LÝ TÍNH LÀ CÁI CẦN NHẤT

 

Tôi tán đồng khá nhiều điểm (cố nhiên không phải tất cả) nêu trong bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn (bài Trả giá ắt là đau đớn, tạp chí Tác phẩm mới, số 4/1993). Tôi muốn nhấn mạnh cái ý trong câu cuối cùng của bài viết ấy: "…điều quan trọng là lối thoát của cả nền văn học, và trong việc này, nếu cần nhắc lại cả ngàn lần tôi vẫn nhắc rằng chúng ta không thể thiếu sự tỉnh táo, sáng suốt, không thể thiếu lý tính được".

 

Một lần gần đây, lúc tiễn chân một anh bạn, tôi được anh cho biết anh có ý định viết kỹ về sự cần thiết phải bồi đắp phần tình cảm, xúc cảm trong sáng tác văn nghệ của ta, mà theo anh lâu nay nó khô khan, lý trí quá. Tôi gợi ý rằng, theo tôi, văn chương nghệ thuật ở ta quả cũng có tình trạng thiếu tình cảm, xúc cảm như anh nhận xét, nhưng đó là xét ở một quy mô hẹp − quy mô tác phẩm chẳng hạn; còn xét ở một quy mô rộng lớn hơn, thì văn chương học thuật ở ta, từ quá khứ xa đến quá khứ gần, dường như lại nặng về cảm tính mà nhẹ về lý tính. Chính lý tính mới là cái đang thiếu.

 

Nói điều này bây giờ hẳn có người cho là nói ngược. Cứ xem con người thời nay đang xoay xở, tính toán, năng động thế, sao lại bảo là thiếu lý tính? Nhưng xin bạn đọc và đồng nghiệp hiểu cho: câu chuyện nói đây không đề cập thẳng và diện mạo chi tiết cụ thể hằng ngày của đời sống, mà muốn nghĩ đến đôi nét gì đó bao quát, "trừu tượng" hơn, gần như là đến những nét thuộc tính cách, tâm thế dân tộc, được bộ lộ ở những đặc điểm thuộc chiều sâu của quá trình văn học.

 

Tôi nhớ, khoảng từ 1945 đến 1947, nhà phê bình Hoài Thanh thỉnh thoảng hay láy lại một ý tưởng có lẽ hồi ấy đang là một nhận định thường ám ảnh ông. Người   Việt Nam ta sống trong tình cảm và thanh âm nhiều hơn là trong tư tưởng.

 

"Từ xưa chúng ta sống bằng bản năng, bằng tình cảm nhiều hơn bằng lý trí… Khả năng về lý trí của chúng ta kém. Đó là một sự trở ngại cho chúng ta sau này…".

 

Đấy, theo tôi là một nhận xét xác đáng. Thể hiện nhận định này vào hoạt động tư duy, có thể thấy một nét khá đặc trưng cho phần đông cư dân ở ta: đó là sự chấp nhận các kết luận mà ít khi thông qua cả một giai đoạn suy lý kỹ lưỡng (với nhiều biện luận, lật đi lật lại...). Trước những "kết luận" dường như buộc phải chấp nhận, người ta chỉ còn cách huy động tình cảm ra để "tiêu hóa" nó, một cách lấy lệ, giống như một sự tiếp nhận thụ động. Chỗ này cũng có thể nảy ra một cách lý giải khác, theo đó thì ở tình thế này, chỉ có sự chấp nhận về lý trí (lý tính) chứ không phải về tình cảm. Nhưng theo tôi, nói thế là do định kiến với ý niệm "lý tính", xem nó như cái gì ở ngoài con người; thật ra một chuỗi suy lý bình thường, tức là mức kỹ lưỡng, sẽ phải tạo nên "lý tính" như một phẩm chất nội tại của tư duy con người, và lý tính này sẽ tự nhiên dẫn đến một thái độ tình cảm tương ứng, không còn sự cách biệt và xung đột "lý" với "tình" như trường hợp chấp nhận gượng ép kia nữa.

