VĂN XUÔI 1975-1985: DIỆN MẠO VÀ VẤN ĐỀ

 

Ít ai dám nghĩ là đã đọc hết cả khối lượng những tác phẩm văn xuôi được in ra từ sau tháng Tư 1975, qua sách, báo, tạp chí, ở trung ương và các địa phương. Thế nhưng, nếu chấp nhận được rằng dẫu sao vẫn có thể nêu ra một số nét chung nào đó của một quá trình văn học mà không buộc phải “đọc hết tất cả”, thì hẳn bạn đọc và bạn viết sẽ cho phép tôi làm một chút cái việc ít nhiều gọi là "khái quát" sau đây. Sự khái quát này thật ra có chỗ còn là những nhận xét trực quan, không chắc đã phù hợp với thực tế tình hình và do vậy rất dễ bị các đồng nghiệp phê bình phản đối.

 

Để nêu ý kiến nhận xét, tôi chủ yếu dựa vào thực trạng của một số mảng thể tài mà theo tôi trên thực tế đã thành những mảng chính trong bước đường phát triển của văn xuôi ở ta. Bạn đọc cũng có thể coi công việc của người viết ở đây là tìm hiểu loại hình các thể tài văn xuôi trong sự phát triển văn học những năm gần đây.

 

 

1/Văn xuôi chiến đấu. Tài liệu ngày một nhiều và việc xử lý. Tình thế "hôm nay ngồi viết cái hôm qua"

 

Xin tạm gọi "văn xuôi chiến đấu" (hoặc "văn xuôi kháng chiến") để trỏ những tác phẩm văn xuôi viết về thời chống Pháp hoặc chống Mỹ hoặc về những cuộc chiến đấu ở biên giới gần đây.

Hai cuộc kháng chiến trước đang lùi dần vào quá khứ, nhưng hầu như những người viết về nó vẫn chưa cảm thấy mình đang làm việc với văn xuôi lịch sử. Dẫu sao cái cảm giác cùng thời với những điều mình viết cũng hụt dần đi. Khoảng cách lộ dần ra. Nhưng, như để bù lại, nhà văn lại có dư điều kiện để tìm kiếm tài liệu. Nguồn mạch tài liệu cho đến giờ vẫn còn là tiềm tàng. Không hiếm khi, lọt vào tay nhà văn là những tài liệu quý. Công việc nhiều lúc bề ngoài tưởng như chỉ còn việc dựng lại, kể lại. Tất nhiên ở đây vai trò sáng tạo vẫn không mất. Nó chỉ khác đi về dạng thức. Nó lại cũng cần khác đi trong quan niệm, trong thẩm mỹ. Thế nhưng có vẻ như các nhà văn xuôi của ta cho đến giờ vẫn chưa tỏ ra mặn mà gì lắm với hướng văn xuôi tư liệu, một hướng đã phát triển khá mạnh và chắc ở văn học nhiều nước, nhất là xung quanh những sự kiện của thế chiến thứ hai. Sau Ký sự miền đất lửa (1978), thiện cảm với văn học tư liệu chưa tăng lên mấy tí. Số sách tư liệu in ra ngày một nhiều: tư liệu quân sự, tư liệu an ninh chính trị, tư liệu hình sự… Nhưng những người viết ra nó phần nhiều thường có vẻ tự giới hạn ở việc biên soạn tư liệu, ghi lại các sự kiện, viết các trang "chiến lệ" kể lại diễn biến các trận đánh, diễn giải các tập hồ sơ v.v… nhiều hơn là bắt tay vào việc xử lý tư liệu ấy thành văn học. Trong khi ấy, khá nhiều nhà văn, vào lúc cảm thấy đã thu góp được một số tài liệu nào đấy hơi hơi vừa tay thì liền nghĩ đến "tiểu thuyết hóa": đổi tên người tên đất, nối thêm quan hệ tay ba tay tư cho thành truyện, thêm một chút hư cấu nữa để… làm văn học! Làm văn học, nhưng không phải văn học tư liệu. Trong khi các họa sĩ có người đã nghĩ đến việc khai thác cái đẹp thô mộc, cái đẹp tư liệu trực tiếp của những gốc sắn, mảnh xác máy bay, v.v… để làm tác phẩm, thì ý đồ và cách làm tương tự vẫn còn xa lạ với các nhà văn. Cái mộc che đỡ của họ là sự "hư cấu".

 

Hư cấu là rất cần, trong sáng tác nói chung. Nhưng ở chỗ xử lý các tư liệu như vậy, hư cấu có vẻ như là cách bù đắp, thay thế cho những tư liệu khó kiếm hoặc ngại kiếm, hoặc như là cách bù đắp chỗ đuối sức trong bàn tay xử lý, − bàn tay chưa dám làm cái việc chỉ bày thuần có tư liệu "thứ thiệt" thôi mà vẫn tỏ ra là nghệ thuật, vẫn có thể làm say người. Bề nào thì ở đây đằng sau sự "hư cấu" cũng lộ ra một khiếm khuyết gì đó nơi tay nghề. Với văn học tư liệu (chứ không phải văn học nói chung), dầu sao không dùng hư cấu vẫn là cao tay hơn!

 

Chắc sẽ không ai bài bác gì khi nhà văn định "tiểu thuyết hóa" những sự việc, sự kiện thời kháng chiến, hư cấu chút ít hoặc hoàn toàn. Nhưng ở hướng "tiểu thuyết hóa" này, vấn đề không chỉ ở tương quan tài liệu đã nắm được và những điều hư cấu; vấn đề còn liên quan đến một điều nữa: ý thức về thời điểm mình viết, hơn nữa, chuyển sự ý thức ấy vào hệ thống hình tượng và tư tưởng tác phẩm. Thoạt nhìn thì tưởng như người viết nào cũng biết mình đang sống ở thời điểm hôm nay và viết về những cái của hôm qua. Thế nhưng dõi nhìn kỹ vào tác phẩm mới thấy cái ý thức kia chưa thấm vào ngòi bút bao lăm! Điều đem kể trên trang giấy tất nhiên là cái hôm qua, càng ngày càng tuyệt đối là hôm qua; nhưng nghe những câu chuyện và cách kể, ta vẫn thấy như người kể vẫn còn đang ở trong trạng thái cùng thời với cái hôm qua ấy. Thêm nữa, việc kể cho ai nghe, kể để làm gì − vẫn chưa được thể hiện thành một định hướng nghệ thuật đầy đủ. Quan hệ với hôm nay trở nên chơi vơi.

