MỘT VÀI VẤN ĐỀ XUNG QUANH

VIỆC NGHIÊN CỨU VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XX

 

Chỉ còn không đầy 10 năm nữa là đến thế kỷ XXI. Có lẽ không còn là sớm nữa việc bắt tay vào nghiên cứu toàn bộ văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nhưng cần bắt đầu từ đâu để làm cái việc tạm gọi là "tổng kết một thế kỷ" văn học? Chúng tôi cho là cần đề xuất những tư tưởng nghiên cứu căn bản. Xin đề cập một số khía cạnh dưới đây:

 

1. Đâu là những sự kiện quan trọng nhất?

Ta hay nói văn học là nghệ thuật ngôn từ. Các mệnh danh khác (ví dụ: văn học là nhân học; là sự biểu hiện thế giới tinh thần của con người-xã hội; là sự tự biểu hiện của một cộng đồng nhân loại ở một khu vực địa lý-lịch sử nào đấy, v.v… và v.v…) phải ở hàng thứ hai trở đi, vì có thể tìm thấy biểu hiện của chúng ở những chất liệu khác, những loại hình khác.

 

Vậy khi nói đến văn học Việt Nam, phải nói đến văn học của quần thể người Việt, bằng tiếng nói, ngôn ngữ (hoặc những ngôn ngữ) của người Việt (hoặc được người Việt sử dụng). Nói đến tiến trình văn học, phải nói trước hết ở bình diện tiến trình sử dụng ngôn ngữ dân tộc này vào sáng tác văn học.

 

Việc dùng tiếng Việt không phải là việc đã có ngay từ lúc xuất hiện văn học thành văn của người Việt. Đã từng có văn học của người Việt viết bằng chữ Hán, sau đó là văn học của người Việt viết bằng chữ Nôm. Đến thế kỷ XX thì việc ghi sáng tác bằng chữ quốc ngữ là một hiện tượng mới, có tính chất bước ngoặt. (Thật cặn kẽ thì phải nói rằng văn học bằng chữ quốc ngữ bắt đầu được tính từ 1865, − năm xuất hiện tờ báo quốc ngữ đầu tiên. Văn học chữ quốc ngữ có một đoạn 35 năm phát triển trong thế kỷ XIX chủ yếu ở Nam Kỳ).

 

Đồng thời với sự thay đổi văn tự trên đây là sự thay đổi về kiều văn học: từ kiểu văn học phương Đông (theo mẫu mực văn học Trung Hoa, giống như tình hình ở toàn vùng ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa từ cổ đến cận đại) chuyển sang kiểu văn học của thế giới hiện đại vốn tương tự như văn học các nước phương Tây.

 

Một biến cố quan trọng nữa, có tính chất bước ngoặt là sự hình thành những thể loại văn học mới, phù hợp với tính chất của kiểu văn học mới nói trên. Trong văn xuôi nghệ thuật, đó là sự xuất hiện của tiểu thuyết mới, tức là truyện hư cấu mà đến tiểu thuyết của Tự Lực Văn đoàn thì định hình hẳn. Trong thơ, đó là sự xuất hiện thơ mới, từ bỏ thơ cách luật để đi đến thơ tự do, sau cuộc "cải cách thơ ca" của các nhà "thơ mới".

 

Vậy, có một sự thực khách quan là, nền văn học quốc ngữ của người Việt, cho đến trước tháng 8/1945 (cái mốc mà giờ đây chúng ta dùng để phân kỳ văn học) đã định hình về diện mạo thể loại, về ngôn ngữ văn học. Từ sau đó đến nay trong văn học của người Việt chưa hề có một biến cố, một sự thay đổi nào ở tầm cỡ tương tự như thế. Văn học từ đó tới nay, ở tất cả các thể loại chính − thơ, kịch, tiểu thuyết (hay là văn xuôi nghệ thuật nói chung) chỉ là sự tiếp tục, sự làm giàu thêm (cố nhiên có không ít những thay đổi, cách tân mang tính cục bộ) cái diện mạo đã định hình ấy, và chưa hề có sự cách tân nào lớn đến mức tạo nên những thể loại khác hẳn, một kiểu văn học khác hẳn.

