1/10

Mưa vẫn kèo dài liên tục. Đường bị tắc nửa tháng nay rồi. Thiên nhiên khắc nghiệt quá gây ra những tổn thất quá nặng nề. Các đập tràn bị trôi đá, đường thì bị đất sụt, bị phá huỷ. Kho bị ngập.

Công việc của đơn vị vẫn tiến hành đều đặn. Tiểu đội mình sản xuất đá, khí thế làm việc sôi nổi.

2/10

Mình vẫn đi làm đều đấy nhưng bệnh tật cứ luôn dày vò. Đầu óc choáng váng. Khi quai búa, khi bom nổ, khi mìn phá, óc như  muốn long ra, người ngột ngạt. Cố gắng chịu đựng và khắc phục Thuỳ nhé.

7/10

Nhận được thư của anh Trai. Chị Chước thì đi thanh niên xung phong địa phương. Bom đã đánh đến quê hương, mẹ phải đưa các em các cháu đi sơ tán. Mẹ cha quân chó má, đã xáo trộn cuộc sống của bao người, chả hiểu bọn khốn nạn ấy có còn chút tình người nào không mà chúng nỡ mang bom đạn hàng ngày hàng giờ đổ xuống mảnh đất nhỏ bé này. Mảnh đất đã chịu hàng nghìn năm chiến tranh khốc liệt.

Kiên cường và vĩ đại thay con người Việt Nam nhỏ bé. Hèn hạ thay những kẻ lăm le đến gây đau thương trên mảnh đất quê hương tôi.

8/10

Với tổ ba người, tiểu đội mình đã đạt năng suất cao một cách kỳ lạ. Bình quân mỗi người làm được 6,5m3 đá, có người đã tới 9,5m3/ngày. Khí thế thi đua trong tiểu đội sôi nổi hẳn lên. Mình không ra hiện trường được.

Hôm qua học cảm tình, đối tượng. Tổ đảng có họp đề nghị kết nạp mình, nhưng tổ chức vẫn hoài nghi về lý lịch.

8/10

Đêm đến, gió se lạnh, hiu hắt. Một nỗi nhớ nhung tràn ngập tâm hồn. Ước chi có một tâm hồn đồng nhịp đến đây cùng mình rung cảm. Ai nhỉ? Ngoài kia cây rung xào xạc, suối đổ rì rào, gió luồn qua khe cửa mang hương vị của quê hương bao bọc quanh người.

Mẹ ơi! Con xa quê hương hơn hai năm rồi. Thực ra con đã xa mẹ tính đến nay vừa tròn 9 năm trời. [1] Những năm xa nhà đó tiếc rằng con chưa nói được gì cho mẹ rõ về con. Đối với gia đình, với bố mẹ con vẫn còn giấu nhiều lắm. Đời con là một chuỗi dãi những sự kiện mà chưa có một ai thấy rõ được. Con ước ao có ngày kể cho mẹ nghe về những năm con sống ở Phủ Lý, những năm vào chiến trường. Thế mà chưa có lúc nào. Mẹ có biết chăng. Bệnh tật không ngờ đã dày vò con quá mức. Đã có lúc con cảm thấy quá đau khổ vì nó. Danh dự và lòng tự trọng không cho phép con để rơi nước mắt. Nhưng mẹ ạ, sức khoẻ của con tồi quá rồi. Lắm khi nhìn đồng đội có nhiều người khoẻ mạnh mà con thèm muốn. Nhưng chẳng biết làm thế nào. Con vẫn rèn cho mình sự cố gắng cao độ. Mong ước cuộc đời này hiểu con đúng hơn.

 

14/10

Người yếu quá. Tức ngực, đau lưng ghê gớm. Ba ngày nay không cầm nổi quả búa, không nhấc được hòn đá, leo dốc phải dùng tay vịn. Làm thế nào bây giờ. Ra hiện trường không làm được việc nặng như anh em, mình cảm thấy buồn, buồn quá!

17/10

Đầu óc lúc nào cũng ở trạng thái hết sức buồn cười. Bệnh tật dày vò nên luôn có cảm giác kỳ quặc. Những cơn đau dữ dội dày vò làm mình luống cuống. Một cái gì tựa như sự đau đớn, buồn bã tràn ngập tâm hồn mình ra tay chống đỡ mà không được. Mấy ngày nay y tá luôn tiêm nô-vô-ca-in vào cột sống mà bệnh chẳng thuyên giảm. Thuốc uống cũng nhiều mà hình như vô hiệu. Sao vậy! Người ta hỏi: « Anh đã đỡ chưa? » Mình chả biết trả lời thế nào khi con bệnh có phần tăng hơn.

Đã bao lần phải dùng hình thức vui đùa để át đi nỗi dày vò đó mà nó vẫn dấy lên liên tiếp.

21/10

Cơn đau vẫn tiếp tục dày vò. Hôm nay phải vào trạm xá. Bác sĩ khám và cho một đơn thuốc. Hình thức khám bệnh quá sơ sài làm mình thiếu tin tưởng. Hy vong ở sự chịu đựng và khắc phục của bản thân.

22/10

Khoảng 8 giờ sáng, địch đến oanh tạc, bom lại trúng đường. 1 giờ chiều mới phát hiện được hố bom. Dù yếu mệt mình cũng ra hiện trường ; đau đớn cơ thể, ngây ngấy sốt. 4 giờ chiều máy bay lại đến đánh trúng đội hình. Bom bi nổ rền rĩ trên nóc hầm nhưng cả tiểu đội vẫn an toàn. Gần 17 giờ công việc gần như đã được giải quyết xong cơ bản. Ra về trong gió chiều mát dịu, khoan khoái hơn nhưng thấm mệt. Mệt quá. Bước đi mà cơn đau như kéo lại. Đã có lúc mình tự hỏi: Tại sao tôi lại phải cố gắng phi thường như vậy?

Tất cả là do nghị lực và lòng tự trọng quyết định. Lòng tự trọng và nghị lực để biểu hiện nó, phải chăng là "phần thưởng" của cuộc đời này cho mình?

29/10

Mấy ngày qua có bao ý nghĩ dồn dập đến. Muốn viết quá mà lại không viết được.

30/10

Cơn đau đã trở thành cố tật hay sao ấy. Hầu như không thể cúi người được. Những công việc ngoài mặt đường hầu như không đảm đương được nữa ngay cả những công việc tầm thường như bê đá. Mình đã đọc Bô-na-pac, [2] sức chịu đựng của ông ta thật phi thường. Đúng, người ta phải biết dấu đi những đau khổ và những cái khác gây ra nữa khi thấy cần thiết phải dấu, khi thấy dấu là có lợi.

Chú thích (tháng 10/1967)

[1] Có lẽ TG tính từ 1958, khi rời quê lên ở thị xã Phủ Lý để đi học trường phổ thông.

[2] Đây là nhắc đến cuốn sách về Napoléon Bonaparte (1769-1821), công trình viết năm 1936 về nhân vật này của sử gia Xô-viết E. V. Tarle (1874-1955) được dịch in ở miền Bắc VN những năm đầu 1960.