2-5-1965

Quốc Thành và Dũng (1) về chơi. Trông chúng vui mà mình buồn, muốn xa lánh. Nhưng lúc chúng đi mình không khỏi xốn xang trong lòng trống trải.

Nói chuyện với I. hơn một tiếng đồng hồ về quan điểm bạn bè. đến nay mà nói, Я [tôi] càng люблю тебя [yêu em] tha thiết. Một ngày не встречаю тебя [không gặp em] là đã thấy nhớ rồi.

Nhưng sự thật không cho phép mình chiều theo nguyện vọng của trái tim! Đau khổ đấy! Nhưng hãy chịu đựng, chịu đựng

Tất nhiên, mình vẫn tôn trọng và gìn giữ tình cảm đó của mình, miền sao đừng cho ai biết

Mình không muốn cho mối tình của I. đã có tan vỡ. Nhưng mình muốn I. hiểu rỗ nỗi lòng viển vông của mình Khó quá.

Cuộc sống của ta thật là bất hạnh. Thời gian trôi đi sẽ làm chết dần cuộc sống tinh thần và vật chất. Nhưng dù ta có chết đi ta cũng không ân hận bởi vì trong cuộc sống ta đã không cầu xin ai ban cho ta một ân huệ đớn hèn

           Mình nên suy nghĩ lại lời nhận xét trên đây của Công.

3-5-1965

Quanh đi quẩn lại bồi hồi lo lắng bởi thi cử.

Sự nghiệp lều chõng”…???

Tính như thế nào nhỉ ?”

4-5-1965

Thật là một tin buồn. Nhận được thư của chị H., biết nói gì với chị bây giờ. Chị đã hiểu lầm mình quá rồi. Chị cho mình đã nhạt nhẽo trong quan hệ với chị.

Không, không thể nào như vậy được.

Chị H. ơi! Nếu như chị thấy rõ được tâm tình em trong những lúc hiu quạnh thì chị sẽ hoàn toàn thông cảm với em.

Em chưa bao giờ ngờ đến những vấn đề chị nói.

Khốn khổ cho em quá.

 

Đêm xuống từ giã K. trở về lòng nặng nề chua xót, gặp Thành nói chuyện tới bây giờ. Thành đang phấn đấu vào Đoàn, mình nên góp ý giúp đỡ Thành đạt ước vọng đó.

Đúng, vào đoàn, Thành mới thấy rõ vai trò của Thành hơn.

6-5-1965

Chị Th. về quê chơi, mát, đẹp tuyệt vời, ấm cúng.

Ra đi đầu óc nặng nề, lo âu…

Khó nói quá.

8-5-1965

Một ngày lao động nặng nhọc và tẻ ngắt trôi qua, giờ đây càng thấm thía những gì đã đến với cuộc đời.

Tối đến những chuyện kỳ quặc xảy ra trong gia đình làm mình chán ngắt.

10-5-1965

Ba bốn hôm nay, tâm trạng bồn chồn kinh khủng (không hiểu sao lại như vậy), lo âu ghê gớm.

- Lo lắng về sự tổn thương trong quan hệ chị em.

- Lo lắng về sự tổn thương quan hệ bạn bè.

- Bồn chồn về sự nghiệp “lều chõng”

- Bồn chồn về “nghề nghiệp”

Ôi! Mình lo lắng không biết nói gì với chị H. bây giờ.

Mình lo lắng: Không biết hành động thế nào với I. bây giờ.

Mình bồn chồn: “Thi hay không thi”.

Mình bồn chồn: “Có nên làm hay không nên làm”.

Khủng hoảng mất thôi.

11-5-1965

Lại một ngày nữa qua đi mình cứ tưởng rằng sẽ có bao vấn đề đến làm mình thoải mái tâm hồn. Nhưng không, không có gì hết, lại hàng ngàn những chuyện rắc rối kích động tư tưởng đã có những giờ phút tưởng chừng như sống ngắc ngoải trong trạng thái lo hãi.

Thật vô cùng khó hiểu là: Từ khi dấn thân vào cuộc sống mình luôn luôn gặp phải những điều không may mắn, bất cứ ở đâu và bất cứ ở một hoàn cảnh sống nào mình đều luôn luôn tìm cách cho người đời thấy rõ bản chất đứng đắn của mình, nhưng ít khi được toại nguyện. Người đời thật kỳ quặc, họ đã không ngần ngại xét đoán mình một cách rất láo… cho nên toàn gặp những vấn đề đen đủi.

Ôi! Con người nào mà chả vậy.

Trong cuộc đời của con người phải có những vấn đề hạnh phúc và phải gặp những cơn giông tố…

Con người nào mà chả phải vật lộn với…

Một “định mệnh tàn khốc” theo đuổi riết quá!

15-5-1965

Sáng dậy, bạn bè nô nức đi xin việc làm. Tâm hồn rất tẻ ngắt, ngậm ngùi trong thâm tâm tự hỏi: Thùy! Tính sao bây giờ? Chả nhẽ đứng đây sao, hay đi… hay mặc nhiên kệ thời gian trôi đi không hề luyến tiếc.

Ồ! Đã bao lúc mình tỏ ra thờ ơ…

Phải tôn trọng thời gian hàng phút hàng giây.

Hãy vũ trang đầy đủ để đạt lấy ước vọng.

 

Hôm nay đi học lớp phụ trách thanh niên.

16-5-1965

Mấy ngày nay tâm trạng luôn hướng về thi cử. Xung quanh bạn bè nô nức nộp đơn. Tự trong bản thân bao nỗi niềm chua xót dấy lên.

17-5-1965

Đi bộ 8 cây số kịp về tổ chức thi bổ túc cho lớp 6. Cố gắng làm đơn thi đại học. Ừ, phải thế chứ. Trong khi bạn bè sốt sắng như vậy, trước những lời nói đầy nỗi đồng cảm của mọi người, không thể nào thờ ơ được. Đúng, không ngừng thử thách và đi lên.

Đêm đến! Trăng sáng tuyệt vời.

Tâm sự với I., tiếng khóc của I. làm mình xúc động.

Phải rồi, trong cuộc sống của con người, cảm động xiết bao khi có người đồng cảm với mình. Và… một cuộc sống nào mà chả có nước mắt, chả có tiếng cười. Mình cũng vậy, miễn sao tiếng khóc của mình không phải là tiếng khóc đớn hèn, tiếng cười của mình không phải là tiếng cười man rợ đầy dục vọng và thú tính là được rồi.

19-5-11965

Chuẩn bị ráo tiết để thi đợt nữa.

Thôi thi cố gắng lên, cứ tin vào thắng lợi đi đã.

Hôm nay sống tương đối thoải mái. Thỉnh thoảng có bị dày vò bởi những vấn đề mà mình và I. nói chuyện tối qua.

21-5-1965

Đêm hôm khuya khoắt.

Thân phận cô đơn.

Tương lai trước mắt.

Hãy vươn lên hay dừng lại.

Tâm trạng xốn xang khôn xiết.

I. đến chơi mang lại niềm vui và sự xúc động.

Mặc cho dư luận hiểu lầm, trước sau ta vẫn cứ chuẩn theo lương tâm mà hành động.

22-5-1965

Đối với mình đêm hôm đã mang đến bao nhiêu điều thấm thía.

Đêm nay nói chuyện với K. và M..

Учитель За [thầy Gia] có khuyên nhủ K: Nên suy nghĩ về tình bạn với mình, liệu cón nên tiếp tục không, liệu có lợi không? Nên có một lập trường giai cấp thế nào?

Ôi! Tên Gia! Mi thật ngu si. Bản thân ta, ta biết rằng bao người hoài nghi một cách ngu xuẩn; họ xét đoán ta bằng hoàn cảnh sống, sự xuất thân…

Họ nhầm đấy…

Chả nhẽ mi cũng nhầm hay sao.

Không, không thể có một sự ngu muội thế được.

23-5-1965

Ráo riết quá, xốn xang quá.

Khấp khởi trước những sự kiện sẽ đến.

Ôi! Ước ao những điều may mắn sẽ đến. Đến đi cho ta vui sướng.

25-5-1965

Xem chuyện của Tsingiz Aitmatôp (12.12.1928, một làng thuộc tỉnh Kirop nước Cộng hòa Kirghizi).

… Mỗi câu chuyện của Aitmatôp kể đều bao hàm những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống về con người.

