11-5-1964

Những ngày cuối năm quả là bận rộn, biết bao việc lớn đến với mình tới tấp. Phải cố lên, không nên nản chí.

Sáng đến lớp nhận được thư của брат Cыонг [anh Xương]. (1) Mình suy nghĩ rất nhiều. Anh mình nói đúng: trước những khó khăn của cuộc sống phải biết nhẫn nại chịu đựng. Cám ơn anh đã giúp mình điều đó.

Chiều về xuống học dưới сестра [= em, bạn gái]. Kết quả học tập không cao lắm nhưng thu được nhiều tình cảm mới. Mình rất mến сестра, phục сестра, tối ăn cơm cùng сестра. Thấm thía lắm, chả hiểu những tình cảm này sau này còn có được không. Mình tin là vẫn còn.

 

 

Kết quả học tập tương đối khả quan  (2)

‒ Văn: điểm 5 (1 mình trong lớp)

‒ Lý: điểm 5 (1 trong 3 học sinh trong lớp)

‒ Chính trị: chuẩn bị đầy đủ

Hãy kiên trì hơn nữa.

Hãy nên nhớ: Mình là người …[ tự xóa 2 từ]

12-5-1964

Hôm nay ngày lao động, được nghỉ, đi viết bản tổng kết Toán cho nhà trường. Kết quả không tốt đẹp lắm. Không sao, như vậy là mình đã làm được một việc tốt. Trưa về, không ngủ, xoay xở với lá thư trả lời anh Sương. Mình đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi viết lá thư này, mình đã định không cho ai hay những cảm nghĩ của mình, nhưng rồi thực tế cứ bắt mình phải nói lên sự thật tàn nhẫn đó.

Đến giờ lá thư mới viết được phần đầu, mình tin là sẽ thành công vẻ vang.

Kết quả học tập: chiều nay học ở nhà cecmpa, rất tốt: làm được trên 10 bài toán. Tối đi thảo luận đáp án Địa.

Phải làm việc khẩn trương hơn. Nhất là Toán-Lý.

13-5-1964

Đến hôm nay, công việc ôn tập vẫn chưa thu được kết quả như mong muốn. Ì ạch với đáp án Địa, loay hoay với mấy bài Toán, hì hục với những bài Lý; không nên hồn, quả là đồ bỏ đi. Nghĩ lại cách đây hai, ba tuần ta không đến nỗi tồi như thế này, lúc đó học chăm hơn, cố gắng hơn, trong lớp chú ý nghe giảng, về nhà độc lập suy nghĩ, không có một ý nghĩ nào khác xâm nhập vào mình. Ta thảnh thơi học tập.

Nhưng giờ đây thì sao? Trong lớp uể oải nghe giảng, về nhà nghĩ vẩn vơ đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến những điều không nên nghĩ.

Thùy ạ, lương tâm sẽ lên án mày nếu mày думает oб этом. [ nghĩ đến điều ấy]

Không, không khi nào ta lại думаю [nghĩ] vẩn vơ. Mục đích trước mắt của ta đâu có phải là ở đó. Quanh ta biết bao nhiêu người hối hả [2 từ bị xóa] thôi thúc ta nhiều rồi, … ta đã thực hiện được tí nào đâu.

“Hãy biết sống cho ra sống”, không được sống như những thằng khốn nạn, những kẻ “hư vô chủ nghĩa” trong xã hội. Không nên mon men quanh tình cảm của người khác. Nên nhớ rằng không nên cầu xin người khác ban ơn, ôm ấp tâm hồn mình. Hãy nên nhớ mình là con người biết sống ra sống. Từ ngày mai hãy xác định lại việc mình làm. Phải làm việc không những khẩn trương mà còn bằng hai so với trước. Hãy để cho tư tưởng luôn nghĩ đến học tập. Phải biết xấu hổ khi không tự chủ được mình, khi bản thân không giữ nổi được tình cảm, để cho….

Đừng để cho những trang nhật ký sau phải một lần nữa nhắc lại những điều này.

