THÊM VÀI Ý KIẾN VÀO MỘT CUỘC THẢO LUẬN

 

Việc thảo luận về cuốn Lý luận và văn học của Lê Ngọc Trà − khởi từ các báo khác, rồi chụm lại trên các trang báo Văn nghệ − có vẻ đã mãn cuộc. Tôi xin nói vài ý kiến.

 

1/ Những năm 1987-88, cảm hứng "đổi mới" là chung cho cả sáng tác lẫn lý luận, phê bình. Phải "đổi mới tư duy" như thế nào trong lý luận, − lúc ấy còn chưa rõ đường nét, hình hài. Cá bài viết của Lê Ngọc Trà, cũng như các cuộc hội thảo, các bài báo hồi ấy, đều là những thăm dò, ướm thử. Khá nhiều người hiểu "đổi mới" như là sửa chữa, chấn hưng cái cũ. Để sửa chữa, chấn hưng, tất phải chỉnh lý, nhất là trong quan niệm: tô đậm cái vốn bị coi là phụ và giảm cái vốn được đặt thành chính yếu… Nay đọc lại các bài viết thời đó (các bài của Lê Ngọc Trà không nằm ngoài thông lệ) ta đều nhận thấy tính chất dở dang, thiếu hoàn chỉnh, nhất là nếu định xem xét các bài viết ấy từ góc độ "chân lý khoa học", thì sẽ là bất lợi. Có vẻ như người ta muốn từ bỏ, thoát khỏi một cái gì đó mà không xong, và sự cố gắng làm mới lại những cái cũ hóa ra lại vấp phải rất nhiều thứ nhiêu khê, lôi thôi, khuất khúc, cả trong tư duy lẫn trong hành động… Tôi chợt nhớ một ý của Lã Nguyễn ở một bài đăng hồi ấy trên Văn nghệ, trong đó Lã Nguyên đề nghị nên hiểu phê bình (theo nghĩa rộng, bao gồm cả tiểu luận, lý luận, chính luận…) như là "nhân tố tổ chức quá trình văn học". Nghĩa là những phát ngôn, đánh giá, phê phán như thế nào đó trong đời sống văn học một thời, có thể đúng sai thế nào đó trong sự thẩm định về sau, nhưng điều quan trọng là nó hướng tới cái cần hướng tới, tác động để tạo ra cái cần tạo ra ở văn học đương thời. Xét ở mặt này, ta khỏi nghi ngờ tác dụng của những bài viết ấy của Lê Ngọc Trà − những bài viết mà giờ đây nhiều người cho là rất đáng tranh luận, và về nội dung học thuật thì có thể chính tác giả cũng đã vượt qua. Các tư tưởng lý luận được đề xuất trong quá trình văn học thường là tư tưởng của một khuynh hướng, là ý muốn, là sự thôi thúc từ phía nhà lý luận, còn như nó có thành chân lý phổ biến được hay không lại là chuyện khác. (Ở quá trình văn học ta thấy có nghịch lý này: cái "đúng" có khi vô dụng, cái "sai" có khi hữu dụng!). Cố nhiên, khi đem soi lại từ góc độ chân lý, tình hình sẽ khác đi. Nói "văn học là sáng tác bằng ngôn từ" thì ít ai phản bác, nhưng nói văn học phải thế này hay thế kia, thì sẽ có một số người ủng hộ, một số người khác phản đối, một số khác nữa thờ ơ, hoặc thời này cho là phải, thời khác lại bảo không…

 

2/ Xin dừng lại ở bài "Vấn đề văn học phản ánh hiện thực", bài viết gây nhiều tranh cãi hơn cả. Theo tôi hiểu thì ở đây, tác giả tự đặt mình trước những nhiệm vụ rất dễ thành ngược chiều nhau: vừa phải biện luận cho giới cầm bút đang có nhu cầu chính đáng là thoát khỏi quan niệm "văn học phản ánh hiện thực" đã bị thô thiển hóa (theo đó cái gọi là "hiện thực" thì bị tuyệt đối hóa thành một số dấu hiệu nhất định, còn chủ thể nhà văn thì trở nên bị động, hầu như không còn vai trò gì lớn), đồng thời lại phải lên tiếng yêu cầu văn học nói lên đậm nét sự thật về đời sống, nói lên nhu cầu đổi mới nảy sinh từ chính đời sống. Chúng ta nhớ, văn học khi đó vừa chứng kiến − và thể nghiệm − một bài học đáng nhớ xung quanh bùng nổ "khoán hộ". Tôi hình dung bài học ấy trong hai nét. Một là (về sự thật đời sống) cứ tưởng trình tự hợp tác hóa từ thấp lên cao, rồi cơ giới hóa, v.v… sẽ là con đường phát triển nông nghiệp nông thôn duy nhất đúng, và "khoán hộ" "khoán chui" chỉ là lạc lõng, thụt lùi… Hóa ra mọi thứ đều tắc, chỉ còn "khoán", "khoán hộ" là cách thức thực tế để thoát khỏi suy thoái, khỏi nguy cơ một nạn đói đang đe doạ. Hai là (về sáng tác văn nghệ), hóa ra với một hình dung sai về hiện thực đời sống như thế, nhà văn vẫn có thể vẽ ra những bức tranh sinh động, có điển hình, có cá tính, nếu khéo tay; vậy là tính chất không chân thực của sáng tác không thể bị phát hiện trong nội bộ tác phẩm nghệ thuật, nếu ta không đem đối chiếu với thực tiễn.

