MỘT TRONG MUÔN VÀN ĐỜI VĂN DANG DỞ

 

 

Người ta thường biết đến văn nghệ sĩ qua những người nổi danh, thế nhưng ít ai biết đến vô số những người của giới này đã không có cái may mắn được hưởng vinh quang của sự thành đạt. Nếu quả là nghệ thuật được cai quản bởi một vị thần thì Ngài hẳn đứng đầu về kỷ lục  ngốn nuốt những con người ưu tú: ở mỗi thế hệ, Ngài đều lôi cuốn được những kẻ tài năng tinh tế và mẫn cảm nhất, xui khiến họ làm đệ tử của Ngài để rồi Ngài vứt bỏ hầu hết vào cõi vô danh… Ý nghĩ chợt đến trên đây ám ảnh tôi khi nhớ đến một người bạn vừa quá cố.

 

***

 

Tôi chỉ được biết Trần Vũ Mai từ khi anh về làm việc cùng chỗ tôi, − Nhà xuất bản Tác phẩm mới (tức là Nhà xuất bản Hội nhà văn bây giờ). Dạo ấy, trong lúc một số anh em viết văn từ Hà Nội chuyển vùng vào Nam, chủ yếu là Sài Gòn, thì cũng có một số khá đông anh em từ phía nam, nhất là miền Trung, lục tục kéo ra Hà Nội, người thì ra học lớp viết văn Nguyễn Du khóa đầu, người thì chuyển ra các cơ quan văn nghệ ngoài Bắc. Sàn sàn cùng lứa, lại cũng đã ít nhiều đọc tên nhau trên các báo, nên chúng tôi thích gặp mặt, làm quen nhau. Có nhiều chỗ để gặp gỡ: tại các buổi giảng mở rộng của trường Nguyễn Du, tại các lớp học ngoại ngữ ở 51 Trần Hưng Đạo, tại tòa soạn báo Văn nghệ hoặc tại 65 Nguyễn Du, trụ sở Hội… Thân nhau hơn chút nữa thì có thể kề cà bù khú tại nhà những anh bạn ở ngay các phố trung tâm, − Ngô Thảo và Nguyễn Thụy Kha cùng ở số 60 Hàng Bông, Nguyễn Trung Đức ở số 8 Tràng Tiền, hoặc cả loạt những Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Phạm Hoa, Nguyễn Trí Huân lúc ấy đóng trại ở tập thể xưởng hoạ quân đội dưới xóm Vân Hồ, hàng ngày đạp xe lên học trên Ô Chợ Dừa, buổi trưa trở về thường ghé qua 65 Nguyễn Du chỗ chúng tôi… Lúc đầu, tôi hơi lấy làm lạ là Mai ít xuất hiện ở những chỗ anh em ở miền Trung mới ra thường đến. Nếu anh ghé lại, thường cũng chỉ ngồi một lúc, rồi lại bỏ đi. Mà cũng không dễ tìm Mai ở nhà riêng: từ nhà trên mạn đường Hoàng Hoa Thám, có khi bố mẹ anh phải sai các em anh đi tìm, nếu cách vài ba ngày không thấy Mai về nhà. Mãi sau khi đã biết thói quen thích lang thang của Mai, chúng tôi mới đoán được một vài nơi anh đến, một vài trong số những người Mai hay giao du. Có người, với Mai hình như là chỗ bạn cũ, quen nhau từ trước. Có người, với Mai hình như sự quen biết là khởi từ một quán rượu. Có những quán luôn luôn có thứ rượu ngon mà khách đã quen. Lại có những chủ quán sẵn lòng cho khách hàng quen ghi sổ nợ… − đây đều là loại "quán cóc", quán nhỏ, bán chè (trà) chén, thuốc lá, kẹo lạc…; ở đây, "cuốc lủi" rót cùng vào loại chén bán nước chè, uống "sẹc", suông thôi, rượu chiêu vào họng cùng với khói thuốc lá, thứ thuốc lá cuốn, bó thành bó mười điếu một, − thứ thuốc lá phổ thông của Hà Nội mươi năm trước, giờ đã thành quá khứ. Biết nhau tại các quán thì dễ thôi, nhưng để trở nên thân quen, có thể hẹn đến  thăm nhau nữa, chắc không phải quá dễ. Nhiều lúc tôi phải ngạc nhiên không hiểu từ lúc nào Mai quen biết được nhiều đến thế những người trong các giới văn nghệ, thuộc các lứa tuổi khác nhau, đang nổi tiếng, chưa nổi tiếng hoặc đã xế bóng mãn chầu!

