ĐÓNG GÓP CỦA VĂN HỌC VÀO TIẾN TRÌNH Ý THỨC XÃ HÔI

 

Khi nói đến ý nghĩa của sáng tác văn học một thời kỳ nào đó, theo thói quen, người ta thường hay chú ý trước hết đến việc ghi nhận, phản ánh những loại sự việc và con người nào đó của đời sống xã hội bên ngoài. Thế nhưng không thể quên rằng

sáng tác văn học trước hết là một hiện tượng ý thức xã hội. Nó tương ứng với trạng thái ý thức đương thời và góp phần vào sự tiến triển của ý thức ấy. Do vậy, một căn cứ không kém quan trọng để xem xét văn học là tìm hiểu xem nó bộc lộ được đến mức nào trạng thái ý thức xã hội đương thời, và nó đóng góp ra sao vào sự phát triển của ý thức xã hội.

 

Như đã được chỉ ra tại Đại hội VI của Đảng, thời kỳ từ sau 1975 đến trước đại hội ấy chính là thời kỳ mà trong ý thức xã hội nước ta liên tục diễn ra những cuộc tranh luận lớn: ở bình diện xã hội-chính trị, đó là những cuộc tranh luận về hàng loạt vấn đề chung quanh các hoạt động quản lý và tổ chức thực hiện đường lối kinh tế xã hội. Ở các bình diện tư tưởng đạo đức và sinh hoạt xã hội, cũng có hàng loạt những sự tranh luận, công khai hoặc ngấm ngầm, về hàng loạt vấn đề. Có thể nói từ hơn mười năm nay sáng tác của các nhà văn Việt Nam đã hình thành và ra đời trong không khí của những tranh luận, va chạm đó, đã đáp ứng và tham gia những luồng mạch tranh luận khác nhau đó, dù mức độ và chiều hướng có khác nhau. Và nếu như xét về tổng quát, các cuộc tranh luận đó đã đóng góp những tiền đề khác nhau để đẩy tới những tư tưởng mới được khẳng định tại Đại hội Đảng VI, thì cũng có thể nói rằng văn học những năm qua góp phần đáng kể vào tiến trình ý thức xã hội.

 

Sáng tác của các nhà văn chúng ta vẫn châu tuần xung quanh hai thực tế lớn nhất: thực tế chiến tranh giải phóng vừa qua và thực tế xây dựng đời sống hiện tại. Các tác phẩm viết về kháng chiến xuất hiện liên tục ngày một nhiều, trong số đó đáng kể nhất là những tác phẩm mang cốt cách của văn học tư liệu. Tuy nhiên, sức thu hút của hiện tại đương thời bao giờ cũng lớn (thậm chí nó tác động đến những sáng tác lấy chất liệu ở thời kỳ chiến tranh đã qua). Và tùy theo sở trường, các nhà văn hoặc là hướng sáng tác của mình vào những vấn đề kinh tế-xã hội, hoặc là hướng sáng tác của mình vào những vấn đề trong tâm lý xã hội, những vấn đề trong đời sống tinh thần con người đương thời.

 

Có cả một mảng sáng tác tập trung vào những phương diện khác nhau của các vấn đề kinh tế-xã hội; nó quan tâm đến chính những vấn đề mà các cán bộ chính trị và các nhà quản lý kinh tế đang quan tâm. Về nguồn gốc, đây là sự tiếp nối tự nhiên của một mạch sáng tác đã định hình từ những năm 1950-60, mà từ ngọn nguồn đã được gọi là "sáng tác phục vụ chính sách" − từ thơ văn phát động giảm tô đến thơ văn hợp tác hóa. Ở đây không giản đơn chỉ có sự tán dương tính đúng đắn của một chính sách mới, thí dụ chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp, bằng cách vẽ ra một bức tranh minh họa phù hợp. Ở đây còn có thêm sự biện luận đầy nhiệt thành và niềm tin và gắn liền với nó là thái độ tố cáo đầy phẫn nộ trước thực trạng cũ. Nhiệt tình biện luận, nhiệt tình tranh luận đã làm tăng cường thành phần chính luận cho những sáng tác vốn có sẵn hạt nhân chính luận ngay trong cơ cấu tự sự của nó. Và, một nét mới mẻ nhất là bên cạnh việc ủng hộ nhiệt liệt một chính sách mới còn có cả việc đề xuất những ý kiến của chính nhà văn về các vấn đề kinh tế-xã hội đang nóng bỏng tính thời sự, − chính điều này đã ít nhiều làm tăng sức nặng của tiếng nói văn học trước xã hội.