 

Có thể viện dẫn những hiện tượng lớn, bao trùm, như việc văn hóa của người Việt tiếp nhận các nguồn văn hóa ngoại lai, khi thì dường như do đã bị đặt vào tình thế ép buộc (như ở thời Bắc thuộc, trước văn hóa Hán, hay như ở thời cận đại, trước làn sóng văn hóa phương Tây), khi thì được quyền lựa chọn nhưng xem ra không có nguồn nào khả dĩ hơn (như ở thời các vương triều độc lập, ở các thế kỷ từ X đến XIX, cũng đứng trước văn hóa Hán). Đối với các nguồn di sản ngoại nhập này, lý và tình của cộng đồng cư dân Việt đều khá phức tạp, thường nhập nhằng, dễ dao động từ cực nọ sang cực kia, khi thì đánh giá thấp, lúc lại đề cao; khi thì coi như sản phẩm của áp đặt, cưỡng bức, không đáng giá; lúc lại thấy như những nguồn giống văn hóa phát triển cao đã may mắn mọc mầm đâm rễ trong văn hóa của mình. Ấy là còn chưa nói đến sự hời hợt trong tiếp nhận, do tâm trạng nước đôi, nửa muốn theo nửa muốn bỏ, theo đấy rồi lại bỏ ngay đấy, kết quả là không "đẻ" ra được đứa "con lai" nào thật bụ bẫm trong văn hóa.

 

Lại cũng có thể viện dẫn vài hiện tượng ở quy mô nhỏ hơn trong việc tiếp nhận cái mới. Ví dụ phong trào hợp tác hóa những năm 1960 ở miền Bắc. Câu chuyện "ra vào" hồi đó trong tâm trạng nông dân (mà nay vẫn còn dễ tìm lại dấu ấn ở văn học đương thời) thường được xem như chuyện có vẻ chỉ "thuận lý" mà không thật "thuận tình", nên chi, xét thật sâu trong tâm lý đã không thật tự nguyện. Nhưng đấy chỉ là sự diễn đạt bề ngoài cho một thực chất rắc rối hơn nhưng lôgic hơn: người nông dân tư hữu không thể nào bị hoặc tự thuyết phục về lý tính (rằng vào hợp tác xã là có lợi cho mình). Công việc tuyên truyền vận động đã tìm cách tác động về tình cảm; rồi đến lượt chính người nông dân kia cũng "tự động viên" mình về tình cảm để đi tới cái hành vi thực tế (đem ruộng đất, nông cụ… vào hợp tác xã) tuy cái phần "lý tính" nọ thì vẫn được gác lại một bên, nó sẽ sống lại trong những thắc mắc suốt hàng chục năm dài, dẫn đến những thay đổi cách đây dăm bảy năm mà chúng ta đã biết.

 

Coi nhẹ hoạt động lý tính, thường chỉ dừng lại ở một sự "nhận thức" thiên về cảm tính, rồi vội vã chuyển sang hành động, sang sự vận động, sang sự vận dụng, thực hành − điều này như đã thành một nếp sống, một thói quen ở hầu hết các lĩnh vực.

 

Một phong trào xã hội, chính trị, kinh tế rộng lớn và bao trùm cả nước từ dăm bảy năm nay như phong trào đổi mới, dường như cũng không chệch khỏi tiền lệ. Hoạt động lý tính chỉ được làm một cách qua loa chiếu lệ, dường như chỉ đủ làm thủ tục cho các lời tuyên bố về đường lối đổi mới − chuyển sang kinh tế thị trường, mở cửa. Thế là xong. Có thể nói cái lý tính của xã hội, của cộng đồng cư dân chưa hề được thuyết phục về nhu cầu đổi mới, bởi, lại như mọi lần, các vấn đề của đổi mới chưa được để ngỏ những suy lý, luận bàn, biện giải đến "hết nhẽ" ở quy mô ý thức toàn xã hội, ở dư luận công cộng. Riêng đối với cái "tình", lần này dường như chỉ cần tháo cởi cho những ấm ách, bí bách, cho "lợi ích thứ ba" là xong. Vắng mặt một lý tính thường trực nghiêm khắc, những hoạt động kinh tế xã hội đủ loại được tự do bung ra, mặc nhiên hoành hành, nấp dưới đủ chiêu bài và nhãn hiệu hợp thời. Tai hại nhất là những gì trong số các hoạt động ấy gây ra những hậu quả phản xã hội, phản văn hóa, do nó thoát khỏi sự giám sát của một lý tính công khai của toàn xã hội. Cố nhiên vẫn có thể nói đến ở một mức nhất định những hoạt động lý tính, lý luận, tư tưởng, ở những phạm vi nhất định, tương đối hẹp, mang tính chất đề xuất, luận chứng hoặc biện hộ. Tuy vậy, thiếu một quy mô công cộng cần thiết, thiếu một nhịp sống bình thường (do vẫn còn nhiều răn đe hạn chế), hoạt động lý tính chưa đủ tạo ra một sức khoẻ tinh thần cần thiết cho xã hội.

