1/12

 Ngạn ngữ Nga có câu: "Sự thật dù cay đắng đến đâu cũng còn hơn sự giả dối mà đẹp đẽ..."

Hãy nghĩ đi, nghĩ đi, hỡi "bản sắc" trong tôi.

Hãy nhìn đi, nhìn đi hỡi "ánh mắt" nơi lương tri.

Sự thật − Cuộc sống − thế nào đây?

Sự thật − Ước vọng − ra sao đây?

Mình hiểu và cảm nhận được. Hãy sống sao cho có ý nghĩa.

2/12

Anh Vượng, C trưởng cũ, về công trường họp. Không ngờ là mình lại còn có dịp gặp lại.

3/12

Sức mạnh của quần chúng chỉ có tác dụng khi quần chúng hiểu được bản chất công việc, khi quần chúng được chỉ đạo đúng đắn nhất. Người lãnh đạo là cần thiết, nhưng nếu người lãnh đạo tách rời quần chúng, đứng trên quân chúng, đánh giá thấp vai trò của quần chúng,... thì chỉ có chết yểu mà thôi.

8/12

Làm việc ở cây số 57. Ban ngày. Tiểu đội chia nhau rải khắp cung đường để giải quyết những khuyết tật của đường có ảnh hưởng đến việc đi lại của xe cộ. Mình làm việc ở ngay chỗ hố bom đã lấp hôm 26/11. Một bên là sườn núi, một bên là thung lũng sâu. Bom đã cắt gần hết bề rộng đường, phải dùng xe ủi đất từ bên đồi xuống để lấp. Đất mượn, mưa nhiều, xe đi lại làm lòng đường gồ lên chạm cả vào pôông xe. Phải san lại cho bằng phẳng. Trời nắng, không khí nặng nề, hoang vắng, không một tiếng chim, máy bay địch không thấy hoạt động. Xa xa, ở từng đoạn đường, thấp thoáng bóng dáng đồng đội làm việc.  Lẻ loi. Mình dùng xà beng "khoan" các lỗ nông dọc tim đường và dùng mìn "Tô-lít" đánh với lượng nhỏ để san đường. Loạt mìn đầu tiên vừa dứt, mình vội lao tới để xem hiệu quả. Một hố hình lòng chảo hình thành, thành hố xám màu tro. Nhưng đáy hố là một mảng sẫm tựa như hòn đá mồ côi. Mình đưa gót chân ấn xuống thăm dò, chân lún xuống, một "vật thể" nhũn nhão... Một phàn xạ tức thì buộc mình co phắt chân lại và chạy xa khỏi hố mìn. Đúng rồi, đúng là xác của người lính trong đoàn xe đã bị mất tích hôm 26/11 mà bọn mình đã cất công tìm kiếm suốt mấy ngày đêm không thấy. Gần nửa tháng rồi.

Hoàn hồn, mình quay lại lấy xẻng xúc đất lấp lại và tìm Hương, chính trị viên trung đội, để báo tin. Cả tiểu đội lặng lẽ quay về doanh trại và thông báo cho đại đôi rõ. Trương Kinh, đại đội trưởng, quyết định tiểu đội mình phải xử lý.

 9/12

Phùng Hải, mình và một vài anh em trong tiểu đội xẻng cuốc trên vai với tâm trạng nặng nề ra Km57. Trước khi đi, Hợi, y tá, đã trang bị cho mỗi người một nắm bông để tẩm ête bịt mũi mồm. Bọn mình cũng chuẩn bị cả tăng (ni-lông) để gói xác và đòn khiêng bằng nứa. Đào lên, một mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi không gì cản được đã làm ai cũng phải nôn thốc tháo. Ni-lông trải sẵn ven hố, xác chết nằm nguyên vẹn ở tư thế co quắp. Chân đi giầy, thắt lưng da Trung Quốc, nhưng do sức ép bom và thời gian, đã trở thành như một túi nước nhẽo nhợt, mủn nát. Đưa xác vào được ni-lông là cả một quá trình vất vả. Không ai đứng gần xác được vài phút, đành phải thay nhau, và cuối cùng cũng gói được xác lại.

Bọn mình chọn một vị trí ở ven đồi an toàn cách hố bom chừng hơn 100m để táng.

Chiều về, mùi xác chết cứ bám riết lấy người. Mình đã phải trút hết bộ quần áo mặc ngoài cho trôi suối.

Cơm dọn ra, không ai ăn được vì một cảm giác nôn nao, khó chịu. Đêm nằm, cứ bị ám ảnh hoài, nặng nề.

Người chết là Trương Minh Đa quê ở Hà Tĩnh, mới đi lính, làm cấp dưỡng của đoàn xe, chưa kịp vào chiến trường xa.

10/12

Điện của binh trạm 14 vào yêu cầu phải  chuyển xác chết vào quan tài. Tiểu đội lại phải đào bới và chôn cất lại.

Một kỷ niệm khó quên. Cái sống, cái chết, những hy sinh mất mát sẽ còn đến đâu? ... Tất cả cứ ám ảnh hoài.