 

Đọc Sài gòn 67 chẳng hạn. Tư liệu khá nhiều; tìm được như thế không phải dễ. Kế đó, tư liệu đã được xử lý theo hướng tiểu thuyết hóa. Nhưng khi đọc tác phẩm với tư cách là một tiểu thuyết, người đọc sẽ khó nói cái ý tiểu thuyết ở đây là gì? Rõ ràng cuốn sách muốn cho thấy cái sự thật về cục diện chiến sự một vùng ở vào một thời điểm nhất định của chiến tranh. Như thế, có lẽ phải coi nó là ký sự tư liệu, nhưng giá ta được đọc nó vào những năm 68, 69 thì hay biết mấy! Đến tận những năm 80 này, khi miền Nam, trong đó có Sài Gòn, được giải phóng đã gần trọn 10 năm, liệu độc giả còn cần quan tâm tìm hiểu xem "Sài Gòn 67 là Sài Gòn gì?" nữa không?

 

Ở khá nhiều cuốn tiểu thiểu viết về kháng chiến, ta sẽ thấy các tác giả có gì như lúng túng khi tìm một ý truyện sao cho chuyện hôm qua lại có thể nói được điều gì đó với người hôm nay. Con đường quen thuộc nhất vẫn là biểu dương tinh thần anh hùng, chủ nghĩa yêu nước. Song ở hướng đó, làm sao tạo được một sức mạnh nghệ thuật đủ cho cảm hứng yêu nước, cảm hứng anh hùng có thể bật ra như một năng lượng mạnh, sức nổ lớn − lại là điều không dễ dàng. Thế nhưng việc tác phẩm sẽ đúng là một sáng tạo nghệ thuật hay chỉ là một vật phẩm được thửa hàng loạt theo mẫu, − lại tùy thuộc khá nhiều vào chỗ nó có hay không có cái năng lượng, cái sức gây nổ kia. Hiện giờ, ở mảng sáng tác này ta ít thấy cuốn truyện nào gần đây lại gây được tiếng vang ngang cỡ với một Rừng Xà-nu hay một Dấu chân người lính vào thời của những sáng tác ấy. Thêm nữa, ở hướng biểu dương, động viên, ca ngợi này, ta lại cần lưu ý đến điều mà gần đây nhà văn Hữu Mai đã muốn báo động: "Cần chấm dứt những lời ca ngợi dễ dãi đã làm người đọc chán ngấy. Chúng ta phải ngừng hạ thấp những người anh hùng có thực của chúng ta bằng cách biến họ thành những nhân vật siêu phàm" (Văn nghệ số 52-1984).

 

Tôi không nghĩ rằng sắp tới các nhà văn viết về kháng chiến sẽ thôi không viết theo lối đề cao. Ngược lại, vẫn cần tới những phong cách đề cao táo bạo hơn: lãng mạn, truyền kỳ nữa, nếu ai đó dám làm. Ta biết rằng trong ý thức dân gian, mọi chiến tích sẽ dần dà nhuốm màu kỳ tích, cổ tích. Ngay hồi đang chiến tranh, nhà văn Nguyễn Thi đã có thể làm như thế với ngôn ngữ kể chuyện dân gian của Người mẹ cầm súng. Sao bây giờ lại không thể khai thác những khả năng ấy của nghệ thuật kể chuyện?

 

Nhưng ở một phía khác, cần nghĩ đến nhiều hơn, chính là việc đem lại cho những chuyện mình kể một tư tưởng. Một tư tưởng có thể nói được điều gì với người hôm nay. Việc đầu tư tư tưởng cho từng cuốn tiểu thuyết vẫn là một điều cần được đặc biệt quan tâm. Tất nhiên, ít ai ngây thơ cho rằng nhà văn viết chuyện kháng chiến chỉ mới làm độc một việc là kể chuyện, dựng lại bộ mặt chiến tranh ở từng lúc từng nơi mà chưa hàm chứa vào đó một ý tưởng gì thêm. Nhưng bằng vào hiệu quả nghệ thuật đã đạt được thì những ý tưởng, những tư tưởng đó quả là chưa nổi rõ bao lăm. Tính theo số lượng tác phẩm và trang in thì mảng kháng chiến chiếm một tỷ lệ cao so với nhiều mảng văn xuôi khác, nhưng tiếng vang nó gây ra lại có gì đang yếu ớt đi.

 

Có bạn muốn nói đến một xu hướng phân tích thực tế chiến tranh trong văn xuôi gần đây. Giá như được bàn góp với các nhà văn đang đi vào khu vực của khoa học lịch sử ấy: Xin các anh hãy bỏ cho xa hẳn cái mà người ta gọi ước lệ là "tiểu thuyết sự kiện" để làm những thiên tư liệu đặc sắc! Phổ tư tưởng vào giữa các dòng tư liệu "mộc" không phải là không thể làm! Còn như ở loại mà người ta gọi là "tiểu thuyết tính cách" thì ta đã thấy một số cuốn truyện hé ra cái ý định trình bày sự hình thành nhân cách qua thực tế kháng chiến. Đúng là ở một chàng trai rời làng quê đi bộ đội thì quá trình làm lính cũng là quá trình học làm người, ít ra là ở cái phần "người" bên ngoài lũy tre làng. Nhưng để đọc thấy rõ ở những người lính trẻ sự tự ý thức − phương diện rất quan trọng của sự hình thành nhân cách − thì có lẽ qua thơ (như trường hợp các tập thơ Những người đi tới biểnDấu chân qua trảng cỏ của Thanh Thảo) lại còn dễ hơn là qua văn xuôi.