Все за будущем [= tất cả cho tương lai] (3)

Đến hôm nay bức thư vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân: Tư tưởng chưa được thống nhất, chưa kiên quyết trước việc mình làm. Buổi tối chơi hoài. Đồ bỏ đi.

14-5-1964

Hôm qua mình đã quá gay gắt với bản thân; dù sao mình cũng không đến nỗi tồi như vậy. Nghĩ lại mình thấy rằng: Con người ta ai mà không có tình cảm, có cái là nhân sinh quan của mỗi người có khác nhau cho nên ở mỗi người tình cảm dậy lên trước một ngoại lực nào đó có khác nhau. Mình thấy rằng tình cảm, yếu tố cơ bản có tác động mạnh mẽ đến hành động con người. Muốn có những việc làm đẹp đẽ có ý nghĩa sâu sắc thì tình cảm phải lành mạnh tốt đẹp. Nên nhớ rằng một khi tình cảm và lý trí thống nhất với nhau thì hành động của bản thân lúc đó là hành động [2 từ bị xóa]. Cần phải rèn luyện cho mình một tình cảm tốt đẹp hơn, một tình cảm phong phú nhưng được… [5 từ đã bị xóa]

15-5-1964

Kết quả học tập tương đối khả quan. Một điều rất mừng là lại được xơi một điểm 5 văn nữa (1 trong lớp) hy vọng được tổng kết 5. Chiều và tối làm được khá Địa…. Вечером сестра смотрет письмо братa [Buổi chiều, bạn gái đọc thư ông anh]. Nhìn chung cecmpa [bạn ấy] rất thống nhất với mình.

16-5-1964

Hôm nay trong phần tiếp theo của bức thư gửi cho anh, mình đã viết: “Con người ta muốn tồn tại trong một tập thể (mặc dù tập thể đó có nhỏ bé) nhất là tập thể quần chúng tiến bộ thì phải hòa mình với quần chúng, không thể đứng trên quần chúng, nhìn quần chúng với con mắt khác thường, không thể tỏ ra mình hơn hẳn quần chúng được, không thể làm ra vẻ ban ơn cho quần chúng… Những người có tư tưởng và ý nghĩ như vậy thì sẽ không khi nào và không bao giờ tồn tại vĩnh viễn được. Được chăng nữa cũng rất mỏng manh”.

Đúng như thế! Thực tế đã chứng minh cho mình thấy rõ điều này. Vấn đề là ở chỗ mình có thực hiện được tinh thần của lời nói này không? Nhất định làm được.

 

Chiều nay mình đã phải qua một cơn sóng gió ghê gớm. Qua cuộc đấu tranh tương đối gay go ở lớp, mình được bình là cá nhân xuất sắc toàn diện ở lớp. Được đề nghị lên Ty khen. Nghe thầy giáo nói có lẽ mình sẽ được tổng kết 10 môn điểm 5 (trừ thể dục). (4)

Sung sướng quá, rất hy vọng.

17-5-1964

Lúc này đây, ngồi một mình với cây đèn dầu hỏa, mình vẩn vơ, nhớ nhà, mình nhớ mẹ thân yêu, nhớ cha, nhớ các em. Mình sống ở đây thấm thoắt đã 6 năm rồi. (5) Trong những năm qua không khi nào là mình không nghĩ đến mẹ mình. Người mẹ kính yêu vô vàn. Ở mẹ, mình thấy một tình thương dạt dào, sâu sắc. Nhà neo người, kinh tế khó khăn, nhưng mẹ mình luôn luôn tháo vát chạy vạy cho mình ăn học. Mẹ đã chiếm một phần lớn tình cảm của mình. Chiều nay khi nhận được tiền mẹ cho mình càng thấy thấm thía. Hãy làm thế nào đền đáp công ơn mẹ.

Tình hình học tập: Vẫn chỉ có ôn; làm toán đã được tương đối nhiều nhưng chưa cẩn thận lắm. Phải làm việc bằng hai. Hy vọng được Bác khen.

