1-10-1964

Ra đi. Gặp ngay cô bạn láng giềng.

Ôi! Khó mà nói được nỗi lòng khi đó. Đôi mắt cô ta làm mình rung cảm tâm hồn. Ra đi thêm luyến tiếc.

 Và mưa tầm tã cả ngày.

Con người cũng không thể nào tươi được. Cuộc sống lại âm thầm đi theo lối cũ quen thuộc của nó: Thổi cơm, ăn và ngủ, lắm việc thật, xem ra cũng không đến nôi thất nghiệp.

Tối đến xuống chỗ K. nhưng không vào.

Th ơi. Giờ đây mày nên hiểu một cách thấu đáo rằng: Đã lớn. Đã đủ trí năng để suy nghĩ. Đừng nên quá lệ thuộc vào người khác. Đừng nên nhìn người nhìn vật khi chưa rõ, khi chưa rõ những bằng chứng sống thực của họ. Nên nhớ là hãy sống tự lập. Trông vào gia đình ư? Không được đâu, cha mẹ già rồi. Trông vào các anh ư! Cũng vậy thôi. Các anh có hiểu mình đâu. Trông vào những người ruột thịt ư? Chắc cũng thế. Và sự thực là như vậy. Hãy trông vào bản năng của mình vào những điều thâu tóm được từ cuộc sống, từ con người, sự vật. Hãy trông vào những tâm hồn nào tỏ ra đồng cảm với bản thân. Hãy tin vào bàn tay và trí óc bởi vì: Vũ trụ thâu tóm trong con người. Con người thể hiện qua hành động và suy nghĩ.

3-10-1964

Gửi thư cho Cecmpa.

Đúng quá! Giờ đây mình đã hoàn toàn cô đơn. Trông mong ở tin tức của chị H. vì nó là nguồn an ủi của mình.

Đã có lúc mình tự nhủ: Không cho người ngoài để ý đến mình, – một học sinh thi trượt – và sự im lặng đã giúp mình thực hiện được ý muốn mặc dù rất khó khăn và cũng có lúc mình phải thú thật. Dù sao cũng không được chán ngán cuộc đời không nên im lìm quá mà phải cất cao tiếng hát cho trái tim khỏi héo cho dịu bớt nỗi cô quạnh của một tâm hồn đơn độc. Có cái là không có ai để mình thổ lộ tâm tình.

Mong пοдруга K. [cô bạn K.] quá. Ngày mai sẽ gặp. Nếu sáng mai không mưa sẽ xuống Sủng chơi.

Hôm nay viết thư cho Sủng nhưng không gửi đi. Cuối thư mình có ký TV. Mình chả hiểu tại sao mình lại ký như vậy. Thôi ký rồi. Cô bạn láng giềng vẫn ám ảnh mình. Khỉ thật.

4-10-1964

Bắt đầu học ....

Gặp K., nhận được thư của chị H., mừng quá. Thư chị viết đơn giản thôi nhưng mình thấy thấm thía quá. Xem đi xem lại mãi. Như thế có lẽ mới thỏa mãn tâm tư mình. Trong thư có đoạn chị viết: Hôm đi rất khổ tâm... Mình chả hiểu nguyên nhân nữa. Chờ chị trả lời thôi.

Hôm nay quyết định để người thứ 4 xem bức thư.

6-10-1964

“Gặp” Sek-spia. (1)

– Bình minh có đôi mắt sáng đang mỉm cười với bóng đêm còn hờn dỗi và vạch lên những đám mây ngoài phương đông những tia sáng muôn màu. Bóng đêm sần sùi lảo đảo như một chàng say rút khỏi đường đi của ban ngày trước bánh xe rực lửa của thần tri tân.

