MẤY NHẬN XÉT VỀ MỘT SỐ TÁC GIẢ VĂN XUÔI LỨA "TỨ TUẦN"

 

 

Họ bước vào văn học khoảng những năm 1960-70. Nên nhắc lại hai loại sự kiện và vấn đề lớn nhất trong đời sống tinh thần của xã hội khi ấy:

− đấu tranh thống nhất đất nước đã sang thời đấu tranh vũ trang, đấu tranh bằng chiến tranh giải phóng và chiến tranh cách mạng.

− cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hôi ở miền Bắc − nông thôn hợp tác hóa − các công trình xây dựng.

 

Điều vừa nhắc trên là quan trọng: chính hai loại vấn đề, hai phương diện căn bản của đời sống thực tế đã đi vào tác phẩm của họ, trở thành hai loại định hướng thể tài chủ yếu của họ. Trên những sáng tác đã viết, họ không đi vào thể tài phong tục lịch sử hay tâm lý xã hội. Họ chủ yếu viết hai loại thể tài văn xuôi chiến đấu và văn xuôi sản xuất. Tất nhiên họ sẽ kết hợp sự miêu tả sinh hoạt-phong tục vào các trang văn xuôi chiến đấu và sản xuất (cũng như kết hợp chất tâm lý-xã hội vào các trang viết đó).

− Văn xuôi chiến đấu: Đỗ Chu, Lê Lựu, Triệu Bôn, Tô Nhuận Vỹ, … va sau này: Thái Bá Lợi, Khuất Quang Thụy, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân…

− Văn xuôi sản xuất: Nguyễn Quang Thân, Ma Văn Kháng, Ngọc Tú, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Mạnh Tuấn…

 

Đỗ Chu là hiện tượng nổi bật từ giữa những năm 60. Cho đến nay vẫn chưa có cây bút nào xuất hiện ở tuổi trẻ như Chu: nổi tiếng lúc 20 tuổi. Tại sao văn xuôi Đỗ Chu mau giành được sự chú ý đặc biệt như vậy của dư luận, nhất là dư luận trong giới văn học, − nhà văn và các nhà phê bình nghiên cứu cũng như độc giả? Trước hết, Đỗ Chu xuất hiện không như một hiện tượng đơn lẻ: cùng với anh là sự ra mắt của cả một thế hệ văn học mới, mà đông đảo nhất vẫn là trong thơ: Nguyễn Mỹ, Thái Giang, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Thanh Nhàn… Lúc họ xuất hiện thì mặc nhiên đang có hai thế hệ nhà văn cùng sống và sáng tác: lứa "tiền chiến" đang "chín" lại một lần nữa, lứa "kháng chiến" sau việc củng cố rà soát đội ngũ (mất mát, rơi rụng sau vụ "Nhân văn - Giai phẩm") cũng mới hơi có đà sáng tác một chút (Nguyễn Khải, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Chu Văn, Vũ Thị Thường, Nguyễn Kiên, …), "thế hệ thứ ba" ra đời và được chào đón như một sự kiện xã hội và văn nghệ. Nhiều nhà văn và nhà phê bình đàn anh nhận ra chất giọng trẻ trung tươi mới của nó.

 

Nếu so sánh thì thấy chẳng những các truyện ngắn và ký của Đỗ Chu xuất hiện khá "cùng thời điểm" mà còn khá "hòa giọng" với thơ Nguyễn Mỹ, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… Trong "giọng" chung của họ quả có đậm phần "cá tính" hơn. (Trong khi "thế hệ thứ hai" trong thơ như là đã mất những "giọng thơ đầu đàn", rất ít đặc sắc về giọng điệu cảm xúc. Ta nhớ những năm 60, giọng thơ chủ đạo thuộc về giọng Gió lộng của Tố Hữu, giọng Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên, giọng Tiếng sóng của Tế Hanh, giọng Bài thơ cuộc đời của Huy Cận, giọng Riêng chung của Xuân Diệu; các giọng thơ Hoàng Trung Thông, Nguyễn Viết Lãm, Phạm Hổ, Bàng Sĩ Nguyễn… chỉ ở "bè phụ", không nổi bật).

 

Trong văn xuôi, Đỗ Chu quả là sớm có "cá tính", có chất giọng riêng của mình.

Nếu phân tích về xã hội thì cảm xúc văn xuôi Đỗ Chu xuốt những năm 60 cũng như của "thơ lớp trẻ" khi đó đều là cảm xúc tập thể ân nghĩa đậm đà. Điều này có nguyên nhân và cơ sở xã hội trong đời sống những năm 60 và sự cảm nhận của tuổi trẻ trước cuộc đời khi ấy. Sự bình ổn trong đời sống, sự ổn định trong các giá trị đời sống là chỗ dựa cho cảm xúc tin cậy, gắn bó, thương yêu, cho cái nhìn đẹp đẽ, thi vị vào mỗi sự vật, mỗi tấm lòng. Đất nước như một gia đình to, thân thuộc. Cuộc sống như một thân thể đang lớn dậy, phổng phao. Tương lai như một chân trời gần, rộng mở. Dẫu chiến tranh đến, nhưng dấu ấn của nó chưa chút nào vương bụi vào ý niệm về tương lai. Trong những đột biến, bất thường của chiến tranh, người ta lại hay nhìn thấy cái đẹp bên trong của tình người. Niềm tin nguyên vẹn, cảm giác yên tâm thoải mái trong cộng đồng chung, nhiệt tình muốn "làm một cái gì đấy" cho cộng đồng chung − ấy là cơ sở của một chủ nghĩa trữ tình tràn đầy trong thơ và văn xuôi trẻ. Thêm nữa, đường gân thớ thịt trẻ và con mắt trẻ trung lại khiến cho cái chất trữ tình ấy in thêm dấu ấn riêng, có cá tính.

 

Cảm xúc tập thể ân nghĩa đậm đà ở văn xuôi Đỗ Chu được toát ra từ một chủ thể có cá tính đậm. Rất ít khi Đỗ Chu kể chuyện từ một vai "chính thống". Giọng kể trong văn xuôi Chu là giọng bè bạn ngoài đời, như là khoác vai nhau mà kể, nằm dựa lưng vào nhau mà kể, gác chân lên nhau mà kể. Nhưng giọng ấy lại là để khẳng định, truyền đạt sự ấm cúng của những quan hệ tập thể. Không bao giờ văn xuôi Chu ca ngợi cái yên ấm của các liên hệ bên trong gia đình nhỏ. Bao giờ Chu cũng miêu tả một cách trìu mến các cuộc kỳ ngộ có tính chất cộng đồng, nảy nở do quan hệ công tác chung, do những gặp gỡ ngẫu nhiên trên đường chiến tranh: những kẻ "lỡ dở" được hàn nối thành gia đình do gặp trong những quan hệ tập thể; những tình bạn "tao ngộ", va chạm, chia lửa, cứu nhau, hoặc cãi nhau, có kỷ niệm chung mà thành bạn; những tình yêu do "duyên số" ngẫu nhiên, gặp gỡ quen biết qua một vài việc ngẫu nhiên, qua một vài con đường và binh trạm Trường Sơn, v.v… Tóm lại, những sự tập hợp có tính chất bạn bầy, đàn lứa, như một thứ tập thể tự nguyện bên cạnh cái tập thể chính thức là đơn vị, cơ quan. Truyện Đỗ Chu là chỗ tụ họp của một thứ "hội đồng hương" của những người khác quê, là chỗ thành hình của một thứ gia đình ở chỗ người ta không có gia đình, nó là nơi tụ hội về tinh thần cho những con người bị bứt khỏi gia đình làng quê lan tỏa trong các nẻo đường chiến tranh, nơi sưởi ấm cho tình cảm quê hương, gia đình, bạn bè của họ, an ủi và khích lệ họ ở những mặt mà sự động viên chính trị không với tới được…Cảm xúc trữ tình và cái thú du lịch du ngoạn (một biến thể của cái thú "xê dịch" kiểu Paoustovski?) với những chờ đợi các cuộc gặp gỡ bất ngờ đã tô cho các truyện của Đỗ Chu một vẻ duyên riêng,  cái duyên của sự "ngông" ngầm, của sự ngấm ngầm khẳng định cá tính.