Có lẽ ngày mai sẽ đi chơi với chị Hiên. Tin chắc rằng sẽ thu được nhiều cái mới. Hãy chờ ngày hôm sau.

18-5-1964

Một ngày qua không đi chơi được. Thật đáng buồn.

Sáng nay đi học như mọi ngày, không khí cuối năm càng rõ rệt. Trưa về mệt mỏi. Đang định nghỉ thì Cecmpa [chị, bạn gái] đến. Mình vội đi đến nơi Cecmpa cho xem toan toàn bộ thư của chị. Đó là chuyện khá hấp dẫn. Xem xong toàn bộ thư, một ý nghĩ đầu tiên với mình là: Lúc này đây mình đã chiếm được lòng tin của chị. Cám ơn chị. Qua những bức thư mình thấy được bước đường éo le trong cuộc đời của chị. Mình thấy lạ là: Tại sao một người đàn ông lại cần đến любовь [tình yêu] như vậy. Cứ như mình bình chân như vại thì sao? Chị bảo mình “Đến mày mới khó khăn”. Câu nói đó làm mình suy nghĩ rất nhiều. Trong lúc nào đó mình buồn. Nhưng không sao.

Я тебя любю, жизьни [Cuộc sống ơi, ta yêu ngươi!]

Hôm nay trong “tác phẩm” (theo Cecmpa đùa) mình có viết: “Quanh ta cuộc sống đang hừng hực trào dâng như cơn lốc, nó xoáy tròn bụi đời lại một xó để cho bao cái đẹp đẽ đi lên và tiến bước. Nó như một cơn sóng dồn dập, con người ta nếu còn trù trừ không nhanh chóng bơi theo cuộn sóng đó thì dễ dàng bị chìm nghỉm. Đứng trước một thực tại hiển nhiên là đẹp, là tiến bộ, có người rất nhạy trong việc cảm thụ, nhưng có người rất khó khăn, khắc khổ khi thu nó vào người và khi cùng quá họ dễ dàng dùng tác động cơ học nhét nó vào người một cách vô ý thức. Tư tưởng của Дядя [ông chú] như một khối tròn xoay, bên trong nó là một cái lõi vững bền kết tinh của hàng chục năm sống, bên ngoài là một lớp sơn hào nhoáng rất đẹp mắt dễ lôi cuốn lòng người. Khối tròn đó dễ để cho cơn lốc của cuộc sống bóc lớp sơn của mình đi để thay vào đó là một lớp sơn mới nhưng cái lõi của nó rất khó suy suyển. Đợt gió cực mạnh của cuộc sống có đẩy mạnh được nó lên được lưng chừng dốc rồi nó lại tự lăn về chỗ cũ. Nhưng lạ thay khối tư tưởng đó không bao giờ chết chìm trong cuộn sóng chung của xã hội”.

19-5-1964

Đúng quá! Hãy nhớ lấy điều này… Cả ngày hôm nay được nghỉ học ở trường. Mình xuống học dưới Cecmpa, chị đi học tập mình ở nhà làm bài. Chao ôi! Nóng ghê quá, năng suất làm việc không cao. Trưa về mình lo lắng ghê quá. Ngày thi sắp đến rồi mà công việc chuẩn bị không tốt lắm. Bài làm chưa được là bao. Phải phấn đấu hơn nữa mới được. Qua một số câu chuyện với Kh. mình càng biết nhiều về Cecmpa. Phức tạp quá, đáng ngại. Dù sao mình cũng không nên bận tâm đến. Một ngày trôi qua không hoan hỉ lắm.

Lại một ngày trôi đi mang lại cho chị mình bao nhiêu điều mới.

“Sống lâu thấy lắm chuyện kỳ”. Câu thành ngữ quả là chí lý. Ba năm học trong trường cấp 3 Phủ Lý. Từ một đứa trẻ ngây thơ mình đã trưởng thành không ngừng. Ba năm qua là ba năm học đầy thắng lợi.

Trong những năm đó đã có ai bảo mình là kiêu căng đâu? Đã ai bảo mình là một thằng cấc lấc đâu?