Số phận của các nhân vật trong truyện của Aitmatôp nhiều khi bi đát. Những nỗi đau khổ tủi cực của họ dường như gieo một âm hưởng ngậm ngùi vào những truyện của ông. Nhưng những tấn mà họ trải qua đều là những “bi kịch lạc quan” vốn có rất nhiều trong cuộc chuyển biến lớn lao mà loài người đang trải qua. Và những thử thách gay go nhiều khi đau đớn ấy lại càng làm sáng tỏ những phẩm chất đẹp đẽ của con người nhất là con người đang bước theo nhịp bước của thời đại. Ở Aitmatôp lòng thương xót đối với những đau khổ không bao giờ tách ra khỏi lòng quý trọng và tin tưởng ở con người. Cho nên truyện của ông thấm nhuần một chủ nghĩa nhân đạo chân thực và sâu sắc.

… Cái nhìn sắc sảo của nhà văn Kirghiz đã khiến ông tìm được những nét chân xác và kết tinh của cuộc sống, soi thấu vào những uẩn khúc của tâm lý con người và theo dõi được một cách tinh tế những biếu chuyển phức tạp của nó. Cho nên những nhân vật của Aitmatôp đều có một sức sống mạnh mẽ có sức truyển cảm rất lớn.

Văn kể chuyện của Aitmatôp rất giàu tính chất trữ tình. Sự cảm thông của tác giả với nhân vật mình sáng tạo, tình yêu tha thiết của tác giả đối với quê hương làm cho người đọc rung cảm sâu sắc với những nỗi buồn niềm vui của những con người sống trong truyện và thấy mình được đưa hẳn vào cái thế giới núi đồi và thảo nguyên mà tác giả gợi lên bằng những bức tranh đầy thi vị. Giữa những diễn biến dồn dập và căng thẳng của tình tiết, bên cạnh những quan sát tinh vi của một trí tuệ sâu sắc, luôn luôn vang lên những âm hưởng trữ tình của một tâm hồn nồng nhiệt. Văn Aitmatôp mang một dư hưởng của một nền văn học truyền khẩu Đông phương giàu màu sắc và tình cảm nhưng nó được dùng để thể hiện một cuộc sống mới theo một nhịp điệu kết hợp một cách hữu cơ với những phương tiện biểu hiện tằn tiện nhưng mạnh mẽ của văn tự sự hiện đại.

… Truyện của Tsinghiz Aitmatôp làm cho ta xúc động bắt ta phải suy nghĩ. Nó khiến ta hiểu thêm kính trọng thêm yêu quý thêm con người và tin tưởng thêm ở cuộc sống, điều mà chỉ có những tác phẩm nghệ thật chân chính mới làm được.

Đáng ghi.

26-5-1965

“Trong làng tôi không thiếu gì các loại cây nhưng hai cây phong này khác hẳn. Chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, một tâm hồn chan chứa những lời ca êm dịu. Dù ta có tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm, chúng cũng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo những cung bậc khác nhau. Có khi tưởng chừng như một làn sóng thủy triều dâng lên vỗ vào bãi cát. Có khi lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm truyền qua lá cành như một đốm lửa vô hình. Có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng rồi khắp các lá cành lại cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào… Và khi mây đen kéo đến cùng với bão giông xô gãy cành tỉa trụu lá, hai cây phong nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực và trong tiếng gầm bất khuất của chúng ngỡ chừng như nghe thấy một lời thách thức ngỗ ngược: “Không, đừng hòng bắt ta phải khom lưng khuất phục, đùng hòng bẻ gẫy thân ta”.

Bao nhiêu năm qua, sau này tôi đã hiểu được điều bí ẩn của hai cây phong. Chẳng qua chúng đứng trên đồi cao lộng gió nên đáp lại bất kỳ chuyển động khe khẽ của không khí, mỗi chiếc là nhỏ đều nhạy bén đón lấy mọi hơi gió nhẹ thoảng qua”.

                                                                      (trích văn Tsinghiz Aitmatốp)

 

Đêm nay nói chuyện khá dài với I., giải quyết hết được những ưu phiền lâu nay dày vò tâm can hai người. Tương đối thoải mái.

Ngày hôm nay oanh tạc Đoan Vĩ. (2) ([1]) Chúng mình đang ở trong tình thế chuẩn bị chiến đấu, khẩn trương.

27-5-1965

“Năm qua tháng lại, dĩ vãng đã xa xăm mà hiện tại thì luôn cất tiếng gọi trở về với cuộc sống những nỗi lo âu bận rộn lớn nhỏ hàng ngày.

