2/10

 Thật bất ngờ quá đỗi. Bởi vì sự việc hôm nay xảy ra đối với đơn vị thật quá đột ngột và hình như không ai kịp lường trước... 18h. Hai chiếc phản lực ập đến. Có lẽ mục tiêu của nó là chiếc cống thoát nước qua đường (Nơi làm việc của đơn vị trong khu vực cống này). Lúc đó trên hiện trường mới chỉ có tiểu đội của mình là đã làm việc. Các A khác đang lác đác ra quân. Bọn mình ở cách cống chừng 500m.

Lần thứ nhất, địch thả bom và rốc-két, tiếng nổ xé trời, khói lửa mù mịt. Mình chỉ kịp nhìn thấy một tốp người lố nhố trên cống (đoán chắc là A1) rồi mình bị tung lên.

Lần thứ hai, lúc này cả tiểu đội mình chạy tản mạn vào ruộng lúa (một phản xạ chẳng có hiệu lực gì), địch thả tiếp 2 quả pháo sáng, và mình cứ ngỡ rằng sẽ đến lượt chỗ tiểu đội mình. Nhưng thực tế, chúng vẫn oanh tạc chỗ cũ, khói và lửa lại mù mịt, khét lẹt. Rồi chúng cút thẳng!

Cả tiểu đội mình lao lên mặt đường, hối hả chạy về phía cống. Nỗi lo cho A1 đốt cháy lòng mỗi người. Vừa chạy, vừa la gọi, vừa hy vọng.

Nhưng, bên cạnh hố rốc-két, Điệp, Lộc, Từ, Tân, Chính đã gục xuống.

Điệp hy sinh ngay, cơ thể của Điệp thật khó nhận ra ngay được, vì hơi rốc-két đã làm cháy toàn thân, người như bị trương ra, nứt nẻ, tóc cháy rụi, mặt đen nhẻm và biến hình hẳn đi... Thật ghê người.

Chính thì còn thoi thóp, anh em khiêng về đến lán thì cũng bị tắt thở (lúc đó là 20h30').

Lộc (con bác Sông Lô) thì bị sức ép, có một cái gì đó tan vỡ trong người cô nên máu cứ trào ra hoài, không sao cầm được. Đưa Lộc về lán trong rừng, Lộc còn sống thêm được hơn 3 tiếng nữa. Lộc chết lúc 0h14'...

Riêng Từ và Tân thì bị sức ép phải đưa đi cấp cứu ngay.

Điệp, Chính, Lộc đã ngã xuống rồi. Xin vĩnh biệt các bạn. Các bạn mới chỉ đi được có một quãng đường.

Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục đi. Phải đi tiếp...

3/10

Cả đêm qua không ngủ được vì phải khiêng Tân, Từ đi bệnh xá ngoài Dốc Tuần.

Còn lại cả ngày là không khí mệt mỏi buồn tẻ.

Đã có quyết định chuyển quân. Nhân dịp này, bác Nhu muốn đưa một số người yếu sức khoẻ trở về địa phương. Có lẽ trong thâm tâm bác Nhu là một sự lo ngại xuất phát từ tình cảm chân thành. Vì dẫu sao cùng ở thị xã ra đi, ngoài tính trách nhiệm còn có tình quê hương gần gũi.

Mình cũng phải ở diện đó nhưng mình không muốn quay về. Dứt khoát như vậy.

Tối đến, ngồi bên T. nói chuyện. T. khóc vì e rằng sẽ xa nhau!

Anh Hải (con bác Sao Đỏ) phải đi trước làm tiền trạm.

7/10

 Chẳng rõ do đâu mà hầu hết tiểu đội mình đều thích húi trọc đầu. Ban đầu là Đông Dương, Hinh, Thực, Vận, Hòa... rồi lại còn đến "ông" Thu (Tiêu). Chuyện "ông" Thu cạo đầu là một chuyện thật sự khôi hài. Thu là người cùng phố mình, con bác Tiêu, học xong lớp 10 trước mình 2 năm. Một con người có tâm hồn phong phú, nhưng biểu hiện thì hơi "lẩm cẩm", thành ra luôn bị đem ra trêu cợt. Nghe người ta "khen" đầu mình hợp với kiểu "trọc", 3 giờ sáng đã đánh thức thằng Dương dậy chờ nhìn rõ để cạo. Cạo được già nửa đầu thì đi ăn cơm trong rừng... Mãi gần trưa mới xong... Kết quả được một hình ảnh ngộ nghĩnh, và cả đơn vị "tặng" cho cái tên Thu "hòa thượng"...

9/10

 Những ngày vừa rồi nghỉ việc để chuẩn bị hành quân. Mình vẫn đi tiếp. Thế là yên tâm. Một vài người đã phải quay lại.

