1/4

Trời ơi, không khí căng thẳng lạ thường, hầm hập và khó chịu. Mùi hoa rừng toả khắp vùng làm đầu óc nhức buốt. Vài chú ve sầu kêu inh ỏi như một khúc nhạc lạc điệu, buồn tẻ. Có một cái gì đó như... tai họa đang đến. Nhưng bóng dáng ấy lại lướt qua êm dịu. Mình phải ra sông tắm cho người dễ chịu mới được.

Sông Ta Lê đẹp và rộng quá. Núi cao ngất ngả bóng xuống lòng sông xanh ngắt, lung linh... Dù pháo sáng phấp phới ven bờ như hoa ban. Nhìn cảnh vật mà lòng thấy thanh thản. Dìm mình xuống lòng nước mà cảm thấy không khí hòa bình quá, hạnh phúc quá. Nhưng trên bờ, một bộ quần áo ga-ba-đin đẫm máu của ai đó vất lại đã hất mình trở về thực tại.

Này, mình có ý định sẽ gửi một người đáng tin nào đó cuốn sổ này khi mình xa nó, ai nhỉ? Tâm, được không? Tâm là một cô gái kín đáo, đáng mến, hơi khó hiểu, đã gây cho mình những rung động và niềm tin.

Thế thì gửi được đấy. Nhưng…, không được!

 

Đêm 1/4

        Trực chiến

Trời tối dần, trăng muộn, không khí im ắng, căng thẳng, tất cả như chờ đón một cái gì đó sẽ đến. 7 giờ tối, súng báo tắc đường ở cây số 80. Mình cầm bộc phá lao lên vị trí chiến đấu, nhưng không có gì. 8 giờ tối, về hang được một lúc, đang nằm thoải mái thì B52 tới, chớp nhằng nhịt và bom nổ tới tấp ngay cửa hang, tất cả rung lên bần bật, gió xoáy vào hang, mù mịt. Chạy đi trinh sát trong khi lửa cháy, khét lẹt thuốc nổ. Đường an toàn.

12 giờ đêm, ngủ say quá, B52 lại tới, lần này nó đánh xa hơn, trên cây số 80 − 81, đường bị tắc bởi 700 khối đất lở.

Cùng máy ủi giải quyết đến sáng vẫn chưa xong. T28 đến "trần" bom bi, ca-nông-vanh. Chạy bán sống bán chết.

5 giờ sáng, đây là lần thứ 7 lại chạy lên vị trí chiến đấu, người mệt rũ, có cảm giác bải hoải kinh khủng, mồm khô đắng, chân tay như muốn long ra, mắt cay xè, cầm hòn đất mà thấy nặng quá, mình ngồi vật xuống đường... Hãy đừng để nước mắt tuôn ra... Tôi vùng dậy, và hiểu vì đâu tôi có sức mạnh ấy, vì đâu tôi có sự cố gắng phi thường ấy.

 

2/4      

Chiều buông dần, căng thẳng, một cái gì đó hầm hập trùm lên cảnh vật. Mặt trời lặn dần, dải sáng nhờ nhờ phủ lên cảnh vật ảm đạm. Nằm nhà, lòng phấp phỏng, hồi hộp. Cảnh gia đình, hình ảnh cha mẹ lung linh trước mặt.

Tôi có cảm giác như... Khó nói quá!

3/4

Đào hầm hộ tống ở cây số 81. Lần đầu tiên nhìn cảnh vật nơi đây vào ban ngày. Thật khủng khiếp: Tuyến đường vắt quanh co trên những ngọn đồi trơ trọi, không một lá xanh, chỉ còn lại những thân cây đơn độc và những hố bom chi chít... Hàng vạn hố thì đúng hơn, đất đai bị sới tung nhiều lần. Nắng đổ lửa, gió xoáy hun hút ghê rợn, cát bay mù mịt. Bọn chúng tôi như những dũng sĩ trên sa mạc. Chừng 12 giờ, máy bay đến quấy nhiễu! Kệ mẹ nó!

 

Đêm 3/4

Trực tuyến. Đêm buông. Hồi hộp chờ đón và nó đến thật, như mọi hôm thôi. Hơn nghìn khối đất làm tắc đường. 12 giờ đêm thì thông xe. Một xe đạn bị đổ, đáng tiếc quá nhưng không biết làm gì khác được, bọn mình cố gắng lắm mới đưa được 13 hòm đạn từ dưới thung lên đường. Ước gì đưa được hết lên.

