang năm mới rồi. Năm tháng qua đi, dĩ vãng đã xa xăm mà thực tại luôn kéo lại với những nỗi lo âu lớn nhỏ hàng ngày... Thế nhưng nào có quên được.

Hôm nay đưa thương binh (B) ra cây số 14 điều trị.

10 giờ đêm mới lên xe đi. Xe Зил. [1]  Trời giá lạnh.

3/1

Xe bị tắc ở cây số 46. 4 giờ sáng mới đi được. Xe chạy ban ngày vì có mù và mưa phùn. 10 giờ sáng đến km14. Mệt nhoài và buồn nôn. Sức cố gắng của ban thân tới mức độ cao nhất. Có ai hiểu cho không? Nước sông Trà Ang dâng cao, cầu gỗ ngập bủm. Cả thương binh lẫn người hộ tống phải khoả thân lội qua sông. Trời buốt lạnh. Và tối đến, bọn mình phải nghỉ ở một căn nhà chứa bệnh nhân. Sao mà lạnh lẽo thế. Trằn trọc muôn giấc. Như thế là nhiệm vụ đã hoàn thành về cơ bản.

4/1

Đi bộ về. 10 giờ sáng mới qua Ba Thang (cây số 18). Gần 2 giờ chiều thì về đến Khe Rét (cây số 40). Đường lên xanh, đẹp quá. Hầu hết các hố bom đã nhuộm xanh màu thiên nhiên. Đôi chỗ cỏ phủ dường như hoang dại.

5/1

Đêm qua ngủ ở kho gạo. Chuột nhiều vô kể, chuột leo cả lên mặt mình, và sáng đến, một cuộn băng, một chiếc tất chân đã bị chúng lôi đi mất, buồn cười thật.

13/1

Hôm nay thật bận rộn vì việc chuyển quân sang C. [2]  Người mệt, tình hình có nhiều thay đổi về tổ chức, thần kinh căng thẳng.

14/1

Tiến được gọi về binh trạm học thông tin, phải tập trung ở cơ quan tiểu đoàn. Được tin, nóng lòng muốn gặp mà khi nhác trông thấy nhau lại e ngại. Cơ quan tiểu đoàn ở gần nơi ở của trung đội mình. Đêm Tiến tìm đến để chia tay. Buồn vui và ân hận. Nhưng nói chung, mình xử sự thật vụng về. Sao vậy? Bởi vì T. là một người con gái, còn tôi là một thằng con trai. Bởi vì T. là người ra đi, có thể sẽ không quay lại đây, còn tôi, tôi vẫn phải ở đây với tập thể này. Bởi vì quan hệ giữa T. và tôi là một quan hệ trong sáng. Nếu không thận trọng sẽ dễ bị người khác hiểu lầm xúc phạm đến danh dự. Bởi vì hoàn cảnh tạo ra cho tôi đã bắt tôi phải cư xử trái với tình cảm.

Thật khổ tâm và hối hận vì T. ra đi đã để lại cho tôi những trách móc không đáng mà tôi không thể nào thanh minh được. Ước chi cuộc sống sẽ hiểu mình đầy đủ.

Ngay cả khi tiễn chân T. ra đi tôi cũng không dám... Tại sao vậy? Bóng dáng thân yêu ấy khuất dần bên kia suối.

 

14 tháng 1 năm 1967

Thùy thân!

Còn mấy tiếng nữa là chúng mình phải xa nhau. Tiến buồn vô cùng Thùy ạ, có lẽ chúng mình chẳng còn dịp nào gặp nhau và ngồi bên nhau như tối hôm qua nữa nhỉ?

Thùy ơi! Lúc còn ở đơn vị Tiến nôn nóng mong tới nhanh nơi Thùy ở để gặp Thùy, để nói cho Thùy nghe và biết hết cả tâm tư tình cảm của Tiến và để nghe Thùy nói với Tiến những gì mà Thùy thấy náo nức không yên. Nhưng tất cả, thực tế không bao giờ đúng với dự định.