Chiều nay mình đang vui sướng trước thành tích học tập của mình, thì một tin vui bất ngờ đến “Trong cuộc họp đoàn, ban Giám hiệu đã nhận định mình không đúng”.

Chao ôi! Mình buồn và lo ghê quá.

Nhưng không sao, thực tế sẽ trả lời họ. Không hôm nào mình thấy đau đớn như hôm nay. Sau khi học được hai tiếng, nhìn thấy thực tại bất công trước mắt mình không thể chịu nổi. Đau óc vô cùng và đã bỏ học ra về để lại trong lớp bao sự ngạc nhiên.

Buổi chiều nằm nhà không học được mấy. Suốt hai tiếng đồng hồ nói chuyện với Cecmpa mình càng hiểu thấu Cecmpa. Cecmpa có nói một câu rất nhớ: “Tao chưa tin ai bằng tin mày”. Đó là điều mình mong muốn. Nếu được vậy thì quả là tốt. Mình rất tin Cecmpa. Chưa có ai làm mình dốc hết tâm tình của mình ra. Nhưng riêng với Cecmpa mình đã không ngần ngại kể hết những cảm tưởng của mình qua 6 năm sống ở đây.

22-5-1964

Hôm nay mình lại thấy thoải mái vô cùng. Qua sự tìm hiểu ở một số thày giáo mình thấy rõ một điều: Tổng kết năm học không được 11 môn 5 là do nhà trường quyết định, (6) mà không phải do kiến thức tồi tàn. Mình không nên nghĩ đến vấn đề này làm gì nữa.

Sống lắm mình càng hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống của mình hơn, càng thấy rõ hơn bản chất môi trường mình sống hơn.

Sống có ý nghĩa, sống có mục đích mới là sống chân chính. Không phải sống vì ghen tị hèn kém, không phải sống vì sự thù vặt cục bộ. Hãy nhớ lấy bài học này.

25-5-1964

Mình đang định viết nhưng không thể viết nổi vì “GẶP BÃO”. Bão to quá. (7)

26-5-1964

Hôm nay đi cả ngày. Tối về, thoải mái.

27-5-1964

Không thể chịu nổi nữa rồi. Bão vẫn tiếp tục, liệu có bao giờ quên được không?

12 giờ trưa, giờ phút đáng ghi. Hãy nhớ lấy cốc nước nóng đập vào mặt hôm nay nhé. Nhớ lấy!

Kết thúc đời học sinh

Đó là một điều đáng buồn

Nhưng không sao

Tương lai mở rộng

[2 dòng bị xóa]

 

Sống vĩ đại chết vẻ vang

Dù cho hai chục xuân

Ngắn ngủi cũng còn hơn

Sống 100 năm vô vị

 

Rất đúng!

Mình đã được vinh dự xứng đáng là những con người như vậy không? Hiện nay thì không? Nhưng sẽ phấn đấu.

 

Tuổi thanh xuân bao giờ cũng tươi đẹp nhưng tuổi thanh xuân chân chính chỉ thuộc về những con người cố gắng vươn lên hàng đầu. Những con người lao động quên mình. Những con người luôn luôn khiêm tốn.

 

Lý tưởng chính là cái mà vì nó người ta sống và dưới ánh sáng của nó người ta hiểu được ý nghĩa của cuộc đời mình.

 

Mình đã làm gì để thực hiện lý tưởng của mình.

 

Một đóa hoa nở không làm nên được mùa xuân; chỉ có trăm hoa đua nở thì khu vườn mới tràn ngập sức xuân.

Một giọt nước chỉ có hòa vào biển cả mới không bao giờ khô cạn. Một con người chỉ có sức mạnh khi hòa mình vào sự nghiệp cách mạng chung của tập thể.

Tuổi thanh xuân là tươi đẹp nhưng tuổi thanh xuân của một người có thể bình thản cũng có thể rực lửa anh hùng. Có thể trôi qua vô vị để rồi hối tiếc, cũng có thể bước kế bước vững vàng tới tuổi thanh xuân huy hoàng tráng lệ.