 

Gần đây trong giới người viết đã nghe thấy những lời xì xào chê trách một số truyện chiến đấu đang có vẻ muốn lấy sự "ly kỳ hồi hộp" để hấp dẫn người đọc. Cái lối câu khách bằng cách cố đưa vào truyện những pha có chút máu mẹ, dao găm súng lục, có cảnh một anh đặc công kề lưỡi dao găm vào cái gáy trắng mịn của một ả điệp viên ngụy, v.v… tất nhiên không phải những lối hấp dẫn chân chính. Nhưng vấn đề còn là ở chỗ: với chất liệu kháng chiến, chiến đấu, ta có thể làm văn chương nghiêm túc mà cũng có thể làm văn chương vui, văn chương giải trí. Ta có thể tính đến những "xê-ri" truyện chiến đấu, truyện phản gián, lấy "ly kỳ hồi hộp" để thu hút độc giả. Đừng tưởng những truyện "mua vui" ấy không có tác dụng! Bằng ly kỳ hấp dẫn mà khiến các thế hệ về sau nhớ đến những cuộc kháng chiến đã qua, khiến họ biết là đã có những trang sử như vậy, − thì dẫu những truyện kia không là văn học, chúng vẫn có ích. Điều cần thiết là đừng lẫn lộn, đừng lợi dụng "ly kỳ hồi hộp" khi đang làm các tiểu thuyết nghiêm túc, và cũng đừng đưa những đoạn lên gân nghiêm túc, hoặc nhăn trán triết lý vào những truyện ly kỳ hồi hộp "giải trí". Ở đây, ngay trên một loại đề tài cũng cần có  sự phân hóa về thể tài tác phẩm.

 

 

2/ Văn xuôi sản xuất. Khi nhà văn nhập cuộc vào lĩnh vực hoạt động kinh tế. Chất lãng mạn của các bút ký "tại chỗ". Xu hướng nghiên cứu của các trang truyện ban đầu vốn chỉ có ý định minh họa.

 

Thiết nghĩ sẽ là hợp lý khi gọi là "văn xuôi sản xuất" tất cả những tác phẩm viết về công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, v.v… Ở đó phần miêu tả chính là câu chuyện quanh một công đoạn sản xuất, một sáng kiến được đề xuất hoặc áp dụng, một cách tổ chức hoặc quản lý mới được đề ra và thực hiện..., và chủ đề trung tâm thường là: đề cao, khẳng định một phương hướng làm ăn, một cách thức quản lý mới, đang được coi là tích cực, tiên tiến. Từ Cái sân gạch, Xi-măng, Đất làng, Buổi sáng, Những ngày đã qua, Chỗ đứng người kỹ sư… cho đến Nhìn dưới mặt trời, Đứng trước biển và rất nhiều cuốn sách đang viết khác, có thể nói mạch văn xuôi sản xuất, hơn nữa mạch tiểu thuyết sản xuất, đã thành cả một vệt đậm trong văn xuôi của ta. Nó là kết quả sự phát triển về mặt thể tài của việc nhà văn nhập cuộc vào công cuộc xây dựng kinh tế, muốn trực tiếp bằng văn học để tuyên truyền, ủng hộ những chủ trương, biện pháp sản xuất và quản lý mới, không ngừng được đề xướng và áp dụng trong các ngành sản xuất khác nhau. Nhiều nhà văn sở trường viết về nông thôn, trước xu thế chung, đã chuyển sáng tác từ bình diện phong tục - sinh hoạt sang bình diện sản xuất (ví dụ: Ngô Ngọc Bội từ các truyện trong tập Chị cả Phây sang tiểu thuyết Ao làng và các sáng tác về sau).

 

Mấy năm qua, các chủ trương thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các chính sách thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, cách này cách khác đều có sức hút lớn đối với nhiều nhà văn. Thêm nữa, các kế hoạch đề tài của các nhà xuất bản trung ương và địa phương như là một cơ chế mạnh, thúc đẩy sự ra đời ngày càng nhiều những tác phẩm văn xuôi sản xuất. Đề tài sản xuất cũng thường mở lối cho nhiều nhà báo tập tành đi vào văn học. Tất nhiên, việc đáp ứng những "đơn đặt hàng" cũng có nhiều biểu hiện và sắc thái khác nhau ở nhà văn, có khi thuận chiều, may mắn, có khi trục trặc, trắc trở. Nhân đây tôi nhớ một chuyện cũ. Một anh bạn viết văn ở tỉnh xa ký hợp đồng với một nhà xuất bản ở trung ương viết một tiểu thuyết nhằm khẳng định sự đúng đắn của việc đưa hợp tác xã nông nghiệp từ quy mô thôn lên quy mô toàn xã. Anh viết cũng hơi chậm. Khi bản thảo đã có thể đưa in thì rủi cho anh, giới quản lý đã chuyển trọng tâm bàn cãi sang "quy mô thích hợp". Rốt cuộc, việc in cuốn tiểu thuyết đành gác lại.

 

Nếu quan sát một loạt tác phẩm ký gần đây, nhất là những bút ký tham gia các cuộc thi của Đài Tiếng nói Việt Nam, ta sẽ thấy những nét thú vị. Ấy là nét đặc sắc này: chính các tác phẩm ký ghi chép các sự kiện nóng hổi có thực lại là những tác phẩm rất lãng mạn! Bày ra trước chúng ta qua các thiên ký ấy, chẳng hạn, là một vùng cao, ở đấy đào chín mọng trắng như đá cuội dưới suối chẳng thấy ai nhặt, các thứ hàng khan hiếm ở thủ đô thì ở đấy bày ê hề chẳng thấy ai mua, ở đấy đầy một không khí no ấm thanh bình. Hoặc, nơi khác nữa, toàn những bàn tay vàng, biến bãi biển mặn mòi thành đồng ruộng mỡ màu… Tôi không nghĩ rằng sự thịnh tình trong những cuộc tiếp đón các nhà văn tham quan thực tế đã có thể chuyển thành những màu sắc hồng hào đến thế trên những bức tranh điền viên được vẽ bằng câu chữ của các thể bút ký, phóng sự. Có thể nghĩ rằng cái phần mơ ước cho một đời sống dư giả hơn giữa thời buổi này (thời buổi mà dân gian phố xá ghi nhận chẳng hạn bằng lời ca "mười yêu": "Một yêu anh có may-ô; Hai yêu anh có cá khô ăn dần", v.v…) mới là cơ sở tâm lý bề sâu của các thiên bút ký "lãng mạn kinh tế" ấy. Tinh thần lạc quan, cảm giác "đi lên" đầy hưng phấn, có lẽ cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để các ban giám khảo chọn trao giải cho các tác phẩm thuộc thể tài này.

