ĐỪNG NÊN MỘT CHIỀU TÁN DƯƠNG HUYỀN THOẠI

 

Nghe vài người bàn tán về một bài của Đ.M.T. vừa đăng tuần báo Văn nghệ (số 43, ngày 23/10/1994), tôi, vì tò mò, đã tìm đọc. Phải nói là bài báo gây cho tôi ấn tượng về cảm hứng liền mạch của người viết. Đọc nó giống như ngồi nghe một cuộc thuyết giảng tưng bừng, hoặc giống như ngồi xem một tiểu phẩm độc diễn ngoạn mục.

 

Thế nhưng khi đọc xong, lại phải nhớ đây là một bài tiểu luận chứ không phải là một bài thơ văn xuôi hay vở kịch một vai độc thoại. Mà đã là tiểu luận, là lý luận, thì dẫu coi trọng yếu tố văn phong, xúc cảm đến mấy, rốt cuộc người ta cũng cần kiểm định nó căn cứ vào những nội dung kiến thức mà nó chuyển tải. Bình tĩnh đọc lại, tôi càng thấy rõ là ở bài báo ấy có một loạt điểm không ổn.

 

1/ Lần theo mạch văn, ta thấy ở năm mươi dòng đầu bài, tác giả thao tác bằng khái niệm "anh hùng", sau đó chuyển sang thao tác với khái niệm "huyền thoại"; chỉ cách dấu chấm hết đúng 35 dòng mới thấy tác giả nói đến "sự thật lịch sử" và nêu yêu cầu "bảo hiểm" cho các loại "sự thật" này bằng văn học. Vậy mà toàn bộ bài viết lại đội cái nhan đề Văn học cần bảo hiểm cho sự thật lịch sử! Tác giả tự lạc đề hay bị tòa soạn "biên tập"?

 

2/ Có lẽ vì chỉ mới được nói lướt qua nên ta chưa thể thấy rõ khái niệm "sự thật lịch sử" ở tác giả ra sao. Vậy không nên vội bàn về điều này, bởi vì nếu chỉ đọc lên hoặc viết ra bốn âm tiết ấy thì thật ra chưa nói gì cả về khái niệm phức tạp này; nó đôi khi phải chịu số phận của một ký hiệu tuỳ tiện: tuy cùng dùng nó nhưng những người khác nhau lại gói vào nó những hàm nghĩa khác nhau.

 

Nghe tác giả Đ.M.T. yêu cầu văn học phải "bảo hiểm cho sự thật lịch sử", thấy lời lẽ thật hùng hồn. Nhưng nghĩ lại, thấy việc bảo hiểm hiện giờ chỉ là một loại dịch vụ (cũng là một loại kinh doanh nữa!). Tác dụng của mọi loại dịch vụ đều hạn chế ("trách nhiệm hữu hạn"!), nhất thời chứ không toàn năng, vô tận. Theo những điều được quảng cáo thì, ví dụ, loại bảo hiểm thân thể học sinh, mức đóng hai mươi ngàn đồng, nếu bị tai nạn xấu nhất thì mức đền bù cao nhất chỉ là bốn triệu đồng. Không rõ người ta có nhận bảo hiểm cho các "sự thật lịch sử" hay không, biểu giá thế nào? Điều khá chắc chắn là phương thức đền bù bằng tiền của bảo hiểm chỉ hạn chế mức thiệt hại chứ không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cái được bảo hiểm. Còn phương thức "bảo hiểm bằng du lịch" như Đ.M.T. đề xuất, không rõ mức độ an ninh ra sao? Lại còn bảo hiểm bằng văn học nữa? Không rõ chữ "bảo hiểm" đến đây còn nội dung thực của khái niệm hay chỉ là một chữ lạ, đặt vào cho đẹp chữ đẹp lời?