Bản thân có lẽ (mà sự thực là như vậy) trước đây không ngờ là đường đời của mình lại gặp nhiều hiện tượng, nhiều con người ... đến mức độ phong phú như bây giờ. Hôm nay lại gặp một "mẫu" người kỳ thú. Nhớ lấy những hình ảnh và ấn tượng khôi hài này.

4/4

Ôi! Trong tình huống này, mình không ngờ lại nhận được nhiều thư đến thế! Thư của bố, của các anh các em, thư của Ân, Sủng, Khiên, anh Sương! Ân vẫn đang học. Khiên cũng vậy, không ngờ Sủng cũng vào đại học. Sung sướng thay. Mỗi thư mang đến một ấn tượng, nhưng chung quy lại, tâm hồn có bị xới động nhiều lần cũng đều vun đắp lại thành một đỉnh cao "gọn dáng" vào trái tim đa dạng này. Nói được đấy... nhưng không thể nói ra đây!

Thế là chị Hiên lấy chồng rồi, chả hiểu cuộc sống gia đình có làm chị thay đổi không?

Tết này, gia đình mong mỏi mình...

"Anh mong em sẽ làm rạng rỡ cho gia đình ta" − anh Sương căn dặn thế đấy!

Địa chỉ: Trần Văn Xương, ĐH 124, BC 13Đ

Ngô Thanh Khiên, ĐH 120, BC 13E, TD 652

Phạm Văn Sủng, T102, BC 22A,.B9.1E

Hoàng hôn

Khi hoàng hôn buông dần.

Bây giờ mới thấy quá rõ sức chịu đựng phi thường của con người khi phải chiến đấu với "pháo đài bay" B52 của kẻ thù. Thật vô cùng căng thẳng. Tối đến, tất cả tiểu đội nằm gọn trong hang đá ở giữa bãi bom B52. Hang đá này, chỉ cần một quả bom nhỏ cũng có thể tan tành. Thế mà lạ kỳ, từ hôm nó đến, bom nổ rền rĩ xung quanh hàng nghìn quả rồi mà mới chỉ có một quả nổ trúng cửa hang. Bọn mình chỉ bị sức ép qua loa. Nhưng đêm đến, nằm đây chờ B52 thật quả là căng thẳng. Mẹ cha bọn chó má dã man thật: cùng một lúc bom dội hàng trăm nghìn quả như rắc mạ.

Bắc Thái, 9/I.1967

Thuỳ thân yêu.

Mấy tháng nay, Â. không nhận được thư của T. Đã tưởng mất liên lạc, và đã thất vọng. Nhưng không! Hôm vừa rồi lại nhận được thư T. Nét chữ đã nhoè gần hết.

 Trước tiên, A. đã làm cái việc mà T. nhờ giúp. Â. đã viết thư cho gia đình T. Thật là ngượng nghịu nhưng Â. cứ viết, vì đấy là nhiệm vụ Â. có thể làm với T. mà!

T. yêu,

Biết viết gì cho T. bây giờ! Bao nhiêu cái T. muốn biết! Thực ra những cái đó Â. cũng không biết hết, và từng cái một cũng biết khá hẹp.

Giờ kể qua vài nét về Â. đã nhé. Â. đi tập quân sự về hồi tháng 10. Tốt nghiệp sĩ quan dự bị ngành pháo rồi đấy, có thể chiến đấu được. Nhưng bây giờ đang học năm thứ 3. Năm nay điều kiện gay go hơn. Đèn dầu rất thiếu. Năm nay bọn Â. lại phải làm khoá luận. Khoá luận là một hình thức nghiên cứu có hướng dẫn của cán bộ giảng dạy. Vấn đề không khó lắm nhưng phải đọc nhiều, nghĩ nhiều, rồi thì viết đề cương, viết thảo, viết lại…và nộp! Vừa rồi gia đình Â. bị một nạn: trận bom chúng bỏ xuống làng Â. làm nhà đổ, hỏng mái. hiện giờ cha mẹ Â. cho các em sơ tán lên Sơn Tây rồi. T. xem, quê hương ta đã thành tiền tuyến rồi còn gì! T. chưa được thấy thị xã nhỉ? Điêu tàn ghê lắm. Thật cũng buồn trước cảnh đó. Đôi lần về thăm, Â. cố đi hết để đọc những cảm xúc, hồi tưởng về thị xã trong quá khứ, thời học sinh của chúng ta. Còn vùng Â. sơ tán thì cũng thường xuyên có máy bay. Hôm vừa rồi tại chỗ Â. ở có máy bay bị bắn rơi xuống đấy. Bọn Â. tham gia tìm bắt phi công nữa. Được chứng kiến lòng căm thù của nhân dân và được đọc trong mình  những cảm xúc về tổ quốc và lòng căm thù…