 

Khá nhiều bút ký, truyện, tiểu thuyết, viết về các ngành kinh tế gần đây đều tập trung xoay quanh chuyện khoán sản phẩm. Ví dụ về vấn đề này trong nông nghiệp, ta thấy cả loạt từ kịch Đất nghịch đến các tiểu thuyết Nhìn dưới mặt trời, Tan mây, Bí thư cấp huyện. Một nội dung kinh tế thời sự như thế mà đã đi rất nhanh vào văn xuôi, chứng tỏ sự năng động của người viết. Song phải thừa nhận rằng mức độ năng động, mức độ nhập cuộc − cũng tức là mức độ tính chiến đấu − của văn xuôi ở đây phần nhiều mới chỉ là sự hưởng ứng, sự tán thành, sự cổ vũ một phương hướng tổ chức và quản lý mới vừa được chính thức ban hành, chứ chưa phải là sự đề nghị, sự kiến nghị những phương hướng nào đó, thông qua sự phân tích thực tế sản xuất, thực trạng kinh tế xã hội.

 

Một trường hợp gần đây làm vang danh cho tiểu thuyết sản xuất, ấy là Đứng trước biển. In ra là được tìm đọc ngay và được bàn tán khá chạy. Chinh phục được nhiều người, trong số đó có nhiều người làm công tác quản lý hoặc có quan tâm đến vấn đề quản lý kinh tế… Hình như chưa có cuốn truyện nào do nhà văn ta viết xưa nay lại lập tức giành được một thành công như vậy xét về mặt có nhiều độc giả. Lấy gì cắt nghĩa thành công ấy của một cuốn truyện không đặc sắc gì lắm về văn phong, cũng không ly kỳ gì lắm về cốt truyện? Có lẽ ở đây cuốn truyện có cái may lớn ở thời điểm: đây là sự gặp gỡ may mắn giữa một mặt là trong xã hội đang có tâm lý muốn thay đổi cách quản lý cũ, tâm lý phản ứng lại những lề thói quan liêu do cách quản lý cũ sinh ra, và mặt khác, cũng chính những sự việc loại đó đã được miêu tả trong cuốn truyện. Không có sự gặp gỡ ấy thì không có thành công nói trên − cái thành công đã khiến người ta nhân nhượng với quyển sách ở khá nhiều điểm, từ cách bố cục còn xộc xệch, văn phong có chỗ còn lỗi ngữ pháp, cho đến cách trình bày tỏ thiện cảm, ác cảm khá lộ liễu. Được tác giả ưu ái nhất là ông giám đốc xí nghiệp và ông giám đốc sở − người của thành phố địa phương. Còn những ông những bà trên bộ hoặc từ bộ xuống thì hễ ló mặt ra là bị mô tả trong những nét mất cảm tình, nếu không mưu mô thao túng quá đáng thì y như rằng lại quan liêu, với cặp kính "trí thức xa thực tế" muôn thở hoặc khuôn mặt "búng ra sữa". Một ông cán bộ tổ chức mẫn cán theo đúng bài bản lối cũ bị bêu riếu đến điều, thế mà độc giả thuộc nhiều tầng lớp khác nhau vẫn chấp nhận, đủ thấy quyển truyện có lúc đã giành được một quyền uy như thến ào.

 

Đứng trước biển là kiểu truyện minh chứng cho việc áp dụng một phương thức quản lý mới trong kinh tế, nhằm phát huy quyền chủ động của xí nghiệp cơ sở và tính tích cực của người lao động. Cái hứng thú chủ đạo này đôi khi cứ như muốn đi ra ngoài văn học để tham dự vào nghề quản lý xí nghiệp. Nhưng rồi, để ủng hộ phương thức quản lý mới thật đắc lực, lại phải vạch ra trạng thái thực, tình hình thực. Đây là chỗ bắt đầu của thái độ nghiên cứu thực trạng, dầu mới chỉ là thực trạng kinh tế. Không những nghiên cứu, nó còn phơi bày, tố cáo những hậu quả từ trước để lại, tất nhiên trong khuôn khổ một thủ pháp thẩm mỹ quen thuộc gồm hai màu đen-trắng, tối-sáng khá quen thuộc. Dẫu sao, chính sự nghiên cứu, phơi bày đó đã khiến cho tác phẩm có đường trở về với văn học.

 

Mưa mùa hạ, mà về cơ bản cũng là tiểu thuyết sản xuất, lại tìm đường trở về với văn học bằng những trang miêu tả sinh hoạt-phong tục, dầu có hơi dễ dãi và lễnh loãng. Câu chuyện bảo vệ đê điều ở đây vừa như muốn tập trung vào một số cán bộ khoa học, lại vừa như tiếc rẻ cái bề rộng của một bức tranh thế sự.

 

Thường thường, ở những trang văn xuôi sản xuất, các tác giả hay dùng cho người kể chuyện cái cách nhìn và lời lẽ của người quản lý, người cổ động các chủ trương kinh tế mới, chế giễu và "hạ bệ" những ai không ủng hộ các chủ trương ấy. Nó chủ yếu phán xét con người theo thái độ đối với một phương hướng sản xuất mới nào đó, nhưng do phải thực hiện cái việc phán xét ấy bằng văn chương, nên nó đã viện tới cả đạo đức lẫn thẩm mỹ. Thước đo được áp dụng cho các nhân vật ở đây là: ai tán thành phương hướng sản xuất mới − đó là người tốt, người đúng, người đẹp; ai ngược lại − sẽ là kẻ xấu, sai lầm và đáng chê trách. Nắm được cái nguyên tắc "nhân học" khá đơn giản này ở văn xuôi sản xuất thì sẽ không khó khăn gì để nhận ra những nét duy ý chí và định kiến ở văn xuôi này, nhưng ngay ở đây cũng nên nhận ra nhiệt tình và niềm tin − dẫu chỉ là tin vào một phương hướng sản xuất nào đó. Thật ra, một sự cả tin, dù ấu trĩ, vẫn có thể mang lại cho văn học một cái gì đó, tuy rằng nó vốn ít giá trị cho việc nhận thức chân lý, hiểu biết con người.

