1-12-1964

Có lẽ trở về quê hương.

4-12-1964

Một ngày đông đáng ghi nhớ.

Sáng dậy cái rét như cắt da cắt thịt xối vào người như kim châm. Bước ra đường gió thổi vù vù nhưng một không khí mới dậy lên làm người ta có cảm tưởng là Mùa Thu Tới.

Khắp nơi biểu ngữ cờ rợp lên, chúng tôi đón tiếp đoàn đại biểu MTDTGPMN [Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam] về thăm Hà Nam. Ôi! Đáng ghi lắm, bởi vì buổi đón tiếp làm mình quá xúc động. Khi nhìn thấy những người trong “lửa” ra đó, khi nghe tiếng nói của Hồ Bột với bộ mặt sẹo đầy, khắc khổ, yếu ớt. Cả biển người lặng im như nín thở, khi đó tâm hôn tôi tràn ngập một cảm giác êm dịu nhẹ nhàng, cảm giác đó trào lên tỏa rộng ra khắp cơ thể. Tôi bồi hồi rạo rực, khó tả quả!

 

10h30 đêm! Im lìm, lặng ngắt với cái lạnh cô đơn, tôi giở nhật ký ra và ghi.

Một tuần nay mới gặp lại K. được, nói chuyện phiếm thôi. Ra về trời tối sẫm, điện tắt, gió rét từng cơn, đường phố không một bóng người, u ám, tẻ ngắt.

Tôi cúi đầu đi trong cảnh yên lặng đó. Kéo cổ áo che kín tai, gió thổi vù vù, bỗng tôi giật mình bừng tỉnh. Đâu đây có tiếng ca trầm trầm xem với tiếng hò da diết luồn trong gió đến tai tôi. Tôi đi lại phía đó. Một dãy nhà ngói trong chợ, (1) nói đúng hơn đó là một cửa hàng ăn bán đêm với vài ngọn đèn dầu. Trong hai cánh cửa liếp che, hai anh em người hành khất ngồi nép vào một xó, chính họ là người đã tạo nên những âm thanh kỳ diệu đến tôi. Tay người “nhạc sĩ” lần trên mặt hồ gảy lên những tiếng kêu ngắn gọn “Brung! Brung…” Anh hát lên những bài hát não nùng, tiếng hát như làn gió nhẹ lùa vào trái tim tê tái. Người hành khất ngồi đó, tình thắm thiết quê hương, cái hương vị tế nhị và độc đáo của điệu nhạc dân gian vọt ra dưới mấy ngón tay người “nhạc sĩ mù” tạo ra những nét buồn man mác. Người nghe lại cuốn trong cảnh mơ màng đầy hình ảnh của quá khứ xa xăm, anh vẫn hát, vẫn kéo hồ, tôi lặng lẽ ra về, đằng sau tiếng hồ vẫn lướt theo….

…Đắm mình trong giấc ngủ mơ hồ êm dịu tôi vẫn thấy văng vẳng đâu đây tiếng hát não nùng, tiếng hồ …Brung… Brung… ngân mãi… ngân mãi.

8-12-1964

Rất nhiều điều đáng ghi mà không ghi được

10-12-1964

Vẫn thế thôi! có những lúc mình ngồi hàng giờ thả ý nghĩ theo những vấn đề mơ hồ…

Cuộc sống! ừ, lúc đó nó lại hiện ra trong trí óc. Ly kỳ thật, mình đã vắt óc nhiều lắm rồi mà không sao hiểu thật sự được hết ý nghĩa cuộc sống.

12-12-1964

Hôm nay di chuyển hài cốt cho Đắc. Mình xúc động ghê gớm khi nhìn thấy đống xương tàn của con người lúc khuất.

13-12-1964

Vội quá! Vừa ở quê lên là đi Nhật Tựu làm. Vui vẻ quá! Cùng đi ở thanh niên khu phố: Hồ, Th, T., chị Th., anh Th…v..v.. Công…

14-12-1964

Không ngờ bánh xe của cuộc đời lại lăn tới đây. Phía trước là công trường nhộn nhịp. Một ngày vác đá nặng nhọc nhưng thoải mái. Tuy trong người đôi khi nảy sinh những cảm nghĩ chua xót.

Tối đến, không trăng sao nền trời trải rộng bởi màn mây bàng bạc, gió may lạnh lẽo xóm làng tĩnh mịch, mình và Công (2) trên đường thôn vắng vẻ. Chúng mình tranh luận với nhau về lẽ sống, về chân lý v.v… Xung quanh vấn đề “không thể lấy máu mà dìm chân lý”.