Thế thôi nhé. Bây giờ kể mấy điều T. nghe.

Bây giờ trên thế giới (nói trong phạm vi Â. đọc và biết) điều nổi bật là các nhà văn nhà báo rất thích viết về VN. Nhiều cuốn ta đã dịch và xuất bản.

 Ở châu Âu tư bản hiện đang có một trào lưu hiện đại chủ nghĩa; về mặt hình thái, có thể cắt nghĩa đó là những biểu hiện bế tắc của nghệ thuật tư sản trong thời kỳ giai cấp tư sản và chủ nghĩa đế quốc trở nên phản động và lỗi thời. Đó cũng là nền nghệ thuật rất phản động. Giai cấp tư sản thế giới giương lên hai ngọn cờ làm chỗ dựa cho trào lưu nghệ thuật chủ nghĩa hiện đại: đó là chủ nghĩa Frớt và chủ nghĩa sinh tồn. Nền nghệ thuật ấy biểu hiện dưới nhiều hình thái: tiểu thuyết hiện đại ở Pháp đang đi vào những xu hướng “dòng ý thức”, tạo ra những cuốn sách quái gở. Hội hoạ đi vào bí hiểm; những thứ tượngtrưng, ấn tượng…đua nhau xuất hiện. Ngay họa báo các nước XHCN Đông Âu cũng nhan nhản những bức tranh kiểu đó. Về thực chất, nó tìm những cái “lạ” về hình thức để che đậy cái nghèo nàn, vô nghĩa của nội dung.

Ở Liên Xô người ta đang chuẩn bị cho đại hội các nhà văn. Vì vậy đang có một sự chuẩn bị rất rầm rộ và lớn lao. Phải công nhận, về mặt công tác biên tập, xuất bản, ấn loát, Liên Xô làm rất tốt; tuy rằng chủ nghĩa xét lại đã làm cho khá nhiều quan điểm bị xuyên tạc.

Lý luận văn học hiện nay không còn tranh chấp ở những vấn đề cơ bản nữa mà đã đi vào đặc trưng của văn học. Đây là một trận tuyến rất nguy hiểm và rất dễ sa hố. Bọn xét lại rất dễ tấn công vào những mặt này. Thí dụ tính giai cấp của điển hình; vấn đề thế giới quan và sáng tác; vấn đề giá trị trường tồn của tác phẩm văn học. Chẳng hạn vấn đề giá trị trường tồn của tác phẩm văn học. Căn cứ vào hiện tượng tác phẩm của thế hệ trước có thể được thế hệ sau thích thú, có tác dụng nhận thức và giáo dục đối với đời sau…, bọn học giả tư sản cho rằng cái làm nên hiện tượng đó là do tính người. Vì rằng, thế kỷ XVI chẳng hạn, là đấu tranh giai cấp giữa tư sản và phong kiến, và nhân dân lao động khi đó có thể mâu thuẫn với phong kiến hoặc với giai cấp tư sản đang lên. Đó là thời đại phục hưng của Sêch-xpia, Ra-ble, Xéc-văng-tét…Đến ngày nay không còn đấu tranh giữa các giai cấp ấy nữa, nó đã là quá khứ;  nhưng người ta vẫn thích những tác phẩm vốn là sản phẩm của thời đại của loại đấu tranh giai cấp đó, là vì bên cạnh ý nghĩa giai cấp, ý nghĩa thời đại…, tác phẩm còn chứa đựng một cái nữa: tính người. Cái đó giúp cho tác phẩm còn tồn tại. Đấy là một lập luận thực chất phản động, vì nó nêu tính người phi giai cấp, “muôn thưở”. Vậy người ta đã đáng gục nó về mặt lý luận như thế nào? Thực ra vấn đề này chưa được giải thích hoàn toàn. Người ta dựa vào ý kiến của Mác khi nhận xét về bi kịch Hy Lạp và thần thoại Hy Lạp, đại ý là người ta không thể sống lại thời thơ ấu nhưng người ta vẫn thích tuổi thơ ấu đó ở một trình độ cao hơn. Tức là người của thế kỷ XX vẫn thích thần thoại cổ đại là vì họ chiêm ngưỡng tuổi thơ ấu của loài người với một trình độ nhận thức cao hơn. Hoặc là người ta dựa ý của Mao Chủ tịch: có nhân tính, nhưng chỉ có nhân tính cụ thể, tức là nhân tính có tính giai cấp. Nhưng nhân tính là gì? Nó nằm ở đâu? Nếu nó nằm trong tính giai cấp thì nó đã không cần nêu ra (vì nó đồng nhất), nhưng nó vẫn có…hiện nay người ta vẫn chưa giải quyết được triệt để…