Buồn quá, thế là lại chẳng nói được với Thuỳ những gì muốn nói và cũng chẳng được nghe những gì mà Tiến muốn nghe.

Nhưng Thùy ạ, tuy hai đứa chẳng nói với nhau được những gì muốn nói, nhưng Tiến vẫn tin rằng, chúng mình đã hiểu tất cả tâm tư, tình cảm và suy nghĩ về nhau. Thùy thường bảo Tiến thông cảm với hoàn cảnh của Thùy, Tiến chưa hiểu Thùy nên có lúc Tiến lại giận dỗi trách Thùy.

Thùy thân, không phải Tiến không hiểu và thông cảm với Thuỳ đâu. Tiến hiểu và thông cảm với hoàn cảnh riêng của Thùy nhiều lắm, nhưng đôi khi Tiến thấy, vì hoàn cảnh sống của mình éo le nên trong cuộc sống Thùy thận trọng nhiều quá. Tiến rất tán thành về việc đó, nhưng theo Tiến, nên thận trọng trong chừng mực nào, trong hoàn cảnh nào thôi, nhưng với Thùy, Thuỳ thận trọng nhiều quá. Thùy khắt khe với tình cảm của mình nhiều quá, nhiều khi Tiến thấy Thùy đối với Tiến bình thường quá, nó bình thường như những người khác cùng đơn vị cũ.

Nói thật, hôm qua Tiến rất buồn với cách xử sự của Thùy với Tiến sau gần 4 tháng trời xa cách, nói thật lúc ấy Tiến tưởng rằng người ấy không phải là Thùy mà là một người bạn nam cùng đơn vị cũ. Sao xa nhau, lúc gặp nhau mà tình cảm bình thường thế. Lúc ấy Tiến giận Thùy vô cùng và Tiến đã nghĩ rằng trong cuộc sống của Thùy có lẽ có Tiến thì cũng được mà không có Tiến thì cũng chẳng sao, mà có khi có mặt Tiến thì Thuỳ lại thấy phiền là đằng khác.

Tối hôm qua, Tiến định đi nằm và im lặng rồi sáng mai về tiểu đoàn sớm không cho Thùy biết, nhưng sự thật nó không đơn giản, Tiến không thể nào đi nằm được. Lúc ấy Tiến đã khóc (khóc vì sao chắc Thuỳ hiểu). Tình cảm thôi thúc Tiến nhiều quá, Tiến không thể kiềm chế được lòng mình và Tiến đã nhờ Thúy gọi Thùy. Tiến giận và trách Thuỳ không phải là không hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của Thùy đâu. Tiến rất hiểu và thông cảm với Thùy nhưng Tiến vẫn trách Thùy là cách cư xử của Thùy đối với Tiến ngày hôm qua là sai.

Hôm qua Tiến giận Thuỳ vô cùng, nhưng hôm nay chẳng giận nữa, mà chỉ muốn gặp Thùy thôi... Nói thật chẳng bao giờ Tiến muốn xa Thùy cả dù chỉ trong chốc lát. Tiến chưa bao giờ và chưa có lần nào buồn như những lần xa Thuỳ và bây giờ... Nhiều khi Tiến cũng chả hiểu tại sao đối với Thùy, Tiến lại có một tình cảm đặc biệt đến thế (nói thế, chứ ai mà lại chẳng hiểu được lòng mình).

Thùy thân, muốn nói muốn viết với Thùy nhiều quá, nhưng chẳng nói được và cũng lại chẳng viết được, giấy mực không thể trang trải hết được tâm tư của con người.

Xa Thùy, Tiến nhớ và nhớ mãi hình ảnh của Thùy và những kỷ niệm đã qua. Tiến tin rằng chẳng có sức lực nào làm Tiến quên được Thùy và nếu có quên thì chỉ quên trong chốc lát chứ chẳng bao giờ quên đi trong ký ức của mình.