 

Dạo Đặng Thái Sơn được giải thưởng quốc tế, bọn tôi đang còn kháo nhau những tin tức ngắn đăng trên báo, thì Mai đã có thể ngồi kể hồi lâu xung quanh cái tên tuổi vừa nổi tiếng này; − chả là từ lâu, Mai đã là chỗ quen biết, là bạn rượu của Đặng Đình Hưng. Có lần một anh bạn báo hỉ tới anh em cùng cơ quan, hỏi nhau thêm vài câu, Mai liền bảo anh có quen ông bố vợ của anh bạn nọ, cũng là bạn rượu, một họa sĩ nghiệp dư. Hôm ở đám tang Mai, thấy một thanh niên bùn lấm đến bắp chân lặng lẽ ra về sau cùng, xa hẳn những người khác, tôi chờ anh cùng đi một đoạn, hỏi chuyện mới biết anh và Mai quen nhau đã mấy năm nay, − anh là một nhạc công bên quân đội. Lại nhớ, lần đầu tôi gặp anh Thái Bá Vân ở một cuộc họp, lúc nghe nói tên cơ quan tôi đang làm việc, anh Vân liền hỏi thăm Mai: họ là bạn rượu của  nhau đã khá lâu! Với nhiều người nổi tiếng khác, − Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Phùng Quán, Văn Cao, v.v… − tôi đoán, sự quen biết của Mai hẳn là có các quán rượu làm trung gian. Những sự việc sau này khiến tôi càng không dám cả quyết rằng với Mai, rượu chỉ là phương tiện đưa anh vào sâu trong giới những người làm văn nghệ! (Một sự thực đáng buồn là rượu đã đánh gục nhiều người, mà trong số đó không thể không có Trần Vũ Mai − "đánh gục" hiểu theo nghĩa đen, nghĩa sức khoẻ, thể chất; còn theo nghĩa rộng thì hẳn rượu không phải là kẻ chủ mưu!). Nhưng tôi phải biện hộ rằng qua "con đường của rượu" ấy, Mai đã thâm nhập được khá sâu vào giới những người sáng tác. Một trung tâm như Hà Nội bao giờ cũng còn những anh tài, những "quái kiệt"; thâm nhập vào giới ấy, hiểu biết họ, hiểu biết nghệ thuật, − đó có lẽ cũng là điều có sức cám dỗ không nhỏ đối với một học sinh yêu văn học, hơn nữa, một người viết văn trẻ như Trần Vũ Mai.

 

Nhưng Mai không chỉ đi vào đám người làm nghệ thuật hoặc xa gần với nghệ thuật. Chẳng hiểu do đâu, có nhà cửa vườn tược hẳn hoi, cha mẹ và các em lúc nào cũng chờ đợi, nhưng Mai lại ít thích về nhà. Anh đã quá quen rồi chăng với một trong những "tập quán" đã hình thành từ thời chiến: sống nay đây mai đó? Có khi anh ngủ lại nhà bạn bè, có khi anh ngủ qua đêm trên ghế đá giữa công viên. Mai không sợ đám dân bụi ngoài vườn hoa, ngoài sân ga sao? − Một lần hỏi anh thế, Mai lắc đầu. Anh trỏ cái cặp, trong đựng nhiều sổ tay ghi chép, vài thứ áo sống sơ sài: "Có lần cái cặp này bị mất, mấy hôm sau mới tìm thấy đấy!" − Nhờ đồn công an chắc? − "Không, tự tìm lấy". Hóa ra, anh đã làm quen với đám "dân bụi", nói chuyện, dò hỏi và họ đã phải trả lại anh chiếc cặp với mọi thứ nguyên vẹn bên trong. Ở phố Nguyễn Du, xế về đường Nam Bộ cũ, có một bà cụ bán hàng nước Mai thường ghé đến. Hồi đầu, có lần cụ đến cơ quan hỏi anh để nhắc khoản tiền rượu ghi nợ. Chuyện đó khiến anh bị tai tiếng một dạo. Nhưng rồi dần dần quen anh, cụ không lo chắc lép gì nữa. Một hôm, anh dẫn tôi tới quán bà cụ uống suông với nhau một chén rượu quê, rồi bảo: cụ đã coi tôi như con nuôi rồi, không còn chuyện cụ chống gậy đến cơ quan đòi nợ rượu nữa đâu! Mai thích ngồi chỗ ấy, ngắm hai đứa cháu trai của cụ chơi nghịch với nhau, thỉnh thoảng hỏi chuyện người phụ nữ là mẹ bọn trẻ, lúc chị đi làm về. "Cô này, có chồng liệt sĩ, người còn xinh tươi thế mà cứ ở vậy". − Mai chép miệng bảo tôi. Trong nhật ký Mai còn ghi việc này: lúc anh nằm viện thì bà cụ hàng nước ấy qua đời. Vừa ra viện, điều anh tự nhắc mình trước tiên là kiếm thẻ hương đến viếng vong linh cụ.

 

Mười hai năm sau cùng, ở Hà Nội, công việc của Mai là biên tập sách văn xuôi. Lúc đầu tôi thấy anh thường làm với các bản thảo sáng tác của anh em miền Trung. Chỉ sau một thời gian ngắn, Mai đã giành được sự tín nhiệm của lãnh đạo và đồng nghiệp trong nhà xuất bản; anh em viết văn xa gần cũng thường tin cậy, thích sách của mình được giao cho Mai biên tập.

 

Cũng phải nói là ở ta mấy chục năm qua, biên tập văn học, cũng như sáng tác, đều chưa thành hẳn những nghề riêng. Thông thường, phải là một cây bút đã có chút ít bài đăng báo "trình làng" mới dễ được nhận về cơ quan xuất bản báo chí văn học. Về làm ở đó rồi, bạn sẽ vừa làm biên tập, vừa viết văn. Lâu lâu, nghĩa là sau vài ba năm, cái nọ hỗ trợ cái kia, bạn sẽ có được chút ít uy tín trong "làng" (hoặc ít ra bạn cũng tạo được một số quan hệ thuận lợi cho vị trí của bạn), mặc dầu không chắc gì bạn đã thành nhà văn, mà nghề biên tập, nghề làm báo của bạn cũng không thể bảo là thành thạo. Để làm biên tập sáng tác của người viết trong nước, cũng có nhiều cách. Quy chế, trình tự biên tập không thấy được định ra rõ ràng, nên từng quyển sách cũng ít nhiều mang dấu "phong cách" biên tập của mỗi người.

 

Mãi đến sau này khi Mai được nhiều anh em trong giới khen về năng lực biên tập, tôi vẫn không nghĩ Mai thuộc kiểu biên tập viên mẫn cán, chỉn chu. Vả chăng, một biên tập viên mẫn cán, biết cẩn thận đến từng dấu phẩy trên bản thảo cũng không thể làm được như Mai: anh là kiểu biên tập viên tài tử.

