GIỌNG VĂN XUÔI TIỂU LUẬN CHẾ LAN VIÊN

 

 

Cho đến bây giờ, nhắc đến cái bút danh Chế Lan Viên mà người ta trước hết nghĩ đấy là thi sĩ, thì có lẽ chỉ do quyển sách đầu tay nổi tiếng một thời của tác giả này là một tập thơ. Không biết có thua cuộc không nếu dám "cá" với bạn rằng cho đến nay ở tác giả này, tổng số trang in văn xuôi chắc chắn nhiều hơn tổng số trang in thơ? Điều đó kể ra chẳng có gì hệ trọng, bởi vì một người làm chuyên nghề văn mà viết nhiều thể loại, cũng là sự thường. Với những ai muốn phác họa một chân dung, điều đó còn giúp cho sự mô tả được đa dạng hơn, nghĩa là ít ra còn có một Chế-Lan-Viên-văn-xuôi bên cạnh một Chế-Lan-Viên-thơ. Có thể thấy như thế này chăng: Chế Lan Viên của của thơ, − đó là chân dung nhìnn nghiêng; Chế Lan Viên của văn xuôi, − ấy mới là chân dung nhìn thẳng.

 

Thật ra, văn xuôi tiểu luận của Chế Lan Viên có rất sớm, ngay thời Điêu tàn đã có Vàng sao, chưa kể tập truyện Gai lửa, hình như không in mà ông có lúc đã tự phô với bạn đọc. Nhưng đấy dầu sao cũng là một quá khứ thật xa! Chỉ kể sau 1945, văn xuôi tiểu luận của Chế Lan Viên cũng có rất sớm, trước cả Ánh sáng và phù sa. Bạn đọc có thể lấy làm ngạc nhiên khi biết tập Kinh nghiệm tổ chức sáng tác của Chế Lan Viên, nhà xuất bản "Thép Mới" in 1951 ở Liên khu IV, mà theo ghi chú ngay nơi bìa sách thì đó là bài thuyết trình tại hội nghị cán bộ văn nghệ Liên khu IV tháng 12-1950. Mới biết nền văn nghệ cách mạng thật là vô cùng rộng rãi: nó lập tức chấp nhận làm "thầy dạy nghề" chính ngay những văn nhân thi sĩ mà tài năng và thành đạt là do xã hội cũ xác nhận, “cấp bằng", hơn nữa, lại thuộc những xu trào mà văn nghệ cách mạng thẳng thừng bác bỏ trên nguyên tắc (Xem ra, đây cũng không phải là một ngoại lệ nếu so với văn nghệ cách mạng nhiều nước khác).

 

Từ Kinh nghiệm tổ chức sáng tác đến quyển Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân [1]  vừa ra mắt năm 1981 này, trong vòng ba chục năm, Chế Lan Viên đã được in đến 7 tập tiểu luận phê bình, chưa kể 3 tập bút ký, trong khi đó cũng chỉ có đến 7 tập thơ (đây là chưa tính thêm Nghĩ cạnh dòng thơ cũng in năm 1981 này, mang tính chất tuyển tập tiểu luận của tác giả và trong đó đã tuyển đến 5 bài Từ gác Khuê văn…). − "Văn xuôi đo bằng đấu, nhưng thơ phải đo bằng cân tiểu ly" (tr. 95, sách Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân dẫn trên, các ghi chú tiếp sau đều lấy từ ấn bản này) − theo lý lẽ này của chính tác giả thì văn xuôi của ông như vậy vẫn còn ít. Nhưng theo cách nhìn thông thường thì sẽ thấy như thế cũng đủ để có rất đậm một Chế-Lan-Viên-văn-xuôi-tiểu-luận, bên cạnh một Chế Lan Viên của thơ. Ấy là mới tính theo thể loại.

