MỘT NGHỀ KHÔNG NỔI DANH

 

Làng văn xưa nay xem ra chỉ gồm những người "có danh": nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, hào phóng hơn thì người ta kể thêm nhà phê bình. Thế nhưng hầu như mỗi người "có danh" ấy, ngay cả trong giới của mình, ai cũng phải thường xuyên có quan hệ với một số khá đông những người "không danh tiếng": người biên tập. Thật ra thì khá đông những người "có danh" đều đã hoặc đang làm nghề biên tập, tuy rằng khi làm chức năng một biên tập viên thì phải ứng xử khác với khi hiện diện như một nhà văn, nhà thơ…

 

Nói đến nghề biên tập, tôi không định biện hộ hoặc muốn sửa đổi mặc cảm "không danh tiếng" của người làm nghề này, dẫu rằng người ta còn chưa coi trọng đúng mức vai trò của họ. Lập một nhà xuất bản hay một tờ báo, người ta chỉ cần biết ai sẽ đứng đầu, chứ chẳng mấy khi hỏi đến đội ngũ biên tập và trình độ nghề nghiệp của đội ngũ ấy ra sao. Thật khó hình dung có thể lập một đội bóng đá mà lại không tính đến các cầu thủ với đẳng cấp tài nghệ của họ! Nghề làm báo, làm sách ở ta đã có từ lâu, lại có hẳn những cơ quan nhà nước chuyên quản lý hoạt động này, nhưng cho đến bây giờ các quy cách về ấn phẩm vẫn còn lỏng lẻo, tùy tiện. Ai biên tập cuốn sách này, cần ghi tên vào trang cuối sách, nhưng nhiều khi cũng chỉ làm lấy lệ. Thành thử, có nhà xuất bản đã cho phép biên tập viên bịa ra một cái tên giả để ghi vào cuối sách. Thế mà biên tập viên lại vốn là một chức nghiệp, họ tên người ấy phải được đăng ký trong hồ sơ nhân sự của cơ quan.

 

Nói đến nghề biên tập là nói đến trách nhiệm, sau đó mới đến sự tinh thông, sự giỏi giang. Nhưng chỉ dự tính tất cả những gì liên quan đến trách nhiệm biên tập đã thấy có hàng loạt những khía cạnh dễ mập mờ, do thiếu những quy định chung, chặt chẽ về công việc biên tập.

 

Nếu chịu khó tìm hiểu xem tác giả có nhận xét ra sao về các biên tập viên mà mình có quan hệ, hẳn ta sẽ tập hợp được rất nhiều sắc thái. Nhưng có thể tạm quy vào hai trạng thái "cảm tưởng" của tác giả: bằng lòng hoặc không bằng lòng, nghĩa là công việc của biên tập viên sẽ được các tác giả coi là tốt hoặc không tốt.

 

Làm biên tập tức là "can thiệp" vào văn bản của tác giả (Dẫu văn bản của tác giả được người biên tập "ô kê" ngay cũng vậy, nhưng đã mấy khi văn bản của tác giả giữ được vẹn nguyên cho đến lúc hiện lên thành con chữ in!). Có lần giữa một nhóm biên tập viên thân quen, tôi được nghe một bạn nói: Tớ sở dĩ xử trí với bài vở tốt như bây giờ là nhờ có kinh nghiệm của hơn chục năm làm việc ở tờ nhật báo lớn. Lập tức, một bạn khác chen ngang: Hơn chục năm chuyên cắt gọt bài vở, làm cho nó tròn như hòn bi, văn ai cũng trở thành văn của tòa báo, kinh nghiệm ấy đáng bỏ đi hơn là lặp lại, nếu thấy cần tôn trọng tác giả!

 

Hiếm khi tìm được những tác giả vui vẻ để cho bài vở của mình bị cắt xén, sửa chữa. Gương mặt các tác giả hiện diện trước biên tập viên thường là gương mặt khó tính, chưa nói có thể còn là gương mặt cha chú, gương mặt chức sắc. Trong khi biên tập viên thường hiện diện trước tác giả trong gương mặt "cửa quyền" − chịu cho cắt xén thì "xong ngay", không chịu thì xin hãy đợi đấy, hoặc xin đem chỗ khác! Bản viết tay dẫu sao cũng cứ muốn tìm đến khuôn in, nên chi người viết đành "thân lươn bao quản lấm đầu". Những lúc ấy mọi sự dường như chỉ còn là chuyện bán chữ buôn văn. Biết thân đến bước lạc loài, bản thảo phải rời tay người viết để "đi xa". Thôi thì ngàn tầm nhờ bóng tùng quân, xin "ngài" biên tập hãy "tuyết sương che chở" cho… bản thảo của tác giả!