 

Các tác phẩm văn xuôi sản xuất, tuy tập trung tuyến truyện chính vào một vài tình huống sản xuất và quản lý kinh tế, nhưng ở những nhà văn có nghề, nó cũng thường được đầu tư khá nhiều chú ý cho việc xây dựng nhân vật, làm nổi bật một vài mẫu người. Hơn nữa, nếu người viết không đến nỗi chỉ "chú mục" vào chuyện quản lý sản xuất để quên đi những nét vẽ cho một cục diện chung, một sự hình dung nào đó về môi trường đời sống, thì tiểu thuyết sản xuất vẫn có cơ nối được với tiểu thuyết tâm lý xã hội. Nhìn dưới mặt trời là một ví dụ. Dưới ánh sáng của một hướng sản xuất có thể là hợp lý và đang hình thành, không chỉ người bí thư mà ngay cả người trung nông khá giả xưa kia cũng có dịp nhìn lại nhiều điều trong thực tế sản xuất và đời sống làng quê suốt mấy chục năm. Sự kiện khoán sản phẩm ở đây phần nhiều là một điểm tựa, một cái cớ để nghiên cứu diện mạo nông thôn hôm nay hơn là một cái đích để dồn tụ mọi lời bênh vực.

 

Văn xuôi sản xuất gần đây cũng hưởng ứng khá nhạy với phong trào "chống tiêu cực". Những tác phẩm kể trên thể hiện khá rõ nội dung này, và về khách quan, tác dụng của nó là đáng kể. Tuy vậy, nếu chú ý tới một vài khía cạnh "không tự giác" của sự sáng tác thì có thể thấy là ngay trên phương diện này, cái "tiêu cực" có khi lại bị đồng nhất với yêu tố "lạ", yếu tố "thành thị" nói chung. Hãy theo dõi cách các tác giả thường làm khi vẽ ra những chặng đường mà một nhân vật "tiêu cực" trải qua. Thế nào con người đó cũng bị cuốn hút nhiều bởi thành thị, bởi lối sống và sinh hoạt thành thị. Tác giả sẽ để cho nhân vật gốc nông thôn ấy lao sâu vào sinh hoạt thành thị rồi bị đo ván, rốt cuộc con đường lương thiện duy nhất là trở về ngả vào vòng tay độ lượng của những người trong cộng đồng cũ! Hoặc nữa, có thể theo dõi "hệ đánh giá" thường được áp dụng cho các nhân vật làm khoa học: anh kỹ sư học ở nước bạn về thì hóa ra sẽ kém thua anh kỹ sư học trong nước; anh kỹ sư học chính khóa thì hóa ra sẽ kém thua anh cán bộ tự học, v.v… Tất nhiên các yếu tố "trọng bản địa", "trọng nghiệp dư" như vậy thường bộc lộ một cách không tự giác. Nhưng yếu tố "không tự giác" này phải chăng cho thấy rằng trong thực chất của quan niệm xã hội thì dẫu sao nhà văn cũng chưa ủng hộ cái mới thật mạnh?

 

 

3/ Văn xuôi phong tục-lịch sử. Phải chăng chỗ "sở trường" của các nhà văn ngoại "lục tuần" lại chính là chỗ "sở đoản" của các nhà văn trẻ hơn? Xung quanh cái gọi là "hiện đại hóa quá khứ": bất đồng muôn thuở giữa khoa học và nghệ thuật hay là nhược điểm của cái nhìn nghệ thuật?

 

Phải công nhận rằng sự thành thạo trong thể tài phong tục-lịch sử là một nét nổi bật ở những nhà văn nay đã ngoài "lục tuần". Từ trước 1945, họ đã chuẩn bị xong xuôi "hòm xiểng" vào nghề văn. Chuyển sang một lập trường nghệ thuật mới, họ vẫn tiếp tục phát huy sở trường ấy. Tất nhiên là họ có "sở đoản" của họ: khó ai nghĩ là một Nguyễn Công Hoan hay Nguyên Hồng lại có thể thành công được nếu viết truyện về sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp bây giờ. Họ đã không đi vào khu vực thể tài của lớp người viết trẻ hơn. Đối với họ, điều đó là hợp lý.

 

Có điều, đến giữa những năm 70, số lượng các nhà văn ấy còn đã ít, dần dà lại cứ ít mãi đi, gần như theo luật tự nhiên. Nhà văn Nguyên Hồng sau khi hoàn tất tập cuối của bộ Cửa biển vào khoảng 1978-1979 đã bắt tay viết Núi rừng Yên Thế, nhưng cuốn tiểu thuyết lịch sử khá dày trang này cũng chưa xong hẳn khi nhà văn đột ngột qua đời.

 

Còn lại, bám nghề dẻo dai nhất là Tô Hoài. Với Quê nhà (1980), ông như muốn hoàn tất, hoặc ít cũng thêm một "mắt xích" nữa vào cái liên hoàn tiểu thuyết viết về vùng nông thôn ven thành (không biết tác giả có coi những tác phẩm đó là thuộc một roman-cycles hay không, vì sự cố kết giữa chúng khá lỏng). Điều thú vị hơn là xét trong liên hoàn này thì với Quê nhà, quyển viết sau nhất lại là quyển kể những chuyện xưa nhất trong số những chuyện nhà văn đã kể về vùng quê này. Bên cạnh đó, ông vẫn chưa thôi các mảng phong tục-lịch sử vùng Tây Bắc: tiểu thuyết Họ Giàng ở Phìn Sa (1984) vừa ra mắt mới đây là một chỉ dẫn. Nếu tính cả văn xuôi cho thiếu nhi thì ta thấy Tô Hoài đang đưa ngòi bút phong tục ngược dòng lịch sử lên rất xa, tận thời "tiền sử", thời của truyền thuyết, với những sự tích An Tiêm trồng dưa đỏ hoặc nhà Thục mất nỏ thần…

 

Có thể, chính độ rộng và số lượng nhiều ở một cây bút đàn anh như Tô Hoài, đã khiến chúng ta phân vân khi nghĩ đến năng lực viết văn xuôi phong tục-lịch sử ở những nhà văn lớp sau. Nhưng, như là bất chấp óc hoài nghi của chúng ta, các nhà văn "ngũ tuần" hoặc mới ngót nghét tuổi ấy cũng đang đi vào khu vực thể tài này, tuy rằng sự định hướng thể tài của họ còn có gì như chệch choạc, chông chênh. Ở một cây bút như Chu Văn chẳng hạn, vốn mang cốt cách phong tục khá rõ, nhưng từ Bão biển trước đây sang Đất mặn (1967) và các tác phẩm sau, thể tài phong tục-lịch sử dưới ngòi bút nhà văn cứ như muốn pha loãng dần để hòa vào những cốt truyện chiến đấu, cốt truyện sản xuất. Chất phong tục đậm đà của ngòi bút Mạc Phi cũng chỉ đem lại thành công cho Rừng động ở tập I nhiều hơn là ở tập II. Các cây bút trẻ hơn, có thể như là không cần biết có sự chệch choạc hay không, họ cứ viết. Ma Văn Kháng viết hầu như liền mạch trên ngàn trang từ Đồng bạc trắng hoa xòe sang Miền biên ải. Gần đây hơn, với Hoa hậu xứ Mường, tên tuổi Phượng Vũ được biết tới rộng rãi hơn so với hiệu quả các sáng tác trước đó của anh.