– Không có vật gì dù hèn mọn đến đâu khi đã sống trên mặt đất lại không cống hiến chút gì cho đất. Cũng không có vật gì dù có tốt lành đến đâu khi bị dùng trái lẽ lại không phản lại nguồn gốc trở thành xấu xa. Nết hay cũng thành tật xấu nếu đem dùng không đúng. Tật xấu nhiều khi nhờ hành động mà trở thành cao quý.

– Trong cái đài non của đóa hoa có chất độc mà đồng thời cũng có thuốc trị bệnh. Ngửi nó thở qua khứu giác toàn thân được mạnh mẽ khoan khoái mà nếm nó thì lục phủ ngũ tạng đều lâm nguy. Trong con người cũng như trong giống cây cỏ lúc nào cũng có hai sức mạnh đối lập: thiện và ác, và nơi nào mà ác thắng thì chẳng mấy lúc người sẽ bị thần chết tiêu hủy như con sâu kia đục ruỗng cây non.

– Những cơn hoan lạc dữ dội thường cũng kết thúc một cách bạo liệt. Lúc đương đắc chí cũng là lúc hết đời. Như lửa và thuốc súng kia hễ bíu nhau là cả hai chẳng còn. Mật ngọt mà ngọt quá cũng khiến người ta lợm giọng, ăn nhiều thì hết muốn ăn.

– Sơn ca! Sứ giả của bình minh. Hãy nhìn kìa! Ánh hồng đã viền sáng những đám mây đang phải rời nhau ngoài phương đông. Những ngọn bạch lạp trên trời đêm đã tắt. Và bình minh tươi vui đang kiễng chân rón rén trên đỉnh núi xa mờ. Phải ra đi để sống hay ở lại mà chết.

7-10-1964

Lại “gặp” Sek-spia.

– Con người còn ra gì nếu đem tất cả phần tinh túy và giá trị đời mình vào việc ăn, việc ngủ? Chỉ là một con vật không hơn. Thật thế, ông tạo phú cho ta trí suy xét mẫn tiệp biết lường trước tính sau, phải đâu là để cho cái năng khiếu ấy cái lý trí thần thánh ấy bị hoen rỉ trong tâm óc, chẳng được dùng tới. Phải chăng ta lãng quên đi như súc vật hay chính là lo ngại hèn nhát mà cứ quẩn quanh suy hơn xét thiệt tính toán chi li đến kết quả việc làm. Ý nghĩ ấy đem chia tư chỉ được một phần khôn ngoan còn ba phần hèn nhát. Chính mình cũng chẳng hiểu nổi tại sao mình còn sống để mà nói “Việc này ta phải làm” trong khi mình có đủ lý lẽ, đủ chí khí, đủ sức mạnh, đủ phương tiện để hành động.

– Thật sự vĩ đại thì chẳng cần phải đợi, có lý do vĩ đại mới hành động, nhưng chính khi danh dự bị xúc phạm thì chỉ cần một sự việc như cái rơm cái rác cũng ra tay.

– Khi phương thuốc đã hết. Khi hy vọng đã tiêu tan, khi đã bình tĩnh nhìn thẳng vào sự bi đát khốn cùng thì mọi sự đau khổ đều chấm dứt. Khóc than cho sự bất hạnh đã qua chỉ là khơi thêm nỗi đau khổ sau này. Khi số mệnh đoạt mất những gì ta không giữ nổi thì hãy xem thường những trò vui.

8-10-1964

Không có một nghệ thuật nào có thể giúp ta nhìn mặt một người mà rõ được tâm tình người ấy.

9-10-1964

Xuống Sủng chơi. (2)

Tối đến gặp K., đi chơi. Trời mưa rét. Nhưng rất đáng nhớ. Vì nó làm mình xúc động mãnh liệt. Có cái là không thể nói: Я люблю тебя [anh yêu em]

12-10-1964

Đi làm đá cho nhà in Nguyễn Khuyến. Một tai nạn bất ngờ đã đến với mình. Bị ô-tô húc phải xe bò đập vào người. Giờ đây đau ghê quá. Lo lắng.

