2-3-1965

Một va vấp kỳ khôi lại xảy ra. Buồn cười! trong cuộc sống lắm con người gàn dở, thật! Họ u mê đến mức độ mù quáng, họ không thấy được những cái dở của bản thân họ mà lại tỏ ra rất điên rồ, bắng xắng, không ra đâu vào đâu cả.

Đã từ lâu! Rất muốn viết những chuyện về bản thân. Liệu bao giờ mới thực hiện được.

Lại gửi một lá thư nữa tới N.

4-3-1965

Hôm nay đi khám nghĩa vụ quân sự. Lần đầu tiên trong đời....

Mọi cái đều tốt cả, riêng chiều cao là chịu B1, đâm hẫng! Thật đáng tiếc.

Ôi! Rất ước ao được đi bộ đội. Như vậy sẽ yên tâm hơn, nếu được; và một con đường sẽ mở ra trước mắt.

7-3-1965

Ghi nhật ký quá thất thường, tại sao vậy? không thể hiểu được tâm trạng luôn nghĩ tới một người nào đó, ai vậy? không cần rõ ràng lắm.

9-3-1965

Đêm nay nói chuyện khá lâu với I. “Tình người” giúp ta đi lên và rất dễ đưa ta xuống dốc!

Cảm động bao nhiêu khi bạn bè hiểu nhau thấu đáo.

11-3-1965

“Đêm nay sao gọi là đêm” nhớ mãi bản nhạc này của Tiết Tường. Nó ngân lên từ những đêm nào ấy mà nay vẫn còn đượm hương, vẫn còn dư vị… ngân xa, ngân xa… xao xuyến lòng ta. Sao vậy nhỉ? Tại sao đêm nay ta lại nghĩ đến bản nhạc ấy nhiều vậy?

Ánh trăng bàng bạc, dòng sông lặng ngắt, lững lờ; dưới đáy sông những cụm mây lầm rầm trôi đi. Ai mà hiểu được lòng mình nhỉ? Ừ nói chuyện với I.,  không hiểu I. có hiểu không?

Một sự xúc phạm danh dự nhỏ bé cũng đều mang một sức mạnh ghê gớm day dứt tâm can.

“Đêm nay sao gọi là đêm”

12-3-1965

Sáng dậy! sương muối nhiều quá, bao trùm dòng sông… Rét, rét ghê.

Hối hả đi trên đường, mình vẫn để tâm trí đâu đâu ấy. Không hiểu sao những buổi nói chuyện với I. lại có tác dụng sâu rộng đến tình cảm mình đến như vậy. Tưởng rằng sau một đêm thiếu giấc nó sẽ mất đi, ấy thế mà không khi nào! Đúng, không khi nào bỏ qua được; bởi đó là những lời tâm tình.

 

Ngày đến, cuộc sống lại hối hả. Ê lắm người thật, trông họ ai cũng chân thật. Nhưng kìa! Một con mắt lấm lét. Một bàn tay lúng túng rụt rè. Một tiếng quát. Một tiếng cười man rợ.

Ai hiểu đâu rằng vẫn còn có những kẻ giả dối không chân tình.

14-3-11965

Tình nguyện “Ba sẵn sàng”.

Tối đến diễn kịch ở khu phố. Thật, đóng kịch cũng khó ghê.

Bây giờ đứng đây, trước mắt là con sông quen thuộc, vẫn những nhà ven sông âm thầm, vẫn những dẫy phi lao im phăng phắc.

Trăng đẹp quá. Mọi cái đều chìm trong giấc ngủ… im lặng…

Điểm trong đêm là những con ếch, chẫu chuộc kêu những tiếng ồn ngắn gọn. Đâu đây tiếng dế rên rỉ não nùng.

Mơ màng hồi tưởng những ngày sống ở quê hương, nhớ mẹ, nhớ em quá… nhớ bóng dừa thân thuộc vô cùng…

Tiếng còi tàu bỗng xé tan màn đêm. Một chuyến tàu đêm ình ịch đi…

Ôi! Hãy cho tôi về quê hương tôi…

Phủ Lý 18/3/65

Nguyên Ân thân,

Chúng mình đều là những người đã có đôi chút suy nghĩ chín chắn và sâu sắc. Thông cảm với nhau, không ai có quyền trách ai trong lúc này – nhất là đối với Thùy, nhé!

Viết thư cho Ân trong lúc đêm hôm nay thật là thấm thía. Lạnh quá Ân ạ. Cái lạnh thật là ghê gớm. Ai là người sống ở cảnh này của Thùy đều không thể không chua xót được! Đúng! Thùy có quyền “cám cảnh” nhưng không có quyền bi quan.