 

Cho đến những truyện ngắn gần đây nhất, Đỗ Chu vẫn khai thác những khía cạnh đời sống tương tự như trên trong một chất giọng trữ tình như cũ (Đất bãi, Mận trắng). Nhưng đời sống hiện tại đặt lên hàng đầu những vấn đề khác, và đời sống tinh thần hiện tại cũng cần nghe những chất giọng khác, không hẳn là chất giọng "ru ngọt" ở Đỗ Chu. Chu viết chậm, thưa thớt hẳn đi, có lẽ vì chưa tìm được giọng mới, khía cạnh mới cho sự phát triển ngôn nghệ thuật của mình.

 

 

Lê Lựu đi vào văn xuôi nghệ thuật theo một hướng khác với Đỗ Chu. Nếu giọng chủ đạo của Chu là trữ tình, thi vị thì giọng chủ đạo của Lựu là quê mùa thực thà. Chất tả thực ở văn Lê Lựu có khi rất hay, nhất là khi Lựu cho người đọc nghe thật những giọng người làng quê, có khi thô vụng, nhất là ở giọng người kể chuyện dẫn chuyện. Nếu Chu không vụ cốt truyện, chi tiết mà vụ ở xúc cảm trước các sự việc, thì Lựu lại vụ sự việc, tuy cốt truyện và sự việc ở văn xuôi Lê Lựu lại hay rối, đứt nối khá lung tung, hay bị ngắt quãng, "đình chỉ" lại vì những đoạn tả và kể miên man các chi tiết sinh hoạt "phong tục". Mức độ cách điệu hóa ngôn ngữ ngoài đời ở văn xuôi Chu cao hơn ở văn xuôi Lựu. Nhưng nói chung, giác quan văn xuôi ở Lê Lựu mạnh hơn ở Đỗ Chu. Trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất cho văn xuôi Lê Lựu (Người cầm súng, Trước ngày nắng…) có thể thấy rõ cái ý hướng này: môi trường bộ đội là môi trường nuôi lớn nhân cách, là nơi mọi chàng trai nhà quê khờ khạo, có vẻ "ngớ ngẩn", thộn, đần, v.v.. đều trở thành người lớn, có bản lĩnh; mà biểu hiện của chất "người lớn", "bản lĩnh" ấy là khả năng chiến đấu, là thành tích chiến đấu. Như vậy, trong văn xuôi của Lựu, chất anh hùng của văn học đương thời còn gánh một nhiệm vụ nữa: nó là nhân tố cần thiết và quan trọng để "đo" sự trưởng thành và phát triển nhân cách. Thế hệ thanh niên trong cách Lựu mô tả đã "thành người" do chiến đấu, do môi trường tập thể quân đội… Các hành động anh hùng, dũng cảm… ở đây đồng thời trở thành một chuẩn để xác nhận có sự tự khẳng định nhân cách, tự khẳng định thế hệ.

 

Mạch viết như vậy ở Lê Lựu đã kéo dài suốt từ trước 1975 cho đến đầu những năm 1980. Nếu căn cứ vào bản thảo tiểu thuyết Thời xa vắng (1984) của Lựu [1] tôi cho là có thể nói đến dấu hiệu về một bước mới của Lê Lựu, bước này ít nhiều có gắn với sự phát triển về nhận thức và tinh thần của thế hệ viết cùng lứa tuổi Lựu. Trong tiểu thuyết này có một vấn đề sinh hoạt xã hội khá quan trọng đặt ra: vấn đề hôn nhân và gia đình, vấn đề đánh giá ra sao đối với những sự "giúp đỡ" (hay là "can thiệp") của các người thân xung quanh…, nhưng cũng còn một khía cạnh tự nhận thức quan trọng hơn, giống như một sự tự nhận thức của cả một lớp tuổi: tự nhận thức về những cái thành và cái bại trong đời mình, về những cách xử lý con đường đi của cả đời mình, có sự tự ý thức, tự phê phán.

 

Vẫn với những ưu điểm và nhược điểm vốn có ở văn xuôi Lê Lựu như trước, nhưng về chất lượng của tư tưởng nghệ thuật thì quả là không giẫm chân tại chỗ (trong khi Đỗ Chu có vẻ như vẫn giẫm chân tại chỗ).

