THƠ NHƯ MỘT HIỆN TƯỢNG NHÂN CÁCH

 

… Tôi hình dung thơ như một hiện tượng nhân cách. Ngày nay, ví dụ nói đến tiểu thuyết, đến truyện nói chung, người ta kể quyển, kể tên các tác phẩm. Còn đối với một nền thơ một thời ở một xứ sở nào đó thì cái trước hết không phải tính theo bài theo quyển, mà theo đơn vị người, đơn vị một cái tên, những cái tên nhà thơ. Nhà thơ trong đời thơ của mình có thể viết về nhiều thứ, bằng nhiều thể tài thể loại thơ khác nhau. Tựu trung lại ở bạn nghề và ở công chúng đọng lại ý niệm về một nhân cách thơ, ý niệm về hình ảnh một con người sống động với những thái độ, những tình cảm nhất định trước cuộc đời. Ý niệm này còn được tạo bởi cả những gì ngoài thơ ca của con người đó: những phát ngôn, những ứng xử trước nhiều tình thế sống khác nhau… Thế giới nghệ thuật của nhà thơ được dệt bởi chính tác phẩm của họ, và thế giới này bao giờ cũng có hạt nhân là nhân cách của chính nhà thơ ấy.

 

Nhân cách cũng là quá trình chứ không phải một đơn vị tĩnh tại, nhưng sự chân thành, sự thành thực, sự thật lòng trong cảm xúc và thái độ cũng là một trong những thước đo cần thiết. Nhìn vào quá trình làm thơ cho đến bây giờ của những cây bút đang ở tuổi bốn mươi, có thể thấy khá rõ điều nói trên. Tất nhiên là có vấn đề tài năng, có vấn đề anh có còn coi thơ là sự nghiệp đáng dành đời anh cho nó nữa không, hay anh bận bịu với những lo toan khác ở vị trí khác, chỉ còn đeo đẳng nó theo lối nghiệp dư, "gọi là". Nhưng nếu nhìn vào những ai còn làm thơ, nghĩa là tôi còn thấy họ tiếp tục có thơ đăng báo, in sách, tôi nghiệm ra rằng thơ ở người này người kia khá lên hay dở đi, − điều này phụ thuộc rất nhiều vào nhân cách, vào thái độ của anh ta, xúc cảm của anh ta trước các vấn đề khác nhau của đời sống, từ lớn đến nhỏ.

 

Thậm chí ở đôi trường hợp, có vẻ như còn có thể căn cứ vào chỗ thơ của một ai đó đang hay dở ra sao để dò đoán đôi điều về một vài mặt trong nhân cách anh ta và phát hiện ra những nghịch lý khó ngờ. Chẳng hạn, anh đang trở nên khó tính hơn, khó gần hơn, nhưng quả thật thơ anh đang hay lên, đọc thích hơn. Trong khi đó, có trường hợp khác, anh đang trở nên mềm mại, khéo đối xử, được lòng bạn bè hơn trước, nhưng thơ anh đang dở đi, nhạt nhẽo đi, không muốn đọc.

 

Nói quan hệ khá chặt giữa thơ và nhân cách, tôi muốn gởi một lời tâm tình với bạn làm thơ cùng lứa tuổi. Không thể nào hèn đi để mong thơ hay hơn, không thể nào chơi trò ú tim để "đánh quả" trong nghệ thuật thơ. Ai chăm chú theo dõi một tác giả văn học, sẽ dần dần nghiệm ra điều này: những cuộc vật lộn để làm nên một đời văn, hóa ra vẫn là những cuộc làm người. Cái khắt khe của văn chương, so với nhiều lĩnh vực khác, có lẽ là ở chỗ này.

1985

● Phát biểu trong một cuộc thảo luận về thơ tại tuần báo “Văn nghệ”