 

Tôi đang lâm ly hóa tình cảnh đấy thôi, chứ thật ra chuyện thường ngày ở các tòa soạn giữa người biên tập và tác giả nó nôm na hơn thế, nhiều khi thuận chiều hơn thế. Có điều là đôi khi − hoặc thường khi − vẫn có cảnh lúc tờ báo ra khỏi nhà in, tác giả hồi hộp xem mặt "đứa con" của mình thì chợt thấy nó dường như "không phải là nó"! Chưa đến nỗi nó là "oẳn tà roằn", nhưng xem ra nó có những cái không phải "tông giống" nhà mình! Tại ai đây? Anh tác giả hay biên tập? Tại biên tập một phần, vì nhiều lẽ, chí ít là khuôn khổ dài ngắn, buộc phải thu rút, chưa nói là hễ có vài ba "húy kỵ" hiện hành thì lập tức có vài ba chỗ cắt cúp, sửa chữa. Chỉ lưỡi kéo kiểm duyệt thì mới xẵng, mới sòng phẳng, để lại vết cắt rành rành, rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai. Còn ngòi bút biên tập, nó mềm mại lắm, nó xóa liền vài trang không để lại dấu vết! Bài vở gai ngạnh mấy cũng có thể thành trơn tru, tròn trịa. Tác giả cứ việc "lãnh đủ": ký dưới bài viết là tên anh chứ đâu phải tên biên tập viên? Anh "lãnh đủ" là đúng, nếu như anh bằng lòng cho cắt xén như thế. Chỉ tiếc cho anh nếu như người ta đã cắt xén ngoài ý muốn, ngoài sự đồng ý của anh. Trường hợp này, đáng tiếc, lại không phải là hãn hữu. Nhưng bài đã ra rồi, chỉ còn anh chịu trách nhiệm trước người đọc, anh muốn cãi lộn với biên tập viên cũng chả ích gì mấy, vì ở ta chưa có thói quen bắt buộc phải có chữ ký của tác giả ở văn bản bài vở đã biên tập, coi đó như sự thỏa thuận "cuối cùng" giữa tác giả và toà soạn về bài sẽ đưa in. Phải chăng đến hôm nay cần tạo ra thói quen mới này, coi nó như quy tắc làm việc của nghề biên tập? Chế độ chịu trách nhiệm của cá nhân cần được cụ thể hóa: tòa soạn có quyền in hay không in một bài vở nào đó, tác giả thì có quyền… chịu để sửa đổi, cắt xén ở những chỗ nhất định, hoặc giữ nguyên, dù không được in (Không được in thì cũng khó chịu như bị bịt miệng vậy song có thể an ủi: bị bịt thì cũng ngang như phải im lặng, mà im lặng có khi lại là… vàng! Khỏi phải mở miệng nói lời a dua thì "là vàng" quá đi chứ!).

 

Nói cho cùng, in ra dù cả một tác phẩm dài hay chỉ vài ý kiến nhỏ, một mẩu tin vắn, dẫu sao vẫn là công bố một điều gì đó, là để cho một tiếng nói nào đó được cất lên. Công bố là một hành vi xã hội và nghề biên tập chính là can dự đến sự công bố ấy, là để cho một phát ngôn nào đó được lên tiếng. Ta đã có kinh nghiệm để hiểu rằng chẳng ai nghĩ thay được cho ai, vì vậy cũng chẳng ai nói thay được cho ai. Đã thế thì hay gì cái việc làm méo đi một tiếng nói trước khi cho nó cất lên, cho dù cái tiếng nói đã bị làm méo ấy có thể nhất thời nói hộ được cho mình?

 

Tôi biết những người biên tập khác nhau. Có người quá tự ti đến nỗi để cho tác giả muốn gì được nấy, dẫu ông ta viết đoạn sau ngược hẳn ý đoạn trước, dẫu ông ta có tự chép lại sách mình để làm ra quyển sách mới. Có người ngược lại, quá tự phụ, cho rằng có thể giúp tác giả biến một bản thảo hạng bét thành một tác phẩm hạng nhất, quên mất rằng ngòi bút biên tập vung lên trong ảo tưởng ấy chỉ góp phần làm nghèo nàn ngôn ngữ, làm đơn điệu văn học, làm cho các tác giả đang hao hao như nhau bỗng trở nên giống nhau đến kỳ lạ!

 

Xin thôi ảo tưởng: người biên tập không phải hiệp sĩ. Xin đừng e sợ: người biên tập không phải là đao phủ. Biên tập là một nghề nghiệp. Không có một đội ngũ biên tập vừa lành nghề vừa trung thực và hiểu biết thì văn học và báo chí không thể không chịu những thiệt thòi, kém cỏi.

 

2-9-1989

● Báo “Người Hà Nội” số 123 (21/10/1989)