1-8-1964

Giở ra đọc Чернышевский [Tchernyshevsky]. (1) Hay quá. Phải ghi lấy những lời phát ngôn quý giá của văn sĩ.

 ̶  Tư tưởng nuôi dưỡng tài năng mạnh mẽ thêm lên và đem lại cho tài năng một ý vị, truyền vào các tác phẩm sức sống và cái đẹp.

̶  Tự bản thân con người rất là yếu đuối. Tất cả sức mạnh của y, y rút ra duy nhất từ trong nhận thức về cuộc sống thực tế và từ trong khả năng của y biết lợi dụng những thế lực của thiên nhiên vốn không có lý trí và lợi dụng những bẩm tính thuộc bản chất con người, độc lập đối với con người. Nhờ hành động đúng theo các quy luật của thiên nhiên và của tâm hồn và nhờ sự giúp sức của các quy luật này, con người có thể biến đổi dần dần các hiện tượng của thực tế chưa phù hợp với những khuynh hướng của riêng mình. Như thế ấy, con người thu được từng bước những thắng lợi rất đáng kể để cải thiện cuộc sống của mình và thực hiện những ước vọng của mình.

̶  Những mộng tưởng của óc tưởng tượng chả có giá trị gì đối với cuộc sống, chỉ có thực tế mới đem lại cho con người sự hưởng thụ lâu dài, chỉ có những ước vọng xuất phát từ thực tế mới có thể đạt tới thắng lợi.

̶  Nếu tôi hành động một lần trái ngược với bản chất người của mình thì vĩnh viễn tôi sẽ mất khả năng để sống yên tĩnh, để hài lòng với mình và sẽ đầu độc toàn bộ cuộc đời mình.

̶  Con người xuất thân từ nhân dân, con người lao động “Nhờ bản chất lành mạnh, nhờ kinh nghiệm nhọc nhằn của bản thân về cuộc sống nói chung y am hiểu sự vật thấu đáo hơn nhiều, đứng đắn và sâu sắc hơn so với những người thuộc về cái giai cấp sống sung túc hơn...

̶  Sức khỏe, thật vậy, không bao giờ có thể mất giá trị đối với nhận thức của con người bởi vì ngay trong cảnh thừa thãi và xa hoa, cuộc sống cũng chẳ tốt đẹp gì nếu không có sức khỏe.

̶  Hạnh phúc có thể tới được với con người, nó phải tới để cho thói độc ác và nỗi bất hạnh không thể trở thành vĩnh cửu và để sớm đem lại cho chúng ta cuộc sống tươi sáng.

̶  Không có bình đẳng thì niềm khoái lạc về thể chất, niềm đắm đuối vì cái đẹp hóa ra buồn chán, ảm đạm, xấu xa. Không có nó,  ̶  không có sự trong sạch của tâm hồn  ̶  chỉ có sự gạt gẫm với sự trong sạch về thể chất. Do bình đẳng mà ở ta mới có tự do và không có tự do thì cũng chẳng có ta.

̶  Hãy có khát vọng đạt tới tương lai, hãy lao động, hãy bỏ vốn vào hiện tại tất cả những gì thuộc tương lai mà mình có thể bỏ vốn vào được.

̶  Tôi đã nhận thức được rằng mình nếm trải một niềm khoái lạc cao đẹp biết dường nào khi tự cảm thấy mình hành động như một con người cao quý, khi mình tự cảm thấy mình ... là người.

Sẽ đọc tiếp.

 

Như vậy là sự việc xảy ra tương đối đáng mừng. Lên Ty Văn hóa nhận việc làm rồi.

Tối đi xem phim với chú Khôn. Mình có nhã ý vạch phương hướng cho chú K trong công tác Đoàn ở quê hương

2-8-1964

Ngày hôm nay liệu có đáng ghi không? chả đáng tí nào. Vì chỉ là một ngày vô vị chán chường.

3-8-1964

Vẫn thế thôi, nhưng nên ghi khi trong tư tưởng nảy sinh một ý nghĩ tốt lành báo hiệu một tin vui. Mình có tham vọng nói chuyện về “Từ tuyến đầu Tổ quốc” (2) ở quê hương.

Lạ kỳ vẫn cứ nghĩ đến Ng. Hình ảnh chị H., K. càng ngày càng rõ nét trong mình.

4-8-1964

Đi làm trên Ty thủy lợi.

Vác đá nặng quá.

Chiều đi xe ra tận ngoài Lý Nhân, đi trên con đường thân thuộc qua nhà chị H. Tâm hồn xao xuyến. Tối đi chơi mua một quyển truyện. Gặp Xuân, một thằng bạn cũ. Nó không nhận ra mình, đúng thôi vì mình có để lại cho nó một ấn tượng gì sâu sắc đâu.