 

Tuy nhiên, nếu những sáng tác này thường mở đầu bằng một bút pháp hiện thực tố cáo hết sức nghiêm khắc, đánh thẳng vào những đại diện của cách quản lý cũ, vạch ra mọi hiện tượng tiêu cực của nó, thì lại thường kết thúc bằng những bức tranh thành tựu khá dễ dàng và đơn giản. Nếu biết rõ rằng hầu hết các chủ trương và biện pháp mới đề xuất ở thời kỳ vừa qua thường cũng chỉ mới có tính chất thử nghiệm và ít nhiều là nhất thời, ta lại càng thấy rõ tính chất "lãng mạn kinh tế", tính chất ấu trĩ trong tư duy xã hội của các tác giả ở các sáng tác này, một sự ấu trĩ có khi phương hại ngay cho sự phổ biến tác phẩm trong thời gian tiếp sau. Chỗ hạn chế ở các sáng tác này chính là trình độ tư duy xã hội của tác giả, chứ không phải ở bản thân phương hướng đề tài.

 

Đã có những ý kiến cho rằng chỉ những tác phẩm thuộc mảng sáng tác kể trên mới đi sát, đi thẳng vào cuộc sống hiện tại. Nhưng cuộc sống không chỉ có phương diện là cuộc sống kinh tế-xã hội. Tại Đại hội VI, Đảng đã đề cập đến chiến lược con người, chính sách xã hội. Điều đó chỉ ra rằng những phạm vi sôi động, nóng bỏng, đầy các vấn đề của đời sống mà văn học có thể và cần đề cập − là rất rộng lớn, bao hàm rất nhiều phương diện khác nhau. Trên thực tế phát triển văn học hơn mười năm qua, chúng ta chẳng những có mảng sáng tác miêu tả các cuộc kháng chiến đã qua, hoặc mảng tác phẩm đề cập các vấn đề kinh tế-xã hội gay gắt, mà chúng ta còn có một mảng tác phẩm đề cập các vấn đề tâm lý xã hội, mô tả trạng thái ý thức của con người đương thời, − chính mảng sáng tác này đã góp phần đáng kể nâng cao uy tín xã hội của văn học chúng ta.

 

Đời sống đất nước sau một bước ngoặt lớn đã trải qua hàng loạt biến động sâu sắc và kèm theo đó, có biết bao biến động trong ý thức xã hội, trong chiều sâu ý thức con người. Tất nhiên, nắm bắt được và miêu tả được những trạng thái, những vấn đề như vậy, phải là những nhà văn đã trưởng thành về bản lĩnh xã hội và bản lĩnh văn học, bởi đây là lĩnh vực mà nhà văn phải tự mình phát hiện và miêu tả, chứ không được thừa hưởng những kết quả điều tra, những khái quát chính xác có sẵn.

 

Xin nêu một thí dụ. Đến Đại hội VI của Đảng, căn bệnh tư tưởng "duy ý chí" đã được gọi tên, được đặt thành vấn đề để kiên quyết khắc phục. Về điều này, có thể nghĩ rằng văn học đã có đóng góp của mình vào tiến trình nhận thức chung đó. Ta hãy nhớ, chẳng hạn, truyện vừa Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu trong đó nữ nhân vật chính tự nhận thức và tự phê phán một căn bệnh tư tưởng tương tự, tuy chưa được gọi đích danh, nhưng thực chất là "duy ý chí". Không phải ngẫu nhiên hoạt động tự nhận thức, tự phê phán của con người, gần đây đã trở thành cả một nội dung văn học, thu hút nhiều nỗ lực khám phá và miêu tả của khá nhiều nhà văn. Bốn cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Khải trong đó hành động của cốt truyện giảm hẳn mà vẫn đạt tới một chất lượng văn học mới, chính là vì đã phát huy ưu thế của yếu tố tự nhận thức, tự ý thức, tự phê phán. Nếu Nguyễn Khải dù tự do và chủ động đến mấy trong bút pháp, tựu trung vẫn xoay quanh mối quan tâm thường trực của ngòi bút mình là quan hệ của con người với chính trị, là xác lập quan hệ của con người với  "thế quyền" (chứ không phải "thần quyền"), thì Nguyễn Minh Châu lại hướng ngòi bút mình qua một phương diện khác. Anh khai thác những trạng thái, những quan hệ nhân bản sâu xa hơn trong cuộc sống xã hội chúng ta. Đưa ra một vài con người tự nhận thức bản thân, thực chất nhà văn muốn đề cập đến một "căn bệnh" tinh thần mà chính anh thường nói đến là bệnh chủ quan, ít tính đến những hậu quả khách quan ngoài ý muốn. Dần dà, anh chú ý vạch ra sự chênh lệch đáng kể giữa chủ quan, giữa sự "vô tình" của người ta và những hậu quả đôi khi rất tai hại cho những người khác, − nếu là một "căn bệnh" thì căn bệnh này có quy mô xã hội, chứ không chỉ là của riêng một số người nào đó. Anh vạch ra cái mặt trái của tính cách nông dân cổ truyền, tuy nó cường tráng đến mức đáng trọng và đáng sợ, nhưng lại rất trái ngược với cuộc sống công nghiệp hóa, đô thị hóa tương lai. Và, nghĩ về một tương lai đô thị hiện đại, nhà văn, bằng hình tượng nghệ thuật, đã báo trước những thiệt hại to lớn cho con người, nếu không tính đến việc bảo tồn môi trường văn hóa lịch sử.

