ĐỂ CÓ CÁI MỚI...

Văn nghệ rất cần cái mới, nó là nguyện vọng thường xuyên của mọi nghệ sĩ không muốn cái mình làm ra chỉ giống như loại sản phẩm được chế tạo hàng loạt...

 

Đổi mới đang là nhu cầu nội tại của xã hội chúng ta, trong mọi lĩnh vực đời sống, từ các mặt kinh tế xã hội đến văn hóa tinh thần. Đổi mới, cải tổ cũng đang là nhu cầu của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, nói như nhan đề một bài trên báo Nhân dân gần đây, chủ nghĩa xã hội đang tự phê phán, bởi vì cái thiết chế xã hội rất mới rất trẻ này chưa có lý do gì để tự bó lại trong một hình hài cố định, chết cứng. Nó cần phát triển, đổi mới, hoàn thiện không ngừng...

 

Nhu cầu về cái mới trong văn nghệ, như thế, hiện không chỉ là nhu cầu tự thân mà còn có sự đòi hỏi, sự thúc đẩy từ bên ngoài, từ nhu cầu của công cuộc cải tổ, đổi mới của toàn xã hội.

 

Có vẻ như chẳng ai trong giới văn hóa văn nghệ lại phản đối cái mới, phản đối đổi mới. Nhưng, nói chung chung thì dễ, đi vào cụ thể mới nảy ra nhiều vấn đề.

 

Trong một số tiếp xúc trong giới gần đây, giữa những lời luận bàn, có thể nghe thấy khá rõ một mạch ngầm đầy ý "răn đe" đại khái thế này: đổi mới ư, tốt thôi, nhưng đừng có phủ định thành tựu! Dễ thấy là lời cảnh cáo từ mươi năm trước đang được kiên trì nhắc lại. Nếu có thiện ý thì xin hãy yên lòng: chúng ta đâu có ý đồ phủ định mình? Một nền văn nghệ mới, ra đời và lớn lên trong vận hội mới của dân tộc, đâu có muốn tự khẳng định chặng đường mình vừa đi qua, qua rất nhiều ấu trĩ non nớt để đến được cái chặng hôm nay?

 

Nhưng nếu cùng hiểu như thế, thì thật ra ngay nỗi lo lắng và lời cảnh cáo ấy cũng không có lý do tồn tại.

 

Vấn đề là một nền văn nghệ muốn đổi mới, muốn đi tới, thì cũng cần tự nhận thức, tự phê phán, cũng như xã hội ta, Đảng ta đã và đang tự phê bình, mà hành động tự phê bình kiên quyết và dũng cảm nhất là bắt tay vào sự nghiệp đổi mới. Có lẽ chăng, đã có một sự đánh tráo chữ nghĩa, coi hành động tự phê phán như là "phủ định thành tựu"?

 

Nhưng vấn đề không phải chỉ ở chỗ đó. Vấn đề còn là ở chỗ đằng sau những lo lắng kia là một tâm lý sợ thay đổi. Hãy đi mà làm cái mới, đừng động gì đến những cái đã qua, quá khứ cứ để nguyên đấy! Chao, được như thế thì còn gì bằng! Khốn nỗi, trong những cái đã qua, có cái là quá khứ tuyệt đối, dẫu khui ra cũng chỉ là đồ cổ sang trọng; lại có cái tuy đã qua mà vẫn bám riết lấy người ta, nó làm thành khí hậu, nếp sống, nếp nghĩ, chuẩn mực, thước đo. Anh đi làm cái mới, khác kiểu, nhưng người ta cứ giở thước đo cũ ra, anh tính sao? Đến cái đoạn ấy, anh đã can tội "phủ định" rồi đấy!