 

3/ Nhan đề bài viết chú trọng đến "sự thật lịch sử" nhưng phần dài nhất, hào hứng nhất lại bàn về "huyền thoại". Không biết có phải ở cách hiểu của tác giả bài báo thì "sự thật lịch sử" cũng chính là "huyền thoại"? Sở dĩ phải ngờ ngợ mà hỏi lại như vậy là vì ở bài báo này ta bắt gặp một cách viết lạ: từng câu từng ý từng đoạn vừa có tham vọng khái quát lý thuyết, lại vừa có tham vọng biểu cảm kiểu thơ ca.

 

Bây giờ chỉ xin dừng lại ở khái niệm "huyền thoại" (tôi nói khái niệm chứ không nói chữ dùng, vì chữ "huyền thoại" giờ đây nhiều khi được dùng với các hàm nghĩa khác nữa: để bày tỏ thái độ ngạc nhiên, khen ngợi, hoặc để bày tỏ sự nhận xét về trạng thái huyễn hoặc, mơ hồ…)

 

Theo chỗ tôi biết, trong cách gọi của tiếng ta, tuy có cả "thần thoại" lần "huyền thoại", nhưng khái niệm thì chỉ có một (tương đương với các thuật ngữ Âu Tây vốn mượn từ chữ Mythos của Hy Lạp).

 

Để ý đến các lời bàn của Đ.M.T. có thể thấy là anh không nói đến sáng tác huyền thoại (một kiểu sáng tác khá rõ nét, tạo thành một mảng văn học huyền thoại ở thế kỷ XX). Anh chủ yếu nói về huyền thoại như những hiện tượng ý thức đại chúng, ngay ở thời cận đại và hiện đại. Đã vậy, tôi phải lưu ý bạn đọc nhớ đến loại hình thần thoại chính cống điển hình: thần thoại nguyên thuỷ, như một dạng ý thức nguyên hợp (bao gồm cả triết học, tôn giáo, nghệ thuật; được bộ lộ cả trong các dạng thức nghi lễ, phong tục, kiêng kỵ… chứ không chỉ ở dạng thức chuyện kể). Các huyền thoại mà Đ.M.T. nêu lên (huyền thoại về "sức mạnh quân sự", về "phát triển kinh tế", về "dân chủ tư sản" v.v…) đều là những huyền thoại hậu kỳ, thậm chí là huyền thoại hiện đại. Loại huyền thoại "muộn" này đương nhiên không còn có được một tính phổ quát toàn dân, một sự ngây thơ trong sáng như huyền thoại nguyên thủy. Tuy vậy chúng vẫn mang những đặc tính như vốn có (dù sút giảm ít nhiều) từ ý thức huyền thoại nguyên thuỷ: chúng vẫn là những bộ phận của ý thức đại chúng tuy giờ đây chúng thường được hình thành như là kết quả của sự thao túng ý thức đại chúng; chúng vẫn mang tác dụng đe nẹt, khủng bố, bên cạnh một "chất thơ" đã quá ư mờ nhạt so với thần thoại nguyên thuỷ.

 

Ở phương diện là những hiện tượng ý thức đại chúng, phải nói rằng: để mê hoặc và răn đe quần chúng thì mới cần nuôi dưỡng ý thức huyền thoại; trong khi đó, để mở mang và nâng cao dân trí thì điều cần thiết là xây dựng một văn hóa lý tính.

Theo chỗ tôi biết, chủ nghĩa Mác chủ trương một chủ nghĩa vô thần khoa học; bởi vậy tôi không tin rằng những người theo chủ nghĩa Mác lại có thể đồng tình với việc khuyến khích xây dựng ý thức huyền thoại, − nó, đối với họ, dẫu sao vẫn là một loại ý thức tôn giáo duy tâm, một công cụ nô dịch tâm lý đám đông.