 

Quan sát diễn biễn của đời sống kinh tế xã hội và đem đối chiếu với một số điều tạm gọi là những luận điểm thường được truyền bá rộng rãi, đôi khi ta có cảm tưởng rằng con thuyền thực tế thì đi một đường, còn các hoạt động lý luận lại nói sang một đường khác, dường như che cho người ta khỏi thấy thực chất lộ trình của con thuyền thực tế kia. Đã thế, phỏng có nên bàn luận nhiều về lý luận, học thuật, về phê bình văn nghệ? Liệu có ai thực bụng muốn nghe?

 

Dẫu sao, đã trót là người trong nghề, tôi vẫn muốn bàn, muốn "cao đàm khoát luận" một chút, như trong một cơn bệnh, dù đôi khi ngờ ngợ rằng có vẻ như mình đang tham dự một cuộc tập trận giả, một cuộc đánh trống lảng.

 

***

 

Vài ba năm nay thấy có khá nhiều người lên tiếng về hiện tượng gọi là "loạn sách", về điều được coi như xu hướng ở không ít cây bút viết truyện: chạy theo việc mô tả các cuộc tình tay ba, tay tư, dành nhiều trang cho các pha làm tình… Người ta nói đến xu hướng viết câu khách như một hậu quả của việc thương mại hóa thị trường sách báo và văn hóa phẩm. Trong những lời lên án có khi gay gắt mà không phải không có chỗ đáng đồng tình này, lại nghe rõ sự phản ứng của một tình cảm có gốc gác ở những thói quen, những tập quán, hơn là của một lý trí tỉnh táo.

 

Ai cũng biết, việc các ấn phẩm và văn hóa phẩm bị thương mại hóa chỉ là kết quả của việc chuyển sang kinh tế thị trường nói chung. Phần vốn do ngân sách nhà nước cấp, ở một vài nhà xuất bản mà tôi biết, chỉ chiếm chưa đầy 1/4 vốn sản xuất mỗi năm, trong khi giá giấy in, công in gần như leo thang từng tháng, do cả ngành giấy lẫn ngành in đều muốn "tính đủ" vào giá thành. Vậy mà hệ thống thư viện công cộng từ trung ương đến cấp huyện lại hầu như mất khả năng mua sách báo mới. Lớp công chúng của các cuốn sách nghiêm túc, dẫu muốn mua sách cũng đành gác lại, vì đồng lương hạn hẹp. Thực tế tình hình hiện là thế. Nhưng cũng lại phải thấy việc chuyển sang kinh tế thị trường còn chưa hoàn tất, thị trường sách chưa thật định hình; nó đã và hẳn sẽ còn qua nhiều cơn sốt. Nếu muốn đổ thừa mọi tội lỗi cho "thương mại hóa", thì hãy thử nhìn sang các nước đã sống hàng trăm năm trong kiểu kinh tế ấy xem văn hóa phẩm nghiêm túc ở đó có "chết hết" cả không đã chứ!

 

Đối với lĩnh vực văn hóa, cố nhiên sự can thiệp, điều tiết của nhà nước là thiết yếu hơn so với các khu vực thuần túy kinh tế khác. Nhưng một khi, chẳng hạn, các loại truyện dịch (của tác giả nước ngoài) hoặc truyện sáng tác (của tác giả trong nước) in số lượng lớn, bán chạy, lại chịu cùng một mức thuế ngang với các cuốn sách nghiêm túc; một khi những cuốn sách "vô thưởng vô phạt" thì được in bằng ngân sách nhà nước, còn những công trình lớn về di sản Hán Nôm, về văn hóa truyền thống chẳng hạn, … lại phải nhờ vào tài trợ "từ thiện" của nước ngoài mới in ra được, v.v… và v.v… − thì điều cần thiết trước hết là xem lại hoạt động quản lý trước khi soát xét các phạm vi trách nhiệm khác.

