TRUYỆN DỊCH 1991 HAY LÀ SỰ VẮNG MẶT CỦA VĂN HỌC

 

Dọc các phố Hà Nội, mới hồi nào sách tràn ra vỉa hè, giờ đây khá nhiều quán sách, quầy sách đã tự động rút đi, nhường chỗ cho các quán phở, quán cơm bình dân hoặc quầy bán hàng may mặc… Cố nhiên vẫn tìm thấy nơi bán sách, dù thưa thớt. Có những quầy, chủ nhân đã cho thay chữ "sách" bằng "truyện" ở biển hàng. Đầu tiên hãy vào các quầy đó, để hiểu cái nhạy cảm của người kinh doanh sách, trước khi tới các nhà xuất bản để tìm hiểu tình hình dịch văn học nước ngoài thời gian gần đây.

 

Từ mấy năm nay, các nhà xuất bản đã phải hạch toán. Vốn được cấp thường ít ỏi, chỉ đủ là dăm ba tên sách một năm. Hệ thống thư viện công cộng được cấp ít kinh phí, sức mua sách giảm rõ rệt. "Kinh tế xuất bản" trông cậy hoàn toàn vào túi tiền của người đọc. Cuối cùng, các "đầu nậu" xuất hiện, nắm bắt rất nhạy nhu cầu của một lớp độc giả có tiền. Hơn đâu hết, sách dịch bộc lộ rõ rệt thị hiếu của lớp người này, lớp người bỗng giàu xổi lên từ mấy năm nay.

 

 

Tiểu thuyết Mỹ chiếm lĩnh thị trường

Những ai có chút ý niệm về văn học nước ngoài, nhìn vào sách dịch vài năm nay sẽ thấy một sự thu hẹp đến mức méo lệch. Không còn thơ, tiểu luận hay truyện ngắn nữa, chỉ còn tiểu thuyết thôi (hoặc gọi là truyện như mấy chủ hàng sách nọ). Cũng không phải tiểu thuyết của tác giả ở bất cứ nước nào, chỉ có thể là tiểu thuyết Mỹ mà thôi! Tuân theo tâm lý người mua, mấy chữ tiểu thuyết Mỹ được in ngay ngoài bìa sách. Cẩn thận hơn, nếu sách đó in ở Nhà xuất bản Văn học thì còn được xếp vào tủ sách "Văn học Mỹ" − một tủ sách chọn lọc tinh hoa thế giới theo sự "thiết kế" từ mươi năm trước, thời bao cấp, mặc dù ít ai dám đoan chắc cuốn sách được in này đáng mặt tinh hoa của văn chương Mỹ! Hóa ra, người ta bạo phổi xếp vào "tủ sách" ấy chẳng qua là để quảng cáo. Một kỷ lục sẽ ít ai địch nổi trong sách dịch ở ta: cuốn Scarlett (Hậu Cuốn theo chiều gió) được tung ra thị trường Mỹ chỉ từ ngày 25/9/1991, nhưng cuối tháng 10/1991 đã thấy bản dịch tiếng Việt bày bán ở các thành phố lớn trong nước!

 

Tiếng là tiểu thuyết Mỹ, nhưng không phải của bất cứ tác giả nào! Nếu là những tên tuổi lớn, những nhà văn đoạt giải Nobel, giả Pulizer, thì bị tránh xa! Cũng không phải bất cứ cuốn nào trong số các tiểu thuyết bán chạy ở thị trường Mỹ. Ví dụ tiêubiểu là Stephen King "vua sách kinh dị", thành triệu phú nhờ có nhiều sách bán chạy ở Âu Mỹ, cũng đành chào thua trước công chúng xứ ta: cuốn Vùng chết được dịch in dăm năm trước, vừa thử tái bản năm qua, vẫn đang nằm hứng bụi trên các quầy sách!

 

Rốt cuộc, chỉ có một số tác giả nào đó của tiểu thuyết Mỹ là được ưa chuộng mà thôi. Xin nêu tên một số cuốn sách đã dịch của khoảng 5 tác gỉa mà theo giới thông thạo thì hễ có một cuốn sách nào của họ mới in bên trời Tây là các "đầu nậu" xứ ta sẵn sàng tranh lấy để làm từ A đến Z: thuê dịch, tìm cửa "mua" giấy phép, bỏ vốn lo in và tổ chức phát hành. Các tác giả đó là: 1/ Sidney Sheldon (Cát bụi thời gian, Phía bên kia nửa đêm, Nếu còn có ngày mai, Người đàn bà quỷ quyệt, Thiên thần nổi giận v.v….); 2/ Harold Robbins (Hồi ức cuộc tình, Người lữ hành kỳ dị, Nhà tỷ phú bất hạnh, Tình đã bay qua, Đừng yêu người lạ, v.v…); 3/ Danielle Steel (Yêu, Niềm hạnh phúc, Người vợ, Người tình, Người cha, Tình hè rực lửa, v.v…); 4/ Janet Dailey (Chị em thù hận, Tình địch, Vũ hội hóa trang, v.v…); 5/ Jackie Collins (Thế giới của những kẻ đàn ông có vợ, Cô gái bất kham, Thế giới của những người đàn bà ly dị, v.v…). Còn có thể kể thêm James Haddley Chase (Muốn sống thì hãy…, Dựng xác chết dậy nhảy múa…) hoặc Jacqueline Susann (Máy yêu, Thung lũng búp bê, Một lần chưa đủ, v.v…) v.v… và  v.v…