14-10-1964

Trở về quê. Chị Chước đi lấy chồng rồi. Ôi. Thế là hết. Buồn ghê.

Gặp N., tiếp xúc, vui.

15-10-1964

Trong cuộc sống lắm người quả là đốn mạt.

16-10-1964

Lao động là một điều thú vị. Song trong hoàn cảnh của mình không thấy điều đó. Tủi nhục vô cùng vì nỗi: những việc làm không hợp với mình.

17-10-1964

Gửi thư cho chị H. và Thành. “Mẹ kiếp”. Lâu nay quên cả bạn bè. Sao vậy! Thử nghĩ xem nhé! À... phải rồi... khỉ thật... vì ... vì... vì cuộc sống có ra gì đâu. Nghĩ đến gia đình mà buồn bã (cha mẹ yếu, em nhỏ). Nghĩ đến anh mà ngán ngẩm. Nghĩ đến bản thân mà tủi cực.

Thế mà mình vẫn bị “họ” dày vò. Chó má quá.

Đêm nay, trăng đẹp. Đứng trên cầu phao, (3) ngắm trăng, xao xuyến. Xung quanh lặng lẽ như tờ, đâu đây rì rào tiếng gió quện tiếng lá reo và dưới chân sóng nước xô nhau tí tách. Dòng sông lấp lánh như dát bạc. Ngắm cảnh mà buồn. Tâm hồn lắng xuống mê mẩn, khó tả.

Bao kỷ niệm xưa như những đợt sóng xô hiện lên lần lượt thoáng qua óc và rồi biển đi. Mình hát. Tiếng hát cùng với bản nhạc của thiên nhiên.... càng thêm nẫu ruột.

Thư gửi Lại Nguyên Ân

            Phủ Lý, ngày – tháng 10-1964

            Жизьни без свободы [Cuộc sống không tự do]

            Как река без воды     [như dòng sông không nước]

            Как весна без цветов [như mùa xuân không hoa]

            Как песня без слов     [như bài ca không lời]

 

            Này, Nguyên Ân, (4) cậu đọc đi, những vần thơ hay đấy nhỉ?

            Nguyên Ân thân mến,

            Viết thư cho Ân trong lúc lạnh lẽo quá! Chính Thùy cũng không muốn viết thư tí nào, nhưng trong lúc này không viết thư thì quả là tội lỗi đối với sự cắm rứt lương tâm.

            Ân yêu! Cuộc sống vẫn thế thôi! Có cái là nó đã đổi chiều. Trước kia nội dung của nó chỉ toàn có ăn với ngủ. Nhưng Ân ạ, “Con người còn ra gì nếu đem tất cả phần tinh túy và giá trị đời mình vào việc ăn việc ngủ. - Chỉ là con vật, không hơn! Thật thế, Ông tạo phú cho ta trí suy xét mẫn tiệp biết lường trước tính sau, phải đâu là để cho cái năng khiếu ấy, cái lý trí thần thánh ấy bị hoen rỉ trong tâm óc, chẳng được dùng tới. Phải chăng ta lãng quên đi như súc vật hay chính là lo ngại, hèn nhát mà cứ quẩn quanh suy hơn xét thiệt tính toán chi ly đến kết quả của việc làm? Ý nghĩ ấy đem chia tư chỉ được một phần khôn ngoan còn ba phần là hèn nhát” – Sêch-spia đã khuyên mình như vậy đấy, và mình đã từ giã lối sống cũ. Giòe đây mình đi làm. Ngày 8 tiếng. Còn thời gian là học, đọc sách và “truy điệu” thiên nhiên. Kể ra lắm lúc cũng thú vị. Có những tuần trăng. Chiều đi làm về ra bờ sông nằm dưới gốc phi lao nhìn trời. Thú vị lắm Ân ạ. Có những hôm không có trăng mà chỉ có sao thôi lại càng thú! Mẹ kiếp! Chứng kiến những cảnh ấy sao mà tao lại cảm thấy hạnh phúc thế! Này nhé: Chiều tà. Mặt trời lặn dần. Một lúc sau tất cả cảnh vật tố sẫm lại nhanh chóng, lan rộng mãi ra, phồng lên. Đêm xuống dần, mọi cái trở nên êm dịu lạ, như có một luồng hơi ấm lạ tràn vào lồng ngực khe khẽ ve vuốt trái tim. Những vì sao mỗi lúc như sáng thêm càng làm cho bầu trời sâu thẳm. Không khí âm thầm lạ! Nhưng dưới chân, trên đầu, bản nhạc của thiên nhiên như ru ngủ, đó là tiếng sóng dạt dào xô vào thuyền tí tách, vào những phi nước bập bùng; đó là tiếng phi lao rào rạt. Điệu nhạc đòi hỏi im lặng hoàn toàn. Nó như dòng suối chảy xiết từ xa đổ về xối vào lòng người, làm cho trái tim xao xuyến, gợi lên một cảm giác đê mê khó hiểu, vừa buồn vừa lo âu. Nó làm cho người nghe cảm thấy thương mình. Và bản thân nằm yên tắm mình trong bầu không khí im lặng mơ mộng đăm chiêu. Ôi! Khó tả lắm mày ạ. Hãy tưởng tượng đi. Mê li lắm.

