CẦN MỘT THIẾT CHẾ VĂN HÓA VĂN NGHỆ

PHÙ HỢP TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

 

 

Công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa đã góp phần tạo ra những nét mới, diện mạo mới cho đời sống văn hóa văn nghệ. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng cho đến nay vẫn chưa hình thành được (dù chỉ ở mức tương đối căn bản) một thiết chế văn hóa văn nghệ phù hợp với thiết chế kinh tế xã hội đã và đang định hình. Vẫn còn thiếu những cơ quan nhà nước đủ thẩm quyền để quản lý các mặt hoạt động văn hóa văn nghệ. Trong khi đó, những tổ chức xã hội nghề nghiệp của văn nghệ sĩ, − tức là những hội sáng tác hiện giờ mà xét về tính chất thì hẳn phải nằm ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước, nhưng trên thực tế, các hội sáng tác này hiện vẫn còn đang đảm đương một số chức năng quản lý nhà nước nhất định. Bởi vậy, cần có những chuyển động tiếp tục nhằm hình thành và hoàn thiện dần một thiết chế văn hóa văn nghệ phù hợp trong điều kiện một xã hội pháp trị, một nhà nước pháp quyền.

 

1/ Cần sớm ban hành những đạo luật làm cơ sở cho hoạt động văn hóa văn nghệ trong một nhà nước pháp quyền, trong đó thiết yếu nhất là luật về việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội (hoặc “đoàn thể xã hội”), luật bản quyền, luật xuất bản, v.v…

 

2/ Cần lập những cơ quan nhà nước đủ thẩm quyền để đảm bảo việc tuân thủ luật pháp trong hoạt động văn hóa văn nghệ.

 

Cụ thể là nhà nước cần cho lập Sở kiểm duyệt theo quy chế cơ quan một cấp (chỉ có cấp trung ương, có thể đặt cơ sở ở hai hoặc ba vùng lãnh thổ) nhằm đảm bảo tính hợp hiến hợp pháp trong việc sản xuất, phổ biến và lưu hành các tác phẩm văn học nghệ thuật.

 

Cũng cần lập một Ủy ban trực thuộc chính phủ chuyên trách về quan hệ với văn nghệ sĩ. Tất cả những chức năng quản lý nhà nước mà cho đến nay vẫn còn giao cho các hội sáng tác đảm nhiệm (ví dụ giải quyết các chính sách, chế độ, xét và đề nghị tặng thưởng, tài trợ, cử đi công tác nước ngoài, v.v…) cần được chuyển về cho ủy ban này, vì chỉ một cơ quan của chính phủ (tốt nhất là các viên chức của cơ quan này không phải là văn nghệ sĩ) mới đủ thẩm quyền nhà nước để giải quyết tất cả những quan hệ hành chính-xã hội-kinh tế nảy sinh trong thực tiễn hoạt động văn học nghệ thuật.

 

3/ Chỉ sau khi đã trả lại các chức năng quản lý nhà nước về cho cơ quan quản lý chính thức của nhà nước, các hội sáng tác hiện có (và các hội tương tự có thể xuất hiện thêm) mới có điều kiện tự chấn chỉnh hoạt động để trở thành những tổ chức xã hội-nghề nghiệp thực thụ.

 

Trên cơ sở một đạo luật chung về việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp (được ban hành càng sớm càng tốt), nhà nước cần tiến hành việc đăng ký lại của các tổ chức xã hội này tại một cấp chính quyền nhất định (trung ương hoặc địa phương). Điều kiện tồn tại hợp pháp là các tổ chức xã hội như trên cần phải được chính quyền chính thức cho phép đăng ký hoạt động (nếu tôn chỉ mục đích của tổ chức đó không vi phạm các quy chế pháp luật).

 

Ngoài ra, theo tôi, không nhất thiết mỗi ngành văn học nghệ thuật lại chỉ được phép có một hội duy nhất trong cả nước (sự duy nhất có thể đẻ ra tình trạng cửa quyền, độc quyền của một nhóm văn nghệ sĩ nhất định). Thực tế hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ tạo ra những cách thức thích hợp mà vẫn tuân thủ sự quản lý của nhà nước pháp quyền. Tất nhiên, phương diện kinh tế trong hoạt động của các tổ chức ấy sẽ phải tuân thủ những luật về kinh tế và phải chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý kinh tế của nhà nước.        

 

 

● Tạp chí “Tuyên truyền” , số 9/1991.