HỆ THỐNG THỂ LOẠI Ở VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ SAU 1945

 

 

I

 

Trên những nét lớn, nền văn học mới dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa đã kế thừa, tiếp tục (trực tiếp hoặc cải biến) các thể loại và yếu tố thể loại thuộc hệ thống sáng tác lời dân gian của người Việt, thuộc hệ thống văn học trung đại-cận đại Việt Nam, và thuộc hệ thống văn học hiện đại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

 

Bảng thể loại của sáng tác lời dân gian cổ truyền (gồm truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, vè, ca dao, dân ca…) rõ ràng có dấu ấn đậm trong văn học mới sau 1945. Một số thể loại của sáng tác thơ dân gian vẫn được tiếp tục hầu như "giữ nguyên" trong sáng tác của một số nhà thơ (thơ Trần Hữu Thung, độc tấu của Thanh Tịnh...). Phong cách dân gian vẫn im đậm nét trong không ít sáng tác thơ của những giai đoạn văn học nhất định (ca dao kháng chiến, thơ ca phát động giảm tô và cải cách ruộng đất), những tác giả nhất định; dấu ấn dân gian cũng lộ rõ ở không ít sáng tác văn xuôi (ví dụ giọng kể chuyện ở Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi). Hơn nữa, tư duy nghệ thuật kiểu dân gian vẫn in rõ dấu vết ở lối kết thúc "có hậu", ở việc phân chia nhân vật thành hai phe chính/tà, thiện/ác, v.v…

 

Hệ thống văn học thành văn thời trung đại-cận đại Việt Nam (vốn thuộc hệ thống chung của văn học Đông Á thời trung đại) mà bảng thể loại gồm những nhóm như: minh, trâm, tán, kệ…; cáo, chiếu, chế, biểu…; thi, văn, phú, lục…; truyện thơ, ngâm khúc, hát nói, v.v.. − nói chung không có sự nối tiếp trực tiếp ở văn học sau 1945, bởi giữa hai giai đoạn văn học này có một thời kỳ đổi mới căn bản kiểu văn học, chuyển văn học tiếng Việt theo con đường hiện đại hóa, theo quỹ đạo chung của văn học thế giới hiện đại, với một bảng thể loại căn bản đổi mới. Tuy vậy vẫn có thể nhận thấy sự tiếp tục kiểu sáng tác văn học trung-cận đại ở những bộ phận nhất định của văn học sau 1945. Đó, chẳng hạn là thơ của không ít những tác giả nghiệp dư đặc biệt − những cán bộ cao cấp, lãnh tụ… − những người mà trong hành trang văn hóa mang theo từ thiếu thời, phần của truyền thống thường trