5 /12

 Hoàn thành cung đường. Kể ra thì đó là một kỷ lục.

Theo đường mòn, hôm nay gặp những người ở trong Nam ra. Trông vất vả quá! Tự trong lòng, mình lại có ước vọng nếm trải sự gian khổ đó, nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

 

8/12

 Đi lấy lương thực cả ngày. Ở đây việc đi lấy lương thực cũng là một kỷ niệm khó quên. Gạo được bó vào nilon, dùng 2 thanh gỗ kẹp ngoài bó chặt hai đầu để vác vai; trong trường hợp không có nilon thì tống gạo vào hai ống quần dài buộc túm lại, quàng lên vai. Như vậy mỗi người cũng có thể mang được từ 15 đến 20kg. Chỉ vất vả bởi đường đi. Mình không quen vác cả hai vai, thành ra dễ mỏi mệt, cứ phải nghỉ luôn.

 

11/12

 Mấy ngày qua trong đơn vị luôn xảy ra những chuyện rắc rối. Những cá thể không may mắn vấp phải thật đáng thương.

"Đường đi của con người không đơn thuần cho lắm. Trước mắt còn bao điều nan giải chờ đón lạnh lùng. Sau lưng là đám tro tàn của những định kiến cũ kỹ".

 

15/12

            Vẫn mưa dầm dề. Doanh trại ẩm thấp quá, nhớp nháp ghê gớm. Quần áo chưa đủ, với nam giới thì đơn giản hơn nhưng với nữ thì thật rắc rối. Hôm qua T. nói với mình: chiều chiều đi làm về, chị em tắm giặt xong, đóng kín cửa ở trong nhà đốt lửa hong quần áo cho khô, mới có thể đi làm tiếp được. Do vậy tốt nhất là không ai được tiếp khách trong lán vào buổi tối.

Trong tiểu đội của T. có Thành (con ông Thọ "Bê") là "ngạo mạn" hơn cả. Thành không hẳn là đẹp, người đen, nhưng có cái nhìn và nụ cười dễ thu hút. Trước đây mình còn nhớ khi tỉnh Hà Nam tổ chức thi bơi trên sông Đáy,  Thành đã giật giải nhất nữ và tại bờ sông đã đứng nhận giải thưởng trước sự hâm mộ, cổ vũ của bao thanh niên. Dẫu sao, đó cũng là kỷ niệm đáng tự hào của cô ta. Vì vậy, có lẽ hoặc là muốn bộc lộ, hoặc là do ham thích..., chiều nào Thành cũng ra cái khoảng rộng nhất của con suối bên doanh trại bơi lội bì bõm. Nước suối trong, Thành thường mặc quần áo tắm màu sẫm, kể ra cô ta bơi cũng đẹp, và thông thường, sau khi tắm bơi thoải mái, cứ bộ quần áo tắm trên người, Thành thản nhiên đi theo con đường trước doanh trại về lán...

Thực ra, điều đó cũng đã có những ý kiến chê bai, nhất là ở những tiểu đội người Phủ Lý.

16/12

            Được ra bản tiếp xúc với dân "Choóc", ngắm sông xanh trong vắt, êm đềm và lại nhớ quê hương.

Những chiếc xe tải đầu tiên đã vào Trường Sơn.

17/12

 Sắp chuyển doanh trại đi chỗ khác. Mưa vẫn đổ hoài! Cũng nên rời đi thôi. Chỗ này ẩm thấp quá mà cũng gần tuyến đường quá. Lán nào cũng bị thủng mái vì đá văng đến mỗi lần đánh bộc phá. Nực cười nhất là anh chị nuôi, cứ mỗi lần nghe tiếng còi báo đánh mìn trên tuyến là lại bỏ xoong chảo chạy ra nấp vào các gốc cây quanh bếp.

 

 

18/12

 Không hiểu sao, đêm nay lại nằm mơ thấy Ng. Bóng dáng ấy trở nên gần gũi quá và rồi cứ luôn luôn nghĩ đến cô ta. Ng. hiện lên rõ nét như đứng trước mắt mình khi mình đang ngắm nhìn dãy núi âm thầm cùng rừng cây rậm rạp phía trước Ng. như theo mình trong bước đi hàng ngày và thường trở về trong những giấc mơ lung linh...

Mình biết rõ rằng trong tâm hồn của mình và Ng. chẳng thể nào tìm được những rung động đồng nhịp cả. Mộng tưởng chỉ là một sự viển vông. Nhưng biết làm sao được khi bản thân mình cứ hay quay về "quá khứ xa xăm".

19/12

 Hôm nay là chủ nhật. Cái rét trong núi rừng miền Trung này dễ gây trong người những cảm xúc khó hiểu. Bâng khuâng, xao xuyến. Khắp chốn khắp nơi trong doanh trại nhiều người đang háo hức chuẩn bị cho cái tết sắp đến. Cũng nên như vậy!

Riêng mình, nhìn cảnh nhìn người, tâm hồn lại cứ hay lui về dĩ vãng, nghĩ đến mẹ cha, đến gia đình... và nhớ nhung da diết.

 

23/12

 Nghe tin Phủ Lý bị oanh tạc. Bồi hồi, lo lắng!

 24/12

 Chuyển lán đến địa điểm mới. Đây là một khu rừng rậm rạp, nằm trên một quả đồi. Phong cảnh đẹp. "Khu Ba Khe".

Lán trại ở trên một gò đất cao. Phía trước là một khu rừng thưa hơn, xa xa ánh lên một dãy núi đá vôi trắng phau, dựng đứng. Một con đường mòn chạy xuyên qua rừng như một con rắn bò ngoằn ngoèo trên dốc...

Lán của A mình ở cao nhất và nằm đơn độc một dãy.

Phía dưới sườn đồi là lán của A1 đến A6 làm thành hình thước thợ và chân đồi là một con suối nhỏ rất ít nước. Bên kia suối là bếp ăn.

Đã có chút ít kinh nghiệm nên bọn mình kiếm gỗ về dựng lán khá nhanh. Mái vẫn lợp bằng bạt cũ đã thủng. Mình chọn ngay đầu lán làm chỗ nằm. Sạp giường cao ngang ngực nhưng nằm đây có thể ngắm nhìn cả khoảng rừng thưa phía trước và con đường mòn qua đồi. Mình kỳ cục chọn ván hòm mìn "Polan" làm thêm ra một cái bàn nhỏ có mái lợp như chuồng chim sát giường để viết lách. Trước bàn dán tấm tranh "Перед грозой[1] lấy trong tập tranh "Sông Đông êm đềm" của Sô-lô-khốp. Và rồi cũng kỳ cục lấy hộp thịt làm một chiếc đèn dầu nhỏ...

Lán của T. lại ở sát suối, lán nằm theo triền dốc nên trông có vẻ chênh vênh. Chị em làm lán cũng tỏ ra thạo hơn nhưng vẫn cứ phải có sự hỗ trợ của các A nam.

25/12

 Đêm buông tối sẫm. Rừng cây âm u, không một tiếng động nào rộn rã cả, chỉ thấy đâu đây vẳng tiếng hoẵng rừng và tiếng than ngắn gọn của những chú chim đêm. Còn lại là điệp khúc muôn thuở của côn trùng.

Những sự việc trong ngày dần hiện một cách rõ ràng. Hôm nay mình mới thực sự hay biết  những ý nghĩ ngây thơ bồng bột của một thanh niên mà chắc hẳn theo mọi người thì sự hiểu biết và tuổi tác của anh ta không thể nào lại có thể có những ý nghĩ ấy được. Đáng buồn cười, đáng khinh. Mужик là gì? Kулак là gì? A ha!!! anh ta lại gán cho ta hử?

Tiếc rằng không thể nói hết những ý nghĩ ngu xuẩn ấy ra đây được. Phấn không ngu, không ngu! 

Ôi, cuộc sống đầy éo le, phức tạp. Hãy tinh tường nhìn nhận cuộc sống.

Đúng! Phía trước những điều nan giải đang chờ đón lạnh lùng. Hãy tinh tường, tinh tường!  [2]

26/12

 Thật không ngờ lại có thể gặp lại những bạn bè cũ ở đây. Hôm nay khi trở về doanh trại cũ bọn mình gặp một trung đoàn công binh hành quân vào. Trong đó có Khương và Xưởng là những thằng bạn cùng lớp cũ. [3] Những "ngày xưa" không bao giờ trở lại nữa rồi!