Trong những cuốn sách mà Mai được tiếng tốt về biên tập, chắc cũng có những cuốn là do gặp may. Thỉnh thoảng vẫn có những bản thảo hứa hẹn những cú sốc bất ngờ: in ra, hoặc sẽ bị đánh ra trò, hoặc sẽ được khen rầm rộ. Một biên tập viên thích an toàn sẽ không muốn "dây" vào những bản thảo nguy hiểm nọ. Rốt cuộc có thể nó đến tay Trần Vũ Mai… Nhưng, đáng kể hơn vẫn là những cuốn sách có sự chăm sóc của người biên tập. Tôi nhớ, với Thời xa vắng, bản thảo của nó, Mai đã đọc từ lúc nó đang được Lê Lựu viết ra, từng bốn trang một, khổ giấy lớn, sau mỗi đêm. Dạo ấy là mùa hè 1984, bọn tôi ra nghỉ Đồ Sơn dăm ngày, ở nhờ khu nhà nghỉ quân đội, gặp Lê Lựu cũng đang nằm viết ở đấy. Buổi tối, không thể đi tắm mà cũng chẳng thể đi đâu, bọn tôi cùng Lê Lựu ngồi trước hiên nhà "đấu hót" đủ chuyện; thấy Lựu thường lái câu chuyện về những anh "nhà quê" qua đoạn đời lính rồi lập nghiệp ở thành thị, về sau mới biết Lựu vừa tham dự chuyện phiếm vừa tự "khởi động", nháp thử trước anh em vài đoạn để rồi khi bọn tôi đi ngủ thì Lựu về phòng mình, cài chặt cửa, hì hục viết đến sáng. Riêng Mai, cùng ngồi nhưng ít góp chuyện. Cũng chả biết Mai ngồi riêng với Lê Lựu lúc nào. Nhưng một buổi đi cùng tôi từ khu doanh trại ra bãi Một kiếm chút rượu uống, Mai mới lên tiếng khen cuốn truyện Lê Lựu đang viết. Mai kể cách Lê Lựu tả mùa lụt với chi tiết nước ngập làng, một con gà mái tìm ổ đẻ, vừa cục tác vừa bay từ ngọn cây cau sang đầu hồi nhà, quả trứng rơi đánh "bụp" xuống nước. "Tả lụt ở đồng bằng ngoài này như thế là được đấy ông ạ!" − Mai bảo tôi, chữ được trong giọng anh nói nghe còn chắc hơn cả chữ tuyệt người ta nói những lúc khác.

 

Trần Vũ Mai sống với tác phẩm mình biên tập nhiều hơn hẳn cái mức mà một biên tập viên khác có thể "sống". Cách của anh là cách của một người viết chăm sóc đến tác phẩm của bạn mình. Không "đánh bạn" với tác giả, hình như anh không thể biên tập sách của anh ta. Tiếng đồn về quan hệ thân mật giữa anh với một vài trong số những tác giả ấy đôi khi gây phiền hà cho cả hai bên. Một lần, người nhà một anh bạn nọ đến nhà xuất bản tìm Mai nhưng không gặp, liền "thông báo" rằng Mai mượn xe đạp đi đâu vài ngày rồi mà chưa thấy đem trả. Anh bạn hẳn là tự tin lắm, nên mới đưa bản thảo cuốn truyện đầu tay đến nhà Tác phẩm mới, lại thêm tin vì người biên tập đầu cuốn sẽ là Mai. Nhưng chuyện đã xảy ra như thế, gỡ ra cho khỏi bị hiểu lầm cũng khó. Anh bạn tinh ý bèn lấy lại bản thảo đem nhờ một cửa khác!

 

Về tình thân của Mai với Duy Khán hồi anh Khán viết Tuổi thơ im lặng, những bạn khác đã kể. Riêng tôi còn nhớ hồi Thái Bá Lợi viết tiểu thuyết Bán đảo, mà về sau cũng do Mai biên tập. Ở nhà tập thể xưởng hoạ quân đội, sâu trong ngõ Vân Hồ, những lúc hết thuốc lá phải chạy ra kiếm ngoài phố, Lợi đưa cho tôi cuốn sổ tay: từng đoạn của Bán đảo được chép nắn nót, để trắng cách quãng nhau chừng vài chục trang giấy, vì đang viết tiếp. Mai cũng đã được đọc lần đầu theo cách ấy, trước khi bản thảo được đánh máy sạch sẽ, được gửi đến nhà xuất bản theo cách chính thức. Tôi nhớ, mọi điều ưng ý vẫn không át được cái điều Mai không hài lòng về đoạn kết. Bàn tán nhau thì nhiều, nhưng không dễ bảo Lợi chọn cách kết thúc khác. Nể Mai, về sau Lợi đã chọn cách mô tả hơi xoa mờ đi, nhưng không thay đổi sự việc của đoạn kết. Mai không động bút vào bản thảo, nhưng vẫn không thay đổi lời nhận xét cho đến khi làm thủ tục đưa bản thảo đi duyệt in. Thật ra, Bán đảo không phải là trường hợp duy nhất của những cuốn sách mà ngay khi đã đưa in, người biên tập vẫn "bảo lưu" những nhận xét không đồng tình với một số tình tiết trong tác phẩm. Cho tới gần đây, Lợi về làm báo Đất Quảng ở Đà Nẵng, viết tiểu thuyết Trùng tu kể về những người khôi phục các di tích văn hóa Chàm, gửi ra nhà xuất bản chúng tôi, lại nhờ Mai làm biên tập đầu cuốn, − bản thảo này Mai đã làm xong, chưa được in và vẫn còn ít nhất một chỗ nhà xuất bản chưa đồng ý với tác giả: cái tên sách như thế, sợ khó bán!