 

Xin nhắc lại một chuyện đã cũ trong văn học sử. Hẳn có người còn nhớ mấy câu: Nắn nót miễn sao nên bốn vế, chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ! Có công bằng không, đối với thơ Đường luật nói chung, cả Hán lẫn Nôm, khi người ta ném vào cả làng thơ đương thời mấy câu xấc xược và cũng chẳng có gì xuất sắc này? Nhưng chính là bằng hàng loạt hành động tương tự, nhằm lấy "khí thế", song song với hoạt động sáng tác theo lối khác hẳn, "thơ mới" đã chiến thắng, đã đẩy thơ tiếng Việt đi lên. Những năm 1930, nếu người ta cứ giữ một thái độ tôn kính, dù "kính nhi viễn chi" đi nữa, đối với thơ lối cũ, thì hẳn đã không xuất hiện cái bước tiến mới ấy của thơ Việt Nam.

 

Trong đời sống văn nghệ, tạo ra cái mới đã không dễ dàng mà để chấp nhận cái mới lại càng ít dễ dàng. Thói quen sống bình an giữa những giá trị cũ nhưng ổn định, không muốn chấp nhận bất cứ sự thay đổi nào, thường khi lại là cơ sở tâm lý của rất nhiều ngôn luận rất mực hùng hồn, chĩa mũi nhọn vào các dấu hiệu phôi thai của cái mới. Những tình thế bi hài kịch như vậy, nhân loại đã biết đến khá nhiều và ở khá nhiều lĩnh vực.

 

“Cái mới, cần lắm chứ, nhưng phải là mới thực sự, mới đích thực kia!” − lắm khi tôi như bị lây tác phong của nhiều vị khả kính, cũng nghĩ như vậy. Song, ngẫm ra mới thấy sự vô lý của mình. Một cái mới còn chưa rõ mặt, làm sao biết được bộ dạng "thực sự", "đích thực" của nó? Còn như cứ khăng khăng đòi nó phải như thế này chứ không thể như thế khác, − thì có nghĩa là ta đã áp đặt chủ quan, đã mắc phải thói quy phạm hóa mất rồi!

 

Cái mới sẽ đến theo ngả nào, sẽ xuất hiện trong dấu hiệu nào? Ta căng mắt ra nhìn, dỏng tai lên nghe, mà rồi vẫn cứ ngạc nhiên, bởi vô số những sự trái khoáy của nó.

 

Hãy lấy một ví dụ trong sinh hoạt thông thường. Cách đây 10 năm, trên đường phố Hà Nội, ai mà chấp nhận được là trong số những người đứng đắn, nữ lại có thể mặc áo đỏ, nam lại có thể mặc áo hoa? Mặc những thứ màu chói, rợ, may bó sát thân thể chỉ có thể là đám người nhố nhăng phe phẩy ngoài chợ giời. Còn dân cán bộ, sinh viên, dân có tem phiếu chữ E trở lên thì phổ biến chỉ là các màu nhàn nhạt, thời ấy được coi là "nhã" là "nền", với cái cổ lá sen nhất loại từ Bờ Hồ đến các phố huyện. Nay thì sự thể đã khác quá lắm rồi... Khỏi phải lạc đề sang lĩnh vực phê bình thời trang, chỉ xin ghi lấy nhận xét này: một cái sơ-mi nữ đỏ chói, một cái sơ-mi hoa hoét sặc sỡ, để có thể trở nên hợp thức trong giới "đứng đắn", thậm chí để có thể trở thành mốt sang, đã phải trải qua giai đoạn "thử nghiệm" trên thân hình những kẻ gọi là "nhố nhăng", "càn quấy", "ngổ ngáo". Nó đấy: một trong những nẻo đường nghịch lý dẫn đến cái mới. Và xin đừng coi thường nó. Chính là theo nẻo đường kiểu ấy, tiểu thuyết đã trở thành nghệ thuật, ả vịt con xấu xí trở thành nàng thiên nga kiều diễm.