13/12

Làm việc ở bên kia đập Kroong. Khoảng gần 8h tối thì địch xuất hiện, chúng bắn phá phía bên đây đập nước, bom phá, rốc-két, bom bi, ca-nông-vanh. Không ai việc gì.

Tại km58, km59, ba hố bom cầy đất. Chả nghĩa lý gì.

15/12

Người khó chịu quá. Phải chăng con ma sốt rét đang rình mò đâu đây? Đang đào hầm, phải nghỉ việc. Bàng hoàng! Xe thực phẩm lại vừa về, phải vào cây số 57 để phân phối. Không ai đi, mình đành phải đi thôi. Trách nhiệm mà. Ôi, bệnh tật đã làm mình điêu đứng, sự cố gắng của bản thân cũng khó thắng nổi.

16/12

Tình cảm có tác dụng thôi thúc con người rất nhiều. Nhưng đôi khi nó đã tác động đến bản thân ghê gớm:  dày vò tâm can. Nó nâng con người rời bỏ mặt đất lên một lớp màng mỏng chơi vơi trên không, con người quay cuồng mê mẩn. Đêm nay khi nghĩ đến cuộc đời bản thân, không hiểu sao nước mắt lại trào ra.

Mình nhớ Kôrôlenkô khi dựng lên hình tượng triết lý Mác-xim đã khéo tạo cho ông ta những bệnh hoạn "phù hợp".

Con người bị tàn tật, đôi lúc Mác-xim thấy dường như trong đội ngũ của những người đang sống và đấu tranh, ông − một người tàn tật già nua − đã bị đào thải. Nhưng Mác-xim ơi! Ông đừng tưởng rằng, nay ông tồn tại và choán chỗ trong xã hội làm bận bịu thế giới này cũng chỉ là vô ích. Mà thưa ông: Biết đâu đấy, người ta rất có thể không cần gươm giáo mà vẫn đấu tranh được.

У вас нет возражений? Я возлагаю надежды и я сделаю всё что вожмозно потому, что имею возможность. Я иду в возрасте двадцати лет. [1]  

 

17/12

Có lẽ đêm nay là đêm mà bệnh hoạn đã dày vò tôi cao độ nhất.

Ngạt thở quá, không muốn nói gì và có lẽ mình đã làm phiền nhiều người quá. Đó là điều mình chả muốn tí nào từ khi xa sự nuông chiều của cha mẹ. Đôi lúc trong sự đê mê tôi thấy dường như hình ảnh bố mẹ lung linh trước mặt và chỉ có vậy thôi!

Trăng sáng, xe vào nhiều, máy bay địch hoạt động dữ dội tới mức căng thẳng. Bom bi, rốc-két, bom phá, ca-nông-vanh... trút xuống ầm ĩ suốt đêm. Thể xác trong tình huống bị bệnh hoạn dày vò, thế mà tác dụng của tiếng động cùng sự lo lắng làm bản thân quay cuồng. Nghe nói tại cây số 57 hai xe đã bị bốc cháy, lái xe bị thương. Lòng không yên được.

 

18/12

 Tặng N.

Ước chi tôi đến được cùng nàng

Vào một ngày nọ, gió thu sang

Những bức thư đi nào nói được.

Ngọn sóng lòng tôi, giấc mơ màng.

 

Em có biết không những đêm trường

Lòng lại hỏi lòng: Phải tình thương?

Hình như nó, tựa niềm an ủi

Va vấp gian nan những bước đường.

 

Ôi! tôi nhớ ngày nào thơ ấu

Hình ảnh thân tôi, em còn thấu?

Một mảnh quần tơi với gió sương

Run rẩy bước đi khắp dặm đường.

 

Ôi! tôi nhớ những giờ lên lớp

Đôi mắt ngăm đen, dường... chớp chớp

Muốn hỏi lòng thầy nào hỏi được

Tương lai em đó, gió hay sương?

 

Thầy muốn cho tôi cả kiến thức

Khỏi phụ lòng tôi nỗi náo nức

Vững bước tôi đi với tình thương

Gặp những gian nan, hãy coi thường.

 

Cha đã cho tôi ý tưởng sống

Chỉ rõ cho tôi nơi tôi đứng

Mang nặng trong lòng một niềm tin

Gặp những khó khăn, chí chẳng mềm.

 

Những ngày qua đó biết đâu em

Lại gặp tôi trên những bậc thềm

Bước đi những bước nghe chậm chạp

Nhưng chói niềm tin với bóng đêm.

 

Tôi biết "thầy" tôi, ánh mắt chẳng thường.

 

19/12

 Tâm tình

Cha ơi!

          Cha có thấu

                              Đêm nay

Nỗi lòng con trẻ tựa men say

Xạc xào dòng nước xưa đổ lại

Khuấy động hồn con, những luống cày.

