1-4-1965

Trở về quê hương, chia tay những chị ở HTX [hợp tác xã] tôi xúc động vô cùng; không muốn tí gì, cố kìm hãm mà nước mắt cứ trào ra, tâm hồn lắng xuống. Chị Th. và I. tiễn chân ra ga mà long day dứt. Một sự trống rỗng kinh khủng trong người, không thể nào bù đắp được. Nếu có thì ai sẽ là người bù đắp? Khó nói quá.

Giờ đây ngồi tại quê hương, thỏa mãn lòng mong nhớ; nhưng lại một sự nhớ nhung khác đến: nhớ I., chị Th.

Lại thêm nhiều chuyện rắc rối.

Nói chuyện với Quốc, May…

Ừ! Cừ thật, những lời dự đoán của mình sau khi viết thư tới N. quả là đúng. Cứ những cái vặt vãnh như vậy trong quan hệ giữa người với người… sẽ đi đến những hậu quả khá khôi hài.

2-4-1965

Kỳ lạ thật! đây là quê hương, đây là nơi chôn rau cắt rốn của mình; thế mà về mới có một hôm đã thấy buồn chán… chỉ muốn đi. Phải chăng mình muốn thoát ly chốn này? Phải chăng mình chán ghét chốn này? Đâu có phải, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt xảy ra làm mình chán ngắt.

3-4-1965

Ngày thứ 3 ở nhà.

Tìm lấy sự say mê ở Lev Tolstoi, văn sĩ vĩ đại. Trước kia mình không phục ông ta vì ông ta ở vào một địa vị xã hội quá xa vời.

Giờ đây mình xem Hoàng Xuân Nhị phân tích mình mới thấy thấm thía. Ôi! Tầm mắt được mở rộng thêm, nhận thức được phát triển sâu xa thêm.

Gơ-tơ [Goethe] nhà đại thi hào Đức có câu danh ngôn “Thiên tài là chó kiên nhẫn”. Nếu cần chứng minh cho câu ấy thì ắt hẳn không có gì bằng công trình sáng tạo của Lev Tolstoi. Phải luôn luôn học tập lề lối làm việc của văn sĩ.

“Lev Nikolaievich cặm cụi với công việc hàng ngày hàng giờ, chiến thắng mình để làm nên những gì cần thiết. Văn sĩ không hề dung thứ cho mình, văn sĩ không hề biết làm biếng… Như người TQ [Trung Quốc?], văn sĩ không hề công nhận ngày nghỉ lễ” (Maiakovsky).

Phải ghi nhớ những lời răn bảo của Lev.

“Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”

“Không có sự hồi hộp trong lòng thì sự nghiệp văn sĩ của chúng ta không tiến được”

“Điều gay go đến khủng khiếp là sự chăm lo cho hình thưc được hoàn mỹ. Sự chăm lo này không phải là không có lý do. Phải mài rũa cho sắc bén tác phẩm nghệ thuật, có vậy nó mới thấm. Mài rũa nghĩa là làm cho nó có tính nghệ thuật một cách hoàn mỹ”.

“Phải đãi cát mới tìm ra vàng, muốn diễn tả tư tưởng cho tốt còn phải công phu hơn nữa”

“Sự giản dị, đấy là điều kiện thiết yếu cho cái đẹp”

“Thu ngắn được cách trình bày luôn luôn là có lợi. Nếu phải nghe chuyện dông dài, thái độ của độc giả là không chú ý nữa”.

“Nhất là phải tránh lối khoa đại. Thà không nói gì hết hơn là nói quá chừng”

“Phải luôn luôn từ bỏ ý nghĩ muốn viết mà không sửa chữa lại. Sửa lại bốn lần hãy còn ít đấy”.

“Chủ yếu là đừng vội vã viết, đừng phiền lòng, phải sửa chữa, có phải uốn nắn lại mười lần, hai mươi lần cũng đành vậy thôi”.