 

Rất có thể chính "quy luật" trên (mà tôi diễn tả thô thiển trong ví dụ thời trang) đang bộc lộ trong văn nghệ ta hiện giờ, nếu căn cứ vào một số quan sát tình hình một bộ phận sáng tác văn xuôi kịch văn thơ. Có những khía cạnh những hiện tượng rất lộ liễu rất "có vấn đề" ví dụ sự nhếch nhác về nhân cách của một vài nhân vật hoạt động văn hóa, bệnh ảo tưởng đối với những giá trị ảo là những điều hầu như ai cũng thấy, nhưng ít ai dám viết, càng là người có vị trí nghiêm chỉnh chỉn chu càng không muốn động bút vào, vì nể nang, vì không muốn xách mé, làm mất lòng... Thế rồi có người đã viết, bằng cả một cuốn tiểu thuyết, không vững tay lắm, văn chương thì xoàng thôi, thậm chí rất khó cãi là có giọng cải lương mùi mẫn, triết lý đại ngôn non nớt vụng về, cấu tứ khiên cưỡng, nhân vật sơ lược v.v... và v.v... nhưng ít nhiều đụng tới được cái điều nhiều người không dám nói. Có không ít những vở kịch truyền đạt những triết lý chẳng sâu sắc gì, thậm chí lại đầy vẻ dạy đời, nhưng bày ra được một số hiện tượng có thực trong sinh hoạt đương thời, với một lối viết dễ dãi hiếm thấy... nhưng có công chúng, thậm chí rất đông. Loại trừ cái phần câu khách, ăn khách không mấy ai khen, ở những sáng tác văn xuôi hoặc kịch ấy cũng biểu hiện "một cái gì" trên một hướng phát triển của văn nghệ: rõ nhất, đó là sự phá cách, là muốn lệch đi so với những chuẩn mực nghiêm cẩn đã không còn mấy tác dụng nữa của lối viết trước đây. Sự phá cách cũng đang có biểu hiện trong thơ, qua một vài giọng thơ đang thử nói ngang tàng, khủng khỉnh, hoặc rủ rỉ nhát gừng, hoặc cố ý tạo một giọng trầm uất hoài nghi v.v... hình như để phá cái giọng réo rắt mê hoặc, cái giọng ngọt xớt trơn tru như tuồng định công nhiên nói dối, cái giọng an nhiên tự mãn đến phát ghét, cái giọng quá tự tin đến mức dễ thiển cận, để phá những cái khuôn gieo vần chưa cũ lắm nhưng đã khá sáo mòn...

 

Phá cách chưa phải là cái làm mới, nhưng đã biểu thị ý hướng thoát ra khỏi lề thói cũ, cung cách cũ, quan niệm cũ. Nó là cái cố gắng làm khác đi. Chính từ những thí nghiệm "làm khác đi" ấy, cái mới sẽ nảy sinh dần. Nó cần thời gian để chín dần dưới tay người sáng tạo, cũng cần thời gian để công chúng và đồng nghiệp quen dần, tập cách chấp nhận dần dần.

 

Chỉ có quá dễ tính mới có thể bằng lòng coi những sáng tác "phá cách" ấy là những thành tựu nghệ thuật. Nhưng nếu chỉ khó tính, lấy "gu" thẩm mỹ cao để dè bỉu, chê bôi, không thấy tín hiệu gì của hàng loạt hiện tượng "phá cách" đó đối với nhu cầu đổi mới của tiến trình văn nghệ trước mắt, thì cũng rất dễ trở thành bảo thủ và duy mỹ đến mức đáng trách.

 

Trong thực tế chiến đấu trước đây, để cắm được lá cờ toàn thắng lên giữa đồn giặc, đã có biết bao chiến sĩ phải nằm lại dọc đường, từ cửa mở đến mỗi hàng rào? Phải chăng có thể so sánh công lao của những người tham gia "phá cách" trong sáng tạo nghệ thuật hôm nay với những người hy sinh vô danh ấy, bởi trong sự "phá cách" để dọn đường cho cái mới, ai cũng thấy rõ là khả năng nằm lại dọc con đường đi đến cái mới là chắc chắn hơn nhiều so với khả năng đi đến đích, tạo được những tác phẩm toàn bích xứng đáng gọi là thành tựu mới.

 

                                                        21/9/1987

● Báo “Văn nghệ” số 1 (9/1/1988)