Tất nhiên chân lý ở đây phải là chân lý rộng lớn. Nói khác đi đó là chân lý của thời đại, chân lý của lịch sử. Câu nói trên đúng. Chân lý là một vấn đề hoàn toàn đúng, không gì chối cãi được, là mục tiêu người ta cần đạt được, nó là lẽ phải ở đời.

Trong phạm vi nhỏ hẹp với một con người: Theo Công: “Tôi có một lẽ phải (chân lý của tôi) người ta có khi không cần máu mà chỉ dùng quyền lục thôi cũng có thể dìm được chân lý đó hàng thế kỷ”.

Với thực tế, mình không phủ nhận.

Có cái là: Lẽ phải bị dập tắt trong một khoảng thời gian nào đó, hoặc lâu dài, có khi mãi mãi, nhưng chỉ biểu hiện bên ngoài tôi, còn trong nội tâm của tôi nó vẫn sống mãi. Tôi có một hoài bão đúng đắn rõ ràng, nhưng người ta vẫn có thể dìm  được nó bằng quyền lực. Họ bảo họ đúng mình sai. Nhưng như thế không phải là nó bị dập tắt. Cuộc sống bắt tôi phải tuân theo quy luật của nó, nhưng trong tôi, tôi vẫn không ngừng vun đắp hoài bão đó.

Còn lẽ sống! Khá phức tạp. Mình không muốn nhắc lại làm gì. Nhưng nên nhớ: Phải luôn luôn tìm cách “vũ trang” cho bản thân để đủ năng lực bước những bước vững vàng trên con đường tôi hoài bão tốt đẹp.

16-12-1964

Kể từ bữa đi Nhật Tựu về trong mình lúc nào cũng mang một cảm giác nao nao bồn chồn lo âu cho tương lai.

Đêm nay, trăng sáng lắm, hơi lạnh, mình tranh luận với Th. về tình bạn, tình đồng chí. Trời ơi! Mình muốn ai cũng hiểu mình một cách thấu đáo, muốn dung hòa với bao người khác. Khốn nạn thay, trái tim mọi người khó đập một nhịp.

Mình không muốn ngủ tí nào, mà muốn đi trên đường phố quạnh quẽ kia cho tâm hồn được dịp tung cánh. Nhưng rồi cũng phải về nằm vùi đầu trong đống chăn ngủ trong sự dằn vặt ghê gớm.

17-12-1964

Lại những chuyện khốn nạn xảy ra.

Chà! Đến người thân cũng không hiểu mình nốt.

20-12-1964

“Cá nhân xuất sắc 1964 của chi đoàn phố III”. Hôm nay tôi lại được mang danh hiệu này và được lên lĩnh phần thưởng.

Chợt nghĩ lại những ngày trong đời học sinh mình thường xuyên có được những tình tiết tương tự. Lúc đó mình rất xúc động.

Nhưng lúc này trong lòng mình không có một cảm giác nào rung động bởi vì đã hiểu lẽ sống hơn. Phần thưởng chi đoàn tặng mình hôm nay làm cho mình mừng vì đây là một cái mốc nhỏ thứ nhất (từ khi bước vào cuộc sống) chấm dứt một giai đoạn thử thách, cống hiến của bản thân. Còn phải cống hiến nhiều hơn nữa mới được.

23-12-1964

Một ngày lý thú trôi qua.

Hồi tưởng lại những sự việc trong ngày kể ra cũng đáng phấn khởi, bởi lẽ cũng đã làm được nhiều việc có ích… nhưng không phải là không có vấn đề sai sót. Mà còn nhiều điều đáng trách: Tại sao lại thả lỏng cho bản thân tự do vô ích trong khi tâm hồn đang háo hức mong muốn được bồi dưỡng bằng kiến thức. Đúng, hãy học, nên học, học ra học, không nên, không bao giờ để cho trí óc hoen rỉ bởi những lạc thú trên đời.

24-12-1964

Đêm nay смοтрью праздник Noel [xem lễ Noel], phải bỏ về. Trong người mang một cảm giác mung lung khó hiểu.

Ôi! Đừng để cho mọi người sống cách biệt với mình.

25-12-1964

Những buổi tối thế này thú vị thật. Đi bách bộ trên đường phố vắng vẻ dưới ánh điện mờ, ánh trăng nhạt, tâm hồn như được chắp cánh bay cao hòa vào cảnh vật, khoan khoái.

