ĐỌC VĂN PHẢI KHÁC VỚI ĐỌC SỬ

Các ý kiến của bạn Tạ Ngọc Liễn trong bài viết (trên “Văn nghệ” số 26, ngày 26/6/1988) về truyện ngắn Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là cách hiểu không phải chỉ của một mình bạn, nên chúng tôi thấy cần trao đổi lại đôi điều.

 

Hẳn bạn Liễn và nhiều bạn đọc đều đồng ý rằng văn học không phải là sử học. Tác phẩm văn học viết về lịch sử, dù nổi tiếng như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử cũng không thể thay thế cho các bộ chính sử, thông sử. Mặt khác, lại không thể phủ nhận ý nghĩa nhận thức lịch sử của những sáng tác nghệ thuật có giá trị nào đó.

 

Cách đọc tác phẩm văn học viết về lịch sử cũng khác với cách đọc các công trình sử học. Nếu có một loại thể văn học mà cách tiếp nhận nó khá gần gũi với cách đọc các bài nghiên cứu thì đó là thể chính luận: ở đây các ý kiến, các kiến giải là phát ngôn đích thực của tác giả, tác giả phải chịu trách nhiệm về các ý kiến, về sự biện giải ấy của mình. Nhưng văn xuôi nghệ thuật (tức là các thể truyện, nằm trong cái mà thuật ngữ nước ngoài ngụ vào từ fiction - văn học hư cấu) không phải là chính luận. Các phát ngôn trong văn xuôi nghệ thuật không phải bao giờ cũng là trực tiếp của tác giả. Ngay nếu như trong tác phẩm ta bắt gặp ai đó xưng "tôi" để kể chuyện thì cái tôi đó vẫn chỉ là một vai, và những phát ngôn từ miệng "vai" ấy không thể xem là chính kiến của nhà văn tác giả. Có lẽ, chính ở chỗ này, ta có thể thấy là bạn Liễn đã nêu một cách đọc không phù hợp với cách đọc tác phẩm văn xuôi nghệ thuật.

 

Bạn Liễn xuất phát từ chỗ cho rằng "nhân vật người Pháp tên là Phơ-răng-xoa Pơ-ri-ê (Phăng)... chính là nhân vật (do) Nguyễn Huy Thiệp xây dựng ra để nói hộ mình những suy ngẫm về mọi chuyện, trong đó có sự đánh giá Gia Long, Nguyễn Du, và quan trọng hơn là đánh giá đặc điểm dân tộc ta, truyền thống văn hóa, văn minh Việt Nam và lịch sử Việt Nam thời Nguyễn, lúc bắt đầu tiếp xúc với người châu Âu". Từ đây, do đinh ninh rằng Phăng là kẻ phát ngôn chính cống của tác giả, bạn Liễn đã lên tiếng tranh luận về các vấn đề sử học vốn là ngành chuyên môn của anh. Bạn Liễn đã bàn luận thật là hùng hồn, tưởng như phản bác thẳng vào Nguyễn Huy Thiệp, nhưng thật ra, anh chỉ có tranh cãi với Phăng – cái người ngoại quốc hư cấu ấy – và những "bút ký" (dĩ nhiên cũng hư cấu nốt) của anh ta! Nhân tiện, xin kể với bạn rằng hồi nhỏ, khi đọc Chí Phèo, nhất là ở đoạn vào truyện, tôi cứ muốn cãi nhau nếu không phải với đích danh anh chàng Chí say mèm thì cũng là với cái người vô hình nào đó cứ lên tiếng đế vào giữa các ý tưởng bát nháo đang ong ong trong đầu kẻ nát rượu, nhất là những câu như: Tức mình hắn chửi cả làng Vũ Đại nhưng cả làng Vũ Đại, ai cũng nghĩ chắc hắn chừa mình ra! Mãi về sau tôi mới nghĩ ra rằng mình vô lý, rằng dù có muốn, mình cũng không thể tìm ai để cãi, bởi ông tác giả đã dùng đến cái ngón võ nom thì hớ hênh mà thật kín, đố có đụng vào được, nếu không muốn tự tố cáo rằng mình không biết cách đọc văn chương vậy!