Những phương hướng sáng tác như của Nguyễn Khải hay Nguyễn Minh Châu không phải là đơn nhất, cá biệt. Điều đáng nói là có cả một loạt những sáng tác đi theo phương hướng như vậy: nó nhằm nhận thức cả đời sống "chính sự" lẫn đời sống "dân sự", cả số phận và vấn đề của cộng đồng dân tộc lẫn số phận và con đường của từng cá nhân, nó không chỉ vạch ra những trạng thái ý thức của con người và xã hội đương thời mà còn tham gia đề xuất và giải quyết những vấn đề gay gắt nhất ở những phương diện đời sống khác nhau nhất, bằng phương tiện của văn học. Các sáng tác truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết của Lê Lựu và Dương Thu Hương, Nguyễn Kiên và Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng và Xuân Thiều, v.v… có thể nói đều thuộc về một "dòng" chung như vậy, tuy sắc thái bao giờ cũng khác nhau.

 

Nếu đi theo một cách nghĩ giản đơn thì có thể sẽ dễ ngả theo cái nhận xét cho rằng dường như một bộ phận văn học gần đây đã cố gắng tập trung sự thể hiện văn học vào cá nhân con người, thay cho việc tập trung vào những sự kiện xã hội bên ngoài. Sự thật không phải như vậy, và nếu có thể thấy một vài dấu hiệu nào đó, thì căn nguyên lại phức tạp và tinh tế hơn nhiều. Trong đời sống, "lợi ích thứ ba" từ chỗ không được thừa nhận đến chỗ đã được thừa nhận và mặc dù hiện tại trong sinh hoạt kinh tế, đôi khi nó lại chính là nhân tố đầu mối của các vụ "tiêu cực", thì con đường đi tới hẳn sẽ không phải là loại bỏ nó. Cá nhân như một đơn vị xã hội, một giá trị xã hội khách quan ngày càng rõ rệt. Nó không còn chỉ là đối tượng phải tiếp nhận những bổn phận; nó đã là cái đối tượng cần được làm cho phong phú hơn về tri thức và các nhu cầu tinh thần, hơn nữa đã ít nhiều là đối tượng cần được xã hội "lắng nghe" và "quan sát" xem nó là gì và nó muốn gì, xu hướng và ý chí của nó ra sao, v.v… Không nhận thấy sự xuất hiện rõ rệt và mạnh mẽ của cá nhân như một phạm trù xã hội phổ biến trong đời sống hiện nay, thì chẳng hạn, sẽ không thể hiểu được hướng phát triển của thơ trong văn học gần đây. Thành quả đó của sự phát triển ý thức xã hội tác động vào văn học, vào thơ. Và, trong khi thể hiện thành quả xã hội đó, thơ lại góp phần thúc đẩy sự phát triển này của ý thức xã hội. Thơ Thanh Thảo, nhất là Khối vuông ru-bích như là đang phát huy "quyền liên tưởng" đến vô hạn để tìm một sự hài hòa mới giữa một thế giới đầy tạp âm và nghịch lý; thơ Ý Nhi với tập Người đàn bà ngồi đan trong đó "quyền trữ tình riêng tư" − nơi không chỉ niềm vui mà cả nỗi buồn, không chỉ sự xác tín mà cả những dao động tình cảm… − đều ngang quyền với "trữ tình công dân", giống như mọi rung động thường tình mà Xuân Quỳnh thể hiện trong Tự hát đều ngang giá với những rung động cao cả và thành kính trước những sự nghiệp và công tích lớn lao. Tất cả đều cách này cách khác gắn với kết quả của việc yếu tố cá nhân đã tăng sức nặng, tăng giá trị trước xã hội, trước đời sống, đồng thời lại tác động vào việc khẳng định những kết quả ấy. Và đây cũng là một phương diện của quá trình dân chủ hóa ý thức xã hội.

Từ những hướng khác nhau, những năm qua, sáng tác văn học của chúng ta đã cố gắng nắm bắt và thể hiện những biến đổi và những dòng mạch đang diễn tiến của ý thức xã hội, hơn nữa nó còn có sự tác động nhất định vào các xu hướng phát triển của ý thức ấy…

 

● Báo “Nhân dân”, 19/4/1987.