 

Trên những đề tài hơi "thuần túy" lịch sử hơn, có khá nhiều cây bút đang làm việc. Tuy vậy, các sáng tác loại này có khi lại được chú ý ở sân khấu nhiều hơn là ở văn học, mặc dù độc giả thông thường cũng tìm đọc các tiểu thuyết và truyện thuộc thể tài tài. Song le, hiện tại, các tác giả của các sáng tác này như đang lâm vào tình thế hơi chông chênh. Một mặt, càng đi sâu vào chất sử, họ xem ra càng ít được chú ý về mặt văn học. Ở chủ đề các tác phẩm của họ, quan hệ với hiện tại được thiết lập còn khá mong manh, yếu ớt, ít gây được tiếng vang. Mặt khác, ngay ở địa hạt kể chuyện quá khứ, họ lại thường rất hay bị giới sử học bắt bẻ là miêu tả không đúng với sự thật lịch sử. Điều này đã từng xảy ra với các nhân vật vốn mang tên thật của lịch sử như Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan hay Nguyễn Trãi được mô tả lại trong một số tác phẩm văn xuôi và sân khấu gần đây. Lời trách "hiện đại hóa quá khứ" cũng hàm ý là "không chân thật về lịch sử", thậm chí "xuyên tạc lịch sử". Không rõ giữa các nhà sử học viết các bài khảo cứu suy đoán và các nhà văn viết truyện hoặc kịch về quá khứ thì ai "hiện đại hóa lịch sử" hơn ai, nhưng động đến những điều này là sẽ động đến rất nhiều phương diện, rất nhiều sự phân biệt. Nhà giáo dạy sử sẽ là ấu trĩ nếu nhất nhất đòi nhà văn không được mô tả nhân vật lịch sử "khác đi" so với những điều mình dạy cho học trò. Nhà sử học ở mức nào đó cũng không thể không phân biệt nhận thức của khoa học với sự nhận thức của nghệ thuật cùng về một hiện tượng lịch sử. Ấy là chưa nói đến chuyện nhà văn có thể dùng tài liệu lịch sử cho một sáng tác ngụ ngôn, ngụ ý, − khi ấy nét chủ đạo của tác phẩm là ở chỗ khác, chứ không phải là ở chỗ có "giống" lịch sử hay không. Vả chăng, nhà sử học hay nhà văn sống cùng thời hôm nay, khi cùng nói về, kể về một vài sự việc của quá khứ, đều có chút ít "hiện đại hóa", dù ở mức khác nhau, với tính chất khác nhau. Khó mà nói đến một thước đo tuyệt đối về sự "trung thành" với lịch sử. Trên những nét chung nhất, thiết nghĩ cần nhấn mạnh sự lý giải, cắt nghĩa khi bàn đến chuyện đem văn chương nghệ thuật mô tả các sự kiện quá khứ. Từ đây có thể nói rằng khá nhiều tác phẩm văn xuôi và kịch lịch sử còn chưa thuyết phục gì lắm trong sự cắt nghĩa các hiện tượng và nhân vật lịch sử. Nếu đã có ở mức nào đó những sự cắt nghiã ấy thì phải nói những tư tưởng đưa ra để cắt nghĩa hãy còn là đơn giản hoặc quá quen nhàm, chưa giúp gì mấy cho việc hiểu cả quá khứ lẫn hiện tại. Ta sẽ thấy vấn đề này càng quan trọng khi biết rằng rồi đây, những truyyện và tiểu thuyết về các cuộc kháng chiến vừa qua dần dần sẽ đi hẳn vào quỹ đạo của văn xuôi lịch sử.

 

 

4/ Văn xuôi tâm lý xã hội. Cảm giác "trở lại thời bình" với những vấn đề đời thường của con người. Từ sinh hoạt đến thế sự. Từ tâm lý đến triết lý. Cảm hứng đạo đức và sự tự ý thức về nhân cách

 

Nếu tính chất chuyển giai đoạn của đời sống từ sau 1975 đã in dấu phần nào ở các mảng thể tài văn xuôi chiến đấu, văn xuôi sản xuất… thì ta sẽ thấy dấu ấn ấy rõ rệt hơn nữa trong sự phát triển của thể tài văn xuôi tâm lý xã hội.

 

Ở thời gian trước 1975, văn xuôi tâm lý xã hội quả có thưa vắng hơn so với thời kỳ xây dựng hòa bình trên miền Bắc (1954-1964). Điều ấy là dễ hiểu vì không khí kháng chiến bao trùm đời sống cả nước đã khiến cho văn xuôi chiến đấu, văn xuôi anh hùng mau chóng trở thành nét chủ đạo suốt một thời gian dài. Hồi ấy, những ai định khai thác chưa đúng lúc những khía cạnh tâm lý không đơn giản một chiều, cả trong thơ lẫn văn những năm 1969-1974, đã có dịp thấy rõ cái nét thẩm mỹ chủ đạo kia có uy lực như thế nào.

 

Nhưng rồi, như người ta nói, mọi thứ đều có thời của nó. Sau 1975, dần dà, cảm giác "trở lại thời bình" trở nên phổ biến, vì nó đã có một cơ sở xã hội hiển nhiên. Và cảnh sống thời bình, cảnh sống đời thường với vô số vấn đề mới phát sinh ngày càng trở nên thời sự trong dư luận xã hội. Sản xuất và những vấn đề cách thức làm ăn; lương thực, mức sống và vấn đề dân số; sinh hoạt, ăn mặc, học hành và những vấn đề giáo dục, thời trang, đạo lý, gia đình; tuổi trẻ và những nhu cầu phát triển, tuổi già với những suy nghĩ "tổng kết" cuộc đời, v.v… và v.v…. Cả một phức hợp  những tạp âm đời thường va đập vào người viết. Và như ta thấy, trong văn xuôi những năm qua không chỉ có sự phát triển của văn xuôi sản xuất, văn xuôi "nhập cuộc" mà còn có sự phát triển mạnh mẽ của văn xuôi "nhập thế", văn xuôi sinh hoạt xã hội, văn xuôi tâm lý xã hội.