 

Phăng hư cấu không phải là "người phát ngôn" của Nguyễn Huy Thiệp. Và nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy cái người xưng "tôi" trong truyện cũng không phải Nguyễn Huy Thiệp ngoài đời, – đó chỉ là một vai "tôi" hư cấu. Đã vậy thì khó mà gán bất cứ câu nào trong truyện như là chính kiến, là phát ngôn trực tiếp của tác giả. Trong những trường hợp tương tự, nếu muốn tìm quan niệm của tác giả thì phải thông qua toàn bộ câu chuyện, thông qua cái xu hướng (rất kín đáo và đầy nghịch lý) của nó.

 

Trách cứ như bạn Liễn rằng "nhân vật Phăng... sao lại quá kém về kiến thức lịch sử như vậy" – thì quả là quá... thật thà! Ở già nửa đầu Vàng lửa, truyện có vẻ như chỉ chép lại một số đoạn bút ký đáng chú ý của Phăng trong đó có nhận xét về Gia Long, Nguyễn Du, về dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Đây dĩ nhiên là cách nhìn mang nhiều nét chủ quan, phiến diện, định kiến, nhưng chỗ nghịch lý là phải chăng trong đó không có một chút sự thật nào? Người đọc sẽ phải dè chừng. Tác giả không "Việt hóa" cái nhìn của người nước ngoài, tuy cách làm không hay ho gì ấy là dễ nhất. Trái lại, anh huy động sự suy nghĩ độc lập, sự "gián cách", "lạ hóa" trong cách tiếp nhận của người đọc, bắt người đọc phải đối mặt với loại "ý kiến ngược".

 

Sang phần sau, kể về chuyến đi tìm vàng, tác giả chuyển việc kể chuyện cho một người Bồ Đào Nha – dĩ nhiên cũng là hư cấu, với việc trích "bút ký" của ông này. Việc chuyển vai kể chuyện này làm lộ ra khả năng lật tẩy Phăng, tố cáo tính tàn bạo của anh ta. Đến đây những lời nhận xét và kể chuyện của Phăng ở đoạn trên rõ ràng là đã bị hạ giá, bị nghi ngờ thêm một lần, tuy vẫn không mất hết yếu tố khách quan.

Cuối cùng, ba đoạn kết "dự kiến" do vai "tôi" tạo ra làm cho câu chuyện trở nên bất định, có thể thế này hoặc thế kia. Nhưng sự bất định của các chi tiết sự kiện lại một lần nữa đánh thức cách nhìn chủ động, xác định ở từng người đọc.

 

Hẳn có bạn sẽ bảo: việc gì phải rắc rối thế, sao không nói thẳng ý kiến mình? Nhưng nếu thế thì phải yêu cầu Nguyễn Huy Thiệp viết một cái khác, thuộc thể chính luận hoặc một bài nghiên cứu lịch sử. Cái lợi hại của văn xuôi nghệ thuật là ở chỗ nó không đồng nhất với văn chính luận. Ai nhận thấy cái khe hở, cái khoảng cách giữa phát ngôn chính luận và những "ý kiến riêng" từ góc nhìn riêng của các vai truyện khác nhau sẽ mặc sức tung tẩy ngòi bút. Đọc Gặp gỡ cuối năm chẳng hạn, ai dám bảo các "ý kiến riêng" của những trí thức và chính khách của chế độ cũ ở Sài Gòn lại là chính kiến của tác giả Nguyễn Khải? Vì sao các nhà văn ngày nay lại có vẻ hay "lạm dụng" các "ý kiến riêng", nhất là "ý kiến ngược"? Lý do thì nhiều, nhưng hẳn là do hoàn cảnh "dân trí" đã phát triển. Muốn tôn trọng người đọc với sự nhận thức rất độc lập của họ thì nên để họ tự xác lập lấy các nhận định của họ. Đã thế thì phải tìm tới những cơ cấu nghệ thuật kiểu khác, sao cho các ý kiến riêng, các góc nhìn riêng, khác hẳn thậm chí đối lập với cách nhìn hợp lý, được quyền lên tiếng, thậm chí đến mức như chọc tức người đọc.

