1/5

Lên đường.

Chiếc xe Zin 130 đã làm cho bọn mình phát khổ phát sở suốt hơn 60km đường rừng. Tất cả đều như một món rau sào đang bị quấy lộn.

Đêm trăng vời vợi, khắp các trọng điểm dọc đường có một cái gì đó hoang vu ngây ngất và nghiêm khắc một cách kỳ ảo. Đa số các đồng chí nữ bị say xe. Riêng mình cũng không phải là ổn. Sự mệt nhọc dọc đường đã làm đảo lộn cả suy nghĩ của mình và cho đến sáng thì gần như không còn sức mà đi nữa.

Bây giờ chiều đang buông, mát rượi. Phía trước là những cánh buồm trắng đang rong ruổi trên sông Son hiền hòa. Cả cánh đồng đang chuyển dần thành màu xanh sẫm, loáng thoáng một vài cụ già đang cặm cụi làm việc, những tấm lưng còng xuống vì khắc khổ, những bộ mặt răn rúm vì thiếu thốn và nỗi lo lắng hàng ngày, đã làm mình bồi hồi gần như buồn bã.

2/5

Trời oi bức lạ thường, tự dưng cơn mưa đổ xuống hối hả. Buổi trưa nghỉ, mình muốn đi chơi mà tâm trạng giằng co mãi không tài nào quyết định nổi. Viết vội một lá thư về cho đảng uỷ đội. Hy vọng ở "nhà" sẽ giải quyết phù hợp cho tiện hơn. Bây giờ trời không quang, nhưng mát, xung quanh, những dãy núi hình voi phục đang im lặng một cách thoải mái như vừa được tắm mát. Những tia nắng còn sót lại của một ngày hè đang quét trên thung lũng những dải sóng hình quạt vàng khè chói mắt. Dòng suối chạy vòng vèo trong lòng thung, đứng trên đồi nhìn xuống trông loang loáng như bạc, chiếc cầu ô-tô bắc qua vừa sửa lại im lặng chờ đón những chuyến xe qua đi vào đại lộ Quyết Thắng…

Mong gặp Tiến trong lúc này quá!

 

 

4/5

 Một chiếc xe đón chúng mình đi Ty Văn hóa Quảng Bình. 7 giờ mới xuất phát. Chiếc xe phủ bạt chở chật ních người trườn trên đường số 2 đỏ quạch. Những dãy núi bao bọc mất dần. Im tiếng máy bay. Quảng Bình đang sửa lại tấm áo của mình, cuộc sống như bốc men nồng và cay ngào ngạt khắp nơi. Những con đường được sửa lại phẳng lì, những ngôi nhà mới dựng. Bà mẹ ngày nào mình gặp bên túp lều rách nát của mình bên dòng sông Son giờ đây đã có một căn nhà mới hơn. Những nương lúa bãi ngô bên sông như tốt hơn, rì rào ca hát. Dòng sông Son như trong hơn xanh hơn, dào dạt niềm vui. Bên đường, những hố bom đã mốc meo và chuyển dần sang màu xanh tươi mới mẻ. Những gốc phi lao bên đường Cự Nẫm đã nhú mầm. Chiếc xe lao ra quốc lộ 1 lúc 10g và nửa tiếng sau mình đã được chứng kiến khung cảnh thị trấn Đồng Hới.

Đồng Hới vẫn không một bóng người. Bức tường thành quây xung quanh đã sụp đổ. Những căn nhà, những tháp nước, những cột điện đã tan hoang, cỏ mọc khắp nơi. Duy bến cảng là vẫn còn màu xanh ngắt và đẹp tuyệt vời. Những dải cồn cát trắng phau bao bọc thị trấn, đã nâng tâm hồn mình lên vời vợi. Có lẽ Phủ Lý cũng thế này sao?

Ôi! chiến tranh… sự tàn phá ghê gớm…

Ôi, đế quốc Mỹ, kẻ thù không đội trời chung của loài người. Trong những đống gạch đổ nát kia đã có biết bao mái tóc bạc phơ, những tâm hồn vô tội bị bom đạn vùi dập. Nhân dân ta đã chịu bao đau khổ, bao điều ghê gớm do cuộc chiến tranh này.

Và bây giờ mình ngồi đây im lặng nghe bản nhạc "Tổ quốc tôi" của Gơ-ra-na (Tiệp Khắc), lòng bồi hồi muôn điệu… Có một cái gì đó thâm trầm tươi mát dào dạt, thấm sâu trong người.