Tạm biệt T. nhé.

T. hãy tin rằng chúng mình sẽ có ngày gặp nhau.

                                       Bạn thân

(Thư này gửi cùng phong bì với thư của Công).

15/1

Tiến rời đơn vị, đi cùng chuyến xe tải với một số anh chị em đi công tác về Quảng Bình. Nghe nói, dọc đường, T. buồn phiền đến lộ liễu.

Mình lại bị dằn vặt nhiều quá

16/1    

Chỉnh huấn mùa khô 1967.

Tối đi bốc đá. Rét ghê gớm. Đêm về người khó chịu quá. E ngại là ốm đau sẽ đến dằn vặt.

17/1

Tiếp tục học tập.

Nhận được thư của Công (kèm theo thư T.)

"Hòa Bình, ngày 4 tháng 10 năm 1966

Thùy rất thân!

Công ngạc nhiên và vui mừng đến cực độ khi nhận được lá thư rất bất ngờ của Thùy. Công đã đọc nó nhiều lần và biết bao nhiêu tình cảm khác nhau đã trỗi dậy trong lòng...

Thùy ạ. Mặc dầu quan hệ của chúng ta chỉ được nối với nhau bằng một sợi dây mảnh khảnh như sợi tóc nhưng Công vẫn cảm thấy nó thật bền chặt và vững chắc không gì lay chuyển nổi. Bởi lẽ một năm rưỡi đã trôi qua, cuộc sống như một cơn gió lốc cuốn bay chúng ta đi hầu khắp các nẻo đường của đất nước. Cách đây 9 tháng, khi từ biệt gia đình ra đi, Công có cảm nghĩ là Công đã mất đi tất cả những gì đã qua của đời mình. Nhưng không, nhiều lần Công đã tìm thấy lại nó, đặc biệt nhất là khi Công cầm và đọc lá thư của Thùy. Vậy là chúng mình đã tìm thấy nhau và Công tin là sẽ có ngày chúng ta lại gặp nhau đó. Trước đây Công vẫn nghĩ như vậy và vì thế trên các nẻo đường mà Công đã đi qua Công luôn luôn tìm kiếm với hy vọng sẽ gặp lại những người bạn cũ của mình. Nhưng đáng tiếc thay, người thân thì quá ít mà người sơ thì quá nhiều. Đời người ta có biết bao nhiều những niềm vui nho nhỏ mà chính nó đã tạo nên cái hạnh phúc của con người bởi vì nó đến với con người một cách thật là trọn vẹn hoàn chỉnh. Cầm và đọc thư của Thùy tuy nó chỉ là mấy dòng chữ đơn sơ giản dị nhưng Công vẫn cảm thấy nó trìu mến và ấm cúng vô bờ. Mỗi nét chữ, mỗi lời văn đã làm sống lại trong Công biết bao nhiêu ngày quá khứ. Suốt từ lúc sáng qua đến giờ Công muốn nói với Thùy bao nhiêu chuyện đã qua kể từ khi chúng mình xa nhau. Nhưng hoàn cảnh chẳng cho phép kể cả cách nói chuyện qua thư từ. Công hy vọng sẽ có ngày chúng mình gặp nhau đấy.