            Thư sau Thùy sẽ còn nói nhiều đến những trò giải khuây của mình. Đừng cười nhé! Hãy thông cảm cho hoàn cảnh này. Nó bắt người ta không nói lên không được. Chính trong lúc viết thư này, mình cũng thấy xao xuyến vì gió heo may về, gần như heo hút, nó thổi vu vu bên ngoài. Mưa rơi rí rách buồn ghê.

            Này, học ra sao rồi! Lên tiếng đi chứ, đừng quên bạn giai nhé! Hay là девушка [cô gái] nào bỏ bùa rồi? Ừ mà cuộc sống cũng phải như thế đấy! Cố lên ông bạn ST ạ!

 

            Vừa rồi tớ thi vào Trung cao cơ điện đấy. Bài làm tốt ghê mà cũng chả có giấy báo. Nếu có thể vì mình mà làm được thì hãy giúp mình nhé: Ân đến trường đó hỏi thầy Lưỡng (giáo viên điện) xem lý do tại sao mình không đỗ? Nếu thầy đó có quên mình thì nhắc: Trần Văn Thùy, Hà Nam, số báo danh: 1004, phòng 14 C. Hỏi thăm: thầy Lưỡng, giáo viên điện là người ta biết đấy (hỏi lão gác cổng ấy). Đã quen với thầy hôm thi và có gửi thầy bản trích học bạ ấy.

            Mình sẽ cảm ơn trước đấy!

            Làm ngay cho mình và viết thư về đây nhé!

                                                                                                          THÙY (5)    

 

18-10-1964

Vẫn không nhận được giấy báo. Tuyệt vọng chắc. Trời ôi! Sao số phận đen đủi thế. Trông cậy vào ai? Các anh.....

Hãy trông vào bàn tay và trí óc bản thân, dũng cảm những bước chân vững vàng đi lên.

Mấy ngày liên xoay sở việc làm mà không được, đầu óc lúc nào cũng u uất, mờ mịt, có lẽ bị một lớp sương mù bao phủ, lạnh lùng. Đắm mình trong cảnh thiên nhiên huyền ảo để tìm ra nguồn kích thích.

Đêm nay, trăng không đẹp mấy. Mây nhiều, dòng sông phẳng lặng. Phi lao im phăng phắc. Nhà cửa, xóm làng ven sông lạnh lùng soi mình xuống nước.