 

 

Tôi muốn nói đến một tác giả thứ ba: Thái Bá Lợi. Truyện đầu tiên của Lợi gây chú ý rộng rãi là truyện ngắn Hai người trở lại trung đoàn (1976). Tuy nhiên, đặt truyện này vào tập Vùng chân Hòn Tầu thì thấy chất lượng và xu hướng các truyện ngắn không giống nhau. Một truyện khá đạt khác trong tập này là Quê hương thì tuy viết khá, nhưng lại giẫm lại cái mách mà Đỗ Chu đã viết rất thành thục: cảm giác thấy nơi không phải quê bỗng biến thành quê. Nếu gộp chung các sáng tác khác của Lợi: Thung lũng thử thách (1977), Họ cùng thời với những ai (1980), Bán đảo (1984) thì thấy hai mạch: một mạch truyện chiến đấu, trong đó ngoài sự mô tả khá đúng các chiến lệ (đây là nhận xét riêng của Ngô Thảo) thì khá nổi bật là vấn đề hai thế hệ. Đúng hơn, sự đánh giá lớp trẻ, quan hệ lớp trẻ với lớp đàn anh. Mạch thứ hai, là mạch quan hệ con người trong đời thường. Mạch này được tính bằng vào Hai người trở lại trung đoànBán đảo. Hai người trở lại trung đoàn có thể thấy cái cảm nhận khá sắc: ra khỏi cuộc sống thời chiến là một cuộc sống khác, với những xử sự khác, dẫu vẫn là giữa những con người ấy với nhau. Bán đảo nhằm vào những quan hệ con người sau chiến tranh (giống như Miền cháy của Nguyễn Minh Châu). Nó có cái nhìn tỉnh táo hơn, trầm tĩnh hơn.

 

Và chính trầm tĩnh, điềm đạm, "khách quan" − là giọng Thái Bá Lợi; ở Bán đảo, giọng đó bắt đầu hơi "điệu" một chút, hơi tỏ ra "sành chơi", "sành biết" một chút, nhưng vẫn là tỉnh táo, khách quan. Ở Thái Bá Lợi, tôi không e ngại chất giọng và thái độ khách quan, nhưng tôi ngại cái ý truyện khi bị giấu quá kín (hoặc không dám nói ra cho đủ rõ).

 

Nguyễn Mạnh Tuấn là người viết rất khỏe và quá tự tin. Nếu Thái Bá Lợi có chất giọng trầm tĩnh khách quan thì Nguyễn Mạnh Tuấn và Dương Thu Hương lại có chất giọng khá "hàm hồ". Trong những tập truyện Tôi vẫn về nhà máy cũ Năm hòa bình đầu tiên, Tuấn viết về những chuyện ở Tp. HCM sau giải phóng bằng con mắt của người giải phóng: với mọi chuyện đời phức tạp ở đây, rốt cuộc người kháng chiến về bao giờ cũng đúng, người trong thành bao giờ cũng lộ ra cái xấu, cái dở của mình. Khoảng cách còn lại hưởng ứng nhiệm vụ cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở Tp. HCM., Đứng trước biển thì hưởng ứng cuộc vận động cải tiến quản lý kinh tế, chống quan liêu bao cấp, động viên tính chủ động của người sản xuất. Tính chất "phục vụ chính sách" của các sáng tác này rất rõ, hơn nữa, Đứng trước biển còn lộ rõ xu hướng "ca tụng địa phương" nữa. Những nhân vật tích cực và sáng suốt, dám nghĩ, nghĩ đúng, và làm đúng là một ông giám đốc sở và một giám đốc xí nghiệp. Các vai từ trung ương vào thì lộ ngay những nét quan liêu, bàn giấy (vai thứ trưởng). Tuấn chú ý mô tả những tình huống quản lý kinh tế hơn là những tình huống bộc lộ nhân cách, bộc lộ các vấn đề của đời sống con người. Đứng trước biển được độc giả tìm đọc là vì nó ra đời ngay trong không khí đổi mới cơ chế quản lý kinh tế còn đang "nóng", nó tác động thêm vào không khí đó. Nhu cầu đọc nó là nhu cầu tư tưởng trong quản lý sản xuất, chứ không phải nhu cầu nhân bản, nhu cầu về các vấn đề đời sống tinh thần con người. Những yếu tố tâm lý, triết lý có gài vào chỗ này chỗ kia là cành nhánh tô điểm thêm vào, chứ không hữu cơ với câu chuyện. Viết tiểu thuyết, nhưng Tuấn không mấy khi chú ý đến nhân học, đến sự khám phá con người, chỉ chú trọng khám phá các tình huống sản xuất, tình huống quản lý.