 

Nếu lấy chức năng kể chuyện để định danh cho loại nhân vật ở đây thì cả Phăng, cả người Bồ Đào Nha (và đôi khi cả vai "tôi" nữa) đều được xây dựng như là loại "người kể chuyện không đáng tin cậy" (unreliable narrator) gần như kiểu nhân vật tự thú. Đây là khái niệm do nhà nghiên cứu W. Booth (Mỹ) nêu ra khi ông nghiên cứu lời nói của tác giả trong văn tự sự (1961). Những đoạn "bút ký" của Phăng và người Bồ Đào Nha có thể được coi là những lời độc thoại độc đáo. Tác giả cho loại nhân vật này được quyền kể chuyện, nhưng lại có thái độ phê phán, thái độ sàm báng đối với họ. Có thể nương theo lời kể của họ để hình dung sự việc, cân nhắc tính khách quan và sự thật ít nhiều trong lời lẽ và chuyện kể của họ, nhưng chớ có tin hoàn toàn! Bởi dù sao thì dưới mắt tác giả, họ cũng không thật đáng tin, không thật đáng trọng về nhân cách. Rút lại, Phăng là một góc nhìn, người Bồ Đào Nha là một góc nhìn khác (vai "tôi" cũng là một góc nhìn khác nữa!). Mỗi góc nhìn này khó mà thoát khỏi phiến diện, chủ quan (đây là chủ ý của tác giả). Đặt giữa những góc nhìn riêng "không đáng tin cậy" như vậy, thiên truyện sẽ làm nảy sinh một thứ "lực thẩm mỹ" đặc biệt: đó là sự xác tín hoàn toàn có ý thức của người đọc, nó sẽ khắc phục những sự tự biện hộ hoặc những định kiến lầm lạc của những nhân vật kể chuyện.

 

Như thế, Phăng không phải là kẻ "nói hộ" cho tác giả. Nếu là con người bằng xương bằng thịt, Phăng có thể giỏi hoặc dốt về kiến thức lịch sử. Nhưng cãi với Phăng về lịch sử thì không thể là cãi với Nguyễn Huy Thiệp, với những tư tưởng về lịch sử của truyện Vàng lửa. Thế mà bạn Liễn mới chỉ có cãi với Phăng thôi. Thậm chí có thể đùa lại Ngọc Liễn bằng câu hoán vị lại thế này: nếu sang thế kỷ XXI, khi các quan chức tư pháp cũng thông thạo những "cách luật" của văn xuôi nghệ thuật thì hẳn bạn Liễn có thể sẽ bị "cáo giác" là đã gán cho một người những điều mà người ấy không trực tiếp phát ngôn kia đấy. Chung quy chỉ tại bạn đã đọc văn xuôi nghệ thuật như cách đọc các bài chính luận hoặc các bài nghiên cứu học thuật.

 

***

 

Tôi nghĩ là có thể hiểu được – tuy khó mà hoàn toàn đồng tình – phản ứng của bạn Ngọc Liễn, một người nghiên cứu lịch sử, trước một cái gì khá "báng bổ" đối với những nhận thức khá quy phạm của bạn. Dẫu sao thì Vàng lửa cũng động đến cả một vùng nhận thức quen thuộc đã thành nếp mà bạn Liễn chấp nhận như chân lý, không chút đắn đo. Vậy là bạn đề nghị khi viết về lịch sử, cả nhà văn "cũng phải phục tùng sự thật, đúng bản chất lịch sử, không được làm cho diện mạo lịch sử méo mó đi". Cái điều tưởng là không thể tranh cãi ấy, trên thực tế lại khác. Sự thật "tự nó" thì bao giờ cũng có đấy, nhưng là ở thế tiềm năng. Còn "sự thật cho ta" (nhất là sự thật "có lợi cho ta"!) thì không phải bao giờ cũng trùng khít với sự thật "tự nó", do trình độ nhận thức, do lợi ích nhất thời...

