NGƯỜI CHỊ ƠN NGHĨA THẢO HIỀN

 

Tôi gặp chị Thiếu Mai lần đầu khoảng 1966, lúc ấy là biết chứ chưa được làm quen. Một buổi tối ở vùng núi Đại Từ, Thái Nguyên, đám sinh viên chúng tôi được tiếp xúc với đoàn cán bộ của Tạp chí Văn học, trong số đó tôi nhớ có bác Hoài Thanh, bác Nam Mộc và chị Thiếu Mai. Một vài ngọn đèn dầu nhỏ đặt gần chỗ các vị khách, không đủ để đám độc giả trẻ chủ nhà ngồi trong bóng tối nhận ra được nét mặt từng người khách mà tên tuổi thì mình đã gặp trên sách báo. Ánh sáng ít, nhưng nói rất nhiều. Khách kể về công việc làm nghiên cứu, viết phê bình, làm các số tạp chí. Chủ nhà thi nhau phát biểu cảm tưởng, luôn thể chất vấn, yêu cầu được biết được nghe đủ mọi chuyện liên quan đến văn chương, sách vở. Ở cuộc họp mặt đêm ấy, tưởng chừng chỉ hiện diện một nhân vật: văn học.

 

Dăm bảy năm sau, lúc tôi đang dạy học ở tỉnh xa, lại đang hý hoáy tập viết, mong được góp mặt với báo chương Hà Nội, khi tìm tới tòa soạn tuần báo Văn nghệ, tôi lại gặp chị Thiếu Mai, lúc này đã về làm biên tập trang phê bình ở đây. Mãi mãi sau này tôi không quên những sự chăm chút của chị cho những bài viết đầu tay, vụng dại, non nớt, đầy những công thức và ý tưởng vay mượn, của tôi. Việc tôi có thể từ giã nghề lạ ở nơi xa, về làm việc ở một cơ quan chuyên về văn học, lại cũng có phần giúp đỡ không nhỏ của vợ chồng chị Thiếu Mai. Đối với tôi, từ lâu chị đã như một người chị ơn nghĩa, thảo hiền, dẫu chị bao giờ cũng muốn cư xử như một người bạn cùng nghề với các cộng tác viên trẻ, các cây bút phê bình trẻ. Tôi tin các bạn như Lê Ngọc Trà, Trần Đình Sử, Lã Nguyên, Huỳnh Như Phương và nhiều bạn khác cũng có cảm tưởng tương tự. Xúc tiếp với giới nghiên cứu phê bình ở Hà Nội, tôi còn nhận ra rằng chị Thiếu Mai giành được sự tin cậy của rất đông các bậc đàn anh trong nghề. Ở báo Văn nghệ, chị chỉ làm công việc một biên tập viên, không phải là người quyết định đăng hay không đăng bài, vậy mà tên của chị thường xuất hiện nơi cửa miệng các bậc cha chú như là đồng nghĩa với trang phê bình của báo. "Chỗ cô Thiếu Mai nói đặt bài…", "Chỗ cô Thiếu Mai bảo sẽ đăng…" − tôi từng nghe hàng trăm lần những lời như thế, cho đến tận khi chị Thiếu Mai đã nhận sổ hưu, việc chính của trang này đã có các bạn khác đảm nhận.

 