À, kể thêm: ở ta sắp in mấy cuốn tiểu thuyết: Hòn Đất của Anh Đức (Bùi Đức Ái), Má Bảy của Phan Tứ (tức Lê Khâm), Con bão đã đến của Nguyên Hồng.

T. đọc Vào lửa của Nguyễn Đình Thi chưa? Nói chung đó là một cuốn sách viết tồi, có lẽ tại vốn sốngcủa Nguyễn Đình Thi về bộ đội cao xạ chưa “chín” lắm.

Thôi tạm thế nhé. Â. rất bận. Thông cảm nhé. Năm mới chúc T. vui, khoẻ. Nhớ sống mà về! Nhé.

Bạn. Lại Nguyên Ân

T.B. Thông cảm cho Ân: Ở đây chỉ có thư viện, không có hiệu sách nên không có chỗ mua sách gửi Th. được.

 

5/4

Mở đường ở nơi xe đổ.

Hai hôm nay, người yếu mệt, đêm sốt liên tục, ngày không ăn được. Nhưng mình không muốn nghỉ ở nơi sóng gió này. Hôm qua trời nắng, sáng không ăn nổi, người bải hoải. Chiều đến đi không vững nữa, vấp một cái mà người muốn gục xuống, mắt hoa lên.

Hôm nay, không khác gì, nhưng mình cố gắng gây hưng phấn để làm việc và đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ.

Tình cờ, khi vào bụi cây đi ngoài với được cái dù nguyên vẹn trong ống. Hy vọng đem về nhà làm kỷ niệm.

Đêm 5/4

Hôm nay lại nhận được thư của Tiến. T. trách tôi không chịu viết thư cho T. luôn. T. có hiểu đâu là bao lần tôi đã viết, bao lần tôi đã hỏi han và ngóng đợi nhưng không được như ý.

Kỳ lạ cho tình cảm con người thật. Nó phong phú, muôn dạng. Nó được thể hiện trên tình gia đình, tình cha mẹ con cái, trên tình bạn, tình đồng đội... và biết đâu cũng sẽ đến lúc cả trên tình yêu nữa. Nghĩa là nó thể hiện trên quan hệ của bản thân với cuộc sống. Trên mỗi mặt, phải làm sao để đối phó cho hợp lý hợp tình nhất thì mới hòng tránh được những áy náy hàng ngày.

 

6/4

Trực chiến. B52 không hoạt động nhưng xe bị mắc. 12 giờ đêm bọn mình phải bốc hàng giải phóng xe.

 

7/4

Ngày cuối cùng ở Ta Lê. 20 giờ 30 phút B52 lại xuất hiện. Lần này đường bay của chúng khác hẳn, những đợt oanh tạc dài hơn. 12 giờ đêm thông xe. Nhiệm vụ đã được hoàn thành tốt đẹp.

8/4

Trở lại cây số 70. Hoàn thành tốt công việc không có tổn thất gì. Hình như sắp có một cơn sốt đe doạ bản thân. Đầu óc đau buốt, người nóng hầm hập, khó chịu quá. Gục ư?

11/4

Bước vào kế hoạch mới của đơn vị: chuyển đá ở cây số 73. Trời nắng gay gắt, gió Lào quạt lửa hầm hập, mồ hôi vã ra đầm đìa, đôi khi mắt hoa lên. Chiều đến, thời tiết thay đổi đột ngột, cơn mưa ùn ùn kéo đến và bọn mình ướt như chuột lột. Tuy vậy khối lượng công việc làm được cũng chẳng đến nỗi nào.

