TÌM GIỌNG MỚI, THÍCH HỢP VỚI NGƯỜI THỜI MÌNH

 

Khi tôi cầm tập Ánh trăng, [1] tập thơ mới của Nguyễn Duy, không hiểu sao tôi lại nhớ ngay đến những câu thơ Duy viết trước đây, những câu thơ lục bát dưới một đề tài khá to tát: Tre Việt Nam. Những câu hé cho tôi một cái gì như là nét riêng nhất của tứ thơ Nguyễn Duy tất nhiên không phải những câu Thương nhau tre không ở riêng, Lũy thành từ đó mà nên hỡi người. Cũng vị tất đã phải câu Loài tre không chịu mọc cong, Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường, hay là Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh, Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm. Ấy là những ý thơ chung của cả một thời, Duy chỉ việc vận dụng. Nét riêng dễ nhận của tứ thơ Nguyễn Duy có lẽ lại ở những câu vẽ dáng tre Thân gầy guộc lá mong manh, vẽ nền đất tre mọc đất sỏi đất vôi bạc màu, hoặc nữa, những câu hình dung tre trong dáng nghèo đặc biệt Việt Nam:

Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc tre nhường cho con

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

 

Có thể nói Duy rất nhạy cảm với những gì ít ỏi, còn nhom, cọc cằn, đơn lẻ. Ta thường gặp trong thơ những cách nói cực nhiều, đầy tràn. Thơ Duy, trái lại, bắt rất bén những gì cực ít. Ta nhớ, Duy đã tìm thấy ở mái tăng người lính không phải một bầu trời rộng mà một bầu trời vuông, vuông vuông có một chút này. Ta nhớ Duy đã tìm thấy hơi ấm của những cọng rơm xơ xác gầy gò.

 

Tôi sẽ không so sánh tứ thơ trên đây của Duy với cái thú nhìn ngắm các sự vật bị thu nhỏ kích thước đến cùng cực của những người chơi cổ thụ trong chậu cảnh. Chỉ đơn giản là Duy nhìn thấy cái ít ỏi nói trên như một sự thực.

 

Mở qua các trang của tập thơ Ánh trăng này, ta sẽ thấy rằng cách phát hiện cái ít ỏi ấy vẫn còn khá đậm trong thơ Duy.

 

Để nói nỗi nhớ nhau khi xa cách:

Nói nhiều cũng chỉ mình nghe

Nhớ nhau mình lại vuốt ve tay mình

 

Để nói giấc ngủ ít ỏi hiếm hỏi trong đời lính:

Ngủ đi bạn ngủ đi anh

Cánh tay mình ngả ra thành gối êm

… Có người ngủ thế thành quen

Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình

… Bụi đường trắng tóc thanh niên

Má này thì lại áp lên tay này

(Lời ru đồng đội)

 

Hẳn là cái nét quan sát được ở trên chưa gồm hết tất cả cái riêng của thơ Nguyễn Duy. Trong thơ Duy hẳn còn nhiều nét khác nữa, có nét cho thấy ý tứ thường là của Duy, có cái cho thấy những ý tứ của chung nhiều người viết. Dù sao thì thơ Duy vẫn chưa đạt đến độ có được một cái riêng toàn vẹn cho thơ mình. Nhưng những cái riêng, nét riêng thì đã có, và có không ít.

 

Tập thơ Ánh trăng có cả thảy 30 bài. Mở đầu Mùa thu là bài hát ru.

Gió mùa thu đẹp thêm rằm.

Mẹ ru con gió ru trăng sáng ngời.

 

Tiếp theo, Trở lại khúc hát ru là một truyện thơ ngắn, gồm những câu thơ tự do kể về khúc hát ru đã ru êm xuôi những mắc mớ giữa một cặp vợ chồng ra sao. Tiếp theo nữa, bài thứ ba và thứ tư Lời của quả… Và lời của cây cũng là những khúc ru, cây ru quả, quả lại ru cây. Rồi sau đó ta còn thấy nhiều khúc ru khác: Lời ru đồng đội (bài 15), Lời ru từ Mũi Cà Mau (bài 27).

 

Tiếng là hát ru nhiều như vậy, nhưng đọc vào lại thấy nhiều khi không phải là hát ru: không ru ở lời, thậm chí ở ý cũng không ru. Ngay những bài lục bát ta thấy cũng có cái gì bên trong như muốn cãi lại vẻ êm nhẹ mượt mà vốn có của câu hát ru truyền thống.