Giờ đây ngồi nghĩ đến cuộc sống của bản thân mà buồn. Nhưng ngày mai khi sự sống lại đi theo quy luật của nó, ta lại có quyền của ta trong ? ? ?

Nghĩa là Thùy vẫn sống “như xưa”. Có một điều kỳ quái là: Chả ai hiểu được tâm can của Thùy như thế nào? Họa chăng chỉ là một phần – đó là một triệu chứng đáng buồn.  Паустοвский [Paustovskiy] có nói: “Người ta thường tranh luận với nhau về hạnh phúc nhưng ít ai hiểu rằng: Hạnh phúc lớn nhất là sự hiểu nhau”.

Tìm được một tâm hồn đồng cảm với bản thân thật là một chuyện gay go và khó khăn. Lắm khi Thùy muốn tìm nó đấy nhưng ngay khi đó sẽ có hàng loạt con mắt nhìn Thùy nghi ngờ, giám sát.

Không sao. “Ta sẽ đi, đi chứ”!

Bạn thân.

THÙY

    T.B.

    Đừng để cho những điều phiền toái trong cuộc đời gậm nhấm mất khả năng tinh thần kiến thức của bản thân!

     À, trường HSMN số 6 và Trung cấp Bưu điện về đây Ân ạ.  (1) Xong kỳ bầu cử này Hà Nam sáp nhập với Nam Định thành tỉnh Nam Hà đấy!!! (2)

21-3-1965

Đầu óc u uất quá. Tâm trạng trong ngày rất khó hiểu.

Không vui, không buồn.

Nó là con sông kia buổi sớm mai, sương mù bao phủ. Nó là dãy phi lao kia rì rào trong đêm tối. Nó là những nhánh cỏ kia thì thầm trong buổi trưa hè nắng bức. Nó là tất cả sự im lặng bị xua tan đột ngột.

24-3-1965

Hôm nay gửi thư cho N.

Đúng quá! Kinh nghiệm ở cuộc sống cho hay rằng, những kẻ tập bơi là những kẻ hay bị sông nước đánh lừa. Nước ao trong vắt. Đúng trên bờ nhìn thấy rất rõ đáy, người ta tưởng ao nông và không đắn đo lao đầu xuống và thế là no bụng nước, thậm chí có thể chết đuối.

Trong cuộc sống, có thử thách mới thấy được độ sâu của nó, của lòng người.

Ta là con người, ta đi lên phải mang đầy đủ bản sắc tốt đẹp ấy.

Dựa theo phong cách văn của An-phông-xơ Đô-đê, mình đã cho ra đời một ‘khúc ca” bằng văn xuôi: Нοчь [Đêm]

31-3-1965

Tâm hồn trống trải ghê gớm. Nghề nghiệp không còn nữa. Đau khổ trào lên. Lại không vào T. Ve. (3)  Chua xót ứ miệng.

Ôi! Ngay những quyền nhỏ nhất của Челοвек [Con người] tôi cũng thiếu thốn.

Hơn nữa tôi là một người đoàn viên.

Quả là một thiệt thòi ghê gớm. Muốn đem nỗi buồn trang trải với I. nhưng I. lại ở hoàn cảnh khác. Chỉ có những người đồng cảm mới có sự thông cảm thấu đáo được. Ép I. buồn theo mình là tội lỗi. Ôi! I. ơi! I. sao may mắn hơn tôi thế! Ngày mai sẽ xa I., không hiểu sao tôi cứ bâng khuâng xao xuyến.

Chú thích (tháng 03/1965)

([1] Tin trong thư cho biết một số thay đổi ở Hà Nam: 1/ trường Học sinh miền Nam số 6 chuyển từ Hải Phòng (hay ở đâu đó) về Hà Nam (trước đó, từ 1958 đã có trường Học sinh miền Nam số 28 đóng ở xã Thanh Sơn huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam), nay thêm một trường HSMN nữa sơ tán về đây do chiến tranh bằng không quân của Mỹ lan ra miền Bắc; 2/ trường Trung cấp Bưu điện cũng chuyển về Hà Nam; 3/ Tỉnh Hà Nam sắp sáp nhập với tỉnh Nam Định thành tỉnh Nam Hà.

(2 Thư này không nằm trong nhật ký, nhưng người nhận thư – Lại Nguyên Ân – còn giữ được bản chính bức thư; nên điền thêm vào đây; cũng giúp rõ thêm các sự việc.

(3) Viết tắt T. Ve : chưa rõ là gì. Rất có thể đây là ghi tắt tên một trường chuyên nghiệp nào đó (chẳng hạn, trường vẽ, tức là trường mỹ thuật công nghiệp?) ở Hà Nội mà Trần Văn Thùy đến thi vào (ghi các ngày 10 và 11/1/1965 ở trên); và đến lúc này được tin: lại không thành.