“Chiến tranh là cuộc thử lửa nghiêm khắc nhất, nó là lửa thử vàng, thử bản chất tâm hồn của mỗi con người, mỗi hạng người và vàng đây chính là mỹ chất dân tộc ở mỗi tâm hồn, những mỹ chất này không phải đột ngột mà biểu hiện ra được, nó được bồi dưỡng lần hồi trong suốt cả cuộc đời của con người, nó đòi hỏi một quá trình phát triển lâu dài từ thế hệ này qua thế hệ khác và chủ yếu trong những điều kiện thời bình”.

(trích GS. Hoàng Xuân Nhị) (1)

 

“Bản tính dân tộc biểu hiện mãnh liệt nhất chính ngay trong những hoàn cảnh gay go nhất” - Lev.

6-4-1965

Ngày ngày sống trong lo âu và sợ hãi.

Где будущее?  Куда сейчас? [Tương lai đâu? Bây giờ đi đâu?].

Tôi không ngờ I. đã bước ngang nhiên vào cuộc sống tình cảm của tôi. Nhưng thật khổ tâm vô cùng là tình cảm ấy sẽ trong lòng mãi thôi. Tôi không nói ra bởi vì tôi biết rằng: Tôi sẽ không được trả giá. Nói ra tôi sẽ nhận ngay lấy sự đau khổ và sự phản ứng phũ phàng. Không gì khổ tâm và đáng sợ bằng tình cảm đóng bó trong người không gỡ ra được I. !

Những lúc quạnh hiu cô đơn, những lúc trống trải hình ảnh I. lại đến với tôi I. đến tôi thấy mình như được an ủi

Thật đau khổ là hoàn cảnh sống sẽ ngăn cách chúng ta nếu như I. hiểu chưa chín chắn bản chất của tôi

Như vậy biết tính sao đây.

7-4-1965

Đọc ngốn ngấuRomeo, Juliet và bóng tối của Jan Otsenasech. (2) Thật là câu chuyện tình thực sự: Một đóa hoa hồng nỏ trong bóng tối.

Tình yêu, ánh sáng của tình yêu, đây tức là tuổi trẻ, tức là cuộc sống nói chung, tức là hy vọng, là dân tộc. Tiệp Khắc nói chung đó là cái mà bè lũ đế quốc phát-xít không thể nào giết được. Este (cô gái Do Thái) chết đi nhưng trong lòng Pôn, trong lòng tác giả, trong lòng chúng ta lại biến thành Juliet. Cô biến thành Juliet không-thể-chết-được, ngay cái phút cô bị bọn Đúc bắn ngã xuống, ngay khi trước xác cô tên Đức kêu lên cái câu kinh ngạc “….”.

Tình yêu của đôi lứa thiếu nên trong căn buồng nhỏ nó làm cho căn buồng trở nên mênh mông vô hạn dưới những mảnh giấy che đèn. Cho đến những việc tầm thường ngòi bút có tài của Otsenasech cũng làm cho chúng trở nên trong trẻo, khiến ta có cảm giác ngồi xem một bông hoa nở, liên hệ tới cái gì gắn chặt nhất, tinh đọng nhất, ngờ ngợ như tác giả còn muốn nói đến cái gì lớn hơn tình yêu nữa, cái đó là hạnh phúc của con người và của dân tộc.

Tình yêu nào cũng có lịch sử của nó. Có khi thật là ngắn ngủi như một quyển sổ bỏ túi vậy. Tình yêu có đlớn lên và đtrưởng thành của nó, nó có những đỉnh cảo rực rỡ ánh sáng mặt trời và những thác ghềnh đột ngột, có mưa của nó, có tuyết của nó”.

 

Hôm nay là ngày thứ 7 kể từ khi thất nghiệp. Trăn trở với những ý nghĩ lộn xộn mơ hồ, bị dày vò bởi một sự dằn vặt của lo lắng

Nếu cứ sống mãi thế này thì không thể được. Nằm dài và mong ngày trôi nhanh, thời gian đi gấp Ta sẽ đi vào chủ nghĩa sống gấp mất à? Không, không thể như vậy được

12-4-1965

Đêm ở trên cầu.

I. lên chơi đến khuya.

Nhìn màn mây đùng đục lầm lì trôi đi, nhìn dòng nước lặng lẽ xuôi Không biết nói gì.

Ngồi bên I.