 

Ôn lại một chút như trên để hiểu lại sự đồng cảm mà bài viết của Lê Ngọc Trà đã gây được trong những bạn viết "tri âm", cũng là để hiểu lại cái lý của những đường đi nước bước của anh trong bài: lập luận theo hướng giảm thiểu tính quyết định của "nhiệm vụ phản ánh" (mà thật ra là minh hoạ các ý tưởng có sẵn của người khác) nhân đó nhấn mạnh tính tích cực của chủ thể nhà văn (anh nói đến nghiền ngẫm là vì thế), xong đâu đấy rồi mới dành phần cuối bài nhắc đến nghĩa vụ thiêng liêng của văn học là nói lên sự thật đời sống; tưởng như một trình tự mâu thuẫn, rắc rối, thật ra đã đạt được các ý cần nói.

 

Cũng ở bài viết này, lê Ngọc Trà còn phải vật lộn một lần nữa với quan điểm dung tục xung quanh các khái niệm và phạm trù "phản ánh hiện thực", "chủ nghĩa hiện thực" (Quả là anh chỉ xung đột với quan điểm dung tục thôi, mà phần đông các nhà lý luận đều tự coi là mình không thuộc quan điểm ấy, nhưng anh chỉ cần gay gắt một chút với nó, thì cả làng lý luận đều hầu như cảm thấy bị chạm nọc!). Ta nhớ, có thời, giới lý luận thường gắn "phản ánh hiện thực" với "chủ nghĩa hiện thực" như là nhân quả nhỡn tiền, hễ đã phản ánh hiện thực thì đạt tới chủ nghĩa hiện thực. Nhưng rồi chủ nghĩa hiện thực được xếp vào dãy phương pháp, coi như một trong số các phương pháp sáng tác. Vậy là phải phân giới cái phạm trù xã hội học kia (phản ánh) với phạm trù phương pháp nghệ thuật này (chủ nghĩa hiện thực) bằng cách đặt chúng vào hai bình diện khác nhau. Lê Ngọc Trà cũng thể hiện một nỗ lực theo hướng này (xem các trang từ 36 đến 40). Ba từ mà anh nhấn mạnh: cách phản ánh hiện thực (tr. 39) bộc lộ khá rõ điều ấy. Xin ghi gọn lời bình từng từ:

a/ Nói cách là do anh muốn tránh thuật ngữ "phương pháp" − phạm trù này đến những năm 1980 đang tỏ ra giống với một ý niệm nhân tạo hơn là một thực thể văn học sử (tuy thế, đến trang 44, anh buộc phải dùng đến nó khi viết: "cách phản ánh hiện thực trong tác phẩm, tức là vấn đề phương pháp nghệ thuật (…) hay là hình thức miêu tả", v.v…);

 b/ nói phản ánh chỗ này có vẻ như lỡ lời, vì chính anh đang định tránh nó để nói đến bình diện khác; nên chăng dùng miêu tả, cho hợp hơn?

c/ nói hiện thực chỗ này cũng là lỡ lời như vậy, nên chăng dùng một từ gì đó đại loại như là các sự việc, chi tiết, sự thật đời sống chăng? [1]  

 

Xin quay trở lại để nói rằng những sự phân biệt các bình diện khác nhau ở Lê Ngọc Trà có nhiều phần sở đắc. Kiểu miêu tả giống như thật (tả thực, hiện thực chủ nghĩa) là một chuyện; chất lượng hoặc giá trị xã hội học của tác phẩm (phản ánh hiện thực) là một chuyện khác, thuộc bình diện khác, có khi không nhất thiết chỉ gắn với kiểu tác phẩm viết giống như thật.