5/5

Một ngày hè oi ả!

Buổi sáng, đồng chí Khuyên, Phó ty văn hóa Quảng Bình, đến gặp trao đổi một vài vấn đề cần làm. Nhìn  chung bước đầu, theo nhận định của mình, cơ quan ở đây rất nhiệt tình mặc dù họ gặp nhiều khó khăn.

Trưa đến tranh thủ làm việc với đồng chí Minh Phương, Phó phòng văn nghệ, về vấn đề tổ chức cho anh chị em hoàn thành nhiệm vụ.

6/5

Ngày hôm nay ổn định nốt những vấn đề cần thiết trong sinh hoạt để chuẩn bị vào hoạt động chính thức trong những ngày ở đây.

Cầm phiếu lên cửa hàng lương thực mua gạo. Họ định không giải quyết. Phải xuống tận dưới Ty Văn hóa trao đổi mới xong. Trời thì nắng chang chang. Quảng Bình đa số là những đồi núi và cồn cát, khô và cằn. Không khí lúc nào cũng hừng hực và chói mát. Mình đạp xe qua những bãi cát trắng, trên đó là những cây sắn vươn lên khô khẳng, vất vả. Chẳng may lốp xe nổ, vừa lo vừa bực, lại phải đi chữa. Mò vào cửa hàng ăn, ngột ngạt, sặc mùi cá biển. Tất cả đập vào giác quan làm mình khó chịu và căng thẳng quá, thành thử chẳng muốn sử dụng một tí gì. Bây giờ đêm đang đi về chiều sâu, tươi mát, im ắng lạ thường. Quảng Bình mới im tiếng bom đạn, nhưng không hiểu sao, sự im lặng này mình cảm thấy có vẻ giả tạo thế nào ấy, khi một phần của cơ thể đang còn sôi sục.

Đứng yên lặng, hướng về sông Nhật Lệ, về bầu trời Vĩnh Linh và sâu hơn nữa, mình nhìn rõ những chớp sáng nhì nhằng liên tục mà mình cảm rõ một cái gì man mác trào lên trong người, gần như uất ức.

Quanh mình những bãi sắn non đang rì rào, thủ thỉ muôn điệu, như tâm sự, như ca hát ngân nga mà lại cũng như rên rỉ.

Nhân dân ta, Quảng Bình ta đã đau khổ, gian truân còn đau khổ, gian truân. Chúng mình đã chịu thử thách, còn chịu thử thách. Tất cả vì một đêm bình thực nhất…

Mình chẳng muốn rời nhiệm vụ trong lúc này.

7/5

Mình không vui mà cũng không buồn vì những chuyện quá ngây thơ xảy ra trong đội văn nghệ; mình chỉ thấy hài hước đáng nực cười thôi. Đã có những triệu chứng của một quan hệ không trong sáng xảy ra trong tập thể này.

Ngày hôm nay bắt đầu bước vào tập dượt. Buổi sáng xoay vào vở kịch “Tại ai?”. Chiều tập vũ. Tối nghe nói chuyện về “Âm thanh và đời sống”.

Đêm khuya lại ngồi nói chuyện với bà mẹ Quảng Bình về mọi thứ.

8/5

Cả ngày vẫn xoay vần với công tác trung tâm. Trời vẫn nắng và oi bức. Những cơn gió từ biển thỉnh thoảng dội vào xem ra khá mát mẻ. Một vài con quạ Mỹ thỉnh thoảng lại xổ vào dòm ngó làm không khí như đục hơn.

Anh chị em văn nghệ đã tỏ ra có nhiệt tình cao khi tập dượt, nhưng khả năng nhận thức hạn chế quá cho nên chưa hiểu được việc mình làm. Số nữ thì ưa tập vũ hơn, tập kịch thì cảm thấy khổ hạnh. Số nam thì ưa tự do hơn là vào một kỷ luật sống văn minh. Ồn ào quá.

Tất nhiên mình không bộc lộ cảm giác này, vì thực ra họ chưa đủ mọi thứ để hiểu mình. Mình chỉ e ngại, sự sống dễ dãi sẽ làm người ta hư đốn đi, xúc phạm đến bản thân đã đành, lại còn xúc phạm đến cả tập thể nữa. Những áy náy hàng ngày đã có lúc làm bản thân mình gần như bị phân tán sự suy nghĩ cho một mục đích.