 

Trần Vũ Mai làm biên tập như một nhà tài tử, hầu như chỉ tính đến chất lượng văn học, theo cách hiểu cách cảm tinh tế của anh. Ngay trong thời xuất bản "bao cấp", anh cũng không nhận làm biên tập cho cuốn sách được in chỉ vì "chính sách", vì chỗ đứng của tác giả. Người biên tập tài tử này nếu đã nỗ lực săn sóc cho quyển sách của bạn thì nỗ lực ấy bao giờ cũng ở mức hơn người, nhưng nếu anh tắc trách với quyển sách tương lai của bạn thì hẳn mức tắc trách cũng hơn người: tốt hơn là đừng giao cho anh, mà anh cũng sẽ từ chối, bởi anh không quen đối xử theo lối lạnh nhạt hành chính với các tác giả. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, chả biết nếu Mai còn sống, lại khoẻ mạnh, minh mẫn nữa, anh sẽ tiếp tục làm biên tập sách ra sao giữa thời buổi xuất bản "hậu bao cấp" này?

 

Có lần, nghe nói giữa Mai và người duyệt bản thảo xảy ra chuyện gay gắt, tôi không tin. Tôi biết, các anh trong ban lãnh đạo nhà xuất bản đều là nhà văn, từ lâu vẫn nhận xét tốt về "gu" văn học của Mai, về mức chuẩn xác trong việc Mai nhận xét các bản thảo. Trong thâm tâm tôi tin rằng sự quý trọng cái năng lực ấy thường ngấm ngầm làm nặng đồng cân cho việc các anh ấy "cứu" cho Mai những "bàn thua trông thấy" − những vấp váp vớ vẩn, lúc này lúc khác. Vậy mà bây giờ có lúc cũng có sự va chạm, nhưng không phải là về đánh giá bản thảo, mà chỉ là về cách xử lý. Bản thảo nói đây, của một cây bút nghiệp dư, viết từ mươi năm trước, một hồi ức về đoạn đời "trên đất nước anh em", nhưng Mai quý vì nó giản dị nói những chuyện tình người chân thật chứ không hô khẩu hiệu "hữu nghị" chung chung. In ra dăm bảy năm trước hẳn là chuyện dễ dàng. Bây giờ thì mọi sự có vẻ dễ dàng hơn, duy có điều dự tính "ai sẽ mua, lỗ hay lãi?" lại thành chuyện. Mà Mai thì lại yêu cầu in bất chấp lỗ lãi… Cuốn sách về sau vẫn được in, tuy theo một phương thức khác. Đấy hình như là một trong những cuốn sách cuối cùng do Mai biên tập, trước khi anh trở nên đau yếu, suy sụp.

 

Năng lực "thẩm văn" − một năng lực làm việc bình thường ở người biên tập − sẽ suy giảm khi sức khoẻ thần kinh anh suy sụp. Nhân một lần bạn bè cho đọc một sáng tác vào loại gai góc, tôi tìm đưa Mai đọc để cùng trao đổi nhận xét với nhau thôi, không cần thiết đề nghị đưa in, tôi bảo thế. Vài tuần sau, đúng hẹn, Mai đưa trả tôi. Ngạc nhiên vì không nhận thấy chút dấu hiệu phản xạ nào ở Mai về cuốn truyện, tôi hỏi dò "ông thấy thế nào?" thì Mai phát cáu, nói câu gì đó nghe không rõ, rồi lảng đi. Hai hôm sau, gặp nhau cũng tại cơ quan, Mai vẫy tôi, kéo ra quán nước: "Hôm trước, cáu với ông là tôi không phải, ông thông cảm". Rồi thở dài, nhăn nhó trỏ tay lên trán: "Tôi đọc vài đoạn, rồi không đọc được nữa. Đầu óc tôi làm sao ấy, mệt lắm". Trước mắt chúng tôi, anh đang bị độc tố của rượu hay là của những gì khác nữa đánh ngã, không dễ hồi phục.