 

Điều tôi ngạc nhiên nhất chính là thái độ một chiều tán dương của bạn Đ.M.T. đối với ý thức huyền thoại. Dường như càng cảm thấy nguy cơ "giải huyền thoại", "giải thiêng", "khô đạo" − nó đến từ phía những con người bị nhiễm "ý thức khôn ngoan", "sự tỉnh táo thực dụng", "tâm lý đón gió cơ hội" (chữ dùng của Đ.M.T.) − anh càng "tâm huyết" với việc duy trì ý thức huyền thoại. Kể ra anh cũng có những chỗ vô ý tự mâu thuẫn (ví dụ anh đòi văn học "giải mã" cơ chế tâm lý dân tộc, "giải mã" những nhân cách "huyền thoại" − hình như quên mất rằng đã giải mã là phải huy động lý tính phân tích, nó thế tất đi đến "giải" huyền thoại!). Tuy nhiên, sự thiết tha với thế giới huyền thoại ở anh thật rõ rệt, thật cấp bách. Thế nhưng người ta lại biết rằng, để được sống trọn vẹn trong huyền thoại thì phải trở lại thời thái cổ làm cư dân những tộc người nguyên thuỷ, hoặc ít ra, phải trở lại thời trung cổ, sống giữa những đạo quân "thánh chiến".

 

Thấy một kỳ quan như Vạn Lý Trường Thành được biến thành điểm du lịch, Đ.M.T. vội xem đấy như một ví dụ về "bảo hiểm" − bảo lưu, duy trì huyền thoại. Theo tôi, chỗ này anh có vẻ đã nhầm lẫn ý nghĩa của loại huyền thoại đã chết với tác động của loại huyền thoại còn sống. Một ý thức huyền thoại (tức là một số ý tưởng nào đó đã xâm chiếm tâm trí và trở thành niềm tin của một bộ phận cư dân) luôn luôn là uy vọng tỏa ra từ một thế lực, một thiết chế đang hoạt động, đang "sống" (ví dụ huyền thoại về chủng tộc ưu đẳng gắn với chủ nghĩa phát xít của Hitler, huyền thoại về các thủ lĩnh siêu phàm gắn với các thể chế độc tài ở Á - Phi - Mỹ Latinh…). Một khi cái cơ sở xã hội-lịch sử kia chấm dứt sự tồn tại của mình ở "thì hiện tại" để đi vào "thì quá khứ", vòng hào quang của nó là huyền thoại kia sẽ chỉ còn lại như một huyền thoại "chết"; − "chết" không có nghĩa là bị quên lãng hoàn toàn, mà là tồn tại theo một cung cách mới, khác hẳn trước (vì nó là một thực thể tinh thần).

 

Du lịch đến các địa danh lịch sử − là một loại thú chơi đồ cổ. Mà đồ cổ chỉ thực sự thành đồ cổ khi nó chấm dứt chức năng "thời sự-lịch sử" vốn có để trở thành một chứng tích hiếm hoi về những gì đã vĩnh viễn lùi vào lịch sử, đi vào quá khứ tuyệt đối. Thử nghĩ mà xem, nếu nền quân chủ đang còn, uy danh vương triều đang lồng lộng giữa đời, liệu bạn có dám giữ đồ "nội phủ" trong nhà mình? Đụng vào một huyền thoại sống là đụng vào một thiết chế sắt với những răn cấm và hình phạt khốc liệt: huyền thoại sống vốn không dung thứ bất cứ biểu hiện vi phạm nào. Ở thịnh thời của nó, liệu bạn có được đến dạo chơi các cung cấm, đền đài, sờ tay vào các tượng thần, khoác thử lên mình những áo mão… − tức là làm tất cả những gì mà du khách thời nay thể làm? Tôi nhớ có đọc được một ý của A.V. Lunacharsky nhận xét về các pho tượng thần trong cảm nhận của đời sau. Đại khái ông nói: các vị thần ấy đã chết để cái đẹp được sống. Có thể hiểu là: khi các thần tượng kia còn nguyên vẹn là huyền thoại sống, toàn năng và đầy sức mạnh, thì các pho tượng ấy (tuy cũng là các tác phẩm nghệ thuật) còn là và chủ yếu là đối tượng của sự sùng tín tôn giáo. Chỉ khi các huyền thoại thôi không còn chi phối như một sức mạnh ma thuật, ý nghĩa nghệ thuật của các pho tượng mới được cảm nhận hoàn toàn. Du khách ngày nay có thể trả tiền để được sắm vai một võ quan trấn giữ một đoạn trường thành, giống như họ có thể trả tiền để được biết mùi "ngự thiện", để được mặc long bào và ngồi thử long sàng… − những việc mà ở thời huyền thoại về vai trò "ông con của Trời" còn sống thì không thể nào tưởng tượng nổi, và nếu có xảy ra thì chắc chắn sẽ bị khép tội "khi quân", sẽ bị xử phạt như người ta xử phạt những ai dám vượt qua "bức tường Berlin" khét tiếng ở thời huyền thoại sống của nó, chứ không phải ở thời sau, lúc người ta giữ lại từng đoạn thành làm bảo tàng hoặc dỡ ra bán từng mảnh cho du khách làm "cổ vật", "kỷ vật".

