(tiếp theo đây là những trang đã đưa vào sách in:

Trần Văn Thùy, “NHẬT KÝ THANH NIÊN XUNG PHONG”,

Tp. HCM.: Nxb. Văn hóa văn nghệ, 2011)

 

 11/ 6/ 1965

“Khác nào một hòn đá tự cao rơi xuống mặt nước. Một phút trước đây mặt nước còn là một tấm gương phẳng lừ, lặng lẽ phản chiếu những tia nắng và da trời xanh ngắt. Một cái va chạm, thế là nước rung đến tận đáy hồ".

Kôrôlencô [1]

13/ 6

"Buồn đau là biển cả

Vui sướng là ngọc châu

Khi mò được ngọc châu dưới biển

E giữa vời tan nát biết đâu"

Petofi [2]

 

14/ 6

"Phải giữ gìn áo quần từ khi hãy còn mới. Phải giữ gìn danh dự từ khi hãy còn trẻ trung".

Puskin [3]

 

Cả tối nay họp nhân dân [4] nghe báo cáo về vấn đề "xung phong tình nguyện". Đúng! Quả quyết lần nữa: đi thôi, mình sẽ đi thôi! Nề hà làm chi!

 

15/ 6

Vẫn học tập về "Con đường mới", mãi khuya mới kết thúc; trở về, quyết định viết đơn tình nguyện. Hy vọng rằng sẽ đi!

Bây giờ thì đêm đã khuya lắm rồi. Nhìn sông Đáy. Đẹp quá, mùa nước lên, bát ngát, mênh mông, bằng lặng. Trời im ắng tuyệt vời − không một gợn gió. Phi lao im phăng phắc nổi bật trên nền trời sáng bạc bởi ánh trăng thuần khiết. Trăng đẹp quá. Trời không trong, có mây nên trắng mờ một cách huyền ảo. Đứng bên bến sông nhìn bóng phi lao hắt xuống dốc sông, nhìn dòng nước lững lờ xuôi, nhìn mỏm đá đổ xuống dốc, nhìn ánh sáng hắt hiu của những ngọn đèn... Trong lòng xúc động lạ thường. Tâm hồn dịu đi một cách kỳ diệu. Phải chăng tương lai đã được định đoạt.

Con đường đã qua đâu có phải bằng lặng... Và tương lai ắt không phải xuôi chiều êm ả.

Trong những đêm như đêm nay, ngoại cảnh cho phép thấu hiểu sâu sắc cuộc đời của bản thân. Và càng hiểu... càng thấy rõ: Phải đi!... đến với tương lai đã dự cảm.

26/ 6

Buổi tối, tổ chức liên hoan tiễn chân hai mươi anh chị em lên đường. Có lẽ đầu tháng 7 sẽ đi!

 

27/6

            Trở về quê hương [5] lần cuối cùng. Tâm trạng xao xuyến. Chiều buông, lạnh lùng bởi màn mây bạc, bởi những cơn gió trái mùa. Ao nhà trong vắt, sóng gợn lăn tăn. Cây cối um tùm rì rào thủ thỉ. Mình muốn ghi nhớ lấy tất cả, mang nó trong mình làm nguồn an ủi trong lúc xa nhà...

Giờ đây, ngồi trong nhà im lặng nghe đêm xuống dần với tiếng ếch kêu rời rạc, tiếng chó sủa lạc lõng, tiếng côn trùng nỉ non. Ngoài kia cây cối rào rạt âm thanh buồn bã của nó. Xa xa tiếng tre reo như sóng.

Tâm trạng lắng xuống.

Một lần nữa, tương lai lại được dịp hiện lên muôn màu muôn vẻ. Muốn có một ý nghĩ tập trung mà không sao có nổi, bởi lẽ cảnh đêm nơi quê hương này chỉ cho tôi những ý nghĩ mơ màng rộng lớn.

 

29/6

        Xa quê!

Cả ngày mưa tầm tã. Trời u ám, không còn dám bước chân đi đâu nữa. Buồn bã, trống trải ghê gớm. Đường thôn lầy lội. Lúc ra đi thật đến khổ sở. Gió rít từng cơn, ven đường cây cối nghiêng ngả. Đồng nước trắng xóa, sóng vỗ...

Bước chân lên tàu, nhìn cảnh làng quê tôi lần cuối, lòng chạnh bùi ngùi, luyến tiếc.

 

30/ 6

     Mẹ lên! [6] Gặp mẹ lần cuối cùng. Xúc động vô cùng trước những lời nói của mẹ:

− Con ra đi, mẹ không ngăn gì con, chỉ tiếc một điều: Công mẹ nuôi con từ khi đẻ ra đến giờ không phải là ít, mẹ lại chỉ có mình con là lớn, con đi liệu có về không? Khi về liệu mẹ có còn sống không? Người ta mất đứa nọ còn có đứa kia, nếu con mất đi − còn đứa nào nữa đâu. Mỗi tháng con cố gắng cho mẹ lấy vài lá thư kẻo mẹ ốm chết mất.

Và mẹ mình không còn đủ khả năng nói nữa. Mẹ nức nở không nên lời.

 

Chú thích (tháng 06/1965):

[1] Vladimir Galaktionovich Korolenko (1853-1921), nhà văn Nga; truyện Người nhạc sĩ mù (1885) của ông được dịch in ở miền Bắc VN đầu những năm 1960 gây tiếng vang đáng kể.

[2] Sandor Petofi (1823-49) nhà thơ Hungary.

[3] Aleksandr Sergeevich Pushkin (1799-1837) nhà thơ Nga.

[4] họp nhân dân trong một tổ dân phố tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, nơi tác giả nhật ký này (sau đây sẽ viết tắt là TG) lưu trú nhiều năm để đi học phổ thông.

[5] quê TG ở làng Họ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

[6] Mẹ TG từ Cầu Họ lên Phủ Lý thăm con.