Có cái gì đó tựa như một bước hẫng trong người.

27/12

 Ghẻ lở đã hoành hành. Người bị nặng nhất tiểu đội lại là ông Minh "Trố" lắm mồm. Thuốc trị bệnh này công hiệu nhất chỉ là "thuốc mìn", nhưng bôi nó thì đau, xót vô cùng, người như bị cứng ra....

Vẫn còn hơn là để cả đêm mất ngủ vì gãi.

Mấy chiều nay, Minh "Trố" tự tra tấn mình bằng thứ thuốc đáng sợ đó! Minh cởi trần, mặc quần đùi ngồi co ro trước bàn, hai tay chắp lại khấn vái (không hiểu anh ta kiếm đâu ra mấy thẻ hương đốt lên thơm lừng). Sau đó mới nằm dài ra, hai tay giữ chặt lấy cọc màn trên đầu giường và nhờ người khác chấm thuốc vào các vết đau. Cứ mỗi lần "chấm" là một lần Minh rống lên đến "ai oán"... Vừa buồn cười vừa thương hại.

Kể ra Minh là con người vui tính, dễ hiểu và cũng dễ trở nên trò cười cho tập thể vì tính tình bẩn thỉu, nhố nhăng, đôi khi bộc phát của mình.

28/12

 Lại ra làng lấy gạo. Khi chiều về, mình hy vọng sẽ được đón ánh hoàng hôn buông dần, vì ở trong rừng chỉ được một khoảnh trời. Nhưng hy vọng bị tiêu tan phút chốc, vì thời tiết xấu quá! Mưa dầm dề, đường trơn, nhớp nháp vô cùng. Mình đã bị ngã đau quá, cánh tay bị toạc cả da... Thấm thía. Đơn vị mình ở khoảng cây số 11 đến 14, từ làng vào gần 20km... Đi thấy mỏi mệt vô cùng.

 

"Người cộng sản cần phải biết rằng, dù sao tương lai cũng hoàn toàn ở trong tay mình và vì thế cho nên trong cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại, chúng ta có thể (và phải) kết hợp tinh thần hăng hái nhiệt liệt nhất với tính bình tĩnh cao độ và với sự suy nghĩ chín chắn nhất để đánh giá đúng những cơn dãy dụa điên cuồng của kẻ thù".

V.Lê-nin

 

"Bất cứ cuộc cách mạng nào, bất cứ cuộc cách mạng chân chính nào chung quy đều là sự biến đổi trong tình hình các giai cấp, cho nên phương pháp tốt nhất để giác ngộ quần chúng và để ngăn chặn không cho người ta lấy danh nghĩa cách mạng mà lừa dối họ được, − là phân tích một cách chính xác những biến đổi trong tình hình các giai cấp, những biến đổi đã phát sinh và đang tiếp tục phát sinh trong cuộc cách mạng hiện nay"

V. Lê-nin

 

29/12

"Cuộc chiến đấu sống chết không phải vì vinh quang mà vì cuộc sống trên mảnh đất này"

Tvađốpski [4]

 

"Đêm hè trời đầy sao. Tôi cúi đầu suy nghĩ, tôi nghĩ đến nhiều  cách sống và chết.

Người ta bảo đời người là quý báu. Đúng là quý báu. Có người đang nâng cốc rượu bỗng ngã chết như con cá mục.

Có người sống bừa bãi rồi chết đi như xác rắn.

Đời người thật đáng quý không? Sống say sưa, chết như trong giấc mộng, đời người như của vứt đi.

Có người ghét cõi « hồng trần », khô héo đi dưới đèn xanh quyển vàng, tu khổ hạnh để chờ kiếp sau. "Kiếp sau" ở đâu? Tháng ngày đã mất.

Đời người có quý báu không? Chỉ thấy đáng thương và ngu muội mà thôi.

Có người vì một sự không may bất ngờ của bản thân mà lo lắng buồn phiền, mất hết niềm vui của cuộc sống. Có người vì thất tình mà sinh ra đau thương tuyệt vọng. Có người vì bị oan uổng nhất thời mà cảm thấy đời hết hy vọng.

Lại có những người già ở nông thôn chúng ta, vì cãi nhau với con cái mà nản ra ý chán đời. Họ nhảy xuống ao, dùng sợi dây thừng để kết liễu đời mình.

