TIẾNG VIỆT SẼ RA SAO?

 

Cách đây vài chục năm đã xuất hiện một mệnh đề có lúc được dùng như khẩu hiệu: "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt!”. Hãy khoan nói đến tính thụ động phiến diện phần nào thể hiện ở bản thân khẩu hiệu (bất cứ ngôn ngữ nào muốn tiếp tục tồn tại thì còn cần được phát triển, chứ không phải chỉ cần gìn giữ, bảo vệ). Hãy khoan nói đến những lối "xử lý lại" nhân danh khẩu hiệu ấy, biến những tên gọi gọn ghẽ quen thuộc thành những tên gọi dài dòng, nhiêu khê. Ta hãy chỉ dừng lại ở phương diện giữ gìn: Liệu khẩu hiệu trên có ngăn chặn được những xu hướng có thể gọi là suy thoái trong thực tế sử dụng tiếng Việt đã và đang xảy ra?

Xin dừng lại ở một vài ví dụ dễ thấy nhất.

 

1/ Từ tật nói ngọng lẫn lộn L/N

Đã hàng trăm năm nay, người ta nhắc đến các thiếu nữ Hà Nội với giọng nói "đặc Hà Nội", nghĩa là sáng rõ, trong trẻo, với những âm "o" rất đặc trưng, với những âm "x" và "s" (và các phụ âm xát nói chúng) hơn nhấn mạnh, v.v… tóm lại là với kiểu phát âm ít nhiều đài các, kiểu cách, tạo ra một nét thanh lịch đô thị. Khó có thể hình dung những thiếu nữ ấy lại có thể nói lầm "L" ra "N" và ngược lại. Sự phân biệt L/N trong cách nói tiếng Việt thậm chí còn là một tập quán tốt đẹp cho đến tận hồi đầu những năm 1960. Không riêng gì Hà Nội, ngay ở các tỉnh miền Bắc hồi đó, người ta không cho phép những giáo viên có tật phát âm sai L/N được lên lớp; tại các hội diễn quần chúng, người ta đánh trượt thẳng thừng những ca sĩ nghiệp dư có tật nói ngọng đó. Trong sinh hoạt hàng ngày, sự phân biệt L/N về phát âm đã là một chuẩn tối thiểu về văn hóa, buộc những ai có tật đó phải kiên trì tự sửa cho mình nếu không muốn xấu hổ trước người khác.

 

Giờ đây, chỉ cần đi dọc các phố quanh Hồ Gươm, bạn đã gặp nhan nhản những người nói L thành N. Không  phải chỉ những người quang gánh hay xe thồ, mà ngay cả viên chức, sinh viên, nhà khoa học, nhà giáo. "Tiếng" ngoại thành đang lây nhiễm cho tiếng nội thành cái tật nói ngọng này, biến cái sai chuẩn mực thành chuẩn mực. Một anh bạn tôi, vì lo tật nói ngọng kia lây đến con mình, một hôm đã phát hiện ra cái sự thực chẳng biết nên cười hay khóc: đúng lúc ngoài phố vọng vào tiếng rao: "Bánh mì lóng (nóng) đây!" thì trên ti-vi vang lên sang sảng giọng của một vị "dân biểu" : "Chúng ta phải nàm (làm) sao…"! Thật hết nhẽ! Cứ đà này, vài mươi năm nữa, không khéo các nhà ngôn ngữ học sẽ phải làm lại từ điển, chữa L thành N và ngược lại!? Đành như thế sao?

Xin nhắc lại, đây chỉ là một trong không ít những ví dụ về sự suy thoái của việc nói tiếng Việt. Chỉ về phương diện ngữ âm, phương diện cái giọng này thôi, đã xảy ra khá nhiều mất mát. Đôi khi tình cờ xúc tiếp với một vài người đã đi xa khá lâu trở về, chúng ta mới chợt nhận ra những gì đã mất ở tiếng Việt, những gì đã xảy ra trên cái tài nguyên là công cụ công cộng này. Từ chỗ là thứ tiếng để thưa gởi, mời chào, đàm đạo, nó đã có lúc biến thành thứ tiếng để chì chiết, đấu tố, xúc xiểm, chỉ mặt vạch lưng nhau. Hèn nào, thay cho giọng ôn tồn lịch thiệp trọng thị, lại là giọng lấn át, áp đặt, giọng tra xét, hách dịch, cộc cằn, nếu không thì lại là giọng sồn sồn buông tuồng, quên cả khoảng cách xã giao. Hèn nào những nhân viên trực điện thoại quên hẳn câu "dạ, tôi nghe" mỗi khi có người gọi đến, và để tập lại cho họ chỉ mấy tiếng ấy, nội trong một tỉnh nọ, đã phải mất hàng năm trời!