Thì ra dòng sữa ngực mình

Qua môi con trẻ cất thành men say

Cái ý hướng muốn lý lẽ: - thì ra - qua - thành làm câu ru trúc trắc đi một cách cố ý.

Cũng như vậy:

- Đã đành quả có rụng đi

Thì như lá ấy, rụng về cội cây

- Quả không sa xuống từ cây

Quả đi từ dưới gốc cây lên cành

 

Vẫn là thơ lục bát đấy, nhưng cái nhịp thông thường êm ngọt thì không hẳn còn nguyên. Ở những đoạn thơ như đoạn dẫn sau đây, chỉ bằng cách khôi phục lại dòng thơ lục bát và chịu thừa nhận câu lục bát đã khuyết hẳn hai tiếng đầu, ta mới rõ đây nguyên là lục bát:

 

Tôi giật mình nghe:

Có ai nói ở cành me: "sắp về"

(bỗng dưng) tôi giật mình nghe

Có ai nói ở cành me "sắp về!"

 

Bản thân câu ru lục bát bị bẻ ra, ngắt ra, dòng ru xuôi ru êm ru quên không còn nữa hoặc bị khuấy động. (Xin lưu ý bạn đọc rằng hiện tượng xử lý lại và làm biến dạng câu thơ lục bát này không chỉ thấy ở riêng Nguyễn Duy: ta còn thấy ở thơ Thanh Thảo, Văn Lê, v.v…). Và nếu quan sát trên về lời hát ru và câu lục bát mà không lầm, thì hẳn phải hỏi tiếp: vì sao Nguyễn Duy lại làm ngang, làm trục trặc câu hát ru, vi phạm và phá vỡ cái khung 14 nốt đã được định vị chặt chẽ của câu thơ lục bát cổ điển? Nếu chỉ bảo là tác giả chưa vững tay, không thành công, v.v… thì thực ra là rút bỏ câu hỏi. Riêng tôi, tôi cho lý do là ở ý hướng chung của thơ Nguyễn Duy: Duy đang văn xuôi hóa thơ mình, chẳng những trong ngôn ngữ mà ngay cả trong cách cảm xúc.

 

Thật ra thì thơ Nguyễn Duy nói chung vẫn nằm trong phạm trù trữ tình. Cảm xúc ngợi ca, đề cao đối tượng, sự tô điểm, trân trọng đối tượng là những nét thấy rõ trong số đông các bài thơ.

Sự ngạc nhiên này là trữ tình ca ngợi, gần với thơ điền viên:

Bao nhiêu lứa quả ra cành

Hoang sơ đất cỏ nay thành rừng cây

(Lời của cây)

 

Cảm giác bị tiếng đàn thôi miên này chỉ có thể là kết quả của một xúc động trữ tình mạnh:

Cây đàn đột nhiên biến đi

Chỉ còn thấy đôi bàn tay trước ngực

Và tất cả tan ra thành âm thanh trong vắt

Lắc lư tôi như sóng lắc lư thuyền

(Âm thanh bàn tay)

 

Và tuổi thơ. Và quê hương, gia đình. Một người bà, một người cha. Những nguồn trữ tình có thể là trong trẻo nhất. Nó thường bắt giọng bằng câu này:

 

- Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng…

- Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò…

(Tuổi thơ)

hay là:

Ai qua Thanh Hóa về Quảng Xá

Men rượu là hương vị của làng tôi

(Cầu Bố)

 

Nỗi buồn nhớ thoáng một chút ân hận này là trữ tình:

 

Tôi đi lính lâu không về quê ngoại

Dòng sông xưa bên lở, bên bồi

Khi tôi biết thương bà thì đã muộn

Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi

(Đò Lèn)

 

Tình thương dành cho người cha cũng đọng lại ở âm hưởng trữ tình:

 

Cha tôi đó suốt đời thồ nặng

Trĩu cả hai vai, việc nước việc nhà

Bom rồi bão, mấy lần nhà sập

Lụi cụi tuổi già, con cháu đã đi xa

(Cầu Bố)

 

Thắng cảnh thiên nhiên thì bao giờ cũng dễ khiến con mắt thi sĩ nhìn ra những nét trữ tình:

Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu

Em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi

Lối mòn đá cuội rong chơi

Lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ

(Nhớ bạn)

 

Hồi ức về những năm tháng chiến tranh, về đồng đội cũ cũng dễ làm rung lên những âm thanh trữ tình trang nghiêm, lắng xuống:

