1/6

 Hôm nay có dịp xem lại những ngày của quá khứ qua tập nhật ký cũ. Thật không ngờ là bản thân lại trưởng thành nhiều đến thế.

Những ngày của quá khứ, mình ấu trĩ quá (nhận định còn non nớt, lối sống còn ngô nghê). Có lẽ những ngày đó mình đã coi trọng cá nhân nhiều quá nên có những nhận định, những suy nghĩ và lối sống không hay ho cho lắm.

Cười với những ngày ấy mà mừng với hiện tại, bởi bản thân đã có những suy nghĩ tốt về cuộc sống con người, phận sự... Có vững chãi hơn.

5/6

Để đảm bảo quyền lợi đã quy định của TNXP, phong trào bổ túc văn hóa được quan tâm hơn. Mỗi tuần được học 10 tiếng. Mình cũng ôn toán, lý, hy vọng không để rơi rụng mất kiến thức thu được.

 

10/6

 Đi công tác, ra ngoài cây số 39 lấy chiếu, xà phòng, thuốc. Lại được qua những con suối tung bọt trắng xóa, những hàng cây nghiêng ngả ven bờ, những ghềnh đá lững lờ trong lòng suối. Những nương lúa, những bản làng tan tác hiu quạnh...

Đã bao lần mình đã phải đưa tay vuốt mồ hôi chảy nhòa trên mắt để được ngắm nhìn phong cảnh huy hoàng của thiên nhiên. Ôi! thật hạnh phúc biết bao khi trong lòng không mang chút gợn nhỏ của ưu tư, khi tâm hồn dào dạt những lời ca trong sáng, êm dịu, những tiếng chim kêu...

11/6

Đợt đi công tác đã để lại trong lòng một kỷ niệm khó phai, đó là hình ảnh các cháu bé miền Nam mà mình gặp trên đường. Chúng nhỏ bé lắm, nhỏ quá mức so với những tưởng tượng của mình đối với quãng đường mà người lớn phải đi hàng tháng từ Thừa Thiên ra đây. "Được ra gặp Bác" − đó là sức mạnh kỳ diệu giúp các em vượt mọi hiểm nghèo. Khi cõng các em qua suối, lòng mình xúc động vô cùng. Một cảm giác khó tả dào dạt dâng lên trong tâm hồn.

12/6

Nhận được thư Công (đề ngày 28/4/1967)

 

 

13/6

Đáng hối hận và đáng trách bản thân lắm. Lại một lần nữa đã tự bêu riếu mình một cách ngu muội. Tại sao lại to tiếng với những người mà mình đã rõ cá tính. Đến nỗi để danh dự bị xúc phạm nhiều lần và uy tín bị chà đạp? Tại sao lại không biết tự kìm hãm khi thấy sự bồng bột là ngu xuẩn ? Hãy kiên định và có nghị lực chịu đựng một cách có ý thức. (Va chạm với Khá, Khá mắc bệnh di tinh và luôn ốm hoặc vờ ốm nằm nhà).

14/6

Hoàn thành nốt Daleko ot Moskvy. [1] Tác phẩm này hay thật, đã tăng cho bản thân mình bao nghị lực và những bài học. Đó là những bài học lớn quý giá về cuộc sống, về công tác lãnh đạo (với những tấm gương Bátmanốp, Zankin), về nghị lực chịu đựng và nhiệt thành (Brítzê, Kốpsốp), về tình yêu đẹp, bền (Kốpsốp và Zina, Brítze và Tanhia), về tính cách mạng triệt để (của cả tập thể công nhân)...

"Chiến tranh làm con người chóng trưởng thành và làm tâm hồn người ta cao thượng lên" (Zankin)

"Lòng thương như mọi tình cảm khác của con người thật là phức tạp. Đôi khi nó có nghĩa là khinh rẻ. Nhiều lúc nó làm người được thương thấy tủi nhục. Nhưng lòng thương của người đang yêu thật là cao cả, có sức mạnh vạn năng đối với người mình yêu. Dập nổi chăng tiếng gọi ân tình? Càng đen mây phủ càng hãi hùng phong ba!" (Bai-rơn).