Không ít lần tôi được thấy chị vui một niềm vui vô tư, hồ hởi khi đưa đăng được một bài báo hay − sự vô tư trước thành công của người khác này dẫu sao cũng hơi khác lạ so với tâm lý thường tình của người cầm bút. Nhưng chính sự vô tư kia lại là dấu hiệu về tình yêu đối với văn học nói chung, là dấu hiệu về một nhiệt tình đến tha thiết đối với từng bước đi chậm chạp, đầy ách tắc của phê bình, trải theo sự xuất hiện của từng bài báo, từng chiều hướng ý kiến. Làm biên tập trang phê bình, bản thân cũng viết phê bình liên tục suốt mấy chục năm ròng, vậy mà dường như chị còn chưa vội nghĩ đến việc tự giới thiệu mình như một tác giả phê bình. Tôi nhận thấy điều ấy khi giúp soạn một ít bài vở chị đã viết, chọn vào tập Thơ - những gương mặt, tập sách đầu tay của chị, in ra vào những năm 1980. Sau tập ấy, chị đã chú ý nhiều hơn đến việc làm sách, nhưng nhịp sống văn học qua từng số báo từng tuần lễ vẫn cuốn hút chị. Chị vẫn quên mình: đề tài hay, "mình" đưa duyệt đăng được là vui rồi! Đối với người đàn bà đã cùng chồng, giữa những năm khó khăn nhất về sinh hoạt vật chất, nuôi dạy được những đứa con giỏi giang, niềm vui thơ trẻ trước bạn nghề ấy tưởng chừng lạ lùng, suy cho cùng, lại vẫn là sự hiện diện của một tấm lòng thiết tha với văn học, với những công việc của nghề văn, làng văn. Lắm lúc, giữa cuộc sống đang phô trương tham vọng của con người hôm nay, tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi: rồi đây, những nữ sinh học giỏi, đầy triển vọng ở điểm xuất phát của cuộc đời, liệu có ai trong số họ còn hướng tình yêu nghề nghiệp của họ vào một nghề bất trắc là nghề văn, như người chị của tôi, từ những năm thiếu niên đến suốt cuộc đời? Vậy mà văn học, đời sống văn học, để được duy trì, lại cần đến không phải hàng chục mà là hàng trăm, không phải một vài mà là liên tục những thế hệ người như thế.

 

Ở tập sách thứ hai của chị vừa ra mắt cuối năm 1994 mà các dòng đề tặng còn tươi rói nét mực, chị Thiếu Mai lấy nhan đề là Hái giữa đôi bờ. Tập sách dành riêng về phê bình văn học mà chị hình dung như dòng sông uốn lượn giữa hai bờ khoa học và nghệ thuật. Đây là một trong những sự tổng kết mà chị còn kịp làm cho chặng đường ba chục năm cầm bút.

 

Nghĩ về chị Thiếu Mai như một nhà phê bình, trải theo sự xuất hiện của từng bài báo, từng chiều hướng ý kiến, tôi muốn gắn ngòi bút phê bình của chị với nền phê bình chuyên nghiệp mà thời điểm phục sinh là vào những năm 1960. Dễ hiểu là vì sao, nét bút chị để lại trong phê bình lại in khá rõ vết ảnh hưởng của những nhà phê bình từng tự khẳng định phong cách từ những năm 1930-40; tôi muốn nói đến Hoài Thanh, và ít nhiều cả Đặng Thai Mai. Ở chị, tôi gặp lại lối phê bình cảm thụ, thiên về việc ghi lấy những ấn tượng thực, cảm tưởng thực của mình khi xúc tiếp với tác phẩm. Lối phê bình này có ưu điểm là dễ tạo ra không khí giao hòa với công chúng văn học. Đây lại là lối phê bình hợp với các tố chất nữ tính: cách nói mềm mại, ý nhị, gần với lời nói thường ngày. Tôi tin, lối phê bình này còn tồn tại lâu dài, bên cạnh các lối khác, phong cách khác.

 

… Dạo được tin chị nghỉ hưu, bên cạnh nỗi buồn tuổi tác, lại mừng cho chị từ nay có thời giờ dành cho ngòi bút của mình. Với một người có liên tục ba chục năm sống trong mạch sống của phong trào văn học, quen nhiều người, biết nhiều sự việc, chị hẳn không thiếu đề tài để viết, công việc để làm. Một loạt đề tài được đưa ra bàn thử để đặt thành việc. Rồi tập Hái giữa đôi bờ ra mắt; chị nói sức viết, mạch nghĩ đang trở lại dồi dào… Nào ngờ, chị Thiếu Mai ơi! − buổi sáng nay chị còn sống giữa đồng nghiệp, sống với văn học, buổi chiều nay sao chị vội làm cuộc xuất hành vĩnh viễn quá sớm thế này, chị ơi…

 

Mãi mãi, với tôi chị Thiếu Mai trước hết là người chị ơn nghĩa thảo hiền đáng quý trọng.

12 giờ đêm 14-1-1995