Mình đang muốn viết về những ngày qua tại K68 mà chưa viết được.

 

9/5

Buổi sáng 1 đ/c nữ hướng dẫn, – nói đúng hơn là lên lớp, – cho đội về “Nghệ thuật sân khấu”. Theo mình cuộc truyền đạt này không phải là vô ích nhưng ít tác dụng, vì đa phần anh chị em chưa đủ … để hiểu.

10/5

            Mình muốn viết một “khúc thơ” về đội 25 mà gần như bế tắc vì những lấn cấn hàng ngày. Buổi trưa ra sông tắm, mát mẻ, mới có dịp “hồi” được những rung động đáng quý. Tối đến , trời dịu ngọt hơn, muôn ngàn ngôi sao lấp lánh. Tất cả vội vã đi xem phim. Mình lại có dịp sống lại những ngày ở thị xã Phủ Lý.

11/5

 Mấy hôm nay chiếu bóng liên tục, anh chị em rất hâm mộ. Mình cũng ưa thích, song nếu đi thì bỏ dở nhiệm vụ, không đi cũng không được vì để anh em ở nhà,  không nên; anh em ở trong ấy ít khi được xem.

Mong sao ổn định công việc nhanh chóng, trở về đơn vị.

12/5

Trời oi bức ghê gớm, những cơn gió nóng hầm hập quạt vào người. Có một bể nước lạnh mà dìm mới ổn.

Anh em tập suốt ngày dưới dàn lửa đó. Mồ hôi nhễ nhại. Thật là khó nhọc. Không hiểu sao, mình cảm thấy rất rõ sự thông cảm, gần như thương hại, với họ. Cái gì đã làm họ và cả mình nữa có một nhiệt tình bất diệt, mặc dù họ có đôi nét còn trẻ con, ấu trĩ?

13/5

Hôm nay đã ổn được 5 tiết mục. Ty Văn hóa đã đồng ý giải quyết giúp đỡ cho một vài hiện vật trang bị cho đội.

Mình vừa tập trung sửa vở kịch "Tại ai" và "Đêm trọng điểm" . Dựng, theo dõi ,vừa tiến hành viết cái mà theo mình là "Khúc ca Lục Vân Tiên".

Nhìn chung công việc chi phối làm mọi người đều vất vả cả. Càng ngày mình càng suy nghĩ rất nhiều về anh chị em. Ngoài số cá biệt còn lười trong hành động và suy nghĩ hàng ngày, còn lại tất cả đều có thể tìm thấy những nét đáng quý. Mình rất phục, xúc động trước nhiệt tình của họ. Nhiệm vụ phải đòi hỏi như vậy! Mong anh chị em hiểu mình chân xác hơn.

Minh Thức vẫn bị chi phối bởi những lấn cấn của cuộc đời. Trong cuộc đời mình, hiện tượng của cậu ta đã gieo cho mình những rung động sâu sa, nhiều lúc mình lo cho cậu ta hơn cho mình và rất muốn có một bàn tay kỳ diệu an ủi, nâng cậu ta lên. Tất nhiên cậu ta sẽ không cần phải như vậy. Mong sao Thức sẽ vững vàng hơn nữa.

Tối nọ, cậu ta đã khóc khi làm lý lịch. Những ngày vừa rồi vẫn không tránh khỏi tâm trạng của một học sinh "đặc biệt" mới ra trường, bước vào đời. Cậu ta có đủ thông minh để nhìn cuộc sống, nhưng chưa đủ điều kiện để thấy rõ và vững vàng. Thực ra mình không muốn phiền cậu ta nhiều. Song mình cũng không thể để cho cậu ta sống dễ dãi theo tâm trạng của bản thân được. Sợi dây vô hình của sự đồng cảm đang ràng buộc mình với cậu ta (cũng như Phùng Hải).

14/5

Buổi sáng vẫn chật vật ghép, dựng vở kịch "Đêm trọng điểm". Chiều, dưới nắng lửa vẫn khó nhọc với điệu vũ "Phá bom". Số nữ rất thích vũ… Đó là một thuận lợi cho người huấn luyến. Tối đến học một vài điệu hò Quảng Bình.

Nói chung những điệu hò miền Trung rất hay, rung động lòng người sâu xa.

Trời vẫn oi, căng thẳng, cây cối có lúc im phăng phắc như tượng, có lúc lại phần phật quạt gió nóng vào khung cảnh xung quanh. Chiều, gió biển thổi vào mát mẻ, nhưng trời không có mây mà như có mây phủ. Thấp thỏm, phập phồng. Có ánh sao!

