ÁN VĂN CHƯƠNG CŨNG CÓ BA BẢY ĐƯỜNG

 

Tôi còn nhớ cái ấn tượng cách đây trên hai chục năm, ở sân thư viện lần đầu tiên được bạn bè chỉ cho thấy tận mắt một trong những người mà nay được kể vào hàng những nhà văn từng chịu một trong các án văn chương. Khuôn mặt như nhăn nhúm xệch xạc, tóc râu lởm chởm, áo quần nhàu nát, dáng đi vẹo vọ… Cái dáng hình kẻ chịu nạn ấy, tôi đang muốn coi như tiêu biểu của một loại số phận thì ít lâu sau lại được thấy một hình ảnh khác. Một người cũng trong số phận ấy, nhưng có dáng vẻ như là vô lo, quần soọc xe đua tới thư viện, nhanh nhảu vừa hỏi mượn sách báo, tìm tra từ điển, vừa ghé tai chọc đùa hết người quen này đến người quen khác, nhởn nhơ như chẳng có chuyện "chịu án" chi cả, mặc dù đến lúc ấy ít ra ông vẫn phải tuân thủ một hình phạt: không được phép đăng bài, ký tên trên báo chí…

 

Thì ra, cách chịu án văn chương không phải chỉ có một.

 

Có thể giới luật học sẽ bảo giới văn nghệ là hàm hồ: có phải tất cả các sự việc các anh gọi là án, là vụ, đều là án, đều có án thực thụ cả đâu? Vâng, xét trên thủ tục thì có lẽ là thế. Nhưng cả giới đều gọi là vụ, là án, chắc cũng có căn cứ gì đó. Đây là án văn chương kia mà.

 

Thử điểm sơ sơ một ít án văn gần xa, thấy lắm cái lạ. Người đang sống, đang viết, dính án đã đành. Người chết từ lâu có khi cũng còn mắc vạ. Người vào sâu ở lâu trong giới trong nghề, sinh vì nghề tử vì nghề, bị án đã đành; lại thấy những người chỉ dính líu xa xa, hoặc chỉ đáo qua nghề viết gọi là, có khi cũng can án. Có những án đáng là án, nghĩa là vào thời như thế mà viết như thế, bị án là phải. Lại có những án chả đáng án bao nhiêu: cuốn sách "gây án" tưởng là nọc độc chết người thật, nay in lại đọc lại, thấy nhạt nhẽo vô hại đến không ngờ!

 

Dẫu sao án vẫn là án, đã dính là phải chịu. Sự "chịu" ấy là sự có thật. Giới viết văn vốn mang tiếng là độc đáo, khác người, nên chi trong cách chịu án cũng mỗi người một vẻ. Có ông giận dỗi, quày quả, kéo vợ con gồng gánh về núi: chả đến nỗi quyết "hái rau vi" đâu, vẫn "ăn gạo nhà Chu" thôi, nhưng là cho nó xa hẳn đi, khuất mặt hẳn đi một dạo, rồi trong cảnh  núi đồi quê kiểng vắng vẻ lại cắm cúi viết, cho ra bộ tam bộ tứ dày cộp. Dẫu con cái có thể ngầm oán thán vì vô tình bị "lưu đày" theo cha, bản thân nhà văn hẳn vẫn thấy hả.

 

Người khác không thế: họ chọn cách gượng cười chịu án, nhưng vẫn bám hội đoàn, bám cơ quan, chịu khó đi thực tế tự cải tạo, rồi ra khe khẽ trở lại văn đàn: nhờ cậy các quan hệ riêng vẫn có thể đăng bài in sách, đến một lúc nào đó thì xem như đã được xóa án, trong khi vô khối người cùng số phận vẫn còn chịu án dài dài.

 

Trở lại văn đàn! − Ít ai không mong thế, nhưng nào có dễ dàng! Cửa văn gài kỹ, có người lẩn qua cửa sân khấu, cửa điện ảnh, cửa dịch thuật… Ngày thường khó lọt cửa, may ra ngày lễ đỡ hơn: có lúc toan "tái xuất giang hồ" nhân một mùa đề tài thời sự, nếu sau đó bị phát giác, lại trở về nơi im lặng, cũng cam! Chả biết nên coi văn chương là nghề hay là nghiệp: ít thấy ai bị án treo bút lại thực sự bỏ bút, thôi viết, dù viết ra đấy mà chưa biết đến bao giờ mới được đăng.