Bạn cứ thử hình dung cái môi trường tiếng nói đang bao quanh những đứa trẻ như đứa trẻ con anh bạn tôi: có phải cái môi trường ngôn ngữ này cũng bị ô nhiễm hay không?

 

2/ …Đến những  sai phạm phổ biến về dùng từ, đặt câu. Công hay tội của các nhà văn "thủ công" và các nhà báo "điện tử"?

Xin nêu một ví dụ nữa. Đã không ít lần các nhà ngôn ngữ học thay nhau viết báo, đăng đàn, chỉ để bảo cho ai nấy biết rằng, nếu đã dùng từ yếu điểm, một từ gốc Hán, thì nghĩa của nó là điểm quan trọng, trọng yếu; còn nếu để nói cái điểm thiếu sót, yếu kém, thì xin dùng những từ như nhược điểm, chỗ yếu, thiếu sót, v.v… Thế nhưng nước vẫn cứ đổ trên lá môn: lúc này lúc khác lại thấy các giới viết lách và nói năng trước công chúng, không kẻ này thì kẻ kia cứ dùng đại yếu điểm để nói sự yếu kém (của một cái gì đó). Hiềm một nỗi, sự liều lĩnh ở đây không ăn thua: thời gian chưa đủ để xóa, hơn nữa, để hợp pháp hóa sự nhầm lẫn này. Nhầm lẫn vẫn là nhầm lẫn, tuy không đến nỗi chết người vì tựu trung người hiểu biết vẫn có thể đoán ra.

 

Ví dụ nêu trên thuộc về một loại hiện tượng ngày càng trở thành vấn đề trong thực tế dùng tiếng Việt của những ai can dự vào việc viết lách, in ấn. Phải nhận rằng từ khi người Việt viết tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ đến nay, thời gian lịch sử còn chưa dài. Suốt từ khi chữ quốc ngữ bắt đầu được dùng trong báo chí, ấn loát cho đến trước 1945 (thậm chí cho đến trước 1975 ở nửa phía Nam), nó luôn luôn cùng tồn tại trong cùng một môi trường ngôn ngữ với các văn tự khác: ít nhất là chữ Hán và chữ Pháp. Người viết sách viết báo bằng quốc ngữ khi ấy, lúc cần có thể chua thêm chữ Hán hoặc chữ Pháp, theo đó bạn đọc và đồng nghiệp lĩnh hội được ý người viết ngụ vào một từ tạm dùng nào đó. Người đọc sách báo khi ấy, nếu không hiểu một từ lạ, cũng dễ hỏi những người xung quanh vì người biết chữ Hán, chữ Pháp khi đó không hiếm.

 

Tình hình dần dần khác đi khi tiếng Việt dưới dạng chữ quốc ngữ trở thành độc tôn và độc nhất trong môi trường ngôn ngữ đại chúng. Tự nó phải đảm đương tất cả trong khi các liên hệ bổ trợ với vốn liếng Hán văn và tiếng Pháp ngày càng mất đi. Dần dà, chưa nói người đọc, ngay trong giới viết sách báo, giảng dạy, thuyết trình cũng thường chỉ biết độc nhất tiếng Việt, mà lại là thứ tiếng Việt trong vốn từ vựng đương thời của nó với tất cả những thiên lệch của thời đại, bởi không ai buộc người ta phải là nhà từ nguyên học, tuy rằng sử dụng chữ nghĩa là việc hàng ngày. Tiếng Việt dường như quá tải nếu không phải là thiểu năng. Các từ gốc Hán sử dụng, dần dần trở  những ký hiệu tuỳ tiện. Bắt đầu nảy sinh lối bịa ra những từ Hán Việt bằng lối chắp nối theo ý riêng. Trong việc này có sự can dự của các nhà văn. Những phản ứng với loại từ Hán Việt "dởm" trong các trang văn mà bạn đọc gần đây nêu lên trên báo chí chỉ là dấu hiệu của một việc mà người ta đã làm ngấm ngầm từ lâu. Của đáng tội, sáng tạo thêm từ ngữ mới, cách nói mới là một trong những nhiệm vụ chân chính của nhà văn. Thêm nữa, hẳn là người Nhật Bản, người Triều Tiên cũng đã xử lý những "duyên nợ" Hán ngữ theo cách của họ chứ chẳng ai nhất nhất theo trung nguyên được. Chỗ oái oăm là ngay trong tiếng Việt trước đây đã có dày đặc một vốn từ Hán Việt với những hàm nghĩa khá phù hợp với gốc Hán. Các từ Hán Việt ("dởm" hoặc "bồi"!) được tuỳ tiện đặt ra bây giờ sẽ "chung sống" ra sao với cái vốn cũ kia? Khó mà nói là nó sẽ hòa hợp. Thành thử, trong việc tạo ra từ ngữ mới theo hướng "giả Hán Việt" này, ta còn chưa biết những người can dự sẽ có công hay có tội với mức độ ra sao!