 

Tất nhiên sự chú trọng khám phá các tình huống quản lý sản xuất cũng đưa đến một cái gì đấy, nhất là do tính đến nhiệm vụ cải tiến quản lý, thay cơ chế bao cấp bằng cơ chế hoạch toán kinh doanh mới. Chỗ đến của Tuấn tựu trung là nhìn khá thẳng vào một số mặt tiêu cực của đời sống xã hội. Chỗ được người đọc đồng tình có khi chính là chỗ tác giả bạo nói những điều tiêu cực ấy. Họ đọc những chỗ ấy như gặp được những ống xả để xả ra cảm giác về những điều tương tự mà họ cũng thấy ngoài đời. Nhưng độc giả có thể quên rằng Tuấn gán tất cả những cái tiêu cực ấy cho kiểu quản lý sản xuất cũ, cho di sản thực dân… mới! Khi cơ chế cũ này được người quản lý mới (ba Phi) cải tạo thì, − trong cách mô tả của Tuấn, − mọi sự đều trở nên tốt đẹp, từ sản xuất đến nếp sống. Mỗi truyện của Tuấn về sản xuất đều bắt đầu bằng "chủ nghĩa hiện thực tố cáo" để vẽ ra tình hình trước khi có chính sách mới, và kết thúc bằng "chủ nghĩa lãng mạn kinh tế", bằng những bức tranh lãng mạn hóa khi chính sách mới được thực hiện. Nhưng Tuấn viết đầy tự tin và yên tâm. Tuấn coi những cách xử lý các xung đột như kiểu mình làm là thực chất phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Với sức bút như hiện nay, Nguyễn Mạnh Tuấn còn viết xông xáo và "mắn đẻ" hơn nữa, nhưng cái khuôn chung ở Tuấn đã định hình, chắc chắn chưa có tiến triển gì trong năm, bảy năm tới.

 

 

Nếu Nguyễn Mạnh Tuấn bạo nói những chuyện tiêu cực trong quản lý sản xuất và tổ chức xã hội, thì Dương Thu hương cũng bạo nói không kém, nhưng là trong những chuyện đời thường, những quan hệ đời thường. Hương viết khỏe, và khá táo bạo, không sợ thô, không sợ trơ. Văn xuôi Hương như là muốn "lật tẩy" sự đạo mạo.

 

Cảm quan nổi bật ở văn xuôi này là: trong đời thường, người ta không hoàn thiện, người ta rất dễ thay đổi, mà lại rất dễ thay đổi theo hướng xấu đi. Quan hệ con người, − nhất là quan hệ yêu đương, vợ chồng, − là không bền chặt. Từ đó ít nhiều toát ra cảm giác thất vọng với tình trạng đạo đức và nhân cách hiện tại.

 

Có thể nói sau một thời gian dài các cây bút văn xuôi các cỡ thi tài nói hay nói tốt về con người cùng thời, thì giọng Hương xuất hiện như là báo hiệu một cách nói khác, một góc độ nhìn khác. Thử nhìn khía cạnh xấu của người đời bằng văn học, bằng tiếng Việt xem có được không? − Văn xuôi này như muốn thử làm hướng đó. Chẳng hạn, để tả vẻ kệch cỡm ở một con người nào đó trong đời thường, một người đàn ông chẳng hạn, Hương đã thể hiện người đó qua cảm nhận của người đàn bà đã hết yêu anh ta, đã ngán anh ta. Tâm lý ngoại tình, "tâm lý thất vọng", ở đây, là một phương tiện. Đặt dưới cái nhìn của người đàn bà đã ngán chồng mình, thì từ đôi bàn tay, cái gáy, cho đến các thói quen thông thường của người đó đều bị "lạ hóa" trước độc giả, nó trở nên "biểu cảm" theo hướng gợi ra sự ghê tởm.. (xem Người đàn bà và những bông bần ly).

 

Nhưng nếu chỉ nói văn xuôi Hương "nói xấu" người ta thì sẽ không đúng. Cái chính, theo tôi, là văn xuôi Hương đi vào dòng tâm lý-sinh hoạt, thậm chí vào dòng văn xuôi đạo đức. Là vì sự phê phán này đưa tới những yêu cầu cao hơn về nhân cách, phẩm giá của mỗi người, chẳng những trong công việc, công tác, mà còn cả trong sinh hoạt, trong mọi quan hệ đời thường.