Nhưng cũng cứ theo thể loại mà nhìn rộng ra, giữa văn xuôi của bút ký, chính luận, tiểu luận với thơ − mà lại là thơ Chế Lan Viên càng về sau này − ranh giới cũng thật mong manh, không thấy gì thật rạch ròi ngoại trừ một chữ dẫn duy nhất: có hoặc không có sự chắp chữ thành vần, hoặc nói bằng chính chữ của ông, có sự "qua hàng". Điều muốn nói ở đây chỉ là sự thống nhất, thuần dạng của một tác giả đằng sau những thể loại tưởng như rất khác nhau. Có người đã quan sát sự giống như từ ý tứ đến câu chữ của các bút ký, chính luận và những bài thơ của Chế Lan Viên để xác nhận chất thơ trong các bút ký ấy cũng như chất chính luận trong những thơ ấy.

 

Nhưng nói cả thơ và văn xuôi tiểu luận của Chế Lan Viên đều có cùng diện mạo, đều là một, thì vấn đề là vẽ ra diện mạo ấy, và ở đây, phải vẽ căn cứ vào giọng văn xuôi tiểu luận, chứ không phải vào giọng thơ, tuy rằng chung quy vẫn là một.

 

Có thể nghe thấy những gì, nhận ra những gì ở giọng văn xuôi tiểu luận Chế Lan Viên? Giọng của một người có nghề đi truyền nghề, dạy nghề, tâm sự và lý sự về nghề mình. Giọng của một người làm văn đã quyết "phụng sự đêm nay cho bánh lái một con thuyền" trước những sắc thái mới của thời cuộc. Giọng của một người muốn đại diện cho một nền thơ ca, một kiểu văn nghệ này đối thoại với những đại diện của các nền thơ ca và văn nghệ khác. Giọng của một thể loại này muốn can dự vào các thể loại khác. Giọng của một kiểu số phận văn học này muốn "chỉnh hướng" cho những kiểu số phận văn học khác… Ở đây, "cái-tôi-trữ-tình" thực sự nhường chỗ cho "cái-tôi-biện-lý".

 

Người nào hay biện lý tất sẽ thích dùng các nghịch lý, thích dùng vế đối hai phần trái nhau. Chung quy chỉ là một ý thôi, nhưng ông thích chẻ làm hai mảnh ngược nhau, để mà biểu diễn cái tài nhào lộn tung hứng, thu chúng về một mối của mình. Nếu Chế Lan Viên tóm khá nhạy cái nghịch lý trong lời nói của người khác (tr. 6: "đã ác ôn, đã ngụy mà vẫn của mình, đau xót lắm"), trong những tên gọi sự vật (tr. 120: "tơ-răng-di-to đáng ra phải gọi là tơ-răng-di-bé”), trong những dữ kiện văn học và lịch sử (tr. 98: "câu thơ nói về lòng yêu nước đấy. Nhưng nó là của Hoàng Cao Khải! Anh có thích được không?"), thì chính ông cũng rất hào hứng tự mình tạo ra các nghịch lý, ít nhất cũng để làm duyên cho giọng điệu.

 

Ông biết lợi dụng những tai ương của ngôn từ để tạo ra những so sánh theo ý mình (tr. 112: "Liệu đấy! Có tài liệu nhiều khi hơn có tài"). Ông không ngại quay ngoắt đi một cái như thế này: "Ấy thế mà với chúng ta, những gì chúng ta cần, chúng ta thiếu, chúng ta lại có thể gặp ngay trong biên giới Tổ quốc. Gặp? Chữ ấy không đúng, đấy là của chính mình" (tr. 131). Ông không sợ đi từ "giả đò" đến làm thật: "Tâm hồn ấy ra sao? Chả lẽ tôi lại làm một việc luẩn quẩn là trả các bạn về với những tiếng hát! Nhưng mà phải làm như thế thật đấy!" (tr. 170). Ông không nề hà bắc những chiếc "cầu khỉ" chênh vênh từ cái nhất thời sang cái vĩnh cửu, ném quả cân vĩnh cửu cho cái nhất thời, không nề hà sửa một định luật to (từ những nền văn học từng nước hình thành một nền văn học toàn thế giới) "lô-can hóa" thành một định luật nhỏ (từ các nền văn học dân tộc địa phương nảy sinh một tiếng hát Việt Nam chung), v.v… và v.v…

