3-11-1964

Sống khắc khổ quá. Bởi lẽ mình có cảm giác như có một bàn tay vô hình cứ muốn cướp lấy số phận mình mang đi.

5-11-1964

Ôi, Quả như lời dự đoán. Sự phũ phàng của thực tế không cho phép tôi vươn lên hưởng lấy hạnh phúc làm Челοвек [một con con người]

Có lẽ và nhất định tôi không được đi đâu. (1)

 

8-11-1964

Mấy ngày qua. Khốn đốn quá. Tâm trạng không còn ổn định được nữa. Nhất là khi nghe những lời an ủi của bố thì lại càng đau khổ, lý trí như bị tê liệt. Không còn tìm đâu ra nguồn an ủi.

11-11-1964

Hôm nay là ngày thứ 4 rồi.

Trên trường đã tập trung được 2 ngày.

Tôi vẫn ngồi đây, xót xa chưa?

12-11-1964

Có cái rất kỳ lạ. Khi con người bị mất niềm vui một cách bất ngờ thì họ thường như người mất trí, trong một lúc nào đó họ hành động khá buồn cười.

14-11-1964

Mấy ngày qua mình đã sống trong tâm trạng cực kỳ khó hiểu. Đã có lúc cảm thấy nghi ngờ những ân huệ của жизьни [cuộc đời] trao cho.

Khi ngồi một mình lặng im theo dõi cuộc sống bên ngoài mình không khỏi chạnh lòng xót xa. Hình dung lại những ngày thơ ấu, cuộc sống không lấy gì làm hạnh phúc lắm. Lúc đã có những hiểu biết sơ đẳng về cuộc đời cũng là lúc sống đen đủi. Sáng sáng đi hái rau má…. Hình ảnh cậu bé gầy gò thui thủi xách một cái giành men theo sườn đê trong gió rét mưa dầm bới từng hốc rau về ăn ghi mãi trong lòng mình.

Đến những ngày sống “gọi là đẹp” những ngày ở Phủ Lý thì lại va vấp không ít.

Giờ đây khi hạnh phúc đã đến thì bị giật đi một cách phũ phàng.

15-10-1964

Người ốm liên miên, khó chịu vô cùng. Chỉ thấy đau đầu. Chả nhẽ sự hẩm hieu của cuộc đời đã làm mình đuối sức hay sao? Không. Không được thế. Hãy nhìn thẳng vào…. Làm ngơ trước thực tại đen đủi, đi lên.

16-11-1964

Khi kết thúc một ngày làm, mình còn mang trong người những dư âm khó hiểu. Khoác áo lên vai, thui thủi về nhà. Một ngày đã qua đi không còn dấu vết. Phải chăng là ta đã bước thêm một bước tới mồ? Chả nhẽ cuộc sống lại như một dòng nước đục ngầu đều đều và chậm rãi trôi đi hết năm này qua năm khác, nó cột chặt với những thói quen dai dẳng, lâu đời, nghĩ và làm chỉ một việc, ngày nào cũng như ngày nào không hề thay đổi hay sao?

Không, không được. Phải đi lên, thế thôi.

Ngày mai tất khác ngày hôm nay.

 

19-11-1964

Mấy ngày làm việc uể oải quả. Miệt mài với tác phẩm “Mamь” [Người mẹ] của Gorki. Hay ghê.

Thế rồi ngày hết, đêm xuống rét mướt và gió thổi hun hút làm mình không sao bình tĩnh được. Tiếp xúc với mọi người mình mới cảm thấy …  (có lẽ đúng như vậy). Riêng tôi chỉ là một mảnh của cuộc đời.

 

Jon Don, (2) văn sĩ Anh có viết:

“Không có một người nào là một hòn đảo. Tự bản thân là một thể hoàn chỉnh hết thảy. Mỗi người là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền và nếu sóng cuốn xuống biển một mỏn đá ven bờ thì Châu Âu sẽ bé đi, cũng như là nếu nó cuốn mất một mũi đất hay phá đổ nhà bạn anh hoặc nhà anh, cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm chính tôi bé đi vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại, do đó anh đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hôn anh đấy”.

(Mở đầu cuốn: “Chuông nguyện hồn ai”).

 

Cho nên nghĩ lại mình thấy cần phải có hướng sống rõ ràng. Có cái là mình thấy khổ tâm vô cùng khi những người bên cạnh không hiểu mình. Tối về nghe дядя [ông chú] chì chiết, mình không thể nào chịu nổi bởi lẽ mình đã bị xúc phạm ghê gớm.