 

Bởi thế nên mới cần đến nỗ lực nhận thức (sự thật, lịch sử) của con người – mới cần có sử học, văn học và các loại hình nhận thức khác. Trong ý thức xã hội ở một thời điểm nào đó, tuyệt nhiên không phải chỉ có những "sự thật" đã bày ra sẵn, chẳng cần ai chỉ ra, chẳng cần ai cãi với ai rằng nó vuông chứ không tròn. Vượt lên trên giới hạn của những nhận thức đã có về một khía cạnh hoặc thời kỳ lịch sử nào đó, – tôi nghĩ, là xu hướng nhận thức thường xuyên của con người, là lý do tồn tại của sử học, và trong việc này hẳn văn học cũng có thể đóng góp không ít. Chắc bạn Liễn cũng biết, ví dụ ở Liên Xô gần đây, khi đặt vấn đề cải tổ trong các khoa học xã hội, nhiều người đã "giật mình" thấy rằng: về các sự thật bề mặt và bề sâu của những thời kỳ sùng bái cá nhân hoặc trì trệ thì sự "ghi nhận", "phản ánh", "phát hiện", "báo động" do nhiều tác phẩm văn học thực hiện lại là đáng kể hơn so với hoạt động của ngành sử học. Nếu theo dõi tường thuật một hội nghị mới đây giữa các nhà văn và các nhà sử học Xô viết, bạn sẽ thấy rõ điều đó.

Lĩnh vực sử học ở ta hẳn cũng không phải không có nhu cầu đổi mới. Dù là người "ngoại đạo", tôi cũng đã nghe thấy những lời than phiền về nếp nghĩ phong kiến, về định kiến đối với vị trí của triều Mạc hoặc triều Nguyễn. Trên những vấn đề như vậy phải chăng không cần đến "tư duy mới"?

 

Sự tham gia thật sự của nhà văn vào lĩnh vực các tri thức lịch sử không phải chỉ là giở các cuốn biên khảo ra rồi viết thành truyện (mặc dù điều này cũng chính đáng, khi có nhu cầu viết sách cho trẻ em, sách giáo dục truyền thống... nhất là về những sự kiện hoặc nhân vật không còn gây tranh cãi thật nhiều). Nhà văn có thể và cần phải tham gia bằng những đề xuất mới, nhất là khi họ có căn cứ để lật lại những "nghi án", những định đề đã không còn đủ sức đứng vững. Tất nhiên là mỗi nhà văn sẽ làm theo cách của mình, tốt nhất là theo cách của văn học, và bạn đọc trưởng thành sẽ không lầm lẫn tác phẩm văn học viết về lịch sử với các công trình sử học đích thực.

 

Nếu trở lại một chút với Nguyễn Huy Thiệp qua Kiếm sắc, Vàng lửa, tôi nghĩ là anh có điểm nhấn riêng, theo kiểu văn học (quan hệ giữa lịch sử và số phận con người, những mặt khác nhau trong nhân cách một đấng quân vương hoặc một nhân vật văn hóa...)

 

Về đề nghị thứ hai của Ngọc Liễn, cho rằng phải phân biệt quyền phê phán nhược điểm dân tộc với sự "xúc phạm danh dự dân tộc", thoạt nhìn trên câu chữ thì dễ đồng tình, nhưng đi vào thực tế sẽ khó thấy ranh giới hơn nhiều. Rất có thể những nhà văn trẻ muốn noi gương Lỗ Tấn nhưng lại phải chuốc lấy những lời lên án gay gắt của phần đông người cùng thời! Một nhà văn trẻ làm sao đã có ngay được cái uy tín của Lỗ Tấn để những lời đắng đót, chua chát – tuy là sự thật về dân tộc mình – lại không bị coi là "xúc phạm"? Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng – dân gian ta nói thế, chẳng rõ có hàm ý sự thật chính là một loại thuốc đắng hay không, nhưng trong thực tế, những sự thật không mong muốn, không đáng có, những sự thật mà nếu nghe nói ra thì người ta xấu hổ, quay mặt đi hoặc trút giận dữ, đòn vọt lên đầu kẻ phát ngôn, những sự thật mà, oái oăm thay, chính những người can đảm cảm thấy bổn phận mình nói to lên – những sự thật ấy nhiều khi rất giống với thuốc đắng, nhiều khi chính là thuốc đắng. Không biết bạn Ngọc Liễn có thấy như thế không?

 

● Tuần báo “Văn nghệ” số 30 (16/7/1988)