 

Xung quanh cái gọi là "văn chương sex", "văn hóa tình dục" có rất nhiều khía cạnh chưa bao giờ được nhìn thẳng vào, nói kỹ ra. Chừng sáu chục năm trước, trong một vài cuộc bút chiến, nhà văn Vũ Trọng Phụng từng đề cập vấn đề này. Các ý kiến của ông chứa đựng nhiều điểm có thể mâu thuẫn nhau, nhưng ít ra có một điểm mà ngày nay ta thấy các xã hội văn minh coi là xác đáng: ấy là sự cần thiết của giáo dục tình dục. Một chủ trương như thế, ngày nay ở ta chưa chắc đã giành được sự đồng tình của nhiều người. Hỏi sinh hoạt tình dục có phải là một trong những phương diện của sinh tồn nhân loại, của sinh hoạt con người hay không − hẳn ít ai bảo là không. Nhưng những người mô phạm lại muốn ai nấy chỉ nên "biết vậy" thôi, "hiểu ngầm" thôi, đừng nên nói ra viết ra. Song ở phương diện này cũng đã tích lũy cả một vốn kinh nghiệm sống của con người, mà mọi kinh nghiệm sống đều cần được truyền thụ, truyền lại − làm sao lại chỉ có thể "rỉ tai" mà không cần truyền thụ qua sách vở, báo chí − cái phương tiện truyền thông hữu hiệu hơn hẳn "truyền miệng"?

 

Nếu nói đến các "bản năng thấp hèn" thì tình dục thậm chí còn ít nguy hại hơn so với bạo lực. Vậy mà ở lương tri của xã hội ta, phản ứng với bạo lực lại hời hợt, dễ dãi hơn nhiều. Chưa thấy ai lên tiếng nhắc mọi người nhớ rằng sách vở thời chiến, cùng với việc khơi gợi lòng yêu nước và căm thù giặc, còn khơi gợi tâm lý bạo lực, nuôi dưỡng óc dị chủng, bài ngoại. Những dị ứng với vấn đề tình dục − dù dưới dạng "phổ biến kiến thức" hay dạng sáng tác văn chương hiện còn quá lệch về cảm tính, như là do thói gia trưởng cố hữu cố chấp. Nhiều bậc cha anh đáng kính có thói quen tự cho phép mình tìm biết mọi thứ, kể cả hoa lạ cỏ độc, dường như "mình" thì không thể hư hỏng, còn con em và cả thiên hạ thì rất dễ hư hỏng! Ngay từ thời bao cấp, hồi nửa cuối những năm 1970 ở vài thành phố lớn đã nghe xì xào về những vụ chiếu phim "con heo" tại các tư gia mà công chúng đặc quyền là các cậu ấm cô chiêu "con nhà", nguồn phim thời ấy chỉ có thể từ các va-li "VIP", từ các chuyến công cán xa đem về. Các cô các cậu dường như đến giờ vẫn chưa hư hỏng, bởi người ta đang thấy họ đua nhau lập các công ty kinh doanh đủ loại.

 

Sáng tác văn học liên quan đến vấn đề tình dục chủ yếu là ở các thể truyện văn xuôi. Đọc văn xuôi gần đây, thấy quả là người viết hay khai thác yếu tố này, vì nhằm thoãn mãn thị hiếu người mua sách một phần, một phần nữa, như là tự thỏa mãn chính mình, sau một thời gian dài bị hạn chế hoặc tự hạn chế ngòi bút trong chuyện này. Cảm tưởng chung là sự kém cỏi, thô vụng. Dưới ngòi bút các tác giả ở ta, những chuyện này thường trở nên bẩn thỉu, kệch cỡm. Dây cũng là một nhận xét chung, nhiều người ở nhiều nước đã nêu lên, về một "trình độ chung" còn thấp của loại sách này ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Điều này không có gì lạ, vì nó còn quá mới đối với người viết ở những nơi này, − ở ta cũng vậy, trong khi ở những phần còn lại của thế giới, do ít bị kiêng kỵ, người ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn hẳn.

