2/11

 Hành quân ban ngày. Chặng 14:  34km. Đường đất đỏ, một bên vách đất cao, một bên là thung lũng sâu thẳm... Cây cối um tùm, vượn nhiều vô kẻ, lần đầu tiên được nghe vượn hót, vui tai quá... Đường lượn vòng vèo theo sườn núi... và khi lên đến đỉnh đèo Đá Đẽo thì cả một khung cảnh kỳ diệu trải dài trước mắt. Phía dưới sườn núi và thung lũng là cả một biển mây bạc. Phía trên vách ta-luy đường là rừng cây um tùm, vượn hót chim kêu rộn rã...

Xa xa là những ngọn núi xanh mờ... Chỉ thấy rừng và núi non hùng vĩ. Đi, không cảm thấy mệt mỏi gì cả.

3/ 11

 Chặng 15: 15 km. Vẫn hành quân ban ngày. Qua sông (có lẽ là sông Xuân Sơn) và đến địa điểm tập kết mà hãy còn sớm. Bọn mình chui vào các lùm cây ven sông nghỉ ngơi và tha hồ ngắm nghía cảnh vật nơi đây. Tại sao sông ở miền Trung đều trong xanh kỳ lạ?

 

4/11

 Hôm qua chờ tối đến, tất cả mới vượt núi vào Trường Sơn. Núi nhỏ, nhưng dựng đứng, đường đi rất khó khăn vì thực tế đây chỉ là một con đường mòn của dân đi rừng. Đêm khuya thì vào đến nơi. Một không gian âm u bao bọc lấy bọn mình. Chỉ còn tiếng cây và tiếng thú rừng buồn bã.

 

5/11 − 7/11

            Người ta thành lập một công trường mở đường mới, Công trường 20. Đây là con đường chiến lược quan trọng cần mở trong một thời gian ngắn. Những ngày qua bọn mình cập rập thu dọn mặt bằng để làm lán trại. Ban đầu, đành phải căng bạt thành những chiếc lều rộng đơn sơ. Nhiều vắt quá. Giường nằm chưa có, rải chiếu nằm trên đất. Sáng dậy, thấy xung quanh chỉ là cây cối um tùm. Lác đác có những cây khế rừng. Gần lán là một con suối nhỏ trong vắt... Đơn vị kiếm đâu được một con bò. Những tay thạo nghề mang bò ra suối mổ. Bọn mình thì kiếm quả khế rừng về nấu. Mỡ bò dùng làm đèn thắp. Ngày ngày chặt cây về làm lán. Không khí thấy ẩm thấp quá! Người ta gọi đây là dốc "Đồng Tiều".

Thu "hoà thượng" vẫn là người nặng đầu óc mơ mộng. Chiều chiều hay ra ven suối ngồi vẽ vời... về nhà cứ đi đi lại lại lẩm bẩm điều gì nghe khó hiểu!!!

Mấy cậu trẻ trong tiểu đội hay trêu cợt làm Thu phát khùng. Riêng mình thì rất trân trọng những giây phút đó của Thu.

9/11

 Làm lán, lấy dụng cụ, lương thực. Lán đơn sơ dựng bằng những cây cành gỗ nguyên. Sạp nằm cũng bằng cành cây. Mái lợp bằng bạt...

Bắt đầu phải quen với cảnh rừng rú này thôi!

10/11

 Một tập thể đáng yêu bị tan vỡ. Chúng tôi phải xa nhau mỗi thằng một nẻo. Ban đầu, tất cả tiểu đội đều ngạc nhiên bởi sự xáo trộn thô bạo này. Kể ra, lãnh đạo đơn vị cũng khó chấp nhận với một tập thể như A6, bởi vì phong cách sống, sự đoàn kết của chúng tôi khác các tập thể khác. Nếu cứ để tồn tại, họ có thể cho là một sự "nguy hại".

Nếp sống tự chủ, có bản lĩnh và gắn bó với nhau của tiểu đội này đã để lại trong lòng mỗi người những ấn tượng khó phai mờ. Chúng tôi không muốn xa nhau.

Đại đội tập trung trong một bãi rộng dưới các vòm cây, nghe lãnh đạo Nhu (bí thư chi bộ) giải thích về những thay đổi tổ chức cần thiết.

Mình vận động anh em ra mà mọi người đều không muốn đi. Phải chăng đó là sự phản ứng. Ông Nhu vào gọi tới hai lần anh em mới sắp hàng một đi ra. Trong lúc cả đơn vị đã ngồi nghiêm chỉnh để lại một khoảng trống ở giữa cho bọn mình. Các tiểu đội khác cười cợt vì những cái đầu trọc của bọn mình. Nhưng trong lòng mỗi người trong tiểu đội lại cảm thấy tự hào.

 

11/11

 Người ta đưa mình vào A7.