 

Sẽ là thật thà và ngây thơ như nhau nếu tin hoàn toàn vào sự khoa học và hợp lý của những lập luận ấy (ví dụ, các nhà dân tộc học hoàn toàn có thể bắt bẻ nhiều điều ông phân tích tiếng hát Mèo). Cái chủ yếu ở đây là cái duyên của giọng nói, cái duyên trong điệu bộ diễn giả! Vả chăng đó cũng là "khí chất" của ông: định nói cái gì, phải nói lấy được! Chuyện đang tắm biển rồi nhập ngay vào dòng người biểu tình, đi liền một mạch ba mươi năm chưa kịp kiểm trang hành lý (tr. 19-20), chuyện ngủ dậy giữa rừng thông Đà Lạt nhìn thấy con hoẵng con "rồi nó mất hút vào sự suy nghĩ của mình" (tr. 59) − đấy đâu phải là kể chuyện, đấy chỉ là những cái làm duyên ẩn dụ đó thôi! Người làm thơ đâu có ưng kể lại rành mạch một chi tiết thực bao giờ! Hiểu được như thế, ta sẽ tỉnh táo mà quan sát một cách thú vị những "trò xiếc" ngôn từ của tác giả, ta sẽ không ngạc nhiên và khỏi lo thay tác giả trước những chênh vênh do chính ông cố tạo ra, giữa giả đoán và quyết đoán, giữa tinh tế và thô bạo.

 

Chỉ là Chế Lan Viên mới có cái giọng quyết đoán thế này: "Hình như một tên trộm dễ cải tạo hơn một người thần bí!" (tr. 27). Chỉ là Chế Lan Viên mới dám quả đoán thô kệch thế này: "Nặng về nội dung đơn thuần là giáo điều, chỉ chú ý đến hình thức là "xét lại"” (tr. 101). Chỉ là Chế Lan Viên mới dám có lúc gọi cả một nền văn hóa khác là "nền văn hóa của bọn xâm lược" (tr. 228) rồi chỗ khác mới nói "Văn hóa hồn nhiên… Nhưng người sử dụng văn hóa đâu có hồn nhiên" (tr. 231). Chỉ là Chế Lan Viên mới vừa tự trích thơ (không phải tiền chiến) của mình Máu thịt cha ông theo gió tủi trăng buồn mà mất tích, lập tức cải chính: "Không! Máu thịt cha ông không mất tích" (tr. 231). Chỉ là Chế Lan Viên mới ngang nhiên hạ một chữ theo hướng này rồi thản nhiên "à, quên", hạ tiếp một chữ khác, theo hướng ngược lại (tr. 232).

 

Cứ như thế, không đợi người khác vẽ hộ chân dung, tự Chế Lan Viên như muốn vẽ lấy chân dung mình, tính cách mình, một tính cách độc đoán, quyết đoán. Và điều này hé cho chúng ta thêm một đặc điểm nữa của văn xuôi tiểu luận và tùy bút của Chế Lan Viên: tính chất tự thú, tự bạch.

