ĐỘ RỘNG NGHIỆT NGÃ

 

Khoảng một năm trở lại đây, việc in các tập thơ có vẻ dễ dàng hơn, chứng cớ là có rất nhiều tập thơ đã ra mắt.

 

Có người không ưa cảnh nhộn nhịp này đã bực bội trách cứ cái phương thức được gọi là "tác giả tự bỏ vốn" in thơ, xem đây là một đầu mối của những lộn xộn. Thật ra xu hướng thương mại trong xuất bản còn chưa động đến thơ. Lý lẽ đơn giản: đây không phải là chỗ người ta kiếm được lãi. Và tuy có lúc bị mang tiếng là sách "tự in", song mỗi tập thơ đều có một nhà xuất bản đứng tên, nghĩa là đúng thủ tục, hợp pháp.

 

Lẽ cố nhiên, diện mạo sách cũng in dấu cái vốn liếng tài chính của tác giả. Có tập xuềnh xoàng như là dáng dấp vất vả của các nhà thơ nghèo. Có tập bảnh bao như là muốn cho thấy một chủ nhân dư dật… Nhưng điều dễ làm cho một số người bực bội không phải chỗ đó mà thường là ở chỗ: dường như có những "tác giả" không đáng là nhà thơ lại có thể in thơ thành tập! Theo đà bực bội, người ta có thể nghĩ quá lên rằng không khéo mỗi người dân Việt đều sẽ có một tập thơ, và thế là cái danh hiệu nhà thơ chính ngạch của anh của tôi lâu nay sẽ thành vô nghĩa!

 

Ngẫm lại cho kỹ, nhớ lại cho rõ, ta sẽ thấy không phải đến bây giờ mới có chuyện có những người "ngoại đạo" bỗng dưng nhảy đại vào làng thơ, tự trình bày mình như một "thi nhân"! Tham vọng làm nhà thơ không buông tha ngay những người đã rất thành đạt rất nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác! Của đáng tội, thơ ca cũng dễ mê người như son phấn, hơn son phấn: nó có thể là một phương cách bổ sung hoặc sửa đổi cái hình ảnh đã có của mình ở công chúng, xóa bớt đi những nét gớm guốc, bồi thêm những nét nhân từ, tạo thêm sự đồng cảm và uy tín, chứ không giản đơn là lĩnh một suất theo tiêu chuẩn, tựa như một chiếc xe đạp cung cấp thuở nào!

 

Tự trình bày mình như một nhà thơ có nghĩa là tự trình bày mình  như một nhân cách văn hóa, như một bản ngã với một thế giới tâm hồn sâu sắc hay u ẩn nào đó, một năng lực sáng tạo nào đó. Sự xuất hiện nhiều tập thơ hiện nay − trong số đó có không ít những người chưa hề được biết đến như nhà thơ − phải chăng tỏ ra rằng con người hiện thời không chỉ có tham vọng tiện nghi vật chất mà còn có tham vọng văn hóa?

 

Tôi hoàn toàn không muốn làm mếch lòng một ai đó nghe nói là khá giả đã bỏ tiền túi ra để lo việc in ít bài thơ mình đã làm ra thành một tập trong thời bao cấp, nay phải nhờ cậy lưng vốn của những người bạn hảo tâm, để tập thơ của mình được ra mắt, được xuất hiện trên các quầy sách, dẫu được khách hàng lưu ý hay thờ ơ.

 

Để bàn chuyện con người ta tự khẳng định mình như một nhân cách văn hóa, vẫn phải nói rằng chuyện này thậm chí còn khó hơn cả việc trở thành những người hữu sản chẳng hạn. Cùng một thời với nhau, có biết bao nhiêu người làm thơ, nhưng qua thời gian − của những thập niên chứ chưa nói thế kỷ − khả năng còn lại bao giờ cũng rất ít. Vậy mà cái dấu ấn về một thời thường bao giờ cũng dễ tìm thấy nét khắc trong thơ, dễ được đặc trưng bằng một vài câu thơ nào đấy, sẽ được thời gian lựa chọn. Với một lĩnh vực như phê bình chẳng hạn, khả năng "sống sót" qua thời gian là cực hiếm, hầu như tất cả sẽ chết trong quên lãng. Với thơ, tình hình dường như có khả quan hơn chút ít. Ai làm thơ mà không có lúc tơ tưởng đến một viễn cảnh xa xôi, khi một vài câu thơ của mình sẽ được ngâm ngợi như là lời "tổng kết" cho thời mình đang sống? Nghĩa là với mỗi người bao giờ có vẻ như vẫn còn một phần ngàn của tia hy vọng.

 

Thành thử, cái nhộn nhịp phần nào đa tạp của thơ in thành tập hôm nay có vẻ như đang tạo thêm độ rộng cho sự lựa chọn nghiệt ngã sẽ diễn ra. Cái nhiều làm tăng độ rộng. Sự lựa chọn hẳn sẽ không bớt nghiệt ngã. Nhưng cũng hẳn là ít ai chịu bỏ cuộc từ đầu; nếu không, người ta đã chẳng quyết chí in thơ của mình ra nhiều đến thế.

3/8/1990

● Báo “Tiền phong”, 1990