……Số phận tôi nó thế. Không phải tôi quên dĩ vãng, không, tôi không thể quên được. Tôi chỉ xa lánh dĩ vãng mà thôi.

Trên núi có những dòng suối như vậy: Một con đường mới được đắp lên, người ta quên lãng con đường mòn dẫn đến suối và ngọn suối kia dần dần phủ kín dưới lau lách bụi bờ. Đứng xa mà nhìn chẳng còn thấy suối đâu nữa và ít khi có ai nhớ đến dòng suối cũ mà trở về bên suối vào một ngày nóng nực để uống cho đỡ khát. Nhưng rồi một hôm có người đến tìm ở nơi vắng vẻ ấy, rẽ đám lau lách ra và khẽ kêu lên, dòng nước mát mẻ trong trẻo lạ lùng, đã từ lâu không ai đến khuấy động làm vẫn đục đang chảy lặng lờ sâu thẳm khiến cho khách phải ngạc nhiên. Khách nhìn xuống nước và trông thấy mình, thấy ánh thái dương, bầu trời, những rặng núi… và khách nghĩ rằng không biết đến những nơi như thế này thật là có tội, phải kể lại cho các bạn bè cùng biết. Khách nghĩ thế rồi quên bẵng đi cho đến ngày thấy lại dòng suối lần nữa.

Trong cuộc sống đôi khi cũng như vậy, nhưng có lẽ có thể nó mới là cuộc sống”.

                                                                      (trích văn Tsinghiz Aitmatốp)

 

28-5-1965

“Không ai có thể cấm ai suy nghĩ, mong muốn, ước mơ. Con người ta khác với giống vật chính là ở chỗ biết suy nghĩ.

… Tôi không hề rời bở những ước mơ của mình. Tôi đã giành được chúng, tôi đã lại có quyền ấp ủ chúng và từ đây chúng không lìa bỏ tôi nữa. Chúng cùng sống với tôi.

…….

Buổi tối, khi mọi người bắt đầu sửa soạn đi ngủ, tôi bước ra khỏi lều đi đến ngọn suối, không hiểu có sức mạnh nào kéo tôi đến đây, tôi muốn một mình ngồi riêng lại với mình một lát.

Sao ở trên trời chật quá nên phải chạy xuống chân trời sát tận mặt đất. Nhưng có rất nhiều sao mà có lẽ là tất cả các vì sao đang lơ lửng trên đầu đều thu gọn một cách lạ lùng vào ngọn suối, in bóng xuống vũng nước tròn lúc này tưởng chừng như sâu vô tận. Chúng lấp lánh lung linh trên mặt nước, tưởng chừng có thể ném lên, gieo thành từng nắm vụn lửa trên bờ. Ở chỗ suối chảy chúng cũng trôi theo dòng nước và vỡ tung tóe trên lòng đá sỏi. Nhưng chỗ suối nước ngưng lại, trầm tư, lặng lẽ thì chúng lại long lanh như ở trên trời và tôi đã nghĩ rằng ngọn suối giữa thảo nguyên đôi lúc có một cái gì giống như tâm trạng con người. Khi đang trong sáng và dào dạt những ước mơ, khi nó trở lên sâu thẳm tới mức có thể chứa hết cả thế giới chung quanh.

Tôi cứ ngồi bên ngọn suối, nhìn nghe, tiếp cảm bằng từng đường gân thớ thịt, hấp thụ lấy cảnh “Thảo nguyên” đang náu mình trong đêm và biến đổi nó đi theo ý riêng trong các ước mơ của mình.

Biết kể cho ai nghe những ước mơ ấy, biết chia sẻ tâm tình với ai?”

(trích văn Tsinghiz Aitmatốp)

29-5-1965

“Trận mưa bỗng tạnh hẳn, như bị cắt đứt ngang và tức khắc bầu trời ửng lên một màu ngọc bích trong suốt sâu thăm thẳm. Nền trời tựa như tiếp tục vẻ đẹp tinh khiết của thiên nhiên. Một dải cầu vồng bắc ngang nền trời. Nó vươn từ hai đầu tân cùng của thế giới và sừng sững trên cao, kết tinh lại tất cả những màu sắc êm dịu nhất trên đời. Tôi hân hoan đưa mắt nhìn quanh. Bầu trời lâng lâng một màu xanh vô tận. Dải cầu vồng muôn sắc lung linh. Mặt đất khô đi rất nhanh và cao tít trên nền trời một con phượng hoàng lượn vòng đôi cánh im lìm căng rộng. Tưởng chừng như không phải tự con phượng hoàng bay trên đôi cánh của nó mà chính là nhịp thở mãnh liệt của “Thảo nguyên”, những luồng hơi ấm của đất này đã đưa chim lên cao đến thế. Và tôi cảm thấy mình có sức mạnh, tôi lấy lại được tinh thần, những ước mơ lại trỗi dậy trong lòng.