Có lúc đứng ven sông mình không khỏi cám cảnh, lặng mình đi, nghĩ đến cuộc đời mà thương tâm, cổ ứ nghẹn ngào. Dường như muốn gục xuống trước “số phận”. Chả nhẽ cuộc đời lại như mảng bèo lặng lờ trên sông kia sao. Không, không khi nào như vậy được: Phải tìm lấy phương sống, không nên trông cậy vào bất cứ một ai. Cuộc sống hiện tại là bi đát khốn cùng. Phải biết nhìn thẳng vào sự bi đát đó. Đừng có khóc than cho sự bất hạnh đã đến. Ôi. Nhưng mà liệu tôi có can đảm không? Đầu óc nhức quá rồi không thể chịu được nữa.

22-10-1964

Bắt đầu đọc “Thời thơ ấu” (6) của Gorki, chả hiểu nội dung thế nào? Hãy tạm ghi lấy mấy lời nhận xét của D. A. Fuốc-ma-nốp:

“Chính cậu bé Aliosa đã xâm chiếm được lòng tôi hơn cả... Tôi chỉ hiểu có một điều: Trong tâm hồn của cậu đã hình thành biết bao cái trong sạch và vững chắc không gì lay chuyển được, khiến cậu có thể chịu đựng được bất kỳ cuộc đấu tranh nào, không bị chết nghẹt và không bị hư hỏng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hoàn cảnh khó khăn chỉ càng tôi luyện thêm cho cậu. Thép chỉ tôi trong lò đỏ rực”.

 

Bắt đầu làm kế toán từ ngày 21-10. Cố gắng chịu đựng.

23-10-1964

Điệu nhạc của thiên nhiên có lúc đòi hỏi im lặng hoàn toàn. Nó như dòng suối chảy xiết từ xa đổ về, xối vào lòng người. Nó làm cho trái tim mọi người xao xuyến và gợi lên một cảm giác khó hiểu, vừa buồn bã vừa lo âu. Điệu nhạc làm cho người nghe cảm thấy thương mình và thương mọi người. Người lớn hình như cùng trở lại tuổi trẻ con và người ta ngồi yên đắm mình trong bầu không khí im lặng mơ mộng đăm chiêu.

Hôm nay, gió may về heo hút. Đêm đổ xuống mưa dầm. Gió vù vù thổi ngoài trời. Tâm hồn không sao ấm được. Trời ơi. Chịu đựng mãi được ư. Nhưng tôi không sao quen được với tính chịu đựng, không gì làm cho con người tàn tật đi một cách đáng sợ bằng tính chịu đựng, bằng sự khuất phục trước sức mạnh của hoàn cảnh bên ngoài.

24-10-1964

Thường thường vào lúc chiều tà trên bầu trời tỏa ra vô số suối lửa. Chúng tàn dần và đổ xuống đất xanh mướt như nhung một lớp tro màu đỏ pha sắc vàng óng ánh. Một lúc sau tất cả cảnh vật xung quanh đều tối sẫm một cách nhanh chóng, lan rộng mãi phồng lên chìm vào trong màn đêm nóng bức. Những chiếc lá được tắm no ánh sáng rủ xuống những ngọn cỏ nằm rạp xuống mặt đất. Tất cả đều trở nên êm dịu hơn, lộng lẫy hơn. Muôn hương nhẹ nhàng tỏa ra dịu dàng như tiếng nhạc.