Đột nhiên nhận được giấy báo đi lĩnh bưu phẩm. Của ai nhỉ?

10/10

 Mượn được chiếc xe đạp, ra dốc Lụi lĩnh bưu phẩm.

Dốc Lụi lát đá hộc, trơn mòn... Bị ngã xe đau quá, chân đổ máu.

Nhận bưu phẩm của Khiên gửi vào gồm xà phòng, thuốc đánh răng và tem bì thư. Thật sự bất ngờ và xúc động bởi sự quan tâm của Kh. Nhất là vào những ngày sắp đi này...

Thế là xa Công ty Xây dựng đường 4. Người ta gộp các đơn vị TNXP Hà Nam vào thành một đội (gọi là đội 2 TNXP) gồm 4 đại đội 452, 456, 458 và 459.

Đại đội 452 là quân Lý Nhân, Kim Bảng. Đại đội 456 là quân Bình Lục. Đại đội 458 là quân Phủ Lý, Thanh Liêm. Đại đội 459 là quân Thanh Liêm.

Các đại đội hành quân độc lập nhau.

Ngày mai bọn mình đã ra đi rồi. Tối đến đi chào bà con xung quanh.

Nhà chị Xuân bao giờ cũng vui vẻ ồn ào. Nhưng hôm nay thấy trang trọng hơn. Nhà mình thì ông bà chủ nấu cơm nếp liên hoan chia tay (vì dẫu sao với gia đình này bọn mình cũng có những kỷ niệm đáng nhớ: Một lần, bà chủ bị ốm nặng do băng huyết, anh em mình phải khiêng đi cấp cứu...).

T. ra! Cũng vẫn là chuẩn bị cho ra đi! T. lo cho cái chân đau của mình. Hôm nay chỉ cảm thấy hơi nhức thôi.

11/10

 Ra đi!!

Cả xóm ra tiễn chân. Nhiều người khóc (chị Xuân,  con người vui vẻ, cởi mở... cứ đứng sụt sùi mãi...)

Tất nhiên chỉ có Xóm Đạo là ra xem với con mắt tò mò. Họ ghét bọn mình (Ít ra, bọn mình cũng cảm thấy thế qua ánh mắt họ).

Lại chiếc ba lô nặng, ruột tượng gạo... Mình thường đi sau cùng tiểu đội... phía trước là anh em. "Những cái đầu trọc".

Chặng đi hôm nay chỉ có 7km rồi nghỉ lại. Sức khoẻ thấy bình thường. Qua khu vực cơ quan Công ty 4.

12/10

 Chặng 2 dài hơn 20 km. Máy bay hoạt động dữ quá. Chân đau, nhưng vẫn theo kịp mọi người.

13/10

 Chặng 3 : 25km. Bọn mình đã cắt qua quốc lộ 1A sang vùng bờ biển. Đường đi gian khổ quá. Ở sát thị xã Diễn Châu, cả đơn vị lạc vào vùng đồng lầy, bùn ngập chân, nhầy nhụa, mọi người bì bõm mãi mới tới được ven bờ sông Bùng. Một chiếc cầu tre thô sơ bắc qua sông. Lần mò qua cầu thấy tròng trành dễ sợ. Con gái thì gần như bò qua. Bên đây sông là thị trấn Diễn Châu điêu tàn. Trong đêm bọn mình âm thầm đi qua ven thị trấn. Và giờ đây đã ở một làng ven biển. Chân sưng tấy lên. Không hiểu T. kiếm đâu ra thuốc pênixilin đem đến bắt mình phải tiêm. Cô y tá Yêm (là em ruột của Uyên - người yêu của T.) đã tiêm cho mình mà không thử, thành ra vừa tiêm xong thì mình bị ngất xỉu. May quá... mọi chuyện rồi cũng qua đi. Chỉ sợ bị bỏ rơi lại.

14/10

 Chặng 4 : 25km. Vẫn bám theo quốc lộ 1A. Đường đi đẹp vô cùng. Khác lần hành quân trước, lần này cả đơn vị thấy quen chân và sung sức hơn. Dọc đường đi, cả tiểu đội mình rất hay hát vui, những bài hát đơn sơ nhưng có sức lôi cuốn và gây hưng phấn cho bọn mình. Bài mà bọn mình hay hát nhất là bài "Dùm!"

Dùm, gliga... gliga…galigali!..

Dùm dồn lên tiếng hát, nghe tiếng ngàn cao vút

Đoàn ta cất tiếng ca hát quanh lửa hồng.

A ! Đồng tâm trút gió bụi đường xa.

Cùng nhau cất hát vang lời ca.

Giục ta vượt qua đường xa, nào

Dùm...

Cứ thế... một người... rồi đến cả tiểu đội... rồi hai tiểu đội hát theo. Đi thấy bớt mệt.