 

Người bạn tôi không về tới nơi này

Anh gục ngã bên kia cầu xa lộ

Anh nằm lại trước cửa vào thành phố

Giấy phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh

(Nghe tắc kè kêu trong thành phố)

 

Còn trận tuyến mới phía trước thì dấy lên những lời lẽ trữ tình hùng dũng, như là ráng hết gân cốt mà lên tiếng:

Có đất nào như đất này không

Chiến hào khổng lồ như những dòng sông

… Một dân tộc sinh ra và lớn dậy

Dọc những dòng sông và những chiến hào

 

Nhưng tình yêu thì lại thường hay gắn bó với những giọng điệu trữ tình tha thiết, thề nguyền, khuyên van:

 

- Chao, đêm đẹp biết nhường nào

Cũng xin em chớ là sao trên trời

Sáng hoài mà chẳng có đôi…

(Ca dao vọng về)

Chúng mình lại yêu nhau

Qua dài sông rộng bể

(Tình ca nơi cuối đất)

 

Có khi, để hát ru người yêu, Duy chẳng ngại mượn một chút cái điệu rưng rưng trang trọng này:

- Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm

Ở đằng sau sự chấp nhận nhọc nhằn…

- Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm

 đằng sau tiếng em thờ không đều

(Lời ru từ mũi Cà Mau)

 

Và cả cái tinh tế ranh mãnh này nữa:

 

Em biết chứ chả ai lơ đãng cả

Hòn than kia cứ đỏ đến hết lòng

Mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói

Mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng

(Đà Lạt một lần trăng)

 

Tôi vừa làm một loạt thống kê, chỉ cốt để thấy cố gắng của thơ Nguyễn Duy là tiếp tục dệt thật nhiều những giai điệu trữ tình. Nhưng xin quay lại ý bên trên: mạch trữ tình "thuần túy" này của thơ Duy đôi khi còn kết hợp với một mạch khác nữa, trong đó in rõ những cảm xúc kiểu văn xuôi − nó là cái cớ bên trong dẫn đến những trường hợp Duy "công phá" các khuôn mẫu truyền thống của thơ lục bát nêu trên.

Hãy đọc những câu này:

Còn anh

Vừa bước ra từ lò cao chiến tranh

Da sạm màu khói

Cái gì đáng mất đi thì thành xỉ rồi

Cái gì đáng còn lại thì thành thép tôi

hoặc là:

 

Hạt muối nào kia có cái phút linh thiêng xòe trắng giữa ô nề

Là đã đi qua ba bảy lần đầm, ba bảy lần chang, ba bảy lần lọc cát

Là đã đi qua ba bảy lần cô quánh thành nước chạt

Và dát mình ra mà phơi nắng, kết tinh

(Muối trắng)

 

Cái phần không "thơ" lắm, cái phần trúc trắc kiểu văn xuôi ở hai trường hợp này là từ phía chính luận, triết luận mà đến, tựa như ở thơ Chế Lan Viên. Vì ham biện luận mà nhà thơ đưa chất văn xuôi vào thơ mình, − ấy là một cực. Ở cực khác, khi không nói lý mà là hướng những lời thơ về phái đẹp, ta cũng thấy đan xen vào một nụ cười khúc khích tinh ma không trữ tình thuần giọng cho lắm:

 

Quán cơm "âm phủ" còn không?

Cô gì hôm ấy… lấy chồng hay chưa?

(Hỏi thăm)

Hay là:

Em đưa tiễn, bước chân gìn giữ lắm

Hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê

Yêu mến ạ, xin đừng buồn em nhé

Giòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về

(Sông Thao)

 

Quả là ở những đoạn thơ tình như vậy, người làm thơ tự tố cáo một cá tính: nó cũng ranh mãnh lắm, nó cũng đáo để lắm đấy! Hiệu quả là gì? Là: trữ tình sẽ bớt đi cái tha thiết héo ruột héo gan vốn thường có ở những khí chất yếu, những tâm trạng lãng mạn u sầu lối cũ, và sẽ làm tăng lên cái khỏe khoắn mạnh mẽ vốn là đặc điểm muốn có của con người thời nay.