 

Nếu có hàng loạt chuyện nghiêm trọng về dùng từ thì cũng có hàng loạt chuyện nghiêm trọng về việc đặt câu. Lại xin nêu một số ví dụ thường gặp, chẳng hạn trên các đài phát thanh, truyền hình, tức là liên quan đến giới báo chí "điện tử".

 

Cho đến nay, nhiều người trong giới viết báo "phong trào" vẫn thích dùng từ "đòi hỏi" để tạo ra một kiểu câu chưa hề có tiền lệ, cứ theo cách đó thì dường như có thể tạo ra kiểu câu không có chủ ngữ trong tiếng Việt. Nhưng kiểu câu không chủ ngữ là một việc, thói sính nhét từ "đòi hỏi" vào câu là một việc khác. Thường thường, lối này chỉ tạo ra một kiểu câu chối tai mà lại thừa chữ, tuy không làm cho người đọc nghe hiểu sang ý khác.

 

Khi làm phỏng vấn, các phóng viên rất hay nói "với tư cách là…" và liền sau là chức tước hoặc hàm cấp chuyên môn của người mình phỏng viến. Thế nhưng khi đặt thành câu, phóng viên lại thường vô tình đổi "tư cách" của người đó thành tư cách của mình! "Với tư cách là Tổng thư ký Hội… tôi xin anh cho khán giả biết…"! Dù nói "tôi xin" hoặc chỉ nói "xin", thì tư cách ấy đã thuộc vị phóng viên rồi, bởi đó mới là chủ ngữ (hoặc chủ ngữ ẩn) của câu nói! Lời nói thì gió bay thôi nhưng qua bao nhiêu phương tiện truyền thông đại chúng, liệu nó có lây sang những người nghe, trở thành chuẩn nói năng của họ hay không? Chẳng ai dám bảo rằng không!

 

Các phóng viên truyền thanh, truyền hình ở ta dường như chưa thấm cái điều là mình làm báo nói, bởi duyên nợ với báo viết (báo in) còn nặng, có khi còn thêm gánh nặng của mảnh bằng cử nhân văn khoa ở nơi xuất xứ. Một điểm dễ thấy là thích đặt câu dài, câu phức hợp nhiều tầng nhiều nhánh, nhiều mệnh đề phụ. Kể ra thành công được cũng không đến nỗi đáng trách. Nhưng không phải bao giờ nhà báo cũng được tự mình đọc văn mình trước thính giả, khán giả. Các phát thanh viên sặc sỡ ở màu áo, diễm lệ ở khuôn mặt, nhưng lời nói đọc lên từ cái miệng thì không giấu được rằng mình đang đọc cái không phải của mình, thường là đọc cái mình không hiểu, phát âm những từ mà mình không biết nghĩa, làm sao ngắt đúng chỗ cho những câu phức hợp dài dòng? Một nền báo chí điện tử càng ít "thợ đọc" càng tốt. Các phóng viên, biên tập viên tự đọc cái mình chuẩn bị có lẽ sẽ tránh được nhiều sai sót chữ nghĩa không đáng có. Thế nhưng, xin trở lại, ngay khi các phóng viên tự đọc, tự nói trước thính giả, khán giả, ta vẫn còn phải chứng kiến lỗi đặt câu.

 

Một lỗi càng gần đây càng phổ biến là tự động chuyển mệnh đề trạng ngữ đầu câu thành chủ ngữ. Nhà báo vừa mới nói "Với những dây chuyền sản xuất vừa được thay thế…", thì tiếp theo: "đã giúp cho nhà máy nâng cao năng suất…". Giá như chữ "với" ở đầu câu còn trên giấy chứ chưa bay vào không gian, hẳn có thể xóa đi là xong, câu sẽ đúng ngữ pháp. Nhưng là báo nói nên hối cũng không kịp. Và rồi xem, cái sai này qua tai người nghe sẽ có lúc lặp lại nơi cửa miệng họ.

 

***

 

Với những điều nói trên, hẳn có người sẽ bảo: ngôn ngữ là lĩnh vực của ký hiệu, của những liên hệ "võ đoán", cái sai được thừa nhận rộng rãi đại trà rồi sẽ trở thành cái đúng, cái chuẩn. Người viết những dòng này không chia sẻ lối nghĩ buông xuôi ấy. Thế nhưng phải nhận rằng, khi người ta đang có diễn đàn, lại là diễn đàn điện tử, độ phổ biến rất rộng, mà người ta lại nói sai viết sai, thì cái nguy cơ "sai thành đúng" hóa ra là nguy cơ rất có triển vọng!

Rốt cuộc vẫn phải tự hỏi: tiếng Việt rồi sẽ ra sao?

 

4/1/1991

● Báo “Người Hà Nội”, 1991