Phải, giờ đây tôi đã đứng vững vàng trên mặt đất và không còn ai có thể gieo bóng tối vào những mơ ước của tôi, ngăn cản tôi tin tưởng vào tương lai tươi đẹp vô ngần”.

                                                                      (trích văn Tsinghiz Aitmatốp)

 

Ban ngày làm việc uể oải, đêm thức quá khuya, tâm tư chán ngắt. Chiều đến nhận tiền lương mà lòng thêm thấm thía nỗi long đong cô quạnh.

Không thấm thía và bùi ngùi sao được. Cầm tiền trong tay lòng tôi khá hân hoan vì tự hào rằng: bản thân cũng “xôm” như ai! Ra về lòng nhẹ lâng lâng cảm thấy thanh thản quá, nghĩ miên man những khoản cần chi mà tâm tư đầy hoan hỉ: Vài quyển truyện này! Vài số báo này…! Mẹ kiếp! Nhưng khi về nhà giao xong số tiền ăn thì chỉ còn 0,5 đ. Xem tối chiếu bóng, ăn cái kem, hết vèo.

Lại “rỗng tuyếch” như ai!

 

Lại vùi đầi vào truyện của Aitmatôp. Chà! Hay quá, hay ghê, mình xem truyện của lão ta mà tâm tư tình cảm rộn lên đủ kiểu.

Ước ao có được cây bút như Aitmatôp…

Giờ đây đêm tối mịt mùng. Ngoài kia lá thông reo rì rào trên những ngọn cây cao vút tựa hồ tiếng sóng bể vỡ xa xa. Thỉnh thoảng tiếng tàu hỏa ầm ầm chuyển bánh đi xa như lay động màn đêm.

Ôi! Những gì đã mất đi! Mãi mãi không bao giờ trở lại hay sao?

30-5-1965

Trở về quê hương.

Hoa lan đã tàn.

Cây dừa trĩu quả.

Tất cả êm dịu lạ thường. Chiều ra đi lòng nặng trĩu vì không nói chuyện được với chị H.

Đầy nhớ nhung và luyến tiếc.

Chú thích (tháng 05/1965)

([1])  Trần Quốc Thành, anh em họ với Trần Văn Thùy, gia đình Thành ở Phủ Lý, có cơ sở kinh doanh là cây cầu phao Phủ Lý – Phù Vân; khi Trần Văn Thùy từ quê lên Phủ Lý trọ học, có lúc ở nhà Thành, có lúc trọ nơi khác; ông bố Thành chính là “ông chú” mà Thùy đôi khi nhắc đến trong nhật ký. Ba anh em ruột: Quốc Anh, Quốc Thành, Quốc Thực đều làm thơ. Quốc Thành sau khi tốt nghiệp phổ thông, đi học Trung cấp nông lâm. Dũng: có lẽ là Trần Dũng, học cùng khóa cùng trường PT cấp 3 Phủ Lý với Thùy; lúc này Dũng đã vào học khoa Vật lý trường ĐHTH Hà Nội.

(2) “oanh tạc Đoan Vĩ”: đây là nói máy bay Mỹ ném bom cầu Đoan Vĩ ở địa phận ráp ranh 2 tình Hà Nam – Ninh Bình. Thời gian này không quân Mỹ thường ném bom, bắn phá các tỉnh miền Bắc, nhất là đường giao thông, cầu cống, nhằm ngăn chặn việc chuyển vũ khí, đạn dược từ Bắc vào Nam.


 


([1]) “oanh tạc Đoan Vĩ”: đây là nói máy bay Mỹ ném bom cầu Đoan Vĩ ở địa phận ráp ranh 2 tình Hà Nam – Ninh Bình. Thời gian này không quân Mỹ thường ném bom, bắn phá các tỉnh miền Bắc, nhất là đường giao thông, cầu cống, nhằm ngăn chặn việc chuyển vũ khí, đạn dược từ Bắc vào Nam.