 

Từ những mảng thể tài khác, nhiều nhà văn đã tìm đến hoặc trở lại với văn xuôi tâm lý xã hội. Nguyễn Khải sau Tháng Ba ở Tây Nguyên đã liên tục có những tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch mà xu hướng chung là trở lại với mặt mạnh chủ yếu của anh từ thời viết Mùa lạc, Xung đột, có điều là trở nên già dặn, từng trải và sau sắc hơn hẳn. Những câu chuyện cuộc đời ở anh đang như muốn trực tiếp chuyển thẳng thành một thứ triết lý về thực tại, và đi kèm với điều đó, thành phần lập luận, biện giải trên các trang văn xuôi của anh đang trở nên lấn át thành phần kể chuyện. Nguyễn Minh Châu, sau những trang văn xuôi chiến đấu của Dấu chân người línhMảnh trăng cuối rừng cho đến tận sau Miền cháy, cũng đến với văn xuôi tâm lý thế sự và đang có vẻ muốn "định cư" để thâm canh ở đây. Có trường hợp như Nguyễn Kiên, từ Khuôn mặt (1978) và Nhìn dưới mặt trời (1980) còn chủ yếu đứng ở thể tài văn xuôi sản xuất, đến một vài truyện ngắn gần đây, đặc biệt là Trái cam trong lòng tay (1984), Đáy nước (1985) đã có vẻ chuyển sang văn xuôi tâm lý xã hội… Theo dõi những truyện ngắn Sống với thời gian hai chiều hoặc Mùa xuân tiếng chim của Vũ Tú Nam, ta cũng thấy có sự chuyển đổi thể tài sao với những truyện kể về nông thôn trước đây của nhà văn, vốn có màu sắc sinh hoạt-phong tục.

 

Hơi ngẫu nhiên là số nhà văn vừa dẫn trên đều cùng đang ở lứa "ngũ tuần". Có thể nói hiện giờ trọng lượng và chất lượng nghệ thuật văn xuôi đang thuộc về sáng tác của họ. Cũng chính là với lớp tác giả này, luật sàng lọc của thời gian đối với lao động nghệ thuật đang diễn ra gay gắt. Đã và sẽ có những người bỏ bút và ngược lại, viết gấp gáp để tăng gấp bội số lượng trang viết, nhưng không dễ thoát khỏi tình trạng giẫm chân tại chỗ về nghề. Cũng đã và đang có những cây bút vượt lên: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Kiên… là những ví dụ.

 

Ở trên có nêu nhận xét là hình như sự quan tâm đến các vấn đề đời thường, các phương diện thế sự đã dẫn đến sự phát triển của văn xuôi tâm lý xã hội. Thật ra, ở vấn đề này trong văn học ta thời gian qua cũng diễn ra những sự tìm kiếm khác nhau. Có lúc, nhất là trong thơ, người ta tưởng như hợp thời nhất bây giờ là viết về những tình cảm "muôn thuở": tình yêu, tình mẹ con, v.v…, thế nhưng thơ tình trên thực tế lại không tỏ ra là phương thuốc hiệu nghiệm cho một nền thơ trước nhiều yêu cầu phát triển. Các bài thơ tình "thuần túy" đăng báo hoặc in thành sách riêng chưa hề tỏ ra là có sức hấp dẫn đặc biệt. Văn nghệ trữ tình, tình cảm, nếu không trượt theo giọng điệu cải lương mùi mẫn, sướt mướt vốn chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của số công chúng văn hóa thấp, thì cũng không khai phá được gì nhiều cái mới cho văn học. Có lẽ nhu cầu của con người thời đại không phải ở nhu cầu tình cảm mà trước hết là ở nhu cầu hiểu biết, nhận thức. Hãy đưa cho độc giả trẻ chọn giữa một tập thơ tình và một tờ báo Thể thao và văn hóa xem họ chọn cái gì? Tôi biết là họ chọn cái thứ hai. Từ một quan sát khá xa xôi này thật ra ta lại có thêm cơ sở để nghĩ rằng văn xuôi tâm lý xã hội phát triển là do nó đáp ứng yêu cầu nhận thức, phân tích con người và xã hội hiện thời, − cái yêu cầu do những nhà văn nhất định đã ý thức được ấy nhiều khi lại cũng là yêu cầu của không ít những con người biết suy nghĩ đang sống cùng thời.

 

Thoạt nhìn thì không dễ phân biệt giữa văn xuôi sản xuất, văn xuôi chiến đấu với văn xuôi tâm lý xã hội. Tác phẩm văn xuôi này cũng nói đến con người trong môi trường cụ thể, cũng là con người sản xuất, con người chiến đấu. Nhưng nó không chỉ là con người vẻn vẹn trong quan hệ với hai loại hoạt động ấy. Cái tiêu điểm mà văn xuôi này soi rọi, cái cảm hứng chính mà nói lấy làm chủ đề cho thấy nó thực hiện khá nghiêm túc cái phương hướng "văn học là nhân học". Nó nhằm tìm hiểu khám phá và biểu hiện con người và các vấn đề đời sống con người nhiều hơn là các phương diện khác. Nếu văn xuôi sản xuất được viết từ sự thôi thúc phải khẳng định và ủng hộ một cách làm ăn mới, một kiểu tổ chức và quản lý mới trong sản xuất, nếu bản thân tác phẩm văn xuôi sản xuất là cách thức "nhập cuộc" của nhà văn vào các sinh hoạt thời sự của quản lý kinh tế-xã hội, thì văn xuôi tâm lý xã hội lại gắn với sự phát triển và chín muồi những trạng thái ý thức và tâm lý xã hội; bản thân văn xuôi này là cách thức "nhập thế" của nhà văn, là cách thức nhà văn can dự vào, tham gia đề xuất và giải quyết các vấn đề tâm lý và ý thức xã hôi. Do vậy, diện mạo con người, cách soi rọi và đánh giá con người ở hai dạng văn xuôi này có chỗ khác nhau khá rõ rệt. Với những tác phẩm văn xuôi sản xuất, ta hay thấy những cách xử lý cốt truyện giống nhau: đến một lúc nào đó, tác giả sẽ đứng ra dàn xếp câu chuyện, tháo gỡ một cách nhân tạo các vướng mắc, dù phải dùng đến những ngẫu nhiên tuy khó tin, nhưng lại được việc: nhằm đưa tới sự thắng thế của một phương hướng làm ăn mới. Để làm việc đó, nhiều khi các phản xạ có tính chất nhân cách không được nghiên cứu và chỉ ra, ngược lại thường bị bỏ qua. Có lẽ vì quá tự tin vào cách viết như thế của mình, có tác giả đã muốn coi sự "tháo gỡ" các tình thế như thế cho câu chuyện chính là bản chất của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa! Cách thức chèo lái cho tới một đoạn kết lạc quan vui vẻ tất nhiên chưa phải là bản chất của một phương pháp sáng tác. Song kiểu biện luận dẫn trên lại thêm chứng cứ xác nhận một điều: cách thức viết văn xuôi sản xuất không đặt thật cao việc khám phá sự thật con người như một nhiệm vụ nghệ thuật thật sự. Nhiệm vụ này, chính văn xuôi tâm lý xã hội đã đảm nhận, là vì nó cố gắng đo con người bằng những thước đo điềm tĩnh hơn, nhân bản hơn, nó muốn hiểu con người trong những hoàn cảnh thay vì áp đặt những hoàn cảnh cho con người.