 

Vì sao những cuốn sách này, những tác giả này lại "ăn khách" ở ta (Nói "ăn khách" bây giờ là in được khoảng trên hai ngàn bản, thu hồi được vốn sau vài tháng kể từ lúc in xong). Hỏi chuyện một số biên tập viên làm loại sách này và một số chủ sạp sách, thì lý do đại khái là:

− cuộc sống được mô tả trong đó là đời sống phong lưu, hiện đại; trong truyện thế nào cũng có những mối tình, với những trang "sexy"…;

− có những nhân vật chính "tay trắng làm nên";

− cốt truyện mạch thẳng, tốc độ truyện nhanh, ít tả cảnh tả tình dài dòng; hành động nhiều, dồn dập, nhiều pha gay cấn, kết thúc có hậu v.v..

 

Có biên tập viên ngán ngẩm bảo: Đây là loại sách giải trí, chẳng có gì đáng nói về mặt văn học; phải in ra là vì nhà xuất bản bây giờ phải "kiếm sống nuôi nhau" thôi. Ngược lại, có biên tập viên hào hứng: văn học bây giờ phải làm như thế (tức là phải như những cuốn sách này), chứ cứ tinh tế, suy tư rối rắm, triết lý với thẩm mỹ, thì ai đọc!

 

Dù với động cơ hay tâm trạng thế nào của người làm sách, thì những cuốn sách dịch loại này, với phụ đề in đậm Tiểu thuyết Mỹ vẫn cứ nối nhau ra mắt: ở đây không có chuyện "cấm vận"! Chịu khó đứng lâu chừng nửa giờ bên quầy sách, bạn sẽ thấy xuất hiện loại khách hàng riêng của loại "tiểu thuyết Mỹ" này. Một cậu ấm hay một cô chiêu, một bà tứ tuần, ngũ tuần hay một ông cũng trạc tuổi ấy, tất cả đều phục sức sang trọng, thơm nức, cỡi xe máy loại "xịn", ghé vào. Chọn sách rất nhanh, trả tiền rất nhanh, phóng xe rất nhanh, trong khi người bán hàng với vẻ tươi cười quá mức hãy còn níu lại để trả mấy trăm lẻ tiền thừa…

 

Và truỵên Tàu "rởm" lan tràn

Vài ba năm trước, giới quản lý văn hóa đã quyết ngăn cản việc in lại ồ ạt loại sách sáng tác lưu hành ở miền Nam trước đây (tức là những tác phẩm văn học được viết ra và in ra ở đây trong thời gian 1954-1975). Sự ngăn cản, tiếc thay, đã thất bại. Phía "cấm in" và phía "muốn in" vô tình (hay hữu ý?) gặp nhau ở chỗ cùng nhau tạo ra hàng "rởm". Người ta đã in lại đúng cái loại sách cũ hiện bị tuyên bố cấm ấy, có giấy phép in hẳn hoi, đội những tên tác giả không bị cấm hoặc mang những tên sách khác, coi như sáng tác mới! Kết quả là cái diện mạo thực, cái phần thành quả có thực của văn học công khai dưới chế độ cũ ở miền Nam, một lần nữa bị bóp méo, do kiểu làm sách gian dối này.

 

Thất bại nói trên một lần nữa được lặp lại, với những sách dịch cuả hai tác giả Tàu (Hồng Kông): Quỳnh Giao và Kim Dung. Hoàn toàn vẫn là bài bản trong "thất bại cũ": phía cấm vẫn cấm, tức là cấm cái tên hai tác giả ấy, và những tên sách đã biết, phía "muốn in" chỉ cần đổi tên tác giả và tên sách khác đi! Vì thế mà những dịch giả quen biết của loại sách này trước đây (Liêu Quốc Nhĩ, Phan Cảnh Trung) bỗng được biến thành tác giả của những sáng tác hình như mới viết! Cố nhiên, người ta phải sửa lại tên nhân vật, tên địa danh trong truyện, và ở nhiều trường hợp, cũng như trước đây vì nó đã là phóng tác chứ không còn là bản dịch nguyên tác nữa, cho nên chỗ nào cần đến thơ, thì người ta cứ việc ung dung lấy thơ tình Xuân Diệu, Xuân Quỳnh đưa vào! Các truyện "chưởng" Kim Dung, dưới dạng cải biên chút ít, người ta thường gắn các hành động của nhân vật võ hiệp với chuyện yêu nước chống giặc thời Lê thời Trần! Các thủ pháp "Việt hóa" cũng thật đơn giản, dễ làm!

 

Ngay trước mắt các giới chức quản lý đã diễn ra các ngón "chưởng" không mấy cao cường của các nhà kinh doanh sách, − không cao cường, nhưng cốt yếu là thành công, đã và vẫn đang thành công.