 

Ở khía cạnh thuần tuý nghề viết, chỉ có thể đi từ kém cỏi đến những trình độ cao hơn, chứ không có con đường khác. Riêng đối với những ai muốn đi vào đề tài này, có lẽ còn phải nhắc rằng (có thể hơi khiếm nhã chăng) phải được "học hỏi" về văn hóa tình dục, chứ không chỉ bằng các kinh nghiệm riêng, mới đủ để viết. Đọc vài cuốn truyện gần đây, thấy những nữ nông dân Việt Nam ở các năm 1930-40 được mô tả trong những "ứng xử" như là đã kinh qua đến mấy cuộc "cách mạng tình dục"; ví thử có chuyên gia nào dùng các cuốn truyện này làm cứ liệu cho các nghiên cứu xã hội học, chắc sẽ phạm những sai lầm tai hại. Vậy là ngay ở những nhận thức và hiểu biết về một thời chưa xa − cái chỗ tưởng là nhà văn ta có vốn liếng dư dật, hóa ra vẫn là chỗ không phải không có vấn đề!

 

Việc cả truyện dài truyện ngắn, cả các phụ san phụ trương khổ lớn khổ nhỏ đua nhau khai thác các chuyện tình yêu, tình dục, bạo lực… còn có lý do ở sự điều chỉnh định hướng từ cuối 1988 trở đi. Nhiều vấn đề nghiêm túc về xã hội chính trị trên thực tế lại thành "vùng cấm". Nhiều cuốn truyện và bài viết trở thành mục tiêu của những cây bút đâm thuê chém mướn. Trong khi đó, phần đất còn lại, chẳng nguy hiểm gì, là các chuyện lạ đó đây, chuyện tình tay ba tay tư, các cuộc hôn nhân kỳ quặc, các vụ án tình, các chuyện hình sự giật gân. Chính những tờ báo đã lần lượt đem các nhà văn bị xem là "đổi mới cực đoan" ra bêu riếu, nhục mạ, lại là những tờ báo chăm lo câu khách bằng những mẩu chuyện giật gân, bằng những ảnh màu phô phang những đùi những ngực! Cửa được mở khá rộng cho những tin tức và kiến thức tầm tầm, những trò giải trí vụn vặt, như là để ru ngủ cái lý tính vốn hay thao thức trên những điều nghiêm trọng, nghiêm chỉnh.

 

Nếu lý luận phê bình văn nghệ tỏ ra sút kém từ mấy năm gần đây thì lý do trước hết cũng ở cái thời tiết tinh thần nêu trên. Những năm 1989-90, diễn đàn lý luận hầu như dành để khôi phục các quan điểm văn nghệ thời bao cấp. Đằng sau những bài phê phán rầm rộ hầu như tuần nào cũng xuất hiện trên các tờ  báo lớn, có thể hình dung cả một cuộc phục tích, kèm theo những sự phục thù. Chỉ thấy những ngôn luận tự xem là chính thống được quyền lên tiếng. Từ đấy, sinh hoạt lý luận cùn nhụt hẳn, không thấy đâu cái nhuệ khí của những năm 1987-88 nữa. Ngay khi có những giải thưởng được trao cho những sáng tác hay, tiếng nói phê bình cũng dường như ấp úng, lạc giọng. Hoạt động lý luận đang giẫm chân tại chỗ. Không ít người của giới lý luận phê bình, dường như thấy được cái vị trí loại hai không thể chuyển hạng được của giới mình nhưng lại muốn bản thân mình được thừa nhận ít nhiều ở giới loại một ấy, nên từ rất sớm đã chơi trò láu cá, dành các trang phê bình nghiên cứu để tâng bốc từng đại diện một của giới sáng tác, khắc bia dựng tượng cho họ. Trừ đi một số cuộc phê phán gay gắt, nhưng thường là nhằm những mục tiêu phi văn học định trước, thì còn lại là những bài xưng tụng dài dài về những "bước tiến mới", là những câu chữ lập lờ đặt lẫn những tên tuổi đang sống vào giữa tên tuổi các bậc danh văn của ta và của thế giới. Hậu quả là những căn bệnh kinh niên của sáng tác như viết dối, viết ẩu, câu văn chữ dùng tuỳ tiện, dữ kiện lịch sử, văn hóa thiếu chính xác, v.v… và v.v…. − đã nghiễm nhiên bị lờ đi. Những "cá tật" có khi được coi là "cá tính". Các lề thói lấy lòng nhà văn, xun xoe trước nhà văn, giống như mọi thói xấu khác, rất mau được "học hỏi", kế thừa bởi những lớp người sau. Phê bình từng bị đánh mất mình trong việc xưng tụng nhà văn, thì nay, thêm một lần, lại tự đánh mất mình trong làn sóng quảng cáo, chào hàng. Tình cảnh thực của những bài điểm sách, đọc sách hiện giờ trên các trang báo chỉ là quảng cáo, rao hàng. Cố nhiên không phải món hàng cao giá, đôi khi người ta "lăng-xê" nhau chỉ là giúp nhau, vì sự thân tình. Quan hệ vị tình (đôi khi là cánh hẩu) giữa nhà phê bình với nhà văn, như thế, chỉ thiệt cho văn học. Tôi muốn nói rõ là thiệt cho lý tính của cả một nền văn học.