Sau gần một năm xa Thùy, Công đã lên đường nhập ngũ. Đời lính sinh hoạt xa gia đình không làm Công bỡ ngỡ nhưng những gian khổ mà mình phải chịu đựng thì thật là bất ngờ. Thùy đã sống qua và vì thế tin là Thùy hiểu. Mới đầu Công ăn tập ngay trong tỉnh Nam Hà nhưng sau đó đi lung tung khắp nơi trên miền Bắc. Ở trong Thuỳ thì Công chưa hề đến đâu, nhưng rồi sẽ có ngày về đó. Đặc biệt Phủ Lý là Công có dịp đi qua nhiều. Tuy bây giờ sống cách xa nó hơn 100km nhưng Công vẫn biết khá tỷ mỷ về nó. Máy bay đã bắn phá dã man 24 lần và vẫn liên tục bắn phá mặc dù nó chỉ còn là một đống cỏ dại hoang tàn chi chít hố bom. Cách đây 3 hôm, 38 máy bay bắn phá mấy dãy phố và mấy cây cầu tơi bời. Nhà cửa ở phố mình chỉ còn là một đống bương tranh đổ nát lộn xộn... Công sống gần những người sắp đi chiến đấu. Họ luyện tập một cách ghê người. Công hy vọng sẽ có mình trong số đó nhưng điều đó khó có thể xảy ra lắm.

Qua thư Thùy được biết sơ lược tình hình Thùy và các bạn trong đó. Nhưng ít ỏi quá. Như đã hẹn với Công, Thùy nhớ viết ngay thư cho Công nhé và phải kể tỷ mỷ vào nghe không.

Tạm biệt Thùy nhé. Chúc Thùy khoẻ mạnh, vui vẻ và gởi lời thăm các bạn của chúng mình. Cho biết thêm tình hình của Bình. Địa chỉ của Công chưa cố định nhưng cứ viết: Đỗ Văn Công 14811 KJ, ở trạm quân bưu đó Công có tay bạn quen thân, lại gặp nó luôn nên có thể lấy được.

Tạm biệt"

18/1

Nghe chừng, bệnh cúm đang đe doạ bản thân. Đi làm mà người khó chịu quá.

19/1

Ngày này cách đây 4 năm, mình được kết nạp vào Đoàn TNLĐ, [3] dứt bỏ thời thơ ấu.

23/1

Cái rét tê tái đã không còn nữa. Tuần trăng trở lại hối hả, tuyệt đẹp. Vận chuyển đá ban đêm, tâm trạng rộn lên muôn nẻo bởi sức quyến rũ của tạo vật và con người. Đôi lúc, trong bản thân dấy lên những cảm giác kỳ quặc.  Có lẽ đó là sự “rạo rực". Sao vậy? Chỉ vì ngoại cảnh tác động mà thôi.

26/1

Kết thúc đợt làm đêm. Nghỉ ở nhà. Bận rộn với công việc tập thể, đêm buông lúc nào cũng không hay. Trăng lên ngời ngợi rắc bụi vàng lấp lánh nơi rừng cây... Ếch nhái, côn trùng trong suối nước cùng một lúc hòa âm rầm rĩ khuấy động đêm trăng. Đã là con người, ai mà không rung cảm trước ngoại cảnh chan chứa yêu đương này. Không kìm được bản thân, mình đã trang trải một phần nội tâm với một đồng đội. Không có gì đáng trách cả bởi sự trang trải này là có chọn lọc. Có cái là nên rèn cho mình tính chịu đựng cao độ, tránh nông nổi. Lời nói là phương tiện thuận lợi để trang trải nội tâm, nhưng đừng để bản thân và bất cứ ai đó lại trở thành nạn nhân của lời nói. Ngòi bút rải tâm hồn lên trang giấy để tìm sự đồng cảm trong cuộc sống, nhưng đừng để nội tâm lại có một cách chính xác, cặn kẽ ở bất kỳ một văn bản nào.