 

Có dịp đến những quầy sách như quầy đối diện nhà xổ số trên đường Hai Bà Trưng, gần Bách hóa tổng hợp Hà Nôi, bạn sẽ thấy quang cảnh tấp nập giao nhận loại sách này, − tấp nập còn có phần hơn quang cảnh ở cửa Tổng Công ty phát hành sách, cách đó chừng hơn trăm thước. Trong số khách mua buôn, có người là chủ sạp sách tư nhân từ các vùng ngoại thành, có người là cán bộ nhân viên "hiệu sách nhân dân" các tỉnh, huyện. Cả sách Quỳnh Giao lẫn "chưởng" Kim Dung dưới dạng Việt hóa theo cung cách làm hàng giả này, dường như đang có nhiều độc giả chờ đợi ở các thị trấn, huyện lỵ!

 

 

"Cổ điển", "kiệt tác" cũng ra rìa, nói gì đến "đích thực"…

Mươi năm trước, sách của các tác giả Liên Xô, Đông Âu được dịch ở ta đến mức bão hòa, bất kể giá trị văn học. Bão hòa, nhưng vẫn thiếu, nhất là những tác giả cổ điển "có vấn đề" ngay trên tổ quốc của họ. Ai muộn thì thiệt. Đến đại văn hào Dostoievski còn chịu thiệt thòi (quyển Anh em nhà Karamazov chật vật mới ra được trọn bộ, ra rồi lại nằm chết trên quầy!) thì những nhà văn lớn mới được khôi phục chắc không dám phiền trách. Vả chăng, Pasternak còn kịp được dịch Bác sĩ Jivago, Bulgakov còn kịp được dịch Nghệ nhân và Margarita, Trái tim chó, chứ những A.Platonov, Akhmatova, Mandelshtam, Zamiatin, thì ở ta chưa có ý niệm gì về văn chương của họ.

 

Không nói những người có thị hiếu khá cao nhưng tiền lương không cho phép mua sách, chỉ nói lớp người khá giả đang là những "tiphôsi" của sách dịch tiểu thuyết Mỹ chẳng hạn, thì dường như nét đặc trưng của họ là "dị ứng" với các tác phẩm đã được coi là "cổ điển" của văn học các nước.

 

Không riêng gì các tác gia lớn của Nga, Xô-viết, Đông Âu bị lãng quên, ngay các bậc thầy lừng danh của văn học Anh, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ La-tinh cũng chung số phận. Joyce, Faulkner, Golding, Yourcénar, Kafka, Camus, Sartre, v.v… và v.v… − toàn những bậc tài danh được thừa nhận khắp hoàn cầu, đều bị lớp độc giả này nhất trí… từ chối!

 

Một cuốn sách của A. France (nhà văn Pháp mà nhiều thế hệ ở ta đã biết và yêu mến) − cuốn Thiên thần khát, được dịch in có 800 bản, vẫn không bán hết. Nhà xuất bản "biết điều" thì đừng trương dòng chữ "giải Noel văn chương" lên bìa − nó cũng gây dị ứng! Những biên tập viên yêu mến thiết tha với các giá trị văn chương "đích thực" thì bó gối thở dài, đành xếp kỹ vào tủ những bản thảo dịch các tác phẩm lớn được thừa nhận rộng rãi khắp thế giới. Đã tất cả trông vào túi tiền của người mua sách thì đành chờ đợi họ thôi. Nhiều tính toán tìm "ngõ phụ" để thoát khỏi tình thế, vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể.

Dạo qua các quầy sách, sạp sách Hà Nội, nhất là các quầy tư nhân có hơi hướng "chuyên doanh" − tức là chỉ bày những sách đang "bán được", đang có khách − bạn sẽ có dịp kiểm tra lại những cảm tưởng của người viết những dòng này. Liệu có vội vã không để nhận xét rằng trên thực tế, cái đang lũng đoạn thị trường sách dịch ở ta chính là văn hóa đại chúng ngoại nhập, với xu hướng giải trí cũng "thuần tuý" ở phía người tiêu thụ? Loại "tiểu thuyết Mỹ" đang ăn khách nói trên không thuộc loại tác phẩm xuất sắc của văn chương Mỹ. Nó chỉ là những sản phẩm của ngành "công nghệ văn hóa" mà những nguy cơ của nó từng nhiều lần được nhiều nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng ở phương Tây lên tiếng báo động. Có điều là ở ngay nơi phát sinh, nó chỉ tồn tại đồng thời, chứ không lấn át thậm chí đè bẹp nổi các xu hướng văn chương nghiêm túc như khi nó xâm nhập vào nền xuất bản ở ta.

Bước ra từ các quầy sách, thấy day dứt trong lòng một nỗi nhớ. Nỗi nhớ văn học. Chính văn học là cái thiếu nhất ở mùa sách dịch đang có vẻ ngoài náo nhiệt đến mức chụp giật này.

24/11/1991

“Almanach văn học 1992”, Nxb. Hội Nhà Văn, 1992.