7/5

Thật chưa bao giờ bệnh hoạn lại dày vò mình bằng lần này. Một nỗi lo ghê gớm. Đầu óc quay cuồng bởi những cơn đau dữ dội. Mình đã cố gắng không khi nào vì con bệnh mà phải khóc. Thế mà đôi lúc đã phải ứa nước mắt.

 

8/5

Khao khát ra mặt đường quá mà bệnh tật có lẽ ngày một nặng thêm. Mấy đêm nay không ngủ được. Đôi lúc có thiếp đi thì lại mê man. Đêm qua mơ thấy cha mẹ. Hạnh phúc quá!

 

9/5

Liệu căn bệnh có khỏi được không? Từ sáng đến giờ chưa thấy đau mấy. Hy vọng khắc khổ. Sức khoẻ quý giá vô ngần.

"Sức khoẻ, thật vậy, không bao giờ có thể mất giá trị đối với nhận thức của con người, bởi vì ngay trong cảnh thừa thãi và xa hoa, cuộc sống cũng chả tốt đẹp gì nếu không có sức khoẻ"    

Tsecnưsepski  [1]

10/ 5

Đi làm. Hạnh phúc

Sức khoẻ có nhiều triển vọng tốt lành.

11/5

Thật không thể nào ngờ được. Con bệnh lại quật mình. Chiều nay sốt dữ quá, nhiệt độ cơ thể lên tới 3905. Trong người mang một cảm giác ngán ngẩm, mệt mỏi, đầu óc đau buốt và cả đêm trằn trọc không ngủ được.

12/5

Bệnh tình có chiều hướng thuyên giảm. Sau một đêm không ngủ, ngày đến, người mệt mỏi quá, không muốn ăn. Tiểu đội vẫn đi làm ban ngày, bản thân thì ốm đau, bồn chồn lo lắng. Mong ước mọi sự tốt lành.

13/5

Vừa xem xong một truyện ngắn của một nhà văn quân đội. Truyện không hay nhưng mình rất nhớ một nhận xét của tác giả:

 "Trong chiến tranh bao giờ cũng thế, hạnh phúc và niềm vui thường đến với chúng ta rất đột ngột, rồi bỏ đi cũng đột ngột, để lại trong lòng ta những kỷ niệm khó quên. Có khi những nỗi vui không trở lại làm cho ta đau nhói như một vết thương rồi dần đóng sẹo trong lòng ta".

17/5

Đã đi làm được 4 hôm nay. Trong người khoan khoái vì bệnh hoạn không còn dày vò nữa. Những mơ tưởng lại trỗi dậy trong lòng. Những áy náy (...) và (...) như một lớp sương mờ tràn vào tâm hồn đôi khi làm mình ngột ngạt, khó thở.

Giờ đây, đêm đang buông dần trong rừng cây cùng với mưa trút xuống dữ dội. Động não

...Ừ! rõ ràng là tôi đã cố gắng gạt bỏ "nó" ra khỏi những ý nghĩ hàng ngày... mà sao đến nay nó vẫn làm tâm hồn xao xuyến, đôi khi trở nên rối ren kỳ quặc... Một ma lực thì đúng hơn, thu hút tôi một cách kỳ lạ, muốn bước tới mà sao không nhấc nổi chân. Muốn vồn vã mà sao bộ mặt lại thờ ơ... ừ, ừ... rất thờ ơ.

Ôi. N. đã đến với tôi, đây rồi, ngay bên tôi thôi, tôi cầm tay N. và... chỉ còn thấy ánh mắt long lanh... Tôi kể cho N. nghe những bản thi ca... tôi say sưa kể, kể mãi... kể hoài... một trời sao... ôi sao đẹp quá... lung linh... hạnh phúc quá... Nhưng kìa...

Té ra, chỉ là một giấc mơ.

« Khi ta mơ một cái gì, nó bắt đầu loé ra, nhưng kìa vừa thức giấc là không còn gì hết. »

                                                                                 Kôrôlenkô

 

18/5

Bình minh mang ánh sáng cùng tiếng chim kêu đang quét nốt những cái gì còn lại của một đêm rừng. Mình nhận được thư của Lại Nguyên Ân, mừng quá. Ân đã cung cấp cho mình những tin tức mới của văn học. Ân thèm khát cuộc sống đầy tư liệu của mình, Ân mong muốn mình viết về cuộc sống hiện tại....

Nghĩ sao đây. Будущее ? [2]

 

20/5

Vẫn đi làm ban ngày. Mưa dữ quá. Tất nhiên tâm trạng cũng không sao trong sáng được...

Rầm rì... trôi đi!

 

21/5

Mệt quá, một ngày lao động đã qua và một chuyện đáng buồn xảy ra với mình. Mâu thuẫn. Một cuộc "đấu võ mồm" vô nghĩa đã diễn ra. Muốn gì thì gì, đây cũng là một bài học đối với mình. Mình đã tính sai trong chuyện này, đáp số chẳng ra sao. Thật ngu xuẩn quá khi bản thân lên tiếng cãi nhau (trước những người mà sự hiểu biết không sâu sắc cho lắm) mà không nghĩ rằng sẽ trở nên tầm thường và hèn nhát.

Đáng trách lắm!

"Không có một nghệ thuật nào giúp ta có thể nhìn mặt một người mà biết được tâm tình người ấy".

Nhưng biết đâu. Nếu có sự suy nghĩ chín chắn, cân nhắc kỹ thì đâu có những vấn đề đáng tiếc xảy ra.

 

22/5

Những va vấp hôm qua vẫn còn dày vò bản thân. Bởi lẽ vô cớ bản thân đã tự bêu riếu mình...

Con người...

Cuộc sống...

Tất cả diễn ra trước mắt .... tinh tường ... Mà tại sao lại...

Chú thích (tháng 05/1966)

[1] Nikolai Gavrilovich Chernyshevski (1828-89), nhà văn Nga; tiểu thuyết Làm gì? (1863) của ông được dịch in những năm 1960 ở miền Bắc VN.

[2] ”Budushee” (chữ Nga trong bản gốc): Tương lai.