12/4

Hối hận và đáng trách.

Trong mọi tình huống, không nên chủ quan. Hôm nay đã để tiểu đội chịu tổn thất.

Trời nắng, đường quang, tiểu đội chuyển đá rải đường. Mình cùng 2 nữ ra nơi làm việc ngoài đường. Máy bay ập tới với L19 quan sát, chừng 1 giờ chiều, oanh tạc cây số 74. Thâm tâm cho rằng nơi làm việc của tiểu đội không phải mục tiêu của chúng nên mình và hai nữ chỉ xuống hầm tại chỗ ở hai bên đường, một mình Dung một hầm. Ngờ đâu hỏa mù đã chơi luôn cửa hầm, ca-nông-vanh như rắc mạ. Mình dẫn một nữ lao lên cố gắng tránh những đường đạn và mảnh bom, có quả cách chừng hơn chục mét, còn Dung ở lại hầm, bị thương. Cửa hầm bị phá toác, chỉ thấy máu trên cây gỗ gác ngang cửa, không thấy Dung đâu. Mình chạy xung quanh hầm gọi mãi. Lúc sau mới thấy Dung trả lời yếu ớt ở một bụi cây lúp xúp. Đến nơi, Dung cởi trần, một tay cầm áo lót đông xuân bịt đầu, một tay cầm áo con bịt vú bên trái, máu me đầm đìa chảy từ đầu xuống người. Mình nhấc tay trái của Dung lên thấy bắp tay bị phá rách mà Dung không biết. Viên đạn 20 li đã xuyên qua bắp tay và xé tiếp vú trái. Ở cả hai chỗ máu ri rỉ chảy quanh các mô mỡ. Riêng vết thương ở đầu thì máu chảy dữ quá. Bịt bó qua loa, mình cõng Dung chạy vào rừng sau khi bắn 4 phát súng báo cho đơn vị biết "có người bị thương". Bình thường Dung thấp lùn nhưng béo. Thế mà mình cõng nó chạy băng băng. Nhưng cũng chỉ được vài trăm mét là phải hạ xuống cho nó dựa vào gốc cây. May quá, anh em trong tiểu đội đến lấy võng cáng đi. Mình chạy theo bên cáng lo lắng vô cùng. Cả người mình chỉ thấy máu, nhưng sao không thấy mệt, trong người như mới vận nên một sinh lực mới.

Tối, mình vẫn trực trên tiểu đoàn nghe tin tức.

Lạy chúa, người ta đã mổ rồi, đã lấy được mảnh đạn ra khỏi đầu. Nhưng nó mệt lắm, nói mê luôn mồm. Cầu thượng đế, hãy cho nó nghị lực hơn nữa để chịu đựng.

18/4

Đến vị trí làm việc thì được lệnh về đại đội viết thành tích cho tập thể. Trung đội II được đề nghị thưởng huân chương. Đại đội và trung đội III cũng vậy.

Làm việc cật lực và căng thẳng, chiều tối thì xong bản thành tích của trung đội. Tiếp tục viết cho đại đội thì đã 8 giờ tối. Đau bụng, vẫn viết, càng đau dữ, không nghỉ.

 

19/4

Đêm đau liên miên, ngày đến quằn quại và đã bị khiêng đi bệnh xá. Một ngày một đêm không ăn uống gì, lên cơn sốt, nhiệt độ trung bình 390C, chóng mặt, nhức óc. Xem ra sự quan tâm của bệnh xá không bằng đơn vị, không có khả năng an ủi được bệnh nhân.

 

20/4

Đêm qua lại đau, nhưng kiên quyết không ở đây nữa, về thôi. “Báo cáo y sĩ tôi đã hoàn toàn khỏi, tôi thành thật xin được về”. Thế là mình về đại đội nằm.

 

21/4

Tiểu đội đang chuẩn bị tư trang cho mình, sẵn sàng mang đi bệnh xá thì không ngờ mình lại về. Tất cả kêu lên vì mình gầy quá. Ông bạn Chính − y tá vừa về trung đội −  lại bảo: "Trông anh già quá so với lứa tuổi 21".