Đời người có đáng quý không?

Ôi, đó thật là điều không may cho cuộc sống.

Tiếng tù và thổi, tiếng hô giết vang trời, tường thành kiên cố đã vỡ. Bọn "trung thần nghĩa sỹ" của giai cấp bóc lột cố chết giữ thành hòng ngăn chặn trào lưu cách mạng như sóng vỗ triều dâng. Mấy con chó ghẻ làm sao có thể ngăn chặn được tiến trình của lịch sử? Chúng đã bị các nghĩa sỹ giết không hề thương tiếc.

Đời người có quý báu không? Chúng đã như vỏ đạn chìm trong bùn lầy, bị người ta quên đi từ lâu, kể cả thằng chủ của chúng nữa.

Người ta đã ca ngợi khá nhiều đời người thật đáng quý. Nhưng tôi muốn hỏi: Cuộc đời của một con người đáng quý nhất là ở chỗ nào? Có phải ở chỗ khi người ta sống có thể tiêu hao nhiều tư liệu sinh hoạt chăng?

Có phải ở chỗ khi người ta chết có thể chiếm được một miếng đất vàng trên cõi trần gian chăng?

Không phải!

Cuộc đời của con người sở dĩ thật đáng quý là bởi vì nó có linh hồn cao thượng, có thể dùng để sáng tạo hạnh phúc cho nhân dân".

Nguỵ Nguy  [5]

30/12

Bắt đầu thi công đợt II. Mìn lại nổ ròn rã. Mỗi tiểu đội nhận một đoạn đường. Riêng tiểu đội mình thì cơ động phục vụ cả đại đội. Cung đường này nhiều đá quá. Cả tiểu đội rải dọc ta-luy đào hố chôn mìn tính ra có khu vực số thuốc nổ chôn cho một lần điểm hỏa tới trên tạ thuốc. Riêng những cây nhỏ thì dùng dây nổ buộc quanh cây, còn cây lớn thì buộc bộc phá vào để cắt. Cây cối đất đá rào rào đổ, và rừng cây có thoáng hơn. Thực tế ở đây bọn mình dùng thuốc chẳng theo tính toán nào mà chỉ do kinh nghiệm và thói quen, xét ra, nhiều khi cũng phí.

Những khi hết kíp điện thì lại dùng dây cháy chậm. Đốt mìn cháy chậm cũng vui bởi sự hối hả, nhất là khi thổi mồi mãi mới cháy được một dây. Đôi lần chỉ kịp chạy khỏi bãi mìn chừng 4 - 5 thước đất đá đã bung ra rào rào xuống đầu xuống lưng, ngã dúi dụi.

Chiều về, bị lạc trong rừng, thú vị quá, khi một mình ở giữa núi rừng âm u trong ánh chiều tắt dần... Do một cơ hội ngẫu nhiên mình đã điên cuồng chạy mãi vô rừng và bị lạc sâu tới hơn một cây số. Nghe tiếng "Lán"... mò mẫm về đến nơi thì trời đã tối sẫm, người mệt nhoài, và không còn bụng dạ nào mà xem nốt sách được nữa. Thế là nhỡ mất dự định.

 31/12

 Còn một ngày nữa là hết năm cũ rồi. Hãy mau chóng gạt bỏ những "tồn tại" trong dĩ vãng đi!

Chú thích (tháng 12/1965)

[1] “Pered grozoi” (chữ Nga trong bản gốc): “Trước cơn giông”, tên một bức tranh.

[2] Cả đoạn in nghiêng này, ở bản gốc TG viết bằng mật ngữ riêng, dùng lẫn lộn cố ý các chữ cái Nga và Việt; riêng các từ Muzhik , Kulak viết hoàn toàn bằng chữ Nga.

[3] Các bạn cùng học một lớp với TG ở trường THPT cấp III mang tên Biên Hoà ở thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

[4] Alexandr Trifonovich Tvardovski (1910-71), nhà thơ Nga.

[1] Ngụy Nguy (1920-2008) nhà văn Trung Quốc, được biết đến ở Việt Nam như một cây bút chính luận nồng nhiệt cổ vũ tư tưởng xả thân quên mình, coi đó là phẩm chất cao nhất của người theo chủ nghĩa cộng sản.