Quan hệ với "ngoại lực" bên ngoài (con người, cảnh vật) là quan trọng. Nếu không khéo léo dễ bị hiểu lầm, ảnh hưởng đến danh dự bản thân. Nhưng, sống bởi mánh lới, tính toán hẹp hòi vị kỷ lại là hèn nhát. Hãy cao thượng. Sống thận trọng quá thì đôi khi bản thân lại bị dày vò cao độ. Khổ ghê. Hãy biết phối hợp một cách đẹp nhất. Sống im lặng giúp cho bản thân có những suy nghĩ sâu sắc, hạn chế được những tổn thất trong quan hệ. Nhưng lại hạn chế sự thông cảm, hiểu mình trong cuộc sống, không lợi cho sự "tiến bộ" của bản thân. Không nên! Sống vui nhộn giúp cho bản thân tránh được những động não vô ích nhưng đừng biến bản thân thành một thằng hề. Sống rộng rãi giúp cho xã hội hiểu đầy đủ bản sắc tốt đẹp của mình, nhưng... Hãy sống đúng mức nhất! Muốn vậy, không gì tốt bằng biết lợi dụng những kinh nghiệm quý giá của bản thân và của cuộc sống quanh mình.

Hôm nay sơ kết thi đua hai tháng qua, mình đã mạnh dạn đề cập ba đ/c đại diện cho phong trào. Sự thực thì bản thân có đầy đủ khả năng (Xét những cố gắng phi thường của bản thân so với bệnh tật và sức khoẻ, xét sự đóng góp có ý thức của mình, hoàn toàn không có ý tự đề cao mình), nhưng mình muốn đề cập những đ/c khác, vì (…) Không phải là để động viên khích lệ đồng đội trong công tác lãnh đạo, vì sự thực thì tiểu đội mình rất tốt và vững vàng.

29/1

Tại sao trong cuộc sống, con người cứ phải đấu tranh vật lộn với bản thân mình luôn luôn, con người cứ phải tự dằn vặt mình, đem đến cho mình những dày vò o ép. Sống vô tư, vô nghĩ vô lo có phải sung sướng không? Sống tự do cho tâm hồn tung cánh có phải thoải mái không?

30/1

 Hôm qua mình đặt ra những câu hỏi thật nực cười.

Một nỗi áy náy thường xuyên, sự đấu tranh, cảnh thiếu thốn, sự lao động, đấy là những cái không thể thiếu được ở bất cứ một con người nào.

Con người muốn sống tốt, cần phải biết đấu tranh, vật lộn, cần phải luôn đặt ra cho mình nhiều câu hỏi về cuộc sống. Con người muốn sống tốt cần phải biết tự dày vò mình khi bản thân có những biểu hiện của sự hèn hạ, khi bản thân mình còn mang nhiều tính chất ấu trĩ, ngây thơ.

Một cuộc sống tốt là cuộc sống biết tổ hợp mọi hiện tượng quanh mình (khi nó tác động vào bản thân qua mọi giác quan) một cách khoa học nhất để có những phản ứng nhạy bén và chính xác nhất... Biết nhận lấy những gì nên nhận và biết gạt bỏ những gì nên gạt bỏ.

Hỏi rằng bản thân mình đã làm được như vậy chưa?

Ôi, tôi có nhiều thiếu sót quá. Đành rằng cuộc đời của ai mà chả có khuyết điểm. Nhưng tránh được bao nhiêu sẽ hạnh phúc bấy nhiêu.

Thử nghĩ xem, tình cảm trong người trỗi dậy trước một ngoại lực, bản thân đã xử trí như thế nào? Ồ! tôi chả biết xử trí ra sao cả để đến nỗi tình cảm đã quay lại làm khổ tôi quá nhiều.

Sự thực là càng im lặng thì tình cảm càng chồng chất và càng rối rắm và... , mà nói ra thì...

Hãy đưa tình cảm vào khuôn khổ phù hợp, nhưng đưa thế nào bây giờ?

"Phải chi ta gửi cho em được

Những hình ảnh ghi những tâm tình"  [4]

Chú thích (tháng 01/ 1967)

[1] Zil (chữ Nga trong bản gốc): tên một loại xe tải của Liên Xô.

[2]  C. : tên gọi tắt, dùng để trỏ chiến trường Lào.

[3]  Khi đó tên tổ chức này là Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

[4] Câu này đặt theo một câu trong bài thơ  “Lá thư Bến Tre” của Tố Hữu.