Lệ thường, vào đoạn cuối một đời văn, người ta khó mà khỏi đưa chất "tự thú" vào trang viết, dầu là chưa đặt bút xuống một trang hồi ký thực thụ. Với một đời văn gồm hai nửa được ý thức một cách tách bạch như là một "bến mê" và một "bờ sáng", tính chất tự thú trước tiên biểu hiện ra như là sự ăn năn, hối hận. Ở Chế Lan Viên, sự ăn năn giống với một phát tên nhắm liền hai đích: ăn năn cho người ta biết mình có ăn năn, nhưng ăn năn của "người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ", hơn một lần, còn là cách dạy khôn cho những ai non dại ngu ngơ mới vào nghề, hoặc những ai có sự lầm lạc tương tự nhưng xem ra trầm trọng, lâu dài hơn. Không rõ có bạn viết trẻ nào nghe những điều ăn năn ấy mà bỗng dưng sinh ra ganh tỵ đã không có cái quá khứ ghê gớm như kia hay chăng, vì những hình dung về bến mê ấy lại có những đường viền quy mô ngang một thần tượng, với những biểu siêu hình, với sự thông tỏ cả Phật lẫn Cơ Đốc, cả Đường Tống lẫn Âu Tây…? Nhưng phải nhận rằng trong số những người cùng vận hạn và vận hội với mình thì Chế Lan Viên quả là người tự lên án nhiều nhất cái quá khứ ấy, quả ông là người biết rũ cái quá khứ ấy một cách hùng hồn nhất, mùi mẫn nhất. Không còn là lời tự thú thông thường nữa, đây dường như đã là những lời xưng tội:

 

… "Tôi chỉ là một cơn mưa. Một dòng nước mắt. Một viên gạch đổ. Một ánh hoàng hôn mà!... Thời Điêu tàn, tôi đâu có thơ tình. Tôi quản lý những tháp đổ, những nấm mồ…" (tr. 35),

"… tôi về chậm vì đã trót đi xa… Đi tuốt ra khỏi cuộc đời, về phía tha ma, về phía siêu hình" (tr. 27).

 

Suy cho rõ cái "bến mê" để nhận cho rõ cái mất đáng mất. Và những cái được rất đỗi như ý của cả một đời phấn đấu chắc là sẽ còn có tác dụng vẫy gọi, cổ động, lôi kéo, lôi cuốn, nhất là với những ai mới cầm bút đã mong có những thành công trong cuộc đời mới.

 

"Tôi có mất chính là vào thời ngày xưa. Mà tôi được chính là ở hiện tại, bây giờ" (tr. 33).

 

Nếu quá khứ riêng buộc Chế Lan Viên phải tự bạch thì hiện tại khiến ông thích tuyên ngôn, thích tự ý thức. Không chỉ "ý thức trước mùa hoa" mà còn trước nhiều sắc thái khác nhau của đời sống và của văn nghệ. Tuyên bố thái độ ở thời điểm này của mình trước các loại văn hóa, văn nghệ là một bộ phận không thể thiếu ở một người tự dành cho mình chỗ đứng giữa và đứng trước các nền và luồng văn hóa, văn nghệ. Phê phán văn hóa thực dân, đề cao di sản văn hóa dân tộc truyền thống, nâng niu những sáng tác dân gian của các dân tộc thiểu số nước mình, ca ngợi một danh nhân văn hóa nước bạn… − những đề tài cụ thể như vậy, một mặt là thực hành những chuẩn mực nhìn nhận chung ở thời điểm này của chung nền văn học ta, mặt khác, ở đó cũng in dấu những quan tâm riêng của Chế Lan Viên. Không phải ai bình thơ dân gian Mèo hoặc nghĩ về di sản tư tưởng văn nghệ dân tộc cũng viện đến văn chương cổ Trung Hoa và hiện đại Tây Âu. Có thể nói những sự phân biệt cặp đôi "Ta - Tàu" và "Ta - phương Tây" là những cặp đôi hiện giờ đang thường trực chi phối các suy nghĩ của Chế Lan Viên về văn hóa, văn học, và sự đối chiếu cụ thể của một người có kinh nghiệm bao giờ cũng cho ta những nhận xét thú vị.