 

Con mang hình ảnh của quê ta

Với bóng dừa xanh dáng thướt tha

Với chùm hồng chín nghe quả nặng

Ngan ngát mùi lan, sắc cánh trà.

 

Con mang hình ảnh của quê ta

Dập dờn sóng tựa biển khơi xa

Ru những hồn thơ sao huyền diệu

Rèn vững tay con lựa mái chèo.

 

Con mang hình ảnh của quê ta

Với bóng mẹ hiền với bóng cha

Âm ấp nuôi con từ thuở nhỏ

Gieo nặng lòng con bản sắc quê nhà

 

Con mang hình ảnh của quê ta

Với bóng nhà trường, với bóng đa

Ríu rít thơ ngây cùng bè bạn

Nhen nhúm tương lai tự những ngày.

 

Cha ơi!

           Cha có thấu

                            Đêm nay

Nỗi lòng con trẻ tựa men say

Xạc xào dòng nước xưa đổ lại

Nâng mãi hồn con phới phới bay.

 

21/12

Nghị, Thọ đi công tác qua, ghé vào chơi. Nói chuyện với nhau về cuộc đời.

 

22/12

Bệnh hoạn xem chừng có chiều hướng thuyên giảm. Đáng mừng, vì cứ nghỉ hoài thì chán ngắt vô cùng. Khi thể xác nghỉ thì tâm thần lại được dịp bị day dứt. Suy nghĩ, mơ tưởng ở trong tình trang "tranh thủ" hết sức. Thần kinh căng thẳng tưởng chừng một tiếng động mạnh cũng có thể gây "đứt" ngay. Bấy lâu nay mình cứ tưởng "suy tưởng" sẽ làm đầu óc được nghỉ ngơi, các ấn tượng hàng ngày được san bằng trong ký ức. Tất cả chỉ là một tấm màng mỏng chùng xuống êm dịu... Nhưng thực tế đã không phải như vậy. Mình ưa làm việc hơn là ngồi suy tư.

Sức khoẻ là niềm hạnh phúc của con người.

Nghỉ ngơi sẽ làm con người hư hỏng đi nhiều.

Chiều nay, thời tiết đẹp. Một cơn mưa đột nhiên đến đe dọa. Mặt trời phả ra hơi nóng hầm hập như chụp lấy con người, đã thắng.

Đứng trên ngọn đồi, phóng tầm mắt qua thung lũng. Những ngọn núi nhấp nhô kỳ ảo, và ánh lên chùm sáng muôn màu do hoàng hôn dấy động. Có một cái gì khó thở, ngột ngạt nén mạnh trái tim. Nhưng tí nữa, tí nữa thôi khi trăng lên, tất cả sẽ đổi khác. Ôi! lúc đó tôi sẽ ru mình trong bình lặng.

Sắp Noel rồi. Kẻ thù tuyên bố đình chiến từ 12h trưa ngày 24/12 đến ngày 26/12 trên toàn Việt Nam. Chừng 50 tiếng đồng hồ ấy thôi cũng quý giá biết bao với chúng ta. Nghe đâu, sẽ có khoảng 400 xe sẽ chạy ban ngày. Bọn mình phải bám sát mặt đường. Chỉ ngại kẻ thù trở mặt.

 

23/12

“Chỉ một ánh mắt thôi

Đưa qua

Đủ rung động tim tôi

Nhớ mãi

Em đã chiếm hồn tôi, người con gái quê hương

Em đã chiếm hồn tôi, với ánh mắt bình thường”.

(Tặng Thự!)

 

24/12

Làm cả ngày. Kẻ thù ngừng bắn. Chúng mình hối hả làm việc. Không khí rộn rịp lạ thường. Ôi! Khát vọng hòa bình. Xe vào nhiều. Khoái quá!

Mình  đã làm được một cái chăn dù và đã có một cái dù nguyên. Ít nữa, hòa bình, đưa về nhà làm kỷ niệm, chắc hẳn gia đình thấy vui hơn.

25/12

Làm cả ngày cả đêm, ăn cơm ngoài đường.

 26/12

 Đã qua hai ngày đình chiến, kẻ thù chưa thấy hoạt động mấy nhưng cái rét tê tái lại trở về.

27/12

            Thay đổi tổ chức. Một tiểu đội bộ đội bổ sung vào trung đội. Как? Почему? [2]

28/12

Muốn viết nhật ký theo đúng tâm trạng lúc này quá. Nhưng lạ kỳ, "bẹo" mãi mà không ra một chữ nào. Sao vậy? Tôi hiểu rồi: Gia đình, cha mẹ hiện lên rõ nét chi phối tâm hồn. Bao giờ mới được chuyển sang bộ đội đây?

Chú thích (tháng 12/1966)

[1] Chữ Nga trong bản gốc, tạm dịch: Bạn không phản đối chứ? Tôi hy vọng và tôi sẽ có thể làm được tất cả, bởi vì tôi có khả năng làm như thế. Tôi đang bước vào lứa tuổi hai mươi.

[2] Chữ Nga trong bản gốc: Gì thế? Sao vậy?