Những lúc giải lao thì lại muốn hát bài Calina... và khung cảnh đêm nơi xa lạ này đỡ hoang vắng hẳn đi...

Cứ vậy, bọn mình tiếp tục ra đi...

Và bây giờ đã ngồi trong địa phận Xã Đoài.

Một con đường rộng chạy dài theo thôn xóm... khung cảnh thấy thanh bình hơn.

15/10

Chặng 5 :  25km. Xuyên qua các thôn xóm dọc quốc lộ 1A, rồi đột nhiên vào thành phố Vinh. Phố xá trong đêm hoang vắng (cảm thấy như điêu tàn). Bọn mình phải chạy qua, không được bình tĩnh ngắm nhìn. Đầu thành phố là một cột điện khá cao, phía trên gắn một chùm loa phát thanh (có lẽ dùng cho việc báo động). Vượt qua phố xá Vinh phải rẽ ngay về phía Nam Đàn. Đường đi thật kinh khủng vì mưa, đường đất sét trơn nhẫy. Cả nam lẫn nữ cứ phải bám chặt vào nhau thế mà cứ bị ngã hoài. Trong đêm tối chỉ còn tiếng thở, tiếng càu nhàu và tiếng người vật xuống nền đường... có cảm giác như biển ở gần đâu đây!

Thế rồi gần sáng cũng mò được đến "trạm".

16/10

 Nghỉ lại bên sông Lam (sông Cả). Một làng nhỏ bên sông trù phú (trước đây gọi là Tòng Sơn). Ven sông là bãi cát phẳng lì chạy dài và những cánh ruộng mía rì rào...

Chiều đến, ra sông tắm. Nước sông xanh trong. Một chiếc cầu xây dở qua sông... chỉ thấy mấy cái mố trụ nham nhở. Nghe nói gần đâu đây là nhà máy đường Sông Lam.

Một cảm giác tươi mát tràn ngập trong lòng.

17/10

 Nghỉ tiếp. Tiếp phẩm đơn vị liên hệ được một con bò. Anh chị em được bữa liên hoan. Nói chung đợt hành quân này khác hẳn lần trước khi vừa rời Phủ Lý vì mọi người thấy khoẻ hơn, dẻo dai hơn và không có những cảm xúc nặng nề bởi chiến tranh.

Không rõ trong khi nấu nướng, "cu" Dương đã mượn dụng cụ của dân lúc nào, cậu chót làm vỡ mất một chiếc vung đất to, nhưng do sợ quá lại ghép vào như cũ để lại trả dân. May là bọn mình đã phát hiện ra trò trẻ con này và xin lỗi dân kịp thời.

18/10

 Nghỉ tiếp.

Đột nhiên Thực [1]  mất hút.

Cả tiểu đội đều lo ngại, ba lô vẫn còn lại nguyên vẹn mà người thì đi đâu? Có người đã có ý nghĩ về một sự đào ngũ. Riêng mình thì không tin. Có lẽ Thực tìm đường đến với anh Báu. Trong nhà có hai anh em ra đi... Dù thế nào mình vẫn lo lắng cho Thực như tình anh em ruột thịt.

Tại sao nó bỏ đi mà không hề nói cho mình rõ?

19/10

 Tiếp tục ra đi! chặng 6 : 25km.

Tận cho đến lúc lên đường mà vẫn không thấy Thực đâu. Mình đành phải đeo hai ba lô (trước và sau). Rời sông Lam, nhớ cảnh đẹp; con sông xanh; nhớ các cô gái hồn nhiên, mắt đen láy...; cả đơn vị đi theo đường goòng... Mình thấy khoẻ khoắn hơn dù phải đeo 2 ba lô. Qua sông La (con sông đẹp quá) đến vùng Đức Thọ. Mừng quá, Thực đã chờ sẵn ở đây. Đúng là nó đến trường cấp II Đức Thọ thăm anh Báu.

20/10

 Nghỉ tại Đức Lạng.

22/10

 Chặng 7:  25km. Vẫn hành quân theo đường goòng. Con đường này có từ lâu lắm rồi, nó chạy xuyên qua núi rừng miền tây Hà Tĩnh song song với quốc lộ 15. Con đường cũ kỹ, cỏ mọc lút ray. Có lẽ lâu lắm rồi không sử dụng đến!

23/10

            Chặng 8 : 25km. Vẫn con đường heo hút.

24/10

 Chặng 9: 25km. Tới Hương Khê. Các làng mạc ở đây cũng không phải thưa thớt. Nhưng rõ ràng nhiều chỗ chiến tranh chưa "lém" tới. Nhà nào trong vườn cũng có nhiều cây "tắc" (một loại cây có quả giống quít nhưng chua gắt). Muốn ai ăn cũng được, dân cho không lấy tiền.