Đúng thôi! Thời gian qua đi mà! Nhưng con người sẽ già dặn hơn, ông bạn ạ. Hạnh phúc âu cũng là ở chỗ đó một phần.

 

 

22/4

Xem tác phẩm Xa Mạc-tư-khoa (1944-48) của Vasili Azhaev, Giải thưởng Stalin 1948, Hoàng Nguyên Kỳ, Hữu Đông, Trần Cơ và Hùng Thao dịch, ba tập, xb. 1966.

"Với năm tháng trôi đi, con người bao giờ cũng tiêm nhiễm những thói xấu"           

(Nhân vật Brítzê)

Kỳ quặc thật,

"Trong chiến tranh, quan hệ giữa con người với nhau được lột trần, lúc này người ta đòi hỏi ở con người tất cả những gì hắn có thể cống hiến, nên con người mới hiện ra với chân tướng của nó"

(Nhân vật Alekxây)

"Có những trường hợp chúng ta đánh giá con người theo những cá tính không đáng kể hoặc tùy tâm trạng của ta lúc đó.... Đánh giá vội vàng trước khi tìm hiểu kỹ một con người là không tốt"

(Nhân vật Zankin)

 

Những con người tốt nhất còn xa mới hoàn mỹ được. Những vết nhơ trong tâm hồn không thể rửa bằng nước lã được. Con người sẽ trút bỏ được quá khứ khi nào?

Tạm thế đã. Ngày mai xem tiếp. Hôm nay, "sáng tác" một bài thơ, không biết lấy đầu đề và kết thúc thế nào đây? Nghe nói ngày mai về đại đội làm tập san, lại phải bỏ sản xuất.

 

23/4

"Người ta tựa như một phân số mà tử số là cái giá trị thật của người ta tưởng tượng là mình có. Mẫu số càng to thì phân số càng nhỏ. Khi mẫu số là vô tận thì phân số bằng không"...

L. Tônstôi

"Một khi được giải thoát khỏi những thèm muốn, chúng ta sẽ không biết hy vọng và lo âu là gì"

Jắc Lơnđơn

"Thường thường đôi mắt phản ánh sự hoạt động của bộ óc. Thế mà đôi mắt này lại thấy tấm lòng"

N.V. Kốpsốp

Công việc hôm nay làm việc đã đi vào cơ bản. Tập san sẽ tốt. Có thể ngày mai thì hoàn thành.

 

 

24/4

Tiếp tục xem “Xa Mạc-tư-khoa”.

"Chức vụ kỳ diệu nhất là làm con người trên trái đất"

                                                   M. Goóc-ki [1]

"Hãy hiểu giá trị của tình yêu và với năm tháng hãy đánh giá nó nhiều lên gấp bội. Tình yêu phải đâu tiếng thở dài trên ghế đá, cũng phải đâu những cuộc dạo chơi dưới ánh trăng tà. Trong tình yêu có đủ: bùn lầy và tuyết trắng, vì phải sống bên nhau suốt cả cuộc đời!

Tình yêu là một bài ca tuyệt diệu mà một bài ca đâu phải dễ làm."

Sipasép [2]

Thôi, đêm đã đến sát kề bên cửa. Tất cả trong khung cảnh chập chờn. Hãy kết thúc tập I ở đây thôi.

 

25/4

Xong tập san rồi. Tiến hành làm tiếp báo. Đêm nay vẫn ngủ ở đại đội. Nghe đài mà lòng xao xuyến. Nội tâm mình cũng kỳ lạ thật. Nó như một dây đàn tế nhị... sẵn sàng rung lên với bất kỳ một "va chạm" nào. Có lúc chỉ cần một sự im lặng hoặc một nhánh hoa rung rinh, một ánh chiều tà, hoặc một tiếng nói... cũng đủ làm mình xáo động tâm can.

Đêm nay lại nhớ nhà quá chừng. Nghe nói Phủ Lý không còn một nóc nhà, không còn một cái ngõ..., lòng nặng nề. Đường phố, ánh điện, thư viện, câu lạc bộ, rặng phi lao ven sông... hiện lên rõ nét quá. Hình ảnh gia đình cha mẹ... Tất cả như một điệu nhạc du dương xen vào "bài ca" của cuộc đời.