Đêm xuống dần và cùng với đêm một cái gì mạnh mẽ tươi mát như sự âm ấm dịu hiền của người mẹ tràn vào lồng ngực. Cảnh tĩnh mịch như một bàn tay ấm áp mịn như nhung khe khẽ vuốt ve trái tim. Và tất cả mọi ấn tượng xấu xa tất cả làn bụ li ti và nóng bỏng trong ngày hôm đó đều bị xóa mờ đi trong tâm trí. Thật thú vị khi nằm ngửa mặt lên trời, ngắm những vì sao mỗi lúc một sáng thêm khiến cho bầu trời càng thêm sâu thẳm. Cái vực sâu thăm thẳm đó cứ vươn cao lên mãi, làm hiện ra những vì sao mới nó nhẹ nhàng nâng bổng ta lên khỏi mặt đất và làm cho ta có một cảm giác thật là kỳ lạ. Lúc thì ta cảm thấy toàn bộ trái đất thu nhỏ cho hợp với ta lúc thì ta cảm thấy lớn lên một cách tuyệt vời, tỏa rộng và lan ra hòa với mọi vật xung quanh. Trời mỗi lúc một tối hơn, không khí mỗi lúc một thêm lặng lẽ. Như khắp mọi nơi như có căng những sợi dây đàn vô hình rất nhạy. Mỗi một âm thanh, tiếng chim hót trong giấc ngủ, tiếng “nhiên” chạy qua hoặc một giọng nói như ở đâu đó.

Tất cả những âm thanh đó đều được bầu không khí lặng như tờ làm vang lên đều ngân lên một cách đặc biệt khác hẳn lúc ban ngày.

Tiếng cười của phụ nữ, tiếng guốc lê trên đường phố. Tất cả những âm thanh vô ích đó đều giống như những chiếc là rụng cuối cùng của một ngày tàn.

25-10-1964

Nói chung chỉ giữa những người nghèo khổ với nhau mới có những mối tình bạn trọn vẹn và bền vững. Lúc ấy một con người nào đó mới thật sự là một cái gì quý báu đối với bạn mình và ngược lại. Từ đó có thể rút ra được một chân lý đã được thể nghiệm là: hoàn cảnh khốn cùng thường làm cho người ta gắn bó lại với nhau. (Đơ-ni Đi-đơ-rô).

30-10-1964

Vẫn tiếp tục làm việc. Công việc không có mấy nhưng có lẽ chính vì thế mà đâm ra buồn bã. Ngồi trong phòng lặng lẽ. Ngoài trời mưa rì rầm lách tách. Trời mây u ám. Gió may heo hút cành lá xào xạc. Tiếng lá reo, gió rít, mưa rơi như xối vào lòng làm trái tim như bị nén mạnh. Chỉ thấy lòng se lại vì cô độc.

31-10-1964

Nhận được giấy báo. (7) Kể ra thì mừng lắm đấy nhưng lại buồn mới bỏ mẹ chứ. Lấy tiền đâu ra ăn học. Trông cậy vào ai bây giờ?

Chú thích (tháng 10/1964)

([1]) Ở miền Bắc thời gian này đang có bán cuốn “Tuyển tập kịch Sêc-xpia” (Hà Nội: Nxb. Văn hóa. Viện Văn học, 1963, 797 tr.) gồm các bản dịch  5 vở: Romeo và Juliet, Hamlet, Othelo, Marbeth, Coriolan.

(2)  Sủng: tên một bạn học cùng lớp 10 với Trần Văn Thùy.

(3) Cầu phao nối thị xã Phủ Lý với xã Phù Vân, là phương tiện kinh doanh của ông Tùng, chú họ Thùy. Anh em trong gia đình thường thay nhau đến cầu trông coi, thu vé cầu và quản lý giúp ông chú.

(4 Hồi cùng học lớp 10, trong lớp có 2 bạn cùng tên Ân cùng họ Lại, vì vậy trong lớp thường lấy tên đệm để phân biệt: Nguyên Ân, Quốc Ân. 

(5) Thư này không nằm trong nhật ký, nhưng người nhận thư – Lại Nguyên Ân – còn giữ được bản chính bức thư; nên điền thêm vào đây; cũng giúp rõ thêm các sự việc.

(6 Đây là tập thứ nhất trong bộ ba tác phẩm tự thuật của văn hào Nga Maksim Gorki. “Thời thơ ấu”, bản dịch Trần Khuyến, Cẩm Tiêu, Thanh Nam, Nxb. Văn học, 1964.

(7)  Đây là giấy báo trúng tuyển của trường Trung cao cơ điện.