 

Nói huyền thoại "chết", cố nhiên là có ước lệ, vì nó không chết hoàn toàn: nanh, nọc, móng, vuốt của nó không còn hiệu lực, nhưng dáng nét của nó vẫn còn. Thế nhưng dẫu có được "giữ nguyên trạng những hình thức nghi lễ" của nó − như có chỗ bạn Đ.M.T. yêu cầu, − các huyền thoại hết thời cũng đã bị biến hóa. Rất có thể vì đã không thể khạc ra lửa được nữa nên bộ mặt dữ dằn của nó nom lại đáng yêu. Sức mạnh mê hoặc, khủng bố của nó mất đi, nhưng ý nghĩa thẩm mỹ, đạo đức, triết lý của nó hoặc từng gắn với nó thì vẫn còn lại, trở thành nét trội. Từ đây nó sẽ đóng vai trò của những truyền thống văn hóa, và cũng sẽ được tiếp nhận chủ yếu ở phương diện văn hóa.

 

Nếu huyền thoại − với tư cách một hiện tượng ý thức xã hội − có "chiều kích vĩnh cửu" (như bạn Đ.M.T. muốn khẳng định) thì tôi nghĩ, hai quá trình "tạo huyền thoại" và "giải huyền thoại" vẫn là hai quá trình diễn ra đồng thời trong cuộc phiêu lưu tinh thần của các cộng đồng cư dân. Một hệ huyền thoại này bị giải thể, bị bỏ lại đằng sau, đánh dấu một bước tiến của ý thức xã hội, thì đồng thời một hệ huyền thoại mới lại có thể hình thành, đáp ứng nhu cầu được xoa dịu hoặc khích lệ trong một thời hạn nào đó… Từ bỏ một huyền thoại không phải dễ dàng, nên không phải là một điều đáng sợ. Cái đáng chăm lo hơn là nỗ lực xây dựng một văn hóa lý tính làm căn bản tinh thần cho cộng đồng trong chiều hướng vươn về phía văn minh, hiện đại.

4/ Cuối cùng, tôi không quên tác giả bài báo là một người sáng tác văn nghệ. Đối với nghệ sĩ nói chung, tôi hiểu là những tâm thế lý thuyết nhiều khi chỉ xuất hiện như sự tự định hướng cho những dự đồ sáng tác của riêng họ. Những "hô hét, niệm chú", về mặt này, có cái lý của nó. Nếu bài báo được đem ra bàn ở đây sẽ là trường hợp như vậy, thì tôi rất mong được thấy những sáng tác theo ý hướng như vừa được anh tuyên ngôn trong chính bài báo mà tôi đã trót… căn vặn.

 

Sáng tác huyền thoại, làm những tác phẩm theo kiểu huyền thoại − theo tôi nghĩ, là lĩnh vực mà nghệ sĩ có toàn quyền (thành hay bại là chuyện khác). Nó rất khác với lĩnh vực tạo dựng một ý thức huyền thoại mà thực chất là thao túng tâm lý đám đông − công việc này, thật ra một vài người không thể làm nổi.

 

25/10/1994

● Tuần báo “Văn nghệ” số 48 (26/11/1994)