Nhưng có lúc nó lại lắng xuống điềm đạm. Trong người mê mẩn, bồi hồi rạo rực và trước mắt lại hiện lên lũy tre xanh, bóng dừa êm đẹp, phảng phất đâu đây mùi ngọc lan ngan ngát. Và đây bố già, các em… đúng là quê hương của mình rồi, khó phai được trong lòng.

Tối nay đi xem phim “Vừa ý, không vừa ý”.

 Lôi Phong (3) có nói: Mỗi con người là một cái đinh ốc nhỏ trong toàn bộ máy vĩ đại – cuộc sống. Thiếu nó bộ máy không hoàn chỉnh. Không nên để cho cái đinh ốc ấy hoen rỉ.

Việc gì cũng làm! Dù là nhỏ nhặt nhất, miễn sao nó là việc đáng làm.

26-12-1964

Hôm nay đợt gió đông bắc mới về. Khan (4) nhưng lạnh lắm. Đêm đến đi ngoài đường gió thổi mạnh sói vào long lạnh ngắt, giá buốt tê tái. Giờ đây ngồi trong này mà ngoài kia gió vẫn thổi vù vù, ghê rợn. Trên đài những bài hát đêm đưa vào Nam tha thiết, rộn rã, gợi lên trong lòng những cảm giác nhớ nhung kỳ quặc.

 Сегοдня, я люблю. Хорошая  Девушка [Hôm nay tôi yêu. Một cô gái tốt]

Vũ trụ thâu tóm trong con người, con người nới rộng ra và thể hiện trong tình yêu (với ý nghĩa sâu rộng).

Nhưng dù sao vẫn phải nhớ rằng bất cứ lúc nào cũng phải giữ trong mình một nhân phẩm cao đẹp, phải có một thế giới quan rõ rệt.

Tình yêu đối lập với cái chết. Tình yêu là cuộc sống.

Любοвь – жизьни [Tình yêu là sự sống]

Tất cả, tất cả những gì mà tôi thấu hiểu.

Sở dĩ tôi thấu hiểu được chỉ vì tôi yêu.

 

Nhưng thôi, ngày khác hãy bàn tiếp. Khuya rồi, ngoài trời gió vẫn thổi dữ quá, như đêm nào ăn cái tếtthi vị”. Lúc này có lẽ hạnh phúc nhất là chùm kín chăn nghe gió thổi vào và để tâm hồn lui về những kỷ niệm chua xót cũ của những năm thơ ấu đáng nhó, đáng ghi.

28-12-1964

Hướng dẫn bàiHãy nhớ lấy lời tôi(5) của Tố Hữu, mình muốn đưa học viên đến những ý tưởng của mình, những cảm xúc của mình: Được! nhưng còn lung túng.

Ba Kim (6) có nói: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã vinh quang hiến dâng thân mình cho tổ quốc, cho nhân dân, cho cách mạng. Máu của anh tuy đã chảy cạn nhưng hình ảnh huy hoàng của anh không bao giờ tắt. Tiếng nói hùng tráng của anh không bao giờ mất đi, đó là những cái đời đời bất diệt. Chân dung anh như một ngọn đèn sáng dọi chiếu bước đường tiến lên cho lớp lớp người, tiếng nói hùng tráng của anh như hiệu kèn lệnh hùng tráng thôi thúc người người lao vào chiến đấu. Anh đứng mà tựu nghĩa. Anh đã trung thành với lòng tin của mình cho đến lúc máu tươi anh chảy cạn, thể xác anh đã chết đi mà anh vẫn không một phút tỏ ra yếu đuối, dao động, vết máu tươi của anh vĩnh viễn chỉ đường đi tới thắng lợi vinh quang cho mọi người…”.

Đúng quá! Ba Kim đã nói đúng lòng tôi đó. Vinh quang thay những người dân anh hùng Việt Nam.

Người Việt Nam….

Đẹp thay

Sống vĩ đại, chết vẻ vang, dù cho hai chục xuân ngắn ngủi cũng hơn sống một trăm năm vô vị”.

29-12-1964

            “Tất cả trong con người, tất cả cho con người.

Này đây, con người lại rảo bước huy hoàng và tự do vươn lên càng cao cái đầu hiên ngang, đi chậm rãi với nhịp bước vững vàng, đạp lên trên tro tàn của những định kiến cũ kỹ, đi một mình trong sương mờ của những sai lầm. Sau lưng mình là bụi tàn của những đám mây nặng trĩu đã thuộc về quá khứ và trước mặt mình là bao nhiêu những điều nan giải đang chờ đón lạnh lùng.