Con người ta ai mà chả có tình cảm. Nhưng thật khó mà tìm hiểu được rõ ràng những tình cảm con người ngay cả những tình cảm của bản thân mình.

5-8-1964

Nhận được một tin tốt lành. Anh mình... [2 câu bị xóa] Ôi! Người ta vui sướng biết bao khi thấy những người thân thiết đã cùng một chí hướng với mình. Một niềm hạnh phúc lớn lao.

Nhưng niềm vui sướng chỉ đến với mình rất ngắn ngủi. Sự thực đau khổ lại vứt mình về thực tại. Vẫn chỉ là cô đơn. Trưa nay mấy thằng bạn đến chơi, chúng nó sung sướng quá. Những đứa bạn tự do của tôi. Mình có cảm tưởng những ngày sống qua là những ngày sương mù. Hy vọng được một ngày sáng sủa. Giở ra xem lần thứ 2 “Sống giữa tình thương” vẫn thấy hay. Một thi sĩ Ý có nói: “Ở đâu có chứa chan những lời nói yêu thương thì nơi đó không hề có tình yêu chân chính”.  Có lẽ đúng đấy.

Tối đi xem đội quân nhạc Tổng cục chính trị biểu diễn hay. Tìm hiểu thêm các văn sĩ.

6-8-1964

Tsê-khôp:

– Một cuộc sống thông minh mà không có một thế giới quan rõ rệt, chả phải là một cuộc sống nhưng là một gánh nặng, một nỗi khủng khiếp.

– Con người chả cần đôi ba thước đất, chả cần trại ấp trang viên, mà cần toàn bộ quả địa cầu, toàn bộ thiên nhiên, để phát huy giữa không gian rộng lớn tất cả bản chất và đặc tính của tâm hồn tự do của mình.

L. Tôn-stôi:

– Tôi chỉ biết có hai nỗi khổ thật hiển nhiên trong cuộc sống: ấy là sự hối hận và bệnh hoạn. Chỉ có thể sống tốt lành khi nào thoát được hai nỗi khổ ấy. (lời Pierre, “Βοйна и мир” [“Chiến tranh và hòa bình”]

–  Phải làm thế nào cho cuộc sống đừng trôi chảy chỉ riêng cho mình thôi, phải để cho nó được phản ánh qua tất cả mọi người sống đồng nhịp với mình. (lời Andrey, “Βοйна и мир” [“Chiến tranh và hòa bình”]

– Tình yêu đối lập với cái chết. Tình yêu là cuộc sống. Tất cả, tất cả những gì mà tôi thấu hiểu. Sở dĩ tôi thấu hiểu được chỉ vì tôi yêu.

– Một nỗi áy náy thường xuyên, sự lao động, sự đấu tranh, cảnh thiếu thốn, đấy là những điều kiện thiết yếu mà bất cứ ai cũng không nên có ý nghĩ muốn thoát ra khỏi được. Dù chỉ trong giây phút thôi. Sống đầy danh dự là phải có khát vọng nồng nhiệt, phải rối trí nhiều phen, phải vật lộn, phải phạm sai lầm, phải khởi đầu rồi vứt bỏ giữa chừng, lại khởi đầu rồi lại vứt bỏ giữa chừng, phải thường xuyên đấu tranh và chịu thiếu thốn.

8-8-1964

Sáng đi làm. Chiều đi vào Khả Phong với những con dốc thú vị. Tối về xem phim “Bông lựu trên sa mạc”. Hay.

Quả đúng là một bông lựu trên sa mạc

Khi kẻ giàu sang tự hào với đống của cải to lớn của mình thì người nghèo cũng không kém phần sung sướng với trái tim của người nghèo và với hai bàn tay lao động.

9-8-1964

“Trong những phút hoài nghi và phân vân, chúng ta hãy tìm đọc những cuốn sách quý giá. Chúng ta hãy xem các nhà văn nhà thơ ưu tú của chúng ta đã viết những gì về nhiệm vụ, về lòng dũng cảm, về tình yêu và tình bạn. Trong tác phẩm của họ chúng ta sẽ tìm được nhiều câu trả lời. Các thế hệ trước đã từ lâu cố tìm cách giải quyết những vấn đề rắc rối trong tâm hồn con người, trong các khía cạnh tinh tế của tình cảm của con người và nhà văn đã ghi lại trong tác phẩm của họ kết quả tìm kiếm đó. Kết quả mà người ta thường phải trải qua sai lầm và tổn thất trong cả cuộc đời của mình mới đạt được. Bản thất cuộc sống là một người thầy rất tốt”. (Konstantin Lapin)

10-8-1964

– “Vấn đề vì sao yêu hoặc vì sao không yêu, vì sao lúc này yêu hoặc vì sao lúc này lại không yêu. Vấn đề đó đặt ra đối với chúng ta hơi quyết đoán quá. Trái tim có những quy luật riêng của nó mà những quy luật đó lại không dễ dàng xếp lại thành một hệ thống. Cử chỉ tế nhị, tính tình nhã nhặn, ý hợp tâm đầu đều có thể và cần phải đóng vai trò lớn trong tình yêu. Nhưng, nếu như tình yêu chỉ được giải quyết bằng lý trí và nghị lực thì tình yêu đã không còn là tình cảm và sự say đắm nữa. Ngay trong tình yêu lý trí nhất rõ ràng là cũng có sự tham gia của yếu tố gián tiếp là trái tim. Vì sao thế? Vì rằng ta chỉ yêu một người trong số nhiều người xứng đáng như nhau và sự lựa chọn đó là theo chiều hướng của trái tim”. (Bielinsky)

– “Phải học tập cách sống hạnh phúc vì như thế có nghĩa là học tập để biết tự trọng, học tập để hiểu rõ vinh hạnh được làm người”. (Makarenko)

10-8-1964

Một điều bất ngờ. Chị H., K. lên chơi

Tối đi xem phim “Hạnh phúc”.

11-8-1964

Suốt buổi sáng chơi ở trên cầu với K. K. có ý nghĩ rằng ở mình có sự lạnh nhạt từ ít bữa nay. Mình hơi buồn khi thấy người khác không hiểu mình.  Không sao, thực tế sẽ trả lời thôi. Tình cảm có cần đề biển ra ngoài là chân thật hay không chân thật đâu.

Hiểu được người, khó lắm.

“Cuộc sống bao la đẹp đẽ, nhưng cuộc sống không phải là một câu chuyện thần thoại, cuộc sống là một thực tại nhiều màu vẻ với những quy luật phức tạp của nó. Cần phải nhìn nhận cuộc sống một cách tinh tường. Tinh tường nhìn nhận cuộc sống rõ ràng là không giống như cách tính toán lý trí trắng trợn”.

12-8-1964

Ngày đầu tiên hoạt động cho Ty văn hóa. Mới học thôi, nhưng cũng thú. Người mình bị những con bệnh thổ tả dày vò. Thật kỳ lạ. Có thể chia mặt mình ra làm 4 phần đều nhau. Kẻ dọc từ giữa trán xuống và kẻ ngang lưỡng quyền thì một trong 4 phần đó thuộc thái dương bên trái đau bên trong dữ dội. Ôi đau ghê. Đau không chịu được; – điên thì bỏ mẹ.

“Con người chỉ có hai nỗi khổ thật hiển nhiên trong cuộc sống, ấy là sự hối hận và bệnh hoạn. Chỉ có thể sống tốt lành khi nào thoát được hai nỗi khổ đó”.

Ông Lev Tolstoi ơi! Ông nói đúng lòng người quá đó! Cần phải cám ơn ông!

Thôi, nhắc đến những chuyện này làm gì. Thêm khổ. Hãy nói đến những vấn đề hay ho hơn. Ít bữa nay mình có hoài bão thành lập lấy một tủ sách riêng. Ôi! Hạnh phúc biết bao nếu mình thực hiện được ước vọng.

14-8-1964

Phải chăng là ngày hôm nay ta đã thực sự bước vào cuộc sống. Có lẽ đúng đấy. Ngày đầu tiên xuống nông thôn công tác. Một biến cố đó.

Trong những ngày tới hãy làm những gì, nghĩ những gì, để cho cuộc sống phải có ý nghĩa tốt đẹp. Hy vọng ở ngày mai, một ngày tốt đẹp sẽ đến.

Khi bước vào cuộc sống thực sự mình thấy một sự xúc động lớn lao. Nhưng không nên run sợ, không nên mang theo mình một sự yếu đuối. Hãy hiên ngang lao vào cuộc sống, đón lấy nó. Cuộc sống bao la đẹp đẽ và đầy ý nghĩ lớn lao. Ghi lấy. Ghi cho chính xác nào.

16-8-1964

Như vậy là hết hy vọng nhé. Không đỗ đâu Th. ơi. (3) Số phận đã bắt mày tuân theo quy luật đen đủi của nó. Thì nên chịu vậy thôi. Tiếc rằng mi sinh ra không hợp thời. Chả nhẽ lại oán cha mẹ ư? Không được! Nhưng thôi Th. ạ. Đừng nên nghĩ đến điều này nữa.

Giờ đây trước mắt cậu là một cuộc sống rộng lớn, bao la với bao nẻo đường. Hãy chọn lấy một con đường cậu ạ. Ôi. Hạnh phúc của những kẻ chiến thắng.

17-8-1964

Đến xã Liêm Cần rồi. “Anh cán bộ” ơi! Ngày mai sắp đến, anh tính sao đây? Cố lên anh ạ!

18-8-1964

Hoàn thành được 2 thôn. Thú vị quá. Vào đình Tứ có một bệ đá dài 2m6 cao 1m1, rộng 1m2, do 9 viên đá ghép nên.

Theo mình dự đoán thì làm từ đời Lý-Trần, Tiền Lê.

19-8-1964

Hôm nay thăm đền vua Lê Đại Hành. Hay quá. Lên bốt Cõi nơi bố mình bị giam giữ trước kia, lòng bồi hồi xúc động.

20-8-1964

Mạnh dạn gửi thư cho Cecmpa.

Mình cảm thấy say mê với công tác vô cùng. Ôi! Càng đi sâu vào cuộc sống rộng lớn mới càng hiểu được ý nghĩa và giá trị to lớn của cuộc sống, mới càng hiểu rõ những ý niệm, những đức tính sâu sa trong tâm hồn những người bình dị.

21-8-1964

Hoàn thành trước thời hạn 2 hôm. Trở về quê hương; vui quá.

27-8-1964

Đúng một tuần nay mới viết tiếp, chả có gì đáng ghi cả.

Hôm nay sang huyện Kim Bảng. Lúc đầu có gặp đôi chút khó khăn nhưng chắc chắn là qua được thôi. Có cái là mình cảm thấy cô đơn ghê quá. Trong những giờ phút này mình mới thấy thấm thía những tình cảm của những người thân thiết đối với mình, mới thấy cần thiết phải có nó. Trong lúc này mình càng nghĩ nhiều tới chị H. và K., càng thêm nhớ.

Chẳng hiểu chị H., K. có thèm nghĩ đến mình không? Chắc là có chứ nhỉ? Định viết thư cho chị H. nhưng lại thôi; cảm thấy ngại quá.

Tình bạn là cao đẹp.

Nếu như có một triệu chứng không tốt nào đó báo hiệu một sự rạn nứt trong tình bạn sắp đến thì nghĩ sao? Mình mơi ước nó sẽ không trở thành sự thực. Vì nếu như thành thực tế thì đau khổ biết dường nào.

Chị H. ơi! Mong chị hãy nhận ở em những tình cảm chân thành nhất, nhiệt tình nhất và đừng có bao giờ quên em.

Cô bạn K., cô bạn phải giữa lời hứa chứ. Hãy nhớ lấy buổi tối 23-7, một buổi rất đẹp trong đời tôi. Tình bạn là đẹp cô bạn ạ! Đừng để cho tôi phải chịu đựng hậu quả không tốt. Tôi tin rằng cô bạn là người hiểu tôi hơn cả. Cô bạn nên nhớ: Tìm được một người hiểu mình là một niềm hạnh phúc lớn lao.

30-8-1964

Thế là lại vè nhà lần nữa. Khoái ghê. Hôm nay gửi 2 thư cho chị H., mong chị nhận được càng sớm càng tốt.

31-8-1964

Trưa nay bị một bữa đói chết cha. Chẳng có sao cả, chỉ vì mình đã hoàn thành một khối công việc khá lớn. Nhưng rất thoải mái. Tối đi chơi với thanh niên; vui nhưng có cái rất khỉ là mình vẫn chưa thực sự hòa mình với họ. Lần đầu tiên nói chuyện với cô giáo TX nhưng lại bị người khác cắt dở. Hẹn ngày mai gặp lại.

Chú thích (tháng 08/1964)

([1] Nikolay Gavrilovich Chernyshevskiy (1828-1889), nhà văn, nhà tư tưởng, nhà cách mạng Nga; tiểu thuyết “Làm gì?” (1863) của ông được dịch in vào những năm 1960 ở miền Bắc VN, có tiếng vang đáng kể trong học sinh, sinh viên.

(2 “Từ tuyến đầu Tổ quốc” là tập sách được biên soạn và phát hành ở miền Bắc VN từ những năm 1963-64, gồm những bức thư từ miền Nam gửi ra, kể chuyện dân miền Nam hoạt động kháng chiến chống quân Mỹ và quân của chính phủ Việt Nam cộng hòa. Sách gồm 2 tập, được in lại nhiều lần, được truyền bá trong dân cư bằng nhiều hình thức, từ nói chuyện đến dựng thành tác phẩm sân khấu. Cuốn sách tuyên truyền này, đương thời, được xem như một tác phẩm văn học.

(3) Có lẽ ý này được ghi sau khi biết kết quả chính thức kỳ thi vào đại học 1964; thời kỳ ấy thí sinh ở miền Bắc đến các trường đại học ở Hà Nội dự thi, kết quả thi được thông báo về các Ty Giáo dục tỉnh, có niêm yết tại Ty Giáo dục. Trần Văn Thùy biết mình không đỗ là do thành phần gia đình địa chủ chứ không phải do làm bài kém.