20-11-1964

Tối nay xuống chơi với K., ăn bánh đa và cam quýt. Một khía cạnh tinh tế trong khi thiếp xúc với nhau là một vấn đề có ý nghĩa khá hay ho.

21-11-11964

Nhận được thư của Trường (3) một sự kiện “trọng đại”; phải trả lời thôi.

23-11-1964

Trở về quê hương NK, (4) ba tháng xa cách nhiều thay đổi, ăn bữa cơm đầy thi vị.

25-11-1964

Viết nhật ký vào đúng lúc đêm khuya thanh thản, điện đã tắt, sự im lìm của cảnh vật càng làm vang lên tiếng côn trùng rên rỉ, tiếng chó sủa đâu đây. Đồng hồ gõ nhịp đều đặn kinh động mãnh liệt lòng tôi… một ngày đã qua.

Gần đây nghĩ lại mình đã làm được những gì có ích... không đáng kể.

Vấn đề đặt ra hiện tại là đừng để cho thời gian trôi đi vô ích, con người là một mảnh của cuộc sống, song “cái mảnh” ấy lại có tác dụng không nhỏ đến xã hội. Hãy phát huy năng lực của mình hơn. Đừng nên sống trong đau khổ nữa. Tư tưởng của người đoàn viên không cho phép. Mà là người đoàn viên phải cống hiến. Phải nghĩ kỹ lại đúng thực chất của những va vấp trong cuộc sống vừa qua, đánh giá đúng ý nghĩa của nó, có thế mới có năng lục đi lên.

Trong bất cứ công tác nào phải làm với khả nằng tối đa, không suy nghĩ thiệt hơn trước một việc làm có ích cho xã hội. Có thể thế thôi! Dù mai đây có ở đâu chăng nữa cũng vậy.

26-11-1964

Một sự xúc động lạ thường đến với mình, khi qua câu lạc bộ mình có vào xem báo, được đọc những bài nói về sự đón tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra miền Bắc, về em Hồ Bột, một nạn nhân của na-pan, trong lòng dấy lên một cảm xúc khó tả, một cảm xúc có được khi thấy được người thân thiết lâu ngày trở về, xao xuyến lạ.

27-11-1964

Nhận tặng phẩm của K.

29-11-1964

Đêm qua về nhà mình không vui mấy. Cuộc sống thay đổi làm bố mình bẳn tính, mẹ mình nóng nảy, chị mình gàn dở. Tất cả đều không yên tĩnh. Mình mong ước trong gia đình mọi người sống dung hòa với nhau.

Và đêm nay, tâm sự với  Hồ, đúng quá! Mình còn non nớt khi bước vào đời.

30-11-1964

Một ngày làm việc dồn dập, tối đến đi dạy BTVH [bổ túc văn hóa]. Ôi! Tôi muốn trút hết nỗi lòng mình vào bài giảng nhưng khả năng chưa cao lắm. Cố lên! Phải làm sao truyền đạt vào trái tim họ một nhiệt tình sôi nổi của mình, tuổi trẻ trong thời đại mới.

Chú thích (tháng 11/1964)

([1])  Người ghi nhật ký không viết thật rõ sự việc, nhưng có thể đoán được là, như vậy, Trần Văn Thùy không thể vào học trường Trung cấp cơ điện, mặc dù trường này gửi cho Thùy giấy báo trúng tuyển. Thời gian đó, thí sinh phải đưa giấy báo trúng tuyển (cũng có giá trị là giấy triệu tập vào học) trình chính quyền xã quê quán mình, nếu chính quyền cho phép nhập học, sẽ ghi ý kiến đồng ý, đồng thời làm các thủ tục chuyển hộ khẩu của thí sinh đó về trường. Thiếu các thủ tục ấy, chỉ cầm giấy báo trúng tuyển (cũng là giấy triệu tập vào học) không thôi thì trường không thể nhận thí sinh vào học. 

(2) John Donne (1572-1631), nhà thơ Anh; câu thuyết giáo nổi tiếng này được nhà văn Mỹ Ernest Hemingway dùng làm lời đề từ cho tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” (1940) của ông; bản dịch tiểu thuyết này (Hồ Thể Tần, Nguyễn Vĩnh dịch, Phạm Thành Vinh giới thiệu) được Nxb. Văn học, Hà Nội,  in làm 2 tập: tập 1: 1963; tập 2: 1964.

(3)  Trường: một bạn học cùng lớp 10, lúc này đã vào học đại học hoặc trường chuyên nghiệp nào đó. 

(4)  “quê hương NK” (viết tắt NK): có lẽ là “quê hương Nguyễn Khuyến”. Quê Trần Văn Thùy ở làng Trung Lương, huyện Bình Lục, cũng là quê nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909).