 

3/ Chung quy lại, tôi cho là Lê Ngọc Trà đã thỏa đáng khi coi "phản ánh hiện thực" là thuộc tính của văn học. Tôi hiểu đây là một thứ "định lý". Còn lại, với sự khẳng định "phản ánh hiện thực" là nhiệm vụ của văn học, tôi cho đây là một tư tưởng có tính chất khuynh hướng, trường phái: có những nhà văn này, văn phái này chủ trương như thế, lại có những nhà văn, những văn phái khác không chủ trương như thế. Ấy là còn chưa nói đến các lĩnh vực đề tài, thể tài cụ thể. Bàn đến loại sáng tác viễn tưởng mà lại yêu cầu "phản ánh hiện thực" thì thật nực cười. Đối với bộ phận văn học viết cho thiếu nhi, nêu yêu cầu "phản ánh hiện thực" cho các tác giả cũng vị tất đã đúng chỗ, vì đây là loại tác phẩm nhằm giáo dục, bồi dưỡng những phẩm chất cần thiết cho lớp người vị thành niên, chứ không phải loại tác phẩm nhằm đưa ra các loại "bức tranh hiện thực", "vấn đề hiện thực" bề bộn, phức tạp để cho lớp công chúng này phán xét.

 

Kể ra, chỉ với một khác biệt không có gì lớn (phản ánh hiện thực là thuộc tính hay nhiệm vụ của văn học) mà phải làm cả một cuộc thảo luận dài thì không thể bảo chất lượng thảo luận là cao. Tuy thế, điều đáng quan tâm, nhân chuyện này, lại  là tiếp tục đổi mới và phát triển lý luận văn học của ta như thế nào. Chẳng hạn, nhiều bài tham gia tranh luận đều đề cập vai trò của phản ánh luận đối với cách hiểu về văn học, hoặc nữa, đều nhấn mạnh ý nghĩa của văn học trong việc nhận thức đời sống. Thế nhưng phải chăng nên nghĩ rằng vai trò, ý nghĩa của phản ánh luận (với tư cách là một trong những học thuyết của nhận thức luận) cũng biến đổi trong thời gian? Lịch sử tư tưởng khoa học là sự nối tiếp (có kế thừa và phủ định) của các lý thuyết hơn là sự tỏa sáng mãi mãi của một vài lý thuyết. Chẳng hạn đứng trước di truyền học hiện đại thì những khai quát của Michurin chỉ còn là kinh nghiệm làm vườn hạn hẹp. Tương tự như vậy đứng trước lý thuyết  thông tin và sự phát triển của ngành tin học hiện đại thì phản án luận cũng đã trở nên cổ điển. Còn đối với cái tâm trạng lý luận coi trọng ý nghĩa phản ánh-nhận thức đời sống của văn học nghệ thuật, ta cũng cần xét đến các mối liên hệ với thời gian lịch sử. Ví như cho đến thế kỷ XIX, các tác phẩm văn học vẫn còn vai trò cung cấp các dữ kiện tư liệu cho sự phân tích xã hội, thì sang thế kỷ XX, hầu như vai trò ấy giảm hẳn, do chỗ các thông tin sự kiện mà nhiều ngành khoa học cung cấp đã tăng gấp bội về lượng và chất. Dẫu muốn coi trọng vai trò của văn học nghệ thuật ở ngay phương diện nhận thức, người ta cũng buộc phải lưu ý sang những phẩm chất khác, ví dụ, những trực giác (tổng hợp) lớn về xã hội và con người, những mẫn cảm mà chỉ các nghệ sĩ lớn mới có được và thể hiện được trong sáng tác…

 

Lý luận cần được phát triển hơn là co lại. Nhưng chỉ cần khẽ cất bước thôi là đã có thể gây chấn động và bị phản ứng. Bởi vậy, người làm lý luận, mà ở trường hợp này, Lê Ngọc Trà đang là "khổ chủ", cần được đối xử bằng thái độ hiểu biết, trước tiên là từ phía những người cùng giới.

 

● Báo “Giáo dục và Thời đại”, số 50 (14/12/1992)

[1] Các từ của tiếng nga: otrazhenie (phản ánh) và izobrazhenie (miêu tả), trong dịch thut ở ta đôi khi bị lẫn lộn; đối với các từ realnost' (hiện thực), déistvitelnost' (thực tế đời sống) cũng vậy.