 

***

 

Tôi không dám chắc là mình biết được gì nhiều về phần sáng tác của Trần Vũ Mai.

Sau khi trường ca Ở làng Phước Hậu được in và anh về làm ở nhà xuất bản, ít thấy anh gửi thơ đăng báo.

 

Đi thực tế các nơi khác thì Mai vẫn đi đều đều, có phần chăm hơn bọn tôi. "Đi" dường như là nhu cầu của bàn chân anh. Mà thường thì không phải là những chuyến "công du", cùng một đoàn, có xe cơ quan đưa đi. Anh ưa đi bằng các phương tiện công cộng, lẫn giữa đủ loại hành khách. Thỉnh thoảng bọn tôi lại được Mai cho biết anh vừa đi tàu hỏa xuống Hải Phòng chơi với mấy bạn bè cũ, hoặc về Thanh Hóa quê anh. Không đi xa thì thỉnh thoảng đi gần gần, đi xe buýt và đi bộ vào làng Triều Khúc chơi nửa buổi với mấy hoạ sĩ bạn anh từ hồi ở chiến trường Nam Trung Bộ.

 

Dạo công trường xây dựng thuỷ điện Hòa Bình mới mở, Hội cần cử nhà văn "cắm" lâu ở đó, Mai đã xung phong, rồi lúc ở trên đó, lúc về Hà Nội. Có hôm anh đang ở cơ quan giữa giờ làm việc thì anh em sông Đà ghé qua đón, Mai lại xách cặp ra xe, mang cả bản thảo đang biên tập lên Hòa Bình. Có hôm, gần hết giờ làm việc, thấy anh từ sông Đà về, xách từ xe xuống một bao sắn tươi làm quà. Ở công trường, anh được xếp một phòng ở "thường trú" đi đóng về mở. Anh xúc tiếp quen thân nhiều người, từ cán bộ lãnh đạo đến kỹ sư, công nhân. Có lần anh nói một nhận xét với tôi: "Cái tay Ba-ga-chen-cô (trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô) ấy rất hóm. Hôm nọ trong buổi giao ban, ông ấy bảo: Tuần vừa qua có mười việc, mới chỉ thực hiện được một là phun nước chống bụi, nhưng là do có mưa!". Thị xã Hòa Bình là nơi Mai từng sống ba bốn năm thời học phổ thông. Về lại nơi cũ nay đã thành cả một đại công trường, Mai vẫn thích ngồi hàng giờ ở các quán cóc gần bờ sông Đà. Khách vào quán thường là công nhân đi ca về, là kỹ sư, cán bộ của công trường, qua họ có thể biết được rất nhiều chuyện. Lần Mai đưa Thái Bá Lợi và tôi đi nhờ xe giám đốc lên sông Đà, thời gian rất ngắn, Mai vẫn đưa bọn tôi ra ngồi quán như thế, ngồi tới tận khuya, lúc trở về phòng ngủ cũng là lúc có điện thoại anh Lộc báo tin sẽ đưa chúng tôi đi ngay xem đường hầm, lúc ấy mới chỉ khoan sâu vào lòng núi được chừng hơn trăm mét.

 

Ít lâu sau, Mai báo tin đang viết một tiểu thuyết về sông Đà. Anh em trong nhà xuất bản chờ anh đưa bản thảo, thậm chí đã xếp vào kế hoạch in của năm ấy. Nhưng thời hạn đã qua lâu mà không thấy bản thảo. Rồi anh em không ai hỏi lại, mà Mai cũng không nhắc lại gì nữa về chuyện này. Không biết cuốn truyện ra sao, được viết đến đâu, tôi chỉ được Thái Bá Lợi gần đây cho biết đã từng được Mai cho đọc bản thảo một phóng sự nhan đề Bờ phải bờ trái viết về công trường sông Đà, nhưng bản thảo đã thất lạc ở đâu, không ai biết.