 

Án, dẫu theo nghĩa đen (luật pháp) hay nghĩa rộng (luật lệ), bao giờ cũng là một thứ hình phạt. Chả hình phạt nào dễ chịu, kể cả trong các trò chơi. Song le, trong vô số án văn được biết, cũng đã thấy có những người viết nổi lên được hình như là nhờ một lần dính án. Hóa ra trong án còn có cả duyên cả phúc, nào phải chỉ có tội nợ với tai hoạ! Một cuốn sách, một bài báo với mấy câu chữ, mấy ý tứ phạm huý, tác giả liền bị phê tới tấp, bị phê mà cấm được cãi. Thế đích thị là dính án rồi. Anh cảm thấy dường như các tòa soạn nhất loạt xa lánh anh, ít nhiều bạn bè người quen tỏ ra tránh mặt anh, trong lúc anh như đang mắc hội chứng cấm khẩu nhân tạo thì thỉnh thoảng trên đài báo lại thấy những lời đang nhằm vào chỗ anh phạm húy mà chì chiết, đay nghiến, rủa sả…

 

Thế nhưng cõi đời hóa ra còn rộng hơn anh tưởng: chốn đình trung anh đã là con hư, là con hủi, thì ngoài phố ngoài làng không biết chừng anh lại thành người khả ái, thậm chí người hùng! Được đón rước, đãi đằng, cái ấy khỏi nói. Đáng nói là nghịch lý này: vì dính án mà anh như có giá, thậm chí cao lên đến mấy giá! Rồi ra, vận hạn qua đi, nếu biết tận dụng, anh có thể trở nên thời danh, thành mặt hàng "chiêu khách" của vài tờ báo, thành diễn giả "chủ bài" cho một vài hội thảo… Cố nhiên, người được cái duyên hoán cải này phải ở trường hợp án nhẹ, án nghĩa rộng, lại cũng phải là án mới, tương đối gần đây, bởi càng gần về đây những án vô hình đã kém thiêng, còn các án do cố chấp và quy kết thì đã thành đầu đề đàm tiếu cho thiên hạ…

 

Nhưng, ngay những người bị án nặng, án nghĩa đen, có tuyên phạt hẳn hoi, có khi cũng nhờ dính án mà thành tựu được một cái gì.

 

Nghe đồn rằng văn hào Solzhenitsyn, thời mới xuất hiện, đã suýt ăn giải lớn (giải Lenin). Người ta bảo nếu trúng giải, có thể đời ông sẽ rẽ theo ngả ôn hòa hơn. Là đoán thế thôi, vì giải đã hụt thật, sau đó ông lại dính án, bị trục xuất. Văn nghiệp ông tiếp tục hướng quyết liệt đã chọn. Đoạt giải Nobel văn chương (1972) rồi, ông vẫn quyết liệt như thế.

 

Ông  Havel, từng là nhà viết kịch và từng ngồi tù, gần đây được hỏi bây giờ có viết kịch nữa không thì ông bảo khó lắm: khó viết không phải vì quá bận trong công việc của một đương kim tổng thống, mà hình như vì… không thể tạo điều kiện mỗi tuần vào tù ngồi vài buổi để có thể cảm thấy nhu cầu viết!

 

Chưa thấy những mẫu tương tự nhưng ở ta dẫu sao cũng thấy có người, do bị án treo bút suốt vài chục năm nên có điều kiện (!) đọc rộng, nghĩ kỹ, viết được những trang văn đằm hơn, kỹ hơn, gan ruột hơn, có khi dám thể nghiệm một hướng viết khác, dẫu chưa đo được kết quả, bởi còn chưa được trình làng.

 

Nữ sĩ Anna Akhmatova (1889-1966) từng qua mươi năm bị treo bút, bị lăng mạ, nhưng còn kịp được khôi phục, được in, được ngợi ca ngay lúc sinh thời. Được hỏi cảm tưởng về hai đoạn nhục vinh đã trải, bà bảo: cũng như nhau cả thôi hai thứ ấy − cay đắng và vinh quang.

 

Nhưng phải an nhiên tự tại lắm thì mới cảm nhận chuyện vinh nhục dẫu sao  cũng chỉ là các quan hệ bên ngoài. Thói thường người ta, lúc chịu hình phạt thì giãy giụa thở than, thậm chí van lơn thề thốt, lúc vinh quang thì ngất nghểu cao ngạo, xem ra đắc ý với sự tôn vinh của xung quanh lắm lắm. Trò đời, sự mãn nguyện của người này làm gai mắt kẻ khác. Nên chi người ngoài cuộc chúng ta dễ có tâm lý này: với bậc tài danh đang lâm nạn thì thương cảm, trân trọng, nhưng lúc ông ta đắc thế thì hãy đứng xa xa: thêm một kẻ vỗ tay nào có khó gì!

 

Có thời, bao người trong giới viết từng thở phào bởi thấy mình "ngoại phạm" sau mỗi sự cố. Nay, thời gian qua đi, chả biết có ai âm thầm tiếc rẻ: giá như hồi ấy, mình cũng bị hơi hơi dính líu?

 

Phàm đã cầm bút, ai chả mong gây được phản xạ, nhẹ cũng được, mạnh càng tốt. Ai dám bảo các phản xạ từ các phía lại không hàm chứa khả năng nổ thành vụ án văn chương?

15/3/1992