 

Nếu có một cuộc cách mạng văn học trong văn học của người Việt ở thế kỷ XX thì cuộc cách mạng đó đã diễn ra vào những năm 1920-30 và đã hoàn thành muộn nhất là vào những năm 1940. Toàn bộ văn học của người Việt từ đó đến nay là đặt trên thành quả của cuộc cách mạng ấy.

 

Lẻ tẻ trước 1945 và phổ biến sau đó, nhà văn được hô hào đem văn học phục vụ cách mạng. Đó là một thực tế. Nhưng các nhà văn suốt nửa sau thế kỷ XX đã không làm một cuộc cách mạng văn học nào cả. Hoặc là không định làm, hoặc là không làm được. Đó là sự thật của văn học sử.

 

2. Về khái niệm "văn học cách mạng" như một kiểu văn học

Về phương diện xã hội học, chúng ta sẽ dung tục hóa và tầm thường hóa người cách mạng nếu chấp nhận lối mô tả họ như là những người sống cuộc sống bình thường, ví dụ lúc nào cũng sống cạnh vợ con, nhà cửa xe cộ đàng hoàng, chết thì có tang lễ trọng thể, v.v… và v.v… − Đó mới thực sự là biếm hoạ hình ảnh nhà cách mạng.

 

Người cách mạng, do thuộc tính và mệnh danh về họ, là người hoạt động chính trị chiến đấu xả thân cho một thể chế chưa có. Vì vậy cái thực tại hiện hữu của họ là sống bất hợp pháp trong một xã hội mà lý tưởng cách mạng của họ không được xã hội ấy thừa nhận; họ phải lẩn trốn, bị truy nã, săn lùng. Nếu ở một đám cử tọa được tập hợp không hợp pháp nào đó họ là diễn giả được hâm mộ, thì ở một đám cử toạ công khai khác, họ phải giống như hình ảnh nhà tiên tri bị ném đá, hình ảnh của kẻ bị thế lực đương quyền phỉ báng, bôi nhọ. Nét điển hình của họ là chết trên giá treo cổ, là ra pháp trường, là chết trước lúc rạng động, thường là chết trẻ chứ không phải chết già, chết xa nhà chứ không phải trên tay vợ con, gia đình.

 

Nếu họ còn sống đến ngày cách mạng thắng lợi thì chính ở thời điểm chiến thắng ấy, ở con người họ có một sự thay đổi tư cách xã hội, vai xã hội − một sự thay đổi sâu sắc về chất: tư cách nhà cách mạng biến mất, nhà cách mạng chết đi một cách biện chứng đề nhường chỗ cho tư cách nhân vật hoạt động nhà nước, nhân vật cầm quyền; chính với tư cách mới này họ thực hiện trong thực tế những lý tưởng xã hội-chính trị mà trước đấy họ đã cùng nhau phác hoạ trong tư tưởng. Cách mạng xã hội có mục đích là giành chính quyền, khi giành được thì cách mạng hoàn thành, bắt đầu một thể chế xã hội-chính trị mới. Gọi việc xây dựng, củng cố thể chế ấy là cách mạng là cách gọi theo nghĩa rộng, thật ra, mọi cuộc cách mạng đều kết thúc khi người cách mạng nắm được chính quyền.

 

Nhà cách mạng như một loại hình xã hội học là tiền đề để hiểu chính xác hơn về khái niệm "văn học cách mạng".

 

Văn học cách mạng chỉ có thể gồm những sáng tác do các nhà cách mạng viết ra, viết ngay khi cách mạng chưa hoàn thành, nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng. Văn học này không khỏi mang tính nghiệp dư, vì tác giả không làm văn học chuyên nghiệp, dù họ có quá trình sáng tác ở mức liên tục nào đó. Nó cũng mang tính ngắn ngủi, đột xuất, vì văn học này cũng kết thúc khi cách mạng thắng lợi. Văn học này có một dạng tồn tại đặc biệt, thường là bất hợp pháp và gần như nhất thiết không gắn với thị trường sách báo; phương thức sáng tác và phổ biến của nó cũng rất đặc biệt.

 

Xem như vậy thì ở văn học Việt Nam chỉ có những bộ phận văn học cách mạng, những thời đoạn văn học cách mạng nhất định. Ví dụ đó là văn học của các văn thân, văn học của các chí sĩ, văn học của các xu hướng giải phóng, trong số đó có xu hướng của những người cộng sản. Văn học cách mạng của những người cộng sản cũng chấm dứt sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thắng lợi, những người cộng sản giành được chính quyền, thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thiết lập. Từ sau đó là văn học dưới chính thể mới này.