 

"Không đi thì không tỏ được

Đi mà viết được ít…"

 

Câu thơ Mai viết về nhà văn Nguyễn Tuân, có vẻ như Mai tự nói về mình.

So với nhiều bạn bè cùng bắt đầu viết văn từ chiến trường, cái việc Mai trở nên im hơi lặng tiếng, hầu như không đưa in thêm gì nữa, là một việc không bình thường. Nhưng cái điều không bình thường ấy có lẽ cũng chỉ là biểu lộ ra ngoài của nhiều điều diễn ra bên trong tâm trí anh.

 

Những bạn bè quen biết Mai từ chiến trường, bây giờ cũng thỉnh thoảng nửa đùa nửa thật bảo rằng thời ấy là một Mai "khác”, một cán bộ văn nghệ gương mẫu, luôn gánh vách việc khó, thậm chí có phần còn hơi cứng nhắc nữa. Những gì xảy ra với anh, trong tâm trí anh, những năm chiến trường, vài ba năm sau ngày giải phóng ở mấy đô thị miền Trung, tôi không được biết. Cho đến lúc anh ra Bắc, nhận công tác cùng chỗ chúng tôi, trông anh đã có vẻ thấm mệt. Rồi ra, thời gian chứng tỏ những mệt mỏi ấy đã không thể được chữa khỏi. Mệt mỏi bởi quá khứ có khi được cộng thêm mệt mỏi của hiện tại, với những điều trông thấy mà không dễ cắt nghĩa, không dễ chịu đựng. Cả rượu, cả những người đàn bà đi ngang thoáng qua đời anh, đều không chữa được cho anh. Dẫu sao, Mai vẫn không thờ ơ với văn học. Trước sau anh vẫn giữ một thái độ nghiêm túc đối với văn học. Trong cái hành trang tinh thần anh mang theo từ thuở học trò, nếu có những gì rơi rụng đi, thì giấc mộng văn chương hẳn vẫn còn nguyên. Có thể, anh đã thôi không muốn làm đệ tử của nhiều ngôi đền khác, trừ ngôi đền nghệ thuật.

 

Những xúc tiếp mới ở Hà Nội mươi năm gần đây hẳn không thể không tác động đến anh, đến quan niệm văn học, quan niệm làm thơ của anh. Đọc những bài thơ anh để lại, càng về sau thấy càng bớt chất học trò; nó ngang tàng, phóng túng và nhiều nội tâm hơn. Dẫu sao những gì anh làm được vẫn còn ít ỏi quá, mỏng nhẹ quá, so với một năng khiếu, một năng lực như anh.

 

Lại nhớ, hồi 1986, bạn bè cũ về dự đám cưới một người bạn, đã được Mai đọc cho nghe trường ca Nàng Chim Lạc. Cách sau đó vài hôm, Mai đưa tôi cuốn vở chép bản trường ca, bảo tôi đọc và góp ý kiến. Ý kiến của tôi sau đó là: Mai nên đưa in ngay một tập thơ trong đó có Nàng Chim Lạc  này, tại nhà xuất bản "mình!". Ý Nhi, Lê Minh Khuê cũng cổ vũ. Những tưởng lần này Mai hăng hái "tái xuất hiện" giữa làng thơ. Nhưng rốt cuộc lại không thấy Mai "nộp quyển"! Có thể Mai còn trù trừ, còn muốn sửa chữa, muốn tập hợp, bổ sung gì nữa chăng. Bản Nàng Chim Lạc may mắn còn lại trong số di cảo của Mai, nhưng khi đưa in báo Văn nghệ thì cũng đành để thiếu một đoạn khoảng bốn chục câu thơ. Mai đã xé bỏ mấy trang bản thảo, chắc là định sửa, rồi bỏ đâu đó. Dẫu vậy, Nàng Chim Lạc vẫn là sáng tác thơ trọn vẹn nhất của Mai, kể từ sau khi in Ở làng Phước Hậu. (Thật may là gần đây ông thân sinh của Mai lại tìm thấy dưới đáy va-li một bản Nàng Chim Lạc, đã đánh máy và chữa lỗi cẩn thận: Vậy là chính Mai rất chu đáo đối với trường ca này).

 

***

 

Chỉ cách đây vài chục năm, nếu hình dung về Trần Vũ Mai thì đó hẳn là con người tự tin rằng mình đang đi ở hàng đầu cuộc sống, con người xử sự như là người chủ cuộc đời mình và cuộc sống xung quanh. Hơn chục năm sau, những người quen của anh từ thuở ấy khi gặp lại anh sẽ thấy hình ảnh một con người vật vờ, lang thang, như đã bị cuộc đời bỏ quên. Cõi sống đã trở nên đa tạp, ồn ĩ, nơi đây óc thực dụng con buôn duy vật chất đang có cơ thắng thế, khiến những người trung thực và nhạy cảm, có những yêu cầu cao hơn về cuộc sống tinh thần dễ dàng hóa thành những kẻ sống bên lề. Có lẽ anh cũng chẳng bằng lòng gì với cái tình thế mà rốt cuộc chính mình đã lâm vào. Có lẽ, con người trung thực nơi anh vẫn còn khá nguyên vẹn để thỉnh thoảng nổi dậy chống lại tình trạng suy sụp ý chí của mình, để trong đơn độc cố tìm lấy một góc riêng sạch sẽ − cái góc ngày càng thu bé lại như tấm da lừa; mỗi lần sực tỉnh thì lại thấy cuộc sống đã trở nên xa lạ hơn. Có lẽ, những ngày cuối, tâm hồn anh đã vẩn lên nhiều sầu tủi và bị giày vò bởi sự xa lạ của cuộc sống đối với mình và sự xa lạ của mình đối với cuộc sống, bởi hiện tại không phải là hình ảnh mình hình dung trong quá khứ. Đọc những đoạn ghi trong nhật ký của Mai, đọc những bài thơ thoảng như lời tự bạch anh viết vài năm cuối, tôi và một ít bạn bè khác của anh cứ ngờ ngợ rằng Mai đã dần dần đi đến cái lựa chọn tự kết thúc đời mình. Nếu quả đúng như thế thì đây cũng là sự dũng cảm cuối cùng của một kiểu người hiệp sĩ năm xưa, khi đã nhận ra tình thế mới và chỗ đứng của mình trong tình thế ấy là như thế nào.

 

Mai chưa kịp trở thành những gì anh có thể trở thành. Chỉ bạn bè, chỉ những người thân là có thể nhớ được về anh. Còn công chúng rộng, những bạn đọc yêu thơ ca đang ít dần đi, liệu họ có nhớ lâu được những nhà thơ tên tuổi lừng lẫy một thời, huống chi, một nhà thơ mà bạn bè phải dày công thu góp di cảo để giới thiệu ra công chúng? Ý nghĩ vừa nảy ra này khiến tôi thêm xót xa: trong cuộc đời và trong văn học, trường hợp như Trần Vũ Mai đâu phải chỉ có một, xưa kia, bây giờ và mai sau?

 

***

 

 

Ấy mới thật là một đám ma của kẻ khó. Chiếc xe tang đẩy tay lọc xọc, màu sơn nhòe với màu gỉ sắt. Không có ảnh người quá cố. đi theo xe cả thảy vài chục người, người dưng hẳn đông hơn người quen. Chỉ một vành khăn trắng duy nhất của cô em gái. Vài ba vòng hoa tang mà những người viếng mãi về sau mới chợt nhớ rằng đáng lẽ phải chọn toàn hoa trắng. Đám tang đi dọc những dãy nhà ở cao tầng, thỉnh thoảng chiếc xe lại xóc nảy lên giật cục và dừng lại, nhường đường cho những xe tải xe ca xe máy vượt qua, tung bụi phủ lên đám tang.

 

Khoảng ruộng lúa cũ xâm xấp nước. Đất bùn dẻo quạch cạnh huyệt như tạo thêm khoảng cách với người xấu số. Chỉ dăm người sục giày trong bùn đến gần mộ, số đông còn lại đứng xa hơn. Vào lúc mặc niệm, mấy bà đang cấy lúa ở ruộng bên cũng đứng lên, nhập vào đám người thưa thớt. Trời đã nhập nhoạng tối. Trăng chưa lên. Ngày mai là Rằm tháng Giêng.

 

Tháng Bảy 1991