Nhà mình ở có một vườn rộng và những cây tắt to cao. Ngủ dậy là bọn mình ra vườn vặt quả ăn thoải mái. Các cô gái trong làng trông thấy chỉ cười hoài vì không hiểu sao lại thích ăn làm vậy!

25/10

 Chặng 10:  37km. Đường đi dài quá. Núi đồi chập chùng đẹp đẽ và kín đáo. Đôi chỗ bọn mình len qua những con đường mòn nhỏ vắt qua đồi... Đồi vẫn xanh rờn! Qua La Khê. Bước vào đất Quảng Bình và giờ đây ngồi bên dòng sông Giang. Ôi! con sông đẹp quá. Nước sông xanh ngắt, trong vắt. Thác nước tung bọt trắng xóa và núi cao dựng đứng hắt bóng xuống dòng sông xanh.

Nằm dài bên sông, phủ cát lên người lòng thấy lâng lâng khoan khoái. Tất cả mọi cảm giác nặng nề trong tâm hồn đột nhiên biến mất và lại mang cảm giác tươi mát hồi nào bên dòng sông Lam.

Kể ra, con người thật nhỏ bé. Khi lọt thỏm trong lòng thiên nhiên hùng vĩ. Tất cả chỉ còn lại lòng ngưỡng mộ thành kính pha chút ngây thơ!...

26/10

Chặng 11: 15km.

Qua cầu Ca Tang. Cầu cao quá, bắc qua "thung lũng" và con sông Ka Tang thì quá dữ dằn. Nước sông chảy xiết, cầu bị đánh phá tan nát, cả đơn vị đành phải lội qua. Bọn mình bám chặt vào nhau mà lội. Nước ngập đến trên đùi, cuốn mạnh quá làm cho bước đi không sao vững chãi được. Con gái thì sợ sệt và luôn mồm kêu la, thành ra cứ phải xen kẽ kèm nhau (đúng hơn là giữ nhau) cho khỏi trôi. Phía hạ lưu có một chiếc xe con bị dạt tự bao giờ, đang lửng lơ kẹt giữa dòng. Qua sông, con đường bám theo sườn núi cao. Có lẽ Ka Tang là khu vực ác liệt nhất ở tuyến đường này, gần như là "Cửa Tử". Tất cả chạy vội vàng qua đoạn đường bị đánh phá và đã thấy những khu rừng thấp ở hai bên đường... toàn là rừng nứa. Cả đơn vị vào nghỉ chân trong một khoảnh rừng đó. Lần đầu tiên không ở nhà dân, cả tiểu đội lúng túng vô cùng, vì phải thu xếp chỗ ăn ngủ. Võng, tăng không có. Anh em đi chặt nứa làm thành những chiếc lán con thô sơ, phía trên phủ nilong và lại lo bữa ăn một cách khá vất vả.

Đêm xuống, những chiếc lá mục ánh lên những đốm lân tinh lung linh đẹp mắt. Sàn kêu cót két khó ngủ quá!

24/10

Nghỉ tiếp. Đáng lý ra đây sẽ là nơi tập kết để theo đường Khe Ve La Trọng sang đường 12 của Lào. Nhưng lại có quyết định thay đổi: Vẫn đi tiếp vào miền tây Quảng Bình. Hôm nay phải ra kho R lĩnh thêm thực phẩm, chủ yếu là gạo và những thùng thịt lợn ướp. Thịt nấu lên trông trong vắt mà ăn vẫn thấy ngon miệng. Đợt hành quân này ăn khoẻ hơn so với lần trước. Không ai phải bỏ cơm cả.

Chiều, ra khỏi rừng nứa leo lên con đường đất đỏ quạch... Không khí mát mẻ lạ thường, không thấy dấu vết của bom đạn. Đây là khu vực xóm Cục (gọi là khu R), là nơi có các kho tàng quân sự và địa điểm chuyển quân quan trọng trước khi bước sang Lào.

28/10

 Tiếp tục ra đi theo đường 15A. Qua Khe Ve lĩnh thêm dụng cụ làm đường (xà beng, cuốc, xẻng)... trọng lượng mang vác thấy nặng hơn nhiều. Sau 20km thì được nghỉ.

28/10

 Nghỉ ngơi. Không rõ đây là đâu?

 30/10

 Nghỉ ngơi.

31/10

 Tiếp tục theo quốc lộ 15A đi tiếp 25km nữa. Rồi lại nghỉ.

 

Chú thích (tháng 10/1965):

[1]  Trần Quốc Thực (1946-2007) là em ruột Trần Quốc Anh, cùng đi TNXP với TG nhật ký này; những năm 1990, Thực vào học trường viết văn Nguyễn Du, rồi làm việc ở tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN; mất 31/12/ 2007.