16/5

Đấu tranh mãi, rồi cũng phải quyết định để người về BT liên hệ, báo cáo với đơn vị. Dẫu sao, trong quan hệ với Ty Văn hóa Quảng Bình vẫn là một vấn đề mới mẻ và có nhiều áy náy với mình.

Buổi tối lại tập trung nghe đồng chí Trưởng Ty nói chuyện.

Nhìn chung, so với các Ty Văn hóa ngoài kia, Ty Văn hóa Quảng Bình vẫn là một Ty gian khổ nhất, nghèo nhất. Hiện tại Quảng Bình đang có phong trào xây dựng truyền thống của mình sau 4 năm chống chiến tranh phá hoại.

16/5

Giữa buổi tập mình phải tập trung toàn đội lại kiểm điểm công tác và nói nặng về một số vấn đề thuộc ý thức, phong cách sống. Rõ ràng là mình rất thông cảm, rung động về khả năng, sự cố gắng, sự chịu đựng chung của anh chị em. Nhưng với yêu cầu chung và … nên phải kiểm điểm mạnh.

Buổi chiều tập dượt có phần kết quả hơn. Tốt hơn. Tất nhiên mình không muốn là vì một cuộc kiểm điểm của mình mà anh chị em tập tốt. Cái tốt cái hay là ở chỗ anh chị em tự suy nghĩ và tự tìm ra cho mình những việc làm phù hợp, đẹp đẽ.

Dẫu sao tập thể này sẽ tồn tại lâu dài. Mình không muốn trong những năm tháng xa gia đình này, đã phải gác lại tình cảm gia đình, lại phải tổn thất trong tình cảm đáng quý nữa, đó là tình đồng đội.

Dĩ nhiên với mình, mình không cầu xin một sự an ủi nào của cuộc đời. Tất cả ở trong con người. Tất cả cho con người.

Buổi tối, mình tranh thủ sang bên 15W Công an Vũ trang Quảng Bình nói chuyện vui, bàn bạc về một vài sự kiện gần đây của cách mạng.

Người ta đang bàn về những ngày cuối của cuộc chiến tranh này.

17/5

Trưa nay lại phải họp kiểm điểm. Tất nhiên mình không ưa chuyện này. Một tập thể tốt, không nên sử dụng hình thức này nhiều, và thực ra mình không ưa ồn ào và căng thẳng vì những chuyện kỳ quặc đó.

Buổi tối thưởng thức vở kịch thơ của Lưu Trọng Lư trong đó có hình ảnh những nhân vật quá khứ, hình ảnh thiên nhiên. Mình chợt nhớ đến Hăm-lét của Sêch-spia.

18/5

Đối với mình, ngày hôm nay thật vô vị. Bởi lẽ không tập trung được cân não cho một việc làm có ích. Một số việc trong ngày chi phối mình một cách không vui vẻ, thành ra bản thân mình đã tỏ ra thiếu minh mẫn.

Một đồng chí trong đội mệt, nhịp đập lên tới 102. Thật đáng thương cho cậu bé. Tối đến mình quyết định phải đưa đi bệnh xá thôi. Đây là một căn nhà hẹp ngột ngạt, những người dân địa phương đến đây điều trị đang quằn quại trong sự dày vò của bệnh tật. Đồng chí y sĩ vào cỡ trung niên có vẻ điềm đạm (có lẽ đó là đức tính nên có của người thày thuốc). Trạm xá hứa sẽ giúp đỡ bọn mình.

Mong Thượng đế ban phước lành cho tất cả.

20/5

Hôm nay mình sang, "Cu Thuấn" đã đỡ. Nụ cười tươi và đẹp hơn. Yên trí. Đột nhiên 8 giờ tối Thức bị cảm mê sảng liên tục 2 tiếng. Cậu ta đã nói ra gần như hoàn toàn ý nghĩ và nội tâm mình. Mình xúc động quá mà không có cách nào ngăn được. Đó là một sự kiện rất rung động nhưng đồng thời rất nguy hiểm cho cậu ta. Để giữ cho tốt, mình phải tức tốc đưa ngay đi bệnh xá. 12 giờ đêm mới về. Mong sao cho đầu óc Thức trở lại thăng bằng hơn. Hãy làm chủ bản thân cao hơn nữa Thức ạ!