 

 

3. Văn học Việt Nam thế kỷ XX trong sự phân chia địa lý - chính trị - lịch sử

Để nghiên cứu một cách nghiêm túc thì bản thân khái niệm "văn học Việt Nam" cũng cần được xác định và luận chứng kỹ lưỡng hơn.

Văn học Việt Nam là gì? là văn học của những tác giả người Việt? (dấu hiệu về cư dân, huyết thống, quốc tịch của tác giả). Là văn học bằng ngôn ngữ dân tộc của người Việt? (dấu hiệu về phương tiện chất liệu nghệ thuật gắn với dân tộc). Ngay với hai định nghĩa tưởng dễ chấp nhận này cũng vẫn sẽ xảy ra những điều "ngoại lệ" buộc phải cân nhắc. Chẳng hạn sáng tác của tác giả là người Việt (về huyết thống) nhưng lúc nó được viết ra thì tác giả ấy lại là cư dân nước ngoài, mang quốc tịch nước ngoài, chỉ có thể gọi là người Việt lưu vong, người Việt ở hải ngoại, là Việt kiều. Chính Truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc, Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh, nhiều tác phẩm của Phan Bội Châu cũng thuộc về loại trường hợp này, và với việc đến nay có khoảng 2 triệu người Việt định cư ở nước ngoài thì loại trường hợp này sẽ càng nhiều hơn. Lại cũng có trường hợp sáng tác của tác giả người Việt sống trong hoặc ngoài nước, nhưng là bằng ngôn ngữ của nước ngoài, ví dụ bằng chữ Hán trước kia, bằng tiếng Pháp ở thế kỷ này.

 

Nếu muốn nghiên cứu văn học Việt Nam ở thế kỷ XX như một thực thể thống nhất thì phải chấp nhận tính tương đối của sự thống nhất này, và, quan trọng và cụ thể hơn, phải chấp nhận toàn bộ các khu vực văn học vốn có sự phát triển tương đối biệt lập nhau, do chúng được hình thành trong những khu vực cư dân khác nhau nằm trong những ranh giới địa lý chính trị ở từng thời kỳ nhất định suốt trong 100 năm.

Nhẩm tính sơ bộ đã có thể thấy những khu vực văn học ấy:

1. Văn học hợp pháp dưới chế độ thực dân (1900-1945).

2. Văn học bất hợp pháp trong thời kỳ chế độ thực dân (1900-1945)

3. Văn học dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1975)

4. Văn học trong vùng Pháp chiếm đóng (1946-1954)

5. Văn học công khai dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam (1954-1975)

6. Văn học bất hợp pháp thời kỳ chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam (1954-1975)

7. Văn học dưới chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1975-2000)

8. Văn học của người Việt ở nước ngoài (1900-2000)

 

Có thể có những bộ phận văn học rất nhỏ bé về số lượng tác giả, tác phẩm, hoặc rất ít giá trị v.v.. Nhưng đấy là một phương diện khác. Để nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX thì cần tính đến tất cả những bộ phận văn học như thế. Sẽ có (và sẽ phải tìm ra) những đặc điểm chung, những quy luật chung, được bộc lộ thông qua tất cả hoặc hầu hết các bộ phận; và đó sẽ là những dữ kiện về một loại hệ số chung, tính chất, đặc điểm, trình độ chung mà văn hóa nghệ thuật người Việt đạt đến ở thế kỷ này.

 

Nhưng còn có không ít những nét thông thường, dễ gặp, có thể bộc lộ đậm đặc ở bộ phận văn học này, nhưng không hoặc ít thể hiện ở bộ phận khác.

 

Nếu chỉ nghiên cứu một vài bộ phận trong số đó, nhưng lại làm như đó là toàn bộ văn học Việt Nam thế kỷ XX nói chung thì như vậy chẳng những sẽ phạm một thiếu sót không thể bỏ qua mà còn tỏ ra không xứng đáng với trọng trách tiếp nhận và thừa kế toàn bộ di sản văn học dân tộc.

 

● Tham luận tại Hội thảo ở đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 10/4/1991

● Tạp chí “Cửa Việt”  (Quảng Trị) trong năm 1991