A này chủ yếu là anh em ở Thanh Liêm. Quan hệ của họ có tình cảm gia đình (vì toàn bộ là chú cháu anh em cùng thôn xã).

Nhiệm vụ của A này là đánh bộc phá.

Hy làm A trưởng. Mình là A phó.

12/ 11

 Từ sáng bọn mình đã lên "tuyến". Thực ra đó chỉ là một con đường mòn xuyên qua Trường Sơn. Một ông kỹ thuật trung cấp tên là Ấm hướng dẫn bọn mình rải mìn điện. Từ trên tuyến đường tương lai, mình mới biết lán trại của đơn vị ở ngay dưới lòng thung lũng (dưới đường). Đứng trên chỗ làm có thể nghe rõ cả tiếng động trong khu lán.

Chôn mìn xong, bọn mình phải đưa dây điện kéo về tận lán. Nơi đó, đặt máy điểm hỏa và tổ chức một cuộc mít tinh ra quân.  Nam Hải, chỉ huy trưởng công trường đã có mặt. Sau những thủ tục quen thuộc, thủ trưởng quay máy điểm hỏa và những tiếng mìn đầu tiên đã khuấy động Trường Sơn. Đất đá bay xuống rào rào. Có những hòn đá văng cả vào khu lán...

Ngày thứ nhất mở đường Trường Sơn bắt đầu.

 20/11

            Đánh bộc phá cũng thật thú vị. Cán bộ Ấm lên lớp cho bọn mình vài buổi. Rồi thực hành phân biệt thuốc nổ, dây nổ, kíp thường, kíp điện... , cách sử dụng máy đo điện trở kíp, cách mắc song song hay nối tiếp...

Và thực sự làm việc độc lập. Theo tuyến đã cắm mốc, bọn mình dùng xà beng, xẻng, cuộc đào các hố chôn mìn, rồi đo kíp, cắm kíp, rải dây...

Thông thường máy điểm hỏa để ở một hẻm đá nào đó ở phía trên bãi mìn (theo sườn núi). Người cầm "tay vặn" máy điểm hỏa là A trưởng hoặc A phó.

Mình đã "quay" nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy, khi "quay" tay vặn vẫn có một cảm xúc khó tả: Nó tựa như sự hồi hộp và một cảm giác kỳ lạ hơn và khó giải thích hơn là khi nổ nhiều quả thì quay thấy "nặng" hơn.

Sau mỗi đợt mìn nổ, cả tiểu đội ào xuống kiểm tra, vẫn thường có những quả bị câm, các dây điện của kíp mìn văng tung toé. Anh em thường tìm kiếm thu nhặt lại,  về lán cho chị em lột lấy vỏ đan túi lưới.

Cả bãi mìn sau khi nổ sặc mùi thuốc, mùi đất mới và mùi cây cỏ bị tàn phá. Đất đá rơi rào rào xuống thung lũng. Nhưng thông thường khoảng trời phía trên vẫn rất kín đáo. Có cảm giác rằng, máy bay địch khó thấy được.

Sau đó, các anh chị em của các tiểu đội khác đến san lấp và không mấy chốc bề rộng con đường đã hình thành bám theo sườn núi.

 

 24/11

 Kế hoạch thi công thay đổi quá bất ngờ. Từ dự định 20 thông xe đã rút xuống 7 ngày. Khí thế làm việc khá sôi nổi. Tiểu đội mình cũng đăng ký hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tất nhiên, điều đó đòi hỏi mỗi người phải có những cố gắng lớn hơn.

25/11

 Mùa đông về.

Không có cái rét thấu xương nơi quê hương. Nhưng rừng cây thì như âm u rậm rạp hơn. Xung quanh là núi cao bao bọc. Đêm đổ xuống nhanh hơn. Nằm trong lán "nghe" đêm xuống với mưa rơi lộp độp với gió rừng buồn bã. Điểm trong đêm là những tiếng kêu ngắn gọn của thú rừng và xa xa nghe suối đổ rì rào... Tâm hồn như lịm đi êm ái. Tất cả mọi hình ảnh thân thuộc lặng lẽ hiện dần... từ cái ngõ, mảnh vườn, lũy tre, đường phố, cái cầu phao... đến bóng dáng mẹ cha anh em bạn bè...

Ôi! làm sao mà có thể quên được. Sống xa nhà. Ra đi, chịu “gánh nặng chung của cả thế hệ", mình muốn làm việc nhiều hơn nữa, muốn thể hiện đúng bản chất tốt đẹp sẵn có của mình và hy vọng và vào “ngày mai"...

30/11

 Ốm đau đã dày vò bản thân kinh khủng. Nằm trong lán nghe đêm đông buông dần. Đầu óc đau buốt kinh khủng. Tâm hồn thấy trống trải ghê gớm. Nhớ bố mẹ vô hạn. Bóng dáng mẹ hiện lên quá rõ nét.

 

Chú thích (tháng 11/1965)

(không có)