"Khi con người gặp cơn khốn đốn, nguy đến tính mạng và biết rõ như thế thì cần phải giữ vững ý chí của mình, không sợ gì hết. Lúc ấy những cái gì quý giá nhất trong cuộc sống sẽ giúp cho anh ta kiên nghị và quyết tâm. Anh ta sẽ không để mất phẩm cách cho đến phút cuối cùng và sẽ chết một cách vinh quang" (nhân vật Tô-pô-lép)

"Dù thế nào thì cũng đừng để cho tâm hồn mình già cỗi đi, đừng sa vào cái tính nhỏ nhen, ti tiện." (Tô-pô-lép)

18/6

Hôm nay mới lại có dịp ra làm ngoài tuyến ở cây số 69. Đào hầm hộ tống. 11h 30’ máy bay đến, đánh trúng đội hình. Bọn mình (4 người) luẩn quẩn trong vòng bom đạn mà không việc gì, cơ thể bị "long" sòng sọc, đinh tai buốt óc.

 

19/6

Trong cuộc sống của bất cứ ai, không tài nào tránh được những áy náy thường xuyên và hàng loạt những hối hận, dù cố tranh, nó vẫn không nể nang và cứ diễn ra.

Tôi áy náy và ân hận về mình nhưng cũng áy náy và hối hận cho biết bao người sống quanh tôi và qua đó rút ra những bài học bổ ích cho mình.

Một người có hiểu biết phải biết vận dụng những hiểu biết ấy một cách khoa học vào cuộc sống dưới dạng ý thức con người và hành động sao cho phù hợp.

Một người mà sự hiểu biết còn chưa sâu cũng không nên phó mặc bản thân mà phải biết lần lữa học hỏi để rèn luyện bản thân vững vàng hơn.

Nhưng đáng ghét nhất, đáng khinh nhất là những kẻ dở dở ương ương trong cuộc sống. Những kẻ này tỏ ra là hiểu biết nhưng những lời nói và hành động lại ngu xuẩn, "hâm hâm", tỏ ra ngang ngược với "phong trào" một cách lố bịch và để ảnh hưởng đến bao tâm hồn tốt lành khác.

Tiếc rằng thực tế không cho phép mình tỏ rõ thái độ khinh miệt với những người ấy. Nhưng qua hành động của mình thì có lẽ họ cũng thấy được điều đó.

Có những người tỏ ra là mình hơn người, tỏ ra là mình có tài năng. Hơn ở chỗ nào? Tài năng ở đâu? (Khi bản thân  mình đã chứng kiến biết bao khía cạnh khấm khá hơn nhiều). Chả hiểu họ có thấy không? chứ mình thì không sao tránh được nụ cười mỉa mai, châm biếm với sự lố bịch ấy. (Tất nhiên mình cũng chả phải là hoàn mỹ gì). Anh tài năng và tỏ rằng hơn người khác là phải ở chỗ biết vận dụng tài năng đó, hiểu biết đó vào thực tế để bản thân anh sống tốt hơn, hòa mình một cách giản dị chân tình với "phong trào", có tác động thúc đẩy "phong trào" đi lên.

Có những người tuổi đời cũng đã lớn, thậm chí lớn hơn mình hàng chục tuổi, nhưng tiếc rằng: Tuổi tác với những năm tháng sống giúp cho họ ít quá.

20/6

Một "cô gái" đã tỏ ra suy nghĩ và áy náy với những lời nói của mình. Kỳ thật, khi hoàn cảnh mình khác họ quá.

 

22/6

Học tập chính trị về chiến thắng đông xuân 1966- 1967.

 

23/6

Mình phải ghi vào đây tâm trạng của mình trong vài ngày gần đây, ít ra cũng để rút kinh nghiệm cho cuộc sống.