 

Nguyễn Duy có lúc đã ăn nhập được vào tư thế trữ tính khỏe khoắn, nhất là khi gặp những đối tượng khỏe khoắn: một ông già sông Hậu hay nhịp điệu của bóng đá hiện đại. Có vẻ như nhà thơ trữ tình trở nên "cứng xương" hơn, nhờ tố chất văn xuôi "vi lượng" ấy. Nhờ thế mà có thể hát ru ra lối ngang ngạnh:

 

Xin cho em giấc bình yên

Giữa đước

Và giữa muỗi

Xin cho em giấc bình yên

Bên cá khô

Và bên đống lưới

 

Cũng còn kín cạnh thôi, nhưng đã có gì đó hơi trái ngược giữa lời tâm thành cầu mong với việc nói ra các sự vật nôm na thực thà xung quanh. Theo đà của những đoạn thơ như thế này, ta có cảm giác là Duy đang đi gần tới lối diễn tả bằng nghịch lý − một đặc điểm của thơ trữ tình trí tuệ hiện đại. Gần đến chứ chưa đến. Là vì ở Duy những ý thơ tương tự chưa khơi đủ sâu vào những nghịch lý để bộc lộ ra dáng vóc cao lớn của sự suy nghĩ trong thơ. Những ý thơ như thế ở Duy chỉ mới đủ tạo nên cái tiếng cười khúc khích, giọng bông lơn bỡn cợt ngay giữa dòng tr tình, như là để phá bớt cái trầm bổng quá ư xuôi ngọt, phá bớt cái vẻ rưng rưng thống thiết cứ dâng cao dần và làm căng thẳng mệt mỏi tâm lý người cảm thụ. Gần giống giọng Phạm Tiến Duật thời chiến, thơ trữ tình bây giờ của Nguyễn Duy thường có thêm sắc giọng thủng thẳng, hơi ngang ngang, − và bương bướng nữa, nếu cần. Thành phần này dầu sao cũng còn là thưa thoáng trong thơ Nguyễn Duy, nhưng lại khiến ta dễ nhận ra cái riêng, cái mới ở Duy hơn là những đoạn trữ tình "thuần túy".

 

Thơ Nguyễn Duy đang ở chung trong tình trạng của nhiều nhà thơ cùng tuổi. Có thêm được cho mình một cái gì để rõ mình hơn, để trội lên hơn, − là điều không dễ. Hình như chính Duy cũng có cảm giác đang cùng đi "chuyến xuồng đầy" ấy với những nhà thơ cùng lứa:

Hớ hênh nghiêng chút bên này

Sông sâu chới với bàn tay chia lìa

Hớ hênh nghiêng chút bên kia

Giọt đau thương sẽ đầm đìa mắt ai

(Xuồng đầy)

 

Làm thơ, làm nghệ thuật thì không thể không "nghiêng chút bên này", − tất nhiên là khác với chuyện đi xuồng. Nguyễn Duy đã có "nghiêng chút", chỗ nghiêng này có thể làm lộ ra cái riêng, chẳng hạn như chỗ đem cảm xúc kiểu văn xuôi để thay đổi không khí chung của thơ trữ tình đang có cơ trở nên nhàm tẻ. Để thay đổi không khí trữ tình của thơ mình, tất nhiên là phải "đổi giọng". Tôi nói đổi giọng theo nghĩa tốt lành, theo nghĩa nghệ thuật. Có một chỗ thơ Duy đã nói đến điều này. Một chiều dạo phố, đôi người yêu gặp mưa. Vội vàng ta nấp vào nhau - Mái đầu che lấp mái đầu thoảng hương. Lời của người con trai − chính nhà thơ chăng? − là xin lỗi: Em đừng trách nhé em thương. Nào ai biết được giữa đường gặp mưa. Câu trả lời là thế này:

(Tiếng em như tiếng gió lùa:)

- Thôi đừng nói giọng người xưa, buồn cười

 

Giọng cô gái − giọng nhân vật − hay còn là giọng tự khuyên mình, trong thơ? Có thể là cả hai. Người xưa đây có lẽ không phải đã là "xưa" lắm, có khi đang sống cùng thời, nhưng chất giọng thì đã "xưa" mất rồi. Tìm giọng mới, thích hợp với người thời mình, để cho người thời mình thấy nó là chân thực, là phù hợp hơn - đó có lẽ không chỉ là tâm niệm của riêng Nguyễn Duy.  

3/4/1986

“Văn nghệ”, số 15 (12/4/1986)

[1] Ánh trăng”, tập thơ Nguyễn Duy, Nxb. Tác phẩm mới, Hà nội, 1984.