 

Có điều những sự nhận dạng bằng các cặp đôi hiện giờ đã bị các nhà khoa học xem là hạn hẹp, vì dễ gây phiến diện, và người ta đang thay lối đối lập cặp đôi bằng lối nhìn ra những đa dạng. Chế Lan Viên có lúc đã dạy cho các nhà giáo phải chú ý đến cái "nhiều" (tức là sự đa dạng ấy), nhưng hình như lối đối lập cặp đôi kia vẫn hấp dẫn ông nhiều hơn, vẫn đem lại sự sắc sảo cho thẩm mỹ của ông nhiều hơn, nên ông khó mà rời bỏ, ít ra là để luôn luôn có sự đối chiếu. Nhưng chính cái tâm lý thích đối chiếu ấy, đến lượt nó lại báo hiệu một cái gì đấy chưa thật ổn thỏa bên trong cách nhìn. Bảo rằng thơ dân gian Mèo không "sách vở" (tr. 139) (dựa vào cặp đôi đối lập "dân gian - sách vở bác học") thì lời khen giống như đặt vào chỗ trống (đã dân gian thì chỉ truyền miệng chứ làm gì đã có "sách vở"!). Làm sao phải viện đến thơ Tây, đến các thuyết tương giao, phi lý mới biện luận được giá trị thơ Mèo? Làm sao phải ghép "Jê-ru-sa-lem" và "Yên Tử" mới biết được đây đích thực là một thánh địa, Phật địa, "Phật ta" (tr. 211)? Lẽ nào để hoàn toàn tự tôn tự cường, lại cứ phải mượn lấy một chút lý lẽ, căn cứ, chữ nghĩa, nguyên liệu mang sắc thái tự ti? Đặc sắc văn hóa là một thứ đặc sản, và nói đến đặc sản thì vấn đề không phải là cần tỏ ra rằng vài thiều ngon hơn lê táo, càng không phải là ra sức gièm pha lê táo.

 

Cố gắng để thực sự đứng độc lập trên lập trường thẩm mỹ dân tộc hình như đang là một ý hướng rất mạnh trong chủ tâm của Chế Lan Viên, nhưng nhiều khi, ông vẫn chưa tới đích ấy. Lúc ông nói "Tôi không hiểu trong các tiếng nói khác, chữ thơ là giống đực hay giống cái. Ở Việt Nam, thơ là đàn bà, chúng tôi gọi Nàng Thơ" (tr. 113) thì thật ra, đó vẫn chỉ là mượn quan niệm Âu Tây. Nhà ngôn ngữ có thể mách ông: danh từ tiếng Việt không có phạm trù "giống" (tên lan huệ có khi vẫn là nam nhi, tên trúc tùng có khi cứ là nữ giới!). Vả chăng nếu định nhân danh truyền thống thì khó mà hình dung được những môn đồ Nho giáo ngồi chật các tao đàn xưa lại chấp nhận "thơ là đàn bà"!

 

Chung quy lại, nhiệt tình tự tôn văn hóa dân tộc giữa hội chợ văn hóa nhân loại vần cần tìm thêm một chỗ đứng thẩm mỹ dân tộc xác đáng, bên cạnh chỗ đứng khoa học xác đáng. Và đó không phải là một tìm kiếm quá khó khăn nếu biết trở lại cái điều tác giả đã thấy: văn hóa hồn nhiên, văn hóa vô tư. Và sự tiếp thu, tiếp nhận cũng cần một thái độ như thế, nếu cầm chắc cái lẽ phải của mình.

 

Nhưng đến đây đã đi hơi xa ra khỏi câu chuyện của bài viết này. Điều muốn nói chỉ là giọng văn xuôi tiểu luận Chế Lan Viên − chính cái giọng ấy, chứ không phải những ý tứ, lý lẽ kia − mới là đặc sắc, đặc sản của ngòi bút ông

 

1.1.1982.

 

[1] Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân, tập sách tiểu luận phê bình của Chế Lan Viên, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1981 (những trích dẫn ghi số trang trong bài là dẫn theo cuốn này).