 

Trong văn xuôi Hương, dù sặc sỡ, táo tợn, vẫn âm ỉ một giọng buồn nhớ quá khứ, nhớ một thời đẹp đẽ nào đó: một thời ấu thơ thần tiền, một người yêu cũ đẹp đẽ trong mối tình cũ đẹp đẽ… Chép một đoạn sau cho cụ thể, dù tôi lật sách đến chỗ này một cách ngẫu nhiên:

 

" − Cái ngày xưa, cuộc sống mới thật là cuộc sống…− Trong ánh mắt cô, tôi tìm thấy bóng dáng những cơn mưa thời thơ ấu. Những cơn mưa như không phải là mưa mà là cuộc vui bất tận, tràn trề. Chúng gieo trong tim ta những âm thanh dạt dào và những màu sắc lung linh huyền ảo. Chúng lưu lại trong tâm hồn ta làn hơi nước mát trong. Và nhờ đó, ta thấy lại ngọn khói xanh, vị cá nướng ngon lành, chân trời mùa thu trong như mời mọc… Những con cá tự tay ta vớt dưới hồ, đó là hạnh phúc" (Chuyện một cô gái).

 

 

Đến chỗ này thì văn xuôi Hương có hơi hướng văn xuôi Paoustovski được diễn lại qua văn dịch của Vũ Thư Hiên cũng như qua văn sáng tác của Đỗ Chu. Nhưng văn Đỗ Chu và văn Dương Thu Hương là hai dòng ngược chiều nhau. Chu cho người ta tin rằng có thể tìm ra, trên đường lang bạt của công tác, chiến đấu, những chỗ ấm cúng, có thể tìm ra hoặc tạo ra sự thân tình giữa những người dưng, do sự "run rủi" tốt đẹp, do những ngẫu nhiên may mắn trên đời. Còn văn xuôi Hương thì cho người ta cái cảm tưởng chỉ có hạnh phúc ở sự nhớ về một kỷ niệm đã qua. Thật ra, trong văn xuôi Hương cũng ngầm chứa cái yêu cầu "đời phải như một cuộc vui bất tận tràn trề", nhưng nhìn vào hiện tại của nó thì nó không thấy cuộc vui ấy, nó đành nói cái buồn để đòi hỏi cái vui. Và nhân thể (nhưng quan trọng) là đòi hỏi sự trong sáng, thanh cao, chính trực trong nhân cách mỗi con người, trong các quan hệ con người.

 

 

Trở lên, tôi điểm qua mấy khuôn mặt văn xuôi của thế hệ "tứ tuần". Họ chưa già dặn, sâu sắc, chưa đạt được những khái quát triết lý cao như Nguyễn Khải. Họ tỏ ra ít khả năng làm văn xuôi lịch sử, phong tục như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng. Nhưng nếu hai thế hệ trước họ đang viết trong cảm giác yên ổn, yên tâm mà nhìn mọi chuyện đời (giống như cái khí chất người ở tuổi từng trải, ít đam mê, ít can dự vào đời, bình thản chứ không ham hố, ít đau ít say mà cũng ít đắc thắng…) thì thế hệ này đang viết trong cảm giác còn cay cú với đời, còn vướng quá nhiều duyên nợ với đời, cho nên phần xúc cảm ở sáng tác của họ vẫn đậm hơn, thấy dễ mến hơn.

 

Một mặt khác, họ ở vào tuổi khó có thể trau dồi thêm, học hỏi thêm được gì để chuyển biến tay nghề, nhưng trình độ sáng tác của họ lại đang rất cấp bách cần nâng cao. Nếu rơi rụng hay nâng cao là chuyện đang diễn ra với nhà văn lớp "ngũ tuần" thì chuyện ấy cũng sắp thậm chí đang diễn ra phần nào với nhà văn lớp "tứ tuần". Tôi không tin lắm vào khả năng đột biến và vươn cao hẳn lên lớp tứ tuần này, nhưng không vì thế mà bớt yêu mến và gắn bó với họ.

1/3/1985

 

Tham luận gửi Hội nghị nhà văn trẻ 1985.

[1] Bài này viết khi “Thời xa vắng” chưa xuất bản.