Tất cả ở trong chúng ta nhưng đồng thời cũng có thể "không ở trong"…Mệt quá rồi! Hy vọng…

23/5

Một trận ốm đang đe dọa mình. Hôm nay, chân đã sưng tấy lên. Tối đến, đưa anh em ra bãi tập mà muốn vật ra. Bệnh đau lưng lại quay lại dày vò khủng khiếp.

 

24/3

Thuấn đã về, vẫn lo cho cậu ta. Một số nữ mang bệnh tật thành ra đầu óc không bình thường. Một số khác cho đến hôm nay thì gần như bị kiệt sức. Mình rất lo cho anh em. Vô tình cuộc sống đã ràng buộc mình với họ và thực tế ngoài những áy náy về cuộc sống về nhiệm vụ, giờ đây mình lại còn có thêm một mối lo nữa là cuộc sống của anh chị em trong tập thể này.

Mình không nghĩ rằng có thể một ngày gần đây mình có thể xa họ. Không! Dù cho cuộc sống có xếp đặt mình làm công tác gì! Dù cho sự đối đãi và mức độ thông cảm của cuộc sống không ra sao! Mình vẫn mong muốn có sức khoẻ để phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ.

Cái lớn của cuộc đời là có một thực tế đa dạng (kể cả thực tế tồi tài, thảm hại nhất), có một tâm hồn phong phú và chắt lọc dần qua thời gian, có một hành động đẹp.

Nếu có một tình cảm mang tính vị tha cao thì hành động dễ đẹp hơn.

Mỗi con người ở đây đều gieo cho mình những xúc động sâu: từ Nguyễn Hữu Lâm với nhiệt tình đáng  yêu; Vận, Miến, Yên, Hiền, Vân, – những cô gái còn trẻ nhưng có nhiều cái đáng quý. Ra đây, các cô nhớ nhà, mình muốn làm cho các cô nặng về suy  nghĩ đến những chuyện khác để quên sự nhớ nhà đó đi. Dĩ nhiên đấy là một việc làm không đúng lắm.

Một số nam còn bồng bột như trẻ con, nhưng cũng có nhiều cố gắng trong nhận thức. Tất cả đều cố gắng làm cho mình lớn hơn nhưng chưa được.

Dẫu sao, họ sẽ trở thành những chiến sĩ tốt của cách mạng.

24/5

Thật là ghê gớm, đòi hỏi mình phải ghi lại cảm xúc.

Một cô trong đội do sự ức chế sinh lý đã bị điên, cười nói huyên thuyên, ban đêm bọn mình phải canh giữ cho cô ta và rất lo lắng.

Vừa nhức nhối cột sống, vừa buốt óc, mình trằn trọc mãi không ngủ được, chạm một tiếng động mạnh là giật mình, tưởng như cô ta đang chồm dậy.

Buổi sáng ngồi nói chuyện với cô Thu Hương, một cán bộ hướng dẫn ở đây. Cô ta có hỏi mình:

– Anh thử nghĩ xem! Sau cuộc chiến tranh này, những hậu quả nào sẽ để lại cho dân tộc ta, – những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những đứa con mất bố, mất mẹ, những con người tàn phế, những cô gái bệnh tật…

Mình thấy rõ, áy náy của cô ta cũng là áy náy chung của thời đại mà thôi. Nhưng mình vẫn suy nghĩ nhiều, mình nghĩ đến: Quang vinh, mồ hôi và máu, sự hy sinh…

Mình sống nhiều, gặp nhiều những cô gái Trường Sơn. Có cô đã sống trong đó tới 4 năm nay. Các cô vẫn vui lắm. Nhưng đa số đã mắc bệnh… Dĩ nhiên các cô đều có sự lo lắng lớn về tương lai của mình.

Để giành quang vinh phải hy sinh nhiều. Dân tộc ta  là như vậy.

 

25/5

Ngày tổng kết của lớp bồi dưỡng.

Buổi chiều tập trung họp mặt cả lớp nhạc với lớp kịch, có các đ/c giảng viên, đ/c Phó ty Văn hóa Quảng Bình cũng tham dự.

Chủ yếu là tổng kết lớp nhạc.