 

Cảm hứng đạo đức là một nét chung trong khá nhiều tác phẩm văn xuôi tâm lý xã hội. Có điều, đây thường không phải là sự minh họa cho một vài nguyên tắc đạo đức có sẵn. Nguyên tắc đạo đức ở đây cũng không phải là một thứ giải pháp cho các xung đột như trong tác phẩm văn xuôi sản xuất. Ở đây thường là những giá trị đạo đức thực tiễn mà cả nhân vật lẫn tác giả đang đi tìm. Cảm hứng đạo đức ở đây đi liền với cảm hứng nghiên cứu thực tại, nghiên cứu con người. Bạn bè trên cao nguyên hay Người gặp hàng ngày, Cha và con, và… hay Gặp gỡ cuối năm, Bức tranh hay Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Sống với thời gian hai chiều hay Trái cam trong lòng tay… đều có sự phơi bày những trạng thái ý thức trước những trạng thái đời sống.

 

Sự phơi bày các trạng thái tâm lý và ý thức cũng thể hiện trên một số tác phẩm tâm lý xã hội của lớp nhà văn "tứ tuần" mặc dù còn lẻ tẻ và chệch choạc. Bên cạnh những truyện chiến đấu, với Bán đảo, Thái Bá Lợi đã đi sang khu vực truyện tâm lý xã hội. Những truyện ngắn của Dương Thu Hương có khi vẫn mượn các sườn ý minh họa dễ dãi, nhưng chất tâm lý xã hội đôi lúc lại toát ra từ các chi tiết gây ấn tượng mạnh. Ta nhớ đến cách tả vẻ kệch cỡm, phàm tục của người đàn ông mình không còn thấy yêu, qua cái nhìn rất đàn bà ở Những bông bần lỳ. Gần đây, ở Cuộc đời bên ngoài (của Vũ Huy Anh) ta lại thấy chất tâm lý nhuần nhụy qua các mô tả một quá trình suy nghĩ của nhân vật để cuối cùng đi tới một hành động: dứt bỏ cuộc đời bên trong tu viện.

 

Ở các tác phẩm văn xuôi tâm lý xã hội, nếu các nhà văn "ngũ tuần" thích đi vào các khía cạnh triết lý đạo đức, thì các nhà văn "tứ tuần" lại hay đi vào các khía cạnh đạo đức sinh hoạt. Dẫu sao các nhà văn "tứ tuần" đi vào văn xuôi tâm lý xã hội vẫn còn ít ỏi, trong khi số đông các đồng nghiệp cùng lứa tuổi của họ vẫn còn rong ruổi theo các truyện "trai tài gái giỏi" trong các cốt truyện sản xuất, chiến đấu, cốt truyện địa phương và ngành nghề.

 

Một số cây bút văn xuôi mới xuất hiện thường thích khai thác chất trữ tình, song cái hướng tìm tòi biểu hiện chất thơ vào văn xuôi này, hình như không có thật nhiều hứa hẹn. Những lối mòn từng lộ ra ở văn xuôi Đỗ Chu, gần đây cũng đã thấy lấp ló đâu đó ở những "huyền thoại chim phượng", hay "vườn cổ tích". Ta biết rằng trong văn xuôi hiện đại, nếu xử lý non tay một chút là chất trữ tình sẽ trở nên cải lương, trơ trẽn, nhạt nhẽo. Liệu các cây bút trẻ có tránh được cho văn xuôi mình  những nguy cơ ấy, đem chất trữ tình làm giàu cho văn xuôi tâm lý?

 

 

Thay lời kết

 

Các mảng thể tài văn xuôi nêu trên không đồng đều và cân đối nhau về khối lượng và tỷ trọng. Chiếm phần khối lượng lớn nhất trong văn xuôi những năm qua vẫn là văn xuôi chiến đấu và văn xuôi sản xuất đã gây được chú ý của dư luận, tuy rằng giá trị của chúng chưa hẳn đã ổn định. Văn xuôi phong tục-lịch sử và văn xuôi tâm lý-xã hội chiếm một khối lượng ít hơn nhưng số tác phẩm được dư luận chú ý lại khá nhiều. Như đã nêu trên, mỗi lớp tác giả đều có sở trường sở đoản đối với mỗi loại thể tài; mỗi lại thể tài cũng có sự phù hợp nhiều hoặc ít đối với từng phong cách nhà văn. Thành thử, rất khó dự đoán trước sự phát triển của mỗi thể tài văn xuôi nói trên. Nhưng khi nhìn chung lại thì có thể nói rằng thời hiện tại chính là thời của văn xuôi, nhất là văn xuôi viết về hiện tại, văn xuôi nhằm vào đời sống hiện tại.

                                     

Tháng 01/1985

Tạp chí “Đất Quảng” số 36 (tháng 9&10/1985)