2-7-1964

Thi xong. Trút được gánh nặng. Khoan khoái quá. Ấy chết, khoan khoái vừa thôi vì gần đây nhiều chuyện không hay đến với mình.

Giờ đây nghĩ lại những buổi nói chuyện với bác Hải, với Thành, cô Toản, chị Tín mình thấy rõ: Có nhiều người càng trải nhiều trong cuộc sống thì vốn sống của họ càng nhiều, họ thu được nhiều vấn đề của cuộc sống, họ trở nên khôn ngoan, nguy hiểm hơn.

Cuộc sống thành thị làm cho họ gắn bó với tiền bạc hơn là đối với người thân; tiền bạc đã chi phối tình cảm trong họ. Họ nhìn người thân qua lỗ nhỏ của đồng xu; họ đánh giá phẩm cách con người bằng đồng tiền. Chao ôi, sống thế mà sống nổi ư?

6-7-1964

Mấy ngày qua sống dưới thím Đắc. Sáng nay 10 giờ ra ga Hàng Cỏ, may quá gặp được chị H. Hai chị em cùng về, lại đi toa cuối cùng nhưng được ngồi, không phải đứng. Về nhà mọi việc yên ổn. Không có gì đáng tiếc xảy ra. Nhớ nhà, muốn về quá. Khốn nỗi tình cảm của mình cứ bị đóng khung trong cũi. Quả là buồn cười. Hôm nay Thành nhận được giáy báo, đáng mừng. Thành đã được giải phóng. (1)

Khi bị người khác chế ngự tình cảm của mình thì phải biết đau khổ chứ.

7-7-1964

Chơi hoài, lo lắng cho tương lai. Muốn ra chị H. chơi quá. Nhớ подруга [bạn gái].

8-7-1964

Một ngày trôi qua vô vị. Chỉ có nằm dài và ngọ nguậy, buồn vô biên, tâm hồn bất ổn. Nghĩ vơ vẩn. Hết ra lại vào không biết làm gì. Đứng trước cửa nhìn bao người hoạt động hối hả. Đau khổ quá. Mỗi người có một việc làm, một chỗ đứng trong xã hội, mình đứng đó ngơ ngác.

Nhìn con người hoạt động bằng đôi mắt lạnh lùng. Chán ngán.

10-7-1964

Cả ngày làm ở trên cầu, (2) nước lên to quá. Cầu bị ca-nô đâm tung ra. Mình phải chịu nắng cả ngày. Tương đối thoải mái. Tối đi xem.

17-7-1964

Một tuần nay không viết nhật ký. Chán ngán đã thui chột mất sự chăm chỉ của mình. Chỉ có “cho”. Đến hôm nay mới có việc làm, đi xay lúa, khoái quá.

Tối đi xem, trở về đi chơi với Hồ suốt đến 10g30. Qua tâm sự với Hồ mình có hoài bão giúp Thực trở thành [3 từ bị xóa]. Nhưng e rằng Thực chưa hiểu mình.

Nghe tin chiều mai chị H. lên; mừng ghê. Ngóng chờ ngày hôm sau.

19-7-1964

Hôm nay lại đi làm; rất thích. Tối đi chơi với chị H. và K. Nói chuyện với K. mình thấy vui ghê.

20-7-1964

Chiều nay chị H. và K. lại về quê chơi; khá nhọc nhưng thích thú. Lúc đi trăng sáng, rất đẹp; ba chị em đi rất nhanh, nói chuyện rôm rả. Gần 10 giờ đã ngồi chễm trệ trên bờ đê dọc đường 62.

21-7-1964

Cả ngày chơi với K. và các em. Nói chuyện với L. mình thấy hay hay. Buổi tối cả nhà đi xem, vẫn chỉ có ba chị em ở nhà nằm dài ngoài cửa đọc chuyện và cười. Vui ghê! Không hiểu đến bao giờ mới được cảnh như vậy.

22-7-1964

Sáng dậy mưa rí rách. K. muốn trời mưa mãi cho mình không về được. Cảm ơn bạn. Bạn đã tỏ ra nhiệt tình với mình. Chiều ra về, cùng chị H mang theo một nỗi buồn man mác. Ra ngoài này chơi K. đã để lại cho mình nhiều ấn tượng tốt đẹp, và cả L. nữa. K. tỏ ra rất nhiệt thành. L. với tính dụt dè nhấm nháy đã làm mình mến. K., chú em hay làm nũng làm mình yêu. Tất cả, tất cả đều là những hình ảnh đẹp không bao giờ quên được.

23-7-1964

Mình sẽ nhớ mãi và không bao giờ quên buổi tối ngày hôm nay. Buổi tối đáng nhớ trong cuộc sống tình cảm của mình.

“Từ trước tới nay tôi không có một người bạn thân nào. Năm nay thông qua chị H mà tôi biết T. và T. đã trở thành người bạn thân nhất của tôi và mãi mãi vẫn là bạn”.

Đó là lời nói của K. khi đi chơi với mình tối nay. Mãi mãi ghi nhớ.

24-7-1964

Sáng nay chia tay K. Không buồn vì ngày may sẽ gặp lại.

Ra về, đi lang thang lòng buồn bã vì nỗi nằm suông để người khác phải cáu gắt.