Như vậy là bọn mình cũng đã ở đây tới 20 ngày. 20 ngày qua mặc dù kết quả chưa lớn lắm, mình vẫn chưa vui, vì: Thời tiết thay đổi quá khắc nghiệt. Sức khoẻ của anh chị em giảm sút. Cách làm việc của phòng văn nghệ chưa khoa học lắm. Nhưng cũng đủ nói lên sức cố gắng lớn lao của mọi người. Đặc biệt xúc động là tình cảm, tinh thần của các đồng chí cán bộ Ty từ đồng chí Trưởng Ty đến đồng chí Minh Phương (nhạc sĩ), đồng chí Lại Thương (nghệ sĩ kèn ô-boa)…

Khi lên đáp từ lại nhiệt tình đó, mình thực sự xúc động khi nhắc đến những người đồng đội của mình đang lăn lộn nơi bom đạn để dành cho đội văn nghệ sự hưởng thụ này (tuy là nhiệm vụ). Lời phát biểu của mình nhằm mục đích giải thích về hoàn cảnh và cảm ơn sự quan tâm của Ty…

Anh em trung đội mình có người đã khóc khi mình chuẩn bị bước xuống thì đồng chí Phó Ty níu lại:

– Đồng chí Thùy. Chúng tôi có lỗi với các đồng chí. Chúng tôi, lý ra phải lên chỗ các đồng chí mới đúng. Hoàn cảnh không khắc phục được, các đồng chí hãy thông cảm. Hiện tại các đồng chí là một bài học đối với chúng tôi.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, tình cảm con người ta thường lớn lắm. Mình cảm thấy áy náy thực sự khi không có gì bù đắp lại được những nhiệt tình đó.

Buổi tối tổ chức biểu diễn cho nhân dân xem. Dẫu sao đã gieo được cảm tình trong sáng trong nhân dân. Vì yếu nhiều bọn mình chỉ tham gia có 3 vũ. 22 giờ mới kết thúc.

Mình mới hoàn thành xong 400 câu thơ nói về lịch sử của đội mà chưa tìm ra cách diễn đạt trên sân khấu.

12 giờ đêm rồi mà mình còn ngồi yên lặng bên ngôi mộ ngoài đồng vắng. Mây phủ nhiều, trời có trăng nhưng bị tối, những nếp nhà phủ im lìm rải rác đồng nội, âm thầm, buồn bã như một sự chịu đựng. Xa xa trên những ngọn đồi phập phồng những đống lửa đốt rừng khai rẫy nương của dân miền núi.

Phía Vĩnh Lĩnh, những ngọn đèn pháo sáng vẫn thấp thỏm… Đó là những ngọn đèn tập dượt của quân ta.

Ờ! thế là 4 năm rồi.

400 câu thơ vừa rồi viết cũng nói về 4 năm qua.

Cuộc sống 4 năm ào ạt dâng lên trong cảm xúc của mình, mình muốn viết nhiều lắm mà không viết được vì còn đảm bảo yêu cầu của một hình thức diễn đạt sân khấu.

Mình phác nghĩ… 400 câu thơ này đưa lên sân khấu phải bằng hình tượng, có phổ nhạc, có ca hát, hò, ngâm thơ. Dẫu sao xây dựng nó rất công phu. Người diễn xuất nó phải là người đã sống với nó, đã khóc với nó, cười với nó… thì mới rung động sâu xa và có tác dụng sâu sắc được.

Đêm đang đi về chiều sâu.

Mình chịu không xác định nổi đâu là khoảng trời quê hương, đâu là khoảng trời "Cửa khẩu đơn vị" nữa.

Ban đêm Quảng Bình quả là thi vị hơn, đáng yêu hơn.

26/5

Xe của BT không đến! Trời nắng, phải quyết định hành quân đêm. Số ốm là một mối lo ngại chung cho anh em. Một đồng chí phải dùng xe đạp đưa đồng chí sốt rét đi trước, còn lại một khoẻ kèm một yếu.

Đêm buông dần. Bầu trời Quảng Bình mây đục ngầu. Gió từ biển thổi vào rầm rập, những thân cây phi lao ven đường quốc lộ 1 bị xô đẩy kêu gào ghê gớm. Thỉnh thoảng ngoài khơi, chớp biển ầm ầm, sáng chói làm nổi lên những thân cây khô khẳng cộc lốc, những bức tường nham nhở, những cột nhà đen sì…

Đường đầy cát bụi, gió như lốc cuốn bụi mù táp vào mặt. Không gian im lặng mà “chiến tranh”.