Thật lý thú khi thấy những dự đoán và thận trọng của mình trước đây đến nay đều đúng, đáng để phải đau đầu.

Đã có người (mà lại là lãnh đạo) đánh giá mình sai lệch về tinh thần làm việc của mình. Thật là khổ sở vì không có ý "thanh minh" với ai, nhưng chỉ ước ao  họ hiểu sâu sắc hơn. Họ có biết đâu với hoàn cảnh sức khoẻ, với ốm đau bệnh tật đến, mình đã có lúc phải chịu đựng cao độ để hoàn thành công việc. Là tiểu đội trưởng, mình đã không cho phép bản thân kêu ca phàn nàn điều gì và cũng không bao giờ muốn chọn lọc công việc dễ chịu cho bản thân. Trái lại mình lại chỉ muốn dành lấy công việc khó khăn, nguy hiểm nhất. Trong lúc sức khoẻ suy nhược, bệnh hoạn dày vò, mình đã phải dấu mọi người để động viên đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù có bao lúc vắng người, mình đã phải gạt nước mắt cùng mồ hôi vì sự mệt nhọc rã rời của cơ thể, vì sự dày vò của bệnh tật. Danh dự và lòng tự trọng đã giúp mình rất nhiều. Để làm tròn nhiệm vụ hầu như luôn phải dùng nghị lực, tinh thần nhiều hơn là tự thân sự vận động của sức khoẻ.

Mình không muốn nói điều này ra vì như vậy sẽ xa vào sự kể lể. Ôi! chỉ mong sự tinh tường của cuộc đời này. Họ cho rằng tôi khinh miệt cán bộ trung đội. Có lẽ họ lầm rồi. Tôi thường tự răn mình: Hoàn cảnh, khả năng và cương vị của bản thân không cho phép được coi thường ai. Phải tôn trọng "Con Người".

Tôi thi hành mệnh lệnh, hoàn thành nhiệm vụ một cách đúng đắn, có ý thức có nhiệt tình và rèn cho mình tính khiêm tốn, không được "đứng trên" ai...

Đành rành cán bộ trung đội trong lãnh đạo không thể tránh khỏi thiếu sót. Nhưng tôi chỉ cho phép bản thân qua đó rút những kinh nghiệm bổ ích cho mình, không được phép phê phán một cách bừa bãi: "Uốn lưỡi bảy lầy trước khi nói". Thế mà...

... Họ hiểu như vậy đấy!

Thật chẳng hay ho gì ! Trong khi đời mình lại ở trong hoàn cảnh "đặc biệt". Trong lúc suy tưởng, thấy bùi ngùi. Nhưng đừng để rơi nước mắt đấy! Chịu đựng và sống tốt hơn. Sao cho cuộc đời này hiểu đúng bản chất của mình !

27/6

Đời người ta có bao lúc niềm vui đến một cách rụt rè, e ngại. Họ muốn cầm lấy nó, nhưng không tài nào cầm được. Sao vậy?

 

28/6

Chứng đau lưng lại tái phát. Chẳng biết chống đỡ thế nào cả. Đau quá. Người mệt rã rời. Nhưng vẫn phải đi làm, vẫn vác gỗ, vác gạo... bởi vì tiểu đội bây giờ ít người quá.

29/6

Cả đêm qua không ngủ được. Hôm nay đi làm là một cố gắng phi thường. Chiều đến thì không tài nào chịu đựng nổi nữa. Cầm chiếc xẻng cũng là một chuyện khó nhọc.

 

30/6

Hôm nay phải nghỉ việc vì đau quá. Tâm hôm nay cũng có vẻ yếu mệt, người xanh quá. Mình cũng lo cho Tâm.

Chú thích (tháng 06/1967)

[1]  Daleko ot Moskvy (phiên âm chữ Nga) : Xa Moskva, tiểu thuyết của Vasily Azhayev (1915-68) nhà văn Nga Xô-viết.