Tối đến đi xem. Hay quá.

“Romeo Juliet và bóng tối” (3) đã để lại trong mình một ý nghĩ khó tả. Mình chỉ thấy một điều: tình yêu là mãnh liệt. Nó làm cho bạn không sợ nguy hiểm, khó khăn. Tình yêu giữa Pa-ven và Gan-ca xuất hiện trong nhà kho u tối, đơn độc nhưng nó đẹp đẽ như ánh sao mai rọi chiếu những buổi chiều tà.

Hãy nhớ lấy bộ phim này.

Xem về, đi chơi với Bình, Hòa, Hồ. Không thấy vui thú tí nào. Chỉ thấy красивая луна [trăng đẹp]. Chính vì vậy lại càng thấy buồn.

Thùy ơi. Hãy tôn trọng tình bạn và làm cho nó trở nên thiêng liêng đẹp đẽ. Hãy tu dưỡng, tôi luyện bản thân để có được những tình cảm mang đầy đủ tính người. Ôi , nhân tính.

25-7-1964

Lại một ngày trôi qua. Vẫn chỉ có thế. Buổi sáng cùng K. về nhà đón L. và Bác đi vào thị xã. Đèo L., nói chuyện vui quá.

26-7-1964

Ra ngoài chị H. L. không tỏ ra xa lạ nữa rồi. Chiều về, lo lắng cho sức khỏe.

27-7-1964

Một điều quả bất ngờ. Отец  и сестра Зy [Bố và chị Du] lên chơi.

Trưa về nói chuyện mãi với cecmpa [chị].

Tình yêu và cuộc sống có mâu thuẫn không?

Thực tế đã trả lời mình rồi

            Отец [Bố]  nói chuyện với Дядя [ông chú]. Chán ngấy. Cái lô-cốt của xã hội tiến bộ.

Tối về nhà ăn nhãn.

28-7-1964

Ngày thứ nhất sống ở nhà. Chẳng có gì đáng ghi.

Bạn đời ơi. Bạn đã được yêu chưa. Nếu bạn đã được yêu một đôi lần thì bạn nên nhớ rằng: Một khi bạn đã yêu mà bị người yêu phản bội thì trong một lúc nào đó trái tim bạn se lại. Ấy là bạn đau khổ đó. Nhưng mình tin rằng trái tim ấy sẽ đanh thêm lên, nó giúp cho bạn củng cố thêm lý trí sống, mở rộng tầm mắt thiển cận của bạn.

Lý tưởng và cuộc sống không khi nào không mâu thuẫn. Con người ta có lý tưởng có hoài bão tốt đẹp, nhưng cuộc sống, môi trường sống làm họ không thực hiện được hoài bão, lý tưởng. Có thực hiện được cũng rất gian khổ. Nhưng nhất định họ sẽ thắng lợi thôi.

29-7-1964

Vẫn ở nhà đi làm thủy lợi. Khoái ghê. Nhưng tâm tư lúc nào cũng nhớ tới chị H., K, cả trong lúc đang làm.

Buổi tối đi chơi nói chuyện với anh Ngân rất lâu. Cuộc sống rất phức tạp, phải khéo léo mới có khả năng tồn tại được.

Thùy ơi! Thực tế đã làm mi sáng tỏ ra nhiều rồi. Mi hãy luôn tỏ ra là người biết nghĩ. Hãy khiêm tốn. Tránh kiêu căng vô ích. Mi không giỏi giang gì đâu. Hãy nhớ kỹ rằng: suy nghĩ trước khi nói. Đừng để bản thân trở thành nạn nhân của lời nói.

30-7-1964

Chơi suông.

31-7-11964

Đi làm thủy lợi với thanh niên, mình ít nói trong khi họ nô nghịch rất tợn. Ng cũng đi làm. Hay nhìn. Cái nhìn đáng yêu quá. Mình mến Ng. Để lại cho Ng “bông hoa đẹp”.

Chú thích (tháng 07/1964)

([1] Đây là Trần Quốc Thành, con trai ông chú họ, gia đình ở thị xã phủ Lý mà Trần Văn Thùy ở trọ nhờ để đi học, từ 1958. Thành thi vào trường trung cấp nông lâm trung ương ở Hà Nội. 

(2 Đây là cây cầu phao, làm bằng tre, bương, gỗ, thùng phuy, nối thị xã Phủ Lý với xã Phù Vân ở phía tây bắc thị xã. Cây cầu này ban đầu là doanh nghiệp riêng của ông chú, tên là ông Tùng, bố của 3 anh em trai Quốc Anh, Quốc Thành, Quốc Thực. Thời kỳ hợp tác hóa, cây cầu trở thành hợp tác xã có thêm một số thành viên, nhưng ông Tùng vẫn là chính. Cây cầu phao này tồn tại đến cuối những năm 1970, bị bỏ hẳn sau khi được thay bằng cây cầu sắt nhỏ;  hiện nay tại vị trí cũ là cầu bê-tông cốt thép, xe cơ giới nhỏ đi qua được.  

(3 “Romeo, Juliet và bóng tối” (1960), phim truyện Czech, dựng theo tiểu thuyết cùng tên (xuất bản 1958)  của nhà văn Jan Otčenášek (1924-1979)