30-5-1964

Hôm nay về quê. (8)

Thoải mái quá vì mình đã làm được một việc có ích. Dìu được một bác nông dân ở dọc đường. Trẩy nhiều dừa quá, lên ăn cùng Cecmpa. Thoải mái vui vẻ. Tối ăn cơm cùng Cecmpa. Vui.

31-5-1964

Đến hôm nay mà nói đáp án đã hoàn thành. Đáng mừng quá. Nhưng mình cảm thấy lo lắng vô cùng. Chả có hy vọng gì đỗ tốt nghiệp. Trong người như ốm. Phải mua thuốc an thần để uống cũng không đỡ mấy.

Thôi, không nên lo lắng làm gì. Hãy biết nhìn tương lai mà đặt bước chân vững vàng khi tiến bước. Thế đi có vững không? Bước tiến có chắc không?

Đó là vấn đề ta cần phải giải quyết.

Chú thích (tháng 05/1964)

([1] Anh Xương là anh cùng cha khác mẹ với Trần Văn Thùy; anh sống ở nơi khác, tỉnh khác.

(2 Lúc này Trần Văn Thùy học lớp 10, trường phổ thông cấp 3 thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, đang chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông.

(3)  Lưu ý:  các chữ để trong ngoặc vuông [ ] là ghi chú của người soạn, thường là lời dịch các câu chữ Nga trong bản gốc.

(4) Thời gian này nhà trường ở miền Bắc VN áp dụng cách cho điểm theo hệ điểm 5 bậc: điểm 5: giỏi; điểm 4: khá; điểm 3: trung bình; điểm 2: kém; điểm 1: rất kém; không có điểm 0. 

(5 Trần Văn Thùy quê ở làng Họ xã Trung Lương huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam; từ 1958, Thùy được gia đình cho lên ở  nhờ nhà một người chú họ tại thị xã Phủ Lý, học phổ thông từ cấp 1 đến hết cấp 3. Do hộ khẩu thường trú của Thùy là ở thị xã Phủ Lý nên sau khi học xong lớp 10, Thùy tất nhiên được coi là cư dân thị xã, sinh hoạt Đoàn thanh niên và tham gia các hoạt động khác như một thanh niên cư trú ở khu phố sở tại.

 (6) Thời gian này trường phổ thông cấp 3 thị xã Phủ Lý được Ty giáo dục Hà Nam và Bộ giáo dục giao cho việc bồi dưỡng để khi tổng kết năm học phải có một số học sinh đạt điểm 5 toàn bộ các môn (11 môn). Thật ra thì để đạt được kết quả ấy, nhà trường phải bàn với giáo viên các bộ môn để nâng điểm nếu cần, vì trong trường nếu có được một vài học sinh giỏi đều các môn chính thì lại thường bé nhỏ về thể hình, hơi yếu về thể chất, chỉ đạt điểm khá (điểm 4) ở môn thể dục. Trường hợp Trần Văn Thùy lại thêm chuyện lý lịch (con gia đình địa chủ) nên nhà trường càng không thể cho đạt 11/11 môn đạt điểm 5, do vậy đã hạ (hoặc không nâng) điểm của môn thể dục. Học sinh xuất sắc (tổng kết năm học đạt điểm 5 toàn bộ 11 môn học) những năm ấy được nhận phần thưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh (gồm một cuốn sổ tay có chữ ký của chủ tịch).

(7)  Thời tiết giữa tháng 5 không thể có bão; nói “gặp bão” là cách ghi một tai nạn nào đó xảy đến với bản thân mà tác giả không muốn ghi cụ thể.

(8) Những năm đương thời, học sinh ở các vùng xa nơi đặt trường đều phải thuê (hoặc ở nhờ) nhà trọ tại thị xã Phủ Lý; vào ngày nghỉ hoặc buổi chiều họ có thể về nhà bằng xe đạp, lấy lương thực, rau, hoa quả từ nhà đêm lên; thường là sáng đi chiều trở lại thị xã. Cuộc đi “về quê” được ghi lại này thuộc kiểu như thế.