 

Chỉ những khi va chạm với những hiện tượng mới lạ, ví dụ các sản phẩm "sạch sẽ" của văn chương đại chúng nước ngoài, như các sách 'best seller" đang được dịch in đều đều, như phim truyền hình Người giàu cũng khóc, như xê-ri truyện tranh Đôrêmon…, ta mới thấy cả giới lý luận phê bình, cả giới sáng tác đều rất ít được chuẩn bị, dù chỉ để tự "định thần" thôi, trước những món hàng công nghệ đóng hộp này. Tôi đã được đọc trên báo những bài cảm tưởng của một vài nhà văn, nức nở khen các cuốn best seller "hàng ngoại" là văn chương, nhân bản, lạc quan, và luôn thể, lấy làm mẫu để chê bai một số truyện ngắn truyện dài "hàng nội" vốn chứa đựng nhiều tìm tòi về ý tưởng và nghệ thuật là u ám, bi đát. Theo dõi một cuộc thảo luận về văn học thiếu nhi gần đây, cũng thấy nhà văn của ta như bị con số lãi bạc tỉ của Đôrêmon làm ngợp mắt; chỉ có một số ý kiến rụt rè đưa ra nhận xét không thuận chiều so với số đông, nhưng không phải ý kiến của nhà văn! Chả lẽ không ai biết rằng hầu hết các nhà hoạt động văn hóa ở Tây Âu và Nhật Bản đều lo ngại cái loại comics − truyện tranh này, nó thu hút trẻ em, nhưng chỉ để giết thời giờ thôi, chứ đâu có ích lợi gì mấy cho việc bồi dưỡng nhân bản?

 

Văn hóa phẩm giải trí, cả văn chương giải trí nữa, trên thực tế đã mặc nhiên xuất hiện, đã chiếm lĩnh thị trường. Vậy mà trong cảm nhận của chính giới sáng tác, ranh giới của nó với khu vực văn chương thực thụ còn lờ mờ, lẫn lộn như thế, nói gì đến công chúng hay giới phê bình!

 

Mười năm trước, vào lúc một số cây bút cựa mình, chợt thấy một đời viết "ăn theo nói leo" có thể là vô tích sự, không chắc để lại được chút gì đáng giá, đã có một ý tưởng nhen lên, lan ra thành ý tưởng của nhiều người: hãy "là mình"!

 

Đến nay, có thể nhận rõ hơn: "là mình" được cũng khó lắm thay! Phải "có cái gì" thì mới là mình được chứ. "Mình" − dù là một cá nhân cầm bút hay là cả một nền văn học, ở chiều nghĩ lạc quan may ra có thể là một đại lượng không đến nỗi quá nhất thành bất biến. Trong chiều hướng phát triển, chỉ còn có thể đặt hy vọng vào lý tính.

 

● Tạp chí “Tác phẩm mới” số 1/1994

Tạp chí “Cửa Việt” (Quảng Trị) số 1/1994