Dọc hai bên đường toàn cát. Dưới ánh trăng mờ, những bãi cát trắng lóa, những cụm thông lấm tấm vi vút, những chiếc cầu gãy đổ ngổn ngang. Mình cúi người đi phía cuối hàng mà tâm hồn lịm đi bởi ngoại cảnh tác động…

Mình nhớ tới quãng đường ven làng ngày mình bỏ nhà ra đi. Ừ! Hôm ấy vào mùa đông, gió cũng gào lên như thế này, những hàng phi lao cũng kêu gào, nhưng đồng trắng nước, sóng vỗ ì oạp... Mình cũng cúi đi và khóc. Mình nhớ tới những chặng đường mà mình đã đi. Nghĩ tới những đợt chiến đấu. Nghĩ tới những con người đang đi phía trước mình. Họ đã có đủ tư thế trở thành một người đồng đội tốt của mình chưa? Trong họ ai là người thông minh, ai là người ngốc nghếch, ai là người đáng thương, ai là người đã tìm ra cho mình một vị trí đẹp nhất trong suy nghĩ?

Họ chưa vững được! Một thử thách lớn hơn phải đặt đến trước mặt họ. Họ cần phải bồi dưỡng nhiều về kiến thức.

Mình đang đuổi theo những suy nghĩ mông lung thì trời đổ mưa.

12 giờ đêm mới đến Hoàn Lão. Lại đến nhà chị Hạnh. Chị Hạnh còn nhận ra tiếng mình.

Bây giờ thì một số đã có chỗ ngủ đàng hoàng, một số treo võng. Gió rít mạnh hơn, lạnh hơn.

Đêm nay khó ngủ đây! Bệnh tật đang đe doạ mình.

27/5

Dẫu sao thời tiết đã ủng hộ mình, cuộc hành quân hôm nay đã tới đích trót lọt.

Bọn mình đã chuyển sang quốc lộ 2 với những đồi thông bát ngát, gió thổi ngược chiều mạnh quá, thành thử hơi khó đi. Hai bên đường vẫn đa số là đồi núi thấp lẹt tẹt, với những tiếng vi vu của đủ loại cây cỏ, với những túm hoa mua sặc sỡ, những chồi hoa sim nở rộ dịu dàng.

Thỉnh thoảng mới gặp vài túp nhà, nhìn chung cuộc sống đang hồi dần sau những lần chịu đựng. Bây giờ mình đã ở Binh trạm bộ. Mệt nhoài vì vừa chạy vạy thu xếp cho anh chị em nghỉ.

28/5

Trong đời mình đã gặp biết bao nhiêu những bế tắc. Những dằn vặt trong ngày hôm nay cũng là một thí dụ.

Sáng tác mới của mình đã gần hoàn chỉnh. Đó là một đoạn thơ dài nói về lịch sử đội. Hôm nay mình tìm cách đưa nó lên sân khấu mà chưa tìm ra được hình thức nào hay cả. Đầu óc rối ren, lo ngại, quay cuồng vì nó. Dẫu nó không hay nhưng nên làm vì nó phục vụ được cho yêu cầu hiện tại của đơn vị.

Vừa nghĩ về chương trình làm việc, vừa lo lắng về tình hình sức khoẻ trong đội. Có nên để hai đồng chí yếu nhất ở lại bệnh xá 52 hay không? Tiểu đoàn đã điện ra cho rõ tình hình mà mình vẫn chưa dám quyết định.

Ngày mai sẽ ra về. Về bằng cách nào hay nhất đây?

Bầu trời Quảng Bình lại bước theo lối cũ quen thuộc. Trời mờ dần, mây phủ, những vành núi như co hẹp hơn, lý thú nhất là được ngắm nhìn cánh đồng với những thửa ruộng trốc lở bởi những gốc rạ nham nhở. Những bóng đen đang lúi húi âm thầm. Không gian lặng. Mặt đất trầm mặc như suy nghĩ. Mình cũng vậy, phút này là phút tư duy làm việc êm đềm nhất.

Ngốn ngấu trong ít phút đã xong truyện ngắn "Chiều trong rừng rậm" của Anbơc Monx (Mỹ). Mình ngồi yên như chờ đợi một cái gì xảy ra. Ờ! …Nó đến thật.

Vẫn những góc cạnh như xưa. Vẫn những ngôn ngữ và cá tính vậy. Song hình như có một tấm áo khoác đang choàng bên ngoài o ép làm cả hai đều nhức nhối.