…Đường đi của con người là vô tận. Con người đi thẳng tới như vậy đó, con người Tiến thẳng tới, và lên càng cao, luôn luôn thẳng tới và cao hơn”.

(Maksim Gorki)

 

Có những lúc vì hoàn cảnh xã hội mà con người phải lầm lạc đâm ra sầu khổ và tuyệt vọng. Nhưng thế nào rồi con người cũng vươn lên cao  thượng hiên ngang và tự do, nhìn ngang thẳng vào chân lý.

Con người muốn tin hoặc không tin đó là chuyện riêng của họ! Con người là tự do tự họ phải trả giá cho tất thảy: Cho lòng tin, cho lòng không tin, cho tình yêu, cho trí tuệ của mình. Con người mang trong mình những tiền tiêu dùng cho tất thảy, vì vậy mà con người là tự do!... Con người là chân lý, con người là gì? Không phải là anh là tôi, không phải là những người này kẻ khác. Nhưng là anh là tôi là người này kẻ khác, là Napoléon, Mahomed gom chung lại làm một!... Anh hiểu không? Là vĩ đại! trong đó là tất cả sự mở đầu và tất cả sự kết thúc Tất cảtrong con người, tất cả cho con người! Chỉ có con người thôi, tất cả những gì khác là công trình bằng tay và bộ óc của con người! Con người! Tuyệt vời là đẹp. Tiếng này vang lên hào tráng làm sao! Con người! Phải tôn kính con người! Không được thương hại Không được hạ thấp con người bằng lối thương hại. Phải tôn kính! Ta hãy nâng cốc mừng con người Tốt đẹp quá… được tự cảm thấy mình là con người”…

(Maksim Gorki)

30-12-1964

Khốn nạn thay! Thật khổ cho bệnh hoạn. Hôm nay mình bị ốm! ốm thật sự. Thật đáng sợ là chính trong lúc ốm này lại hay nghĩ đến lắm chuyện. Chuyện bản thân, chuyện gia đình, chuyện xã hội lần lượt diễn qua trước mắt. Những cái gì thuộc về quá khứ mà trong lúc bình thường cố gắng nhớ cũng không nhớ được thì giờ đây nó lại lần mò chạy đến dày vò tâm can.

31-12-1964

Tối nay cùng chị Th. đi xem phim Nguyễn Văn Trỗi, chân thực, xúc động mình ghê gớm. Bởi lẽ ít bữa nay chị được nghe, hôm nay mới được nhìn thực cảnh anh Trỗi đi ra pháp trường hiên ngang tuyệt vời. Ôi, con người của chân lý. Tôi học tập đượcanh những gì?

...Trở về gặp anh Th., Hồ, Th., T. Không biết nói gì hơn. Tắt điện và ngồi đây thôi.

Chú thích (tháng 12/1964)

([1])  Đây có lẽ là Chợ Bầuthị xã Phủ Lý, nằm trong khu vực của khu phố III thời ấy

(2)  Trong nhật ký viết một chữ C với dấu mũ trên. Chắc chắn đó là Công, bạn học cùng khóa, lúc này cũng đi lao động với thanh niên khu phố như đã ghi rõ tên ở nhậy ký ngày 13/12/1964.

(3 Lôi Phong: một viên tiểu đội trưởng tiểu đội vận tảiThẩm Dương thuộc quân đội Trung Quốc. Trong thanh niên quân đội Trung Quốc đương thời có phong trào học tập noi gương rèn luyện ý chí cách mạng của Lôi Phong; nhật ký Lôi Phong được Trần Quảng Sinh, Quách Mạt Nhược, Ngụy Nguy soạn thành một cuốn sách đphổ biến rộng rãi; miền Bắc VN đương thời có dịch cuốn sách đó (Lôi Phong, bản dịch Thành Châu, Văn Hồng, Hà Nội: Nxb. Thanh niên, 1963)

(4 Rét khan: tức là rét nhưng không có mưa.

(5) Bài thơ của Tố Hữu, viết sau khi có tin tòa án Sài Gòn của chính quyền Việt Nam cộng hòa xử tử Nguyễn Văn Trỗi (15/10/1964) vì đã đánh bom nhắm vào McNamara, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. 

(6) Ba Kim (1904-2005) nhà văn Trung Quốc; thời gian này nhiều nhà văn tên tuổi Trung Quốc, trong đó có Ba Kim,  thường xuyên viết bài cổ vũ cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam.