13/8

Gần tháng nay, công việc vẫn chỉ như vậy. Đêm nay có khác hơn chỉ do nhiều pháo sáng quá. Hàng loạt pháo sáng được tung ra quanh vùng, cả vùng trời như bừng lên và máy bay rít trên đầu. Bọn mình chui đầu vào các hẽm cây con ven suối cạn và theo rõi. Rốc-két trút xuống ở đâu đó gần đây, phía Thái Hòa. Những viên rốc-két phụt lửa rạch màn đêm xuyên xuống để bốc lên những đám cháy dữ dội. Không hiểu sao tâm trạng mình lại rất bằng lặng.

Địch quần thảo dữ quá phải bỏ về sớm. Giữa đường là một quán nước lẻ loi. Ở đây có hai vợ chồng một thương binh trẻ, lợi dụng thời buổi khó khăn, mở quán bán đủ thứ giải khát với giá cắt cổ. Anh em mình cứ gọi đùa là "máy chém". Hôm nào đi làm về qua cũng trêu đùa họ. Hôm nay cũng vậy, vừa qua cửa quán, anh em vừa hô ầm ĩ: "Máy chém!". Không ngờ tay chồng đã dự kiến sẵn tình huống này, tay cầm gậy nấp sẵn một chỗ, khi bọn mình vừa hô xong là lao ra ngay. Không muốn xô xát, cả tiểu đội bỏ chạy về và cười đùa ầm ĩ.

14/8

 Không hiểu sao hôm nay lại nhớ nhà làm vậy. Trong lòng thấy buồn bã. Bóng dáng mẹ, cha, em lần lượt hiện lên. Bóng dáng cây dừa, cây ngọc lan phảng phất đâu đây.

Ước ao có bàn tay ấm áp của mẹ ve vuốt như những năm nào ở thuở ấu thơ.

T. ơi! Lúc này đây tôi muốn có T. ở bên cạnh để nói với nhau những lời dịu dàng, hay cùng tôi san sẻ nỗi niềm nhớ nhung này. Bóng dáng T. đâu?

 

18/8

 Chiều xuống! Màn trời trắng đục một màu. Gió rít từng đợt. Mưa đổ hồi dồn dập. Đây là trận mưa thứ hai từ hôm qua sông Chu đến nay. Gió táp mưa đổ, làm thân cây nghiêng ngả. Ngồi trong nhà nhìn ra. Xa xa rừng núi ẩn hiện mờ mờ trong mưa. Cây cối ven rừng lay động đơn độc. Tất cả trắng xóa, và đêm buông dần, mọi vật lại chìm trong đêm tối. Người ta chỉ nhìn thấy những thân cây to lớn trong màn đêm hoặc những cành lá bị gió cuốn bay qua. Gió rít mạnh hơn. Mưa dồn dập hơn. Bão dữ dội hơn. Ngoài trời: gió, mưa và thỉnh thoảng là tiếng răng rắc của những cành cây bị gãy. Tất cả như một bản nhạc khuấy động tâm can. Dĩ vãng lại được dịp dấy lên như cơn sốt định kỳ:

 Những ngày thơ ấy tươi vui hạnh phúc.

 Những ngày niên thiếu đau khổ.

 Những ngày sống dưới mái trường quê hương.

 Những ngày xa quê.

 Những ngày bị hắt hủi, ruồng bỏ, và bị cướp đi niềm vui, hạnh phúc một cách phũ phàng.

 Rồi những ngày vươn lên đạt hoài bão, và lại chịu những hậu quả chua xót.

Bóng dáng mẹ, cha, các anh chị, các em, các cháu... lần lượt hiện ra trong tâm trí.

Nhớ! Nhớ quá đi thôi!

 20/8

            Mưa, phải nghỉ liền hai ngày. Đêm nay lại tiếp tục đi làm. Nước to quá. Chảy qua suối cạn như thác. Công việc bị hạn chế nhiều, thành ra tẻ ngắt. Mình chỉ cảm thấy thanh thản khi nào công việc trôi chảy hơn.

Mình rất lo cho năng suất làm việc. Liệu có lên nữa được không? Tất cả chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng của mỗi người trong tập thể này. Buồn bã vì lo lắng công việc chung, thành ra lúc nghỉ việc trở về, lòng thấy nặng trĩu.

Đi bên T., sự im lặng hoàn toàn của T. làm mình áy náy! Sao vậy? Không! Mình tin ở sự thông minh của T. Nó sẽ giúp T. nhìn ra vấn đề.

 

"Đức Thọ, 8/ 8/1965

Thùy thương yêu!

Mấy bữa trước anh được tin ở nhà cho biết em đi TNXP, nhưng vì không kịp nên chưa viết thư cho em được. Sao em không viết thư cho anh biết. Anh biết ra đi em có nhiều suy nghĩ lắm, nhưng việc quyết định của em là hoàn toàn đúng. Anh còn nhớ Léc-môn-tốp trong bài thơ "Cánh buồm" có ví cuộc sống của mình như những cánh buồn căng gió vượt biển khơi, nó lao vào trong gió bão nguy hiểm để tìm niềm vui và sự yên ổn trong đó. Đi vào thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp nhưng phải dũng cảm và có nghị lực Thùy ạ, các em đã lên đường làm nhiệm vụ của Tổ quốc và các em hoàn toàn có quyền tự hào về điều đó.

Nhớ viết thư cho anh nhé, anh nói thật nhé, em có khó khăn gì về vật chất và tinh thần cứ mạnh dạn trao đổi với anh, anh nghĩ là những ngày sống bên nhau, em cũng phần nào hiểu được anh.

Chúc em khoẻ, vui, làm việc và phấn đấu tốt. Ôm hôn em. Viết thư cho anh nhé.

Trần Quốc Anh"  [1]

Chú thích (tháng 8/1965):

[1]  Trần Quốc Anh là anh em họ với TG, lúc này là giáo viên văn ở Hà Tĩnh. Trần Quốc Anh học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng khoá với Phạm Tiến Duật, Vương Trí Nhàn, Nghiêm Đa Văn, v.v.; cả 3 anh em ruột Quốc Anh, Quốc Thành, Quốc Thực đều làm thơ. Sau thời gian này ít lâu, Trần Quốc Anh hy sinh vì trúng bom.