10 giờ đêm, mình vẫn còn bước theo đường mòn xuyên qua những quả đồi trọc, với những túm cây um tùm, hương cây vừa hăng hắc vừa ngọt ngào… Mình đưa tay định ngắt một bông hoa. Dưới ánh trăng mờ, hoa sinh động thật. Nhưng mình không muốn thế, vì như vậy tức là mình đã để mất đi cái quý của rung cảm nội tâm. Tiếng cười bất ngờ của cô gái trong đội lên cơn thần kinh làm mình bừng tỉnh.

29/5

Cả ngày hôm nay mới đi được 14km. Bây giờ phải nằm lại  tại K14 + 500. Liên hệ, lolắng và bực bội về những lấn cấn xảy ra. Dẫu sao cũng phải có quyết tâm cao mới có thể hoàn thành được. Hôm nay 30km đường đi, hoa và bướm  nhiều vô kể. Bọn mình hành quân dưới nắng lửa Quảng Bình. Anh chị em đa số mệt mỏi vì những đêm thức khuya, những ngày làm việc căng thẳng. Rời BT lúc 7h15', mình dẫn anh chị em len lỏi qua những bãi cỏ, những khu đồi thấp, cây cỏ um tùm, mùi hoa ngan ngát. Thỉnh thoảng bên đường còn sót lại những hố bom cũ kỹ, những nấm mồ của những chiến sĩ mới ngã xuống…

9 giờ mình mới đặt chân tới cửa đường 20. Không hiểu sao cứ mỗi lần như vậy, trong người mình lại dâng lên một cảm xúc khó tả. Đường 20 đã để lại bao kỷ niệm trong đời mình.

Dốc Đồng Tiền ngày nay đã khác xưa, cây cối xanh um tùm. Khu Ba Khe đang hồi dần sau những lần bị tàn phá. Riêng K12 là vẫn trơ trụi một cách ghê gớm, đó là kết quả của một sự hủy diệt… Dòng suối Trà Ang vẫn trong lành và thơ mộng như xưa. Cây gỗ đổ vắt ngang suối nay đã thành một chiếc cầu đi vững vàng, lòng suối vẫn trong vắt khoe nền cát trắng xóa. Ven bờ, D784 đóng rải rác.

Khu vực này vẫn im tiếng bom.

Đầy đường, những bầy bướm rừng túm năm tụm ba nô rỡn. Nhìn những cô gái trong đội vai đeo ba lô, chân chạy lon ton đuổi bướm hò hét mà lòng mình hồi hộp, xúc động. Ừ! lứa tuổi 16, 18 đáng yêu đáng quý biết bao. Thật là vô tư. Thật là thi vị. Chúc cho họ luôn gặp nhiều điều tốt lành.

30/5

Thật là may mắn. Hai chiếc xe xích kéo pháo đã chở bọn mình đi vào suốt 40km. Ngồi xe này thật là điếc tai bởi tiếng nghiến ken két của xích, tiếng động cơ ầm ầm, nhưng được cái, nó không xóc cho nên mình có đủ điều kiện ngắm nhìn mọi khung cảnh dọc đường. Từ những túm hoa vàng phủ lên rừng cây đến những vũng nước trên đường.

11 giờ thì tới Khe Tum (K44). Từ đây trở đi bắt đầu vào khu vực có chiến sự, bom đạn đã gieo tới 49. Xa đơn vị một tháng trời rồi, không hiểu mức độ đánh phá của địch ra sao? Mình phải vào đơn vị pháo gần đấy dò hỏi quy luật, và quyết định hành quân. Nơi nguy hiểm nhất mà địch có khả năng đánh bất ngờ là K49, K52, Kroong, Aky, K59. Chỉ có đi vào trưa thì mới có khả năng an toàn. Đi thôi!

12 giờ thì vượt được 49.

1 giờ vượt Kroong.

2 giờ 20' vượt K57.

Và 3 giờ 30 phút vượt K59.

Bây giờ thì trời đổ mưa xối xả. Anh em ướt như chuột lột. Phải tống vào bụng vài viên ký ninh và thuốc cảm mới được.

Về đến đơn vị, bọn mình đã ào ra suối hy vọng trút bỏ mọi "vương vấn" dọc đường gắn lên cơ thể.

 

31/5

Ngày đầu tiên, nghỉ!

Một đồng chí trong bộ phận chính trị đi phép, bàn giao công tác thi đua cho mình.

Buổi tối, tổ chức họp rút kinh nghiệm trong văn nghệ.

Chú thích (tháng 05/1969)

(không có)