Trong tình yêu phải có sự rung động chân thành của con tim, nhưng bên cạnh phải có một lập trường đứng đắn.

Xét bản thân còn nhiều thiếu sót bởi lẽ quá lệ thuộc vào con tim

13-4-1965

Muốn rủ I. về quê để qua những thực cảnh sẽ cho I. hay biết những ngày đã qua của mình.

14-4-1965

I. đã về Hay quá. Biết bao chuyện đã nói

16-4-1965

Viết thư gửi tới Quốc, nếu đcho I. xem đthấy thái đra sao.

Tối nói chuyện với Bình về cuộc sống.

21-4-1965

Không có việc làm bấy lâu nay.

Buồn quá.

Hôm nay nhận việc mai đi làm.

Tính thế nào bây giờ.

24-4-1965

Ba ngày nay đào hầm trên thị xã. Tâm hồn rất tẻ ngắt. Một nỗi tủi tràn vào xao xuyến.

Khắp chỗ đi đến đâu cũng gặp những bạn bè đồng cảnh với những lời khuyên day dứt tư tưởng. Ôi! Mùa thi sắt tới rồi, nghe nói năm nay lấy nhiều học sinh vào các trường mà mừng, chợt nghĩ đến thân phận lại thêm phần chua xót.

Đúng! Mình không được phép trách ai đã gây ra những thiệt thòi cho mình. Song chỉ tủi một nỗi, tài năng sẽ héo hon theo thời gian qua đi.

Trời ơi! Cứu vãn sao nổi?

27-4-1965

Tối đến, lên Đồng Văn tham gia Hội diễn văn nghệ tỉnh.

Thật là cả đời chưa bao giờ được mặc áo cồn thắt cra-vát. Hôm nay đóng vào, mình có cảm tưởng là một thằng thộn. Bạn bè cười riễu. Ôi! Chua xót.

29-4-1965

Sáng đi làm. Nghe các bà già kể chuyện thời kỳ CCRĐ [cải cách ruộng đất]. Thấm thía quá! Mình nhớ mãi lời nhận xét cuối cùng của bà: Hay quá! “mình hay quá!

(………………………..)

Trưa: Tranh luận với Công về cuộc sống.

Кοнг гοварит [Công nói]:

Trong xã hội có chỗ đứng cho những kẻ luồn cúi, nhưng không có chỗ đứng cho những loại hèn nhát. Kẻ luồn cúi không phải là kẻ hèn nhát, vì nó có nghị lực đkiên trì luồn cúi.

Tối đến đi nghe nói chuyện về chiến thắng Thanh Hóa, hay quá.

Trong người như thêm nguồn sinh lực… Đúng, phải sống và hành động như những người bình thường nhưng vĩ đại đó. Vĩ đại thật, dũng cảm thật, nhớ lại lời văn sĩ Tolstoi: Chiến tranh là lửa thử vàng; vàng đây là mỹ chất dân tộc mỗi tâm hồn.

Mỹ chất dân tộc Việt Nam là anh hùng.

30-4-1965

Cả ngày ở trên Đồng Văn phục vụ văn nghệ.

Thật là một ngày ý vị.

Cùng đi có Thành, Tiến, Mùi, v.v

Quan hệ của họ khá đầm ấm, tự nhiên. Đúng! Phải sống sao cho khỏi cô độc quá. Hãy hòa mình vào tập thể.

Chiều xuống, đêm buông dần, nói chuyện với I., câu chuyện đã phải làm cho mình phải chịu những sự đau khổ ghê gớm trong khoảnh khắc cả hai phải im lặng, lạnh lùng trong phút chốc quan hệ tình cảm bị trạ đạp. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy cả! lại thân tình.

Chú thích (tháng 04/1965)

([1]) Có lẽ đây là rút từ cuốn sách Lịch sử văn học Nga: Thế kỷ XIX : Tônxtôi - Tsêkhốp của Hoàng Xuân Nhị. (Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 1962) (Tủ sách Đại học Tổng hợp Hà Nội) 

(2 Tiểu thuyết, ra mắt 1958, của nhà văn Czech  Jan Otčenášek (1924-1979), bản dịch Nguyễn Thành Long, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1964.