 

26/4

BƯỚC CHÂN TRÊN ĐẤT LỬA

Ngày lại ngày qua

Tôi đi, đi mãi

Trường Sơn ơi, đất lửa anh hùng

Ngày lại ngày qua

Tôi nghe nghe mãi

Trường Sơn ơi, bom đạn xới tung

Tôi đã đi tôi đã gặp

Nơi đây những con người gang thép

Những chàng trai, những cô gái xung phong

Mơ ước thơ ngây ôm ấp trong lòng,

Tôi đã trông, tôi đã gặp

Nơi đây có em, em là cô gái

Mái tóc xanh trong má ấp ánh hồng

Giữa chiến trường, em − người thiếu nữ kiên trung

Gặp em, em thẹn thùng khẽ nói

"Zdravstvuite" [3] câu nói "chào anh"

Em ơi, đâu có còn xưa nữa

Môi ánh răng đen, bập bẹ đánh vần.

Tôi thấy em, trên đôi tay nhỏ

Lấp loáng búa, choòng phá đá đêm trăng

Em ơi đâu có còn xưa nữa.

Chỉ biết ôm em đùa rỡn ánh hằng

Tôi thấy em, trên đôi tay nhỏ

Vững chắc càng xe ánh nắng ban trưa

Em ơi đâu có còn xưa nữa

Chỉ biết đường kim mũi chỉ thêu thùa

Bom nổ chậm Mỹ kia ngáng lối

Có ai ngờ người chiến sỹ công binh

Dọn lối xe đi, thắng Mỹ mở đường

“Đi đi anh, có em bên đó"

Lại là em, em gái mến thương.

Ngày lại ngày qua

Tôi đi đi mãi

Trường Sơn ơi đất lửa anh hùng

Ngày lại ngày qua

Tôi ghi, ghi mãi

Những con người như em, em gái kiên trung.

Tôi đã đi và tôi đã gặp

Trong đội ngũ bao người chống Mỹ

Bao hiểm nguy, bao ghềnh đá đập tan

Có em tôi, người con gái Việt Nam.

 

27/4

Với năm tháng qua đi, con người già dặn và vững chãi lên nhiều theo thời gian, những nét ngây thơ dần tàn lụi. Nội tâm càng nhạy bén và mỗi va vấp nho nhỏ mà trước đây trong tuổi ấu thơ dễ cho qua đi, thì nay cũng gây những dằn vặt lớn. Âu đó là ý thức của con người muốn vươn tới sự hoàn mỹ. Nhưng rõ ràng là ở mỗi con người với mỗi hoàn cảnh, quá trình vươn lên ấy được diễn ra theo những trình tự khác nhau.

Có người, những quyền lợi tốt lành, những "ân huệ" đến với họ dễ dàng và xem ra họ lại coi thường nó.

Có người thèm muốn những cái đó nhưng cuộc đời chưa hiểu hết được ... và nó đến với họ thật nhọc nhằn, dĩ nhiên khi có nó họ rất trân trọng, họ hiểu sâu sắc những cái đó.

Cuộc sống giống như một bài toán khó mà đáp số đã cho rành rành, có cái là tìm ra phương pháp giải nó thì hơi phức tạp vì mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau.

Có người sau khi phân tích lại cho rằng đáp số ấy là vô lý, − người ấy là ai? Có người sau khi phân tích lại cho rằng đáp số ấy là hoàn toàn đúng, −  người ấy là ai?

 

28/4

"Nguy hiểm không phải ở chỗ thất bại mà ở chỗ sợ không dám thú nhận thất bại, không dám từ đó rút ra tất cả những kết luận"

V. Lênin

"Chớ có dừng lại, chớ ung dung tự tại, chớ bao giờ nguội lạnh đi, chớ để tâm hồn mình già cỗi. Đừng để những thú vui dễ dãi và ti tiện của đời sống lôi cuốn mình đi, làm tổn thưởng đến những niềm vui lớn khó đạt tới hơn. Trong đời sống có hai triển vọng: Một gần và một xa. Anh đừng bao giờ hài lòng với triển vọng thứ nhất".

Chú thích (tháng 04/1967)

[1]  Maksim Gorki, tức Aleksey Maximovich Peshkov (1868-1936): nhà văn Nga Xô-viết.

[2]  Stepan Petrovich Shchipachev (1899-1979) nhà thơ Nga Xô-viết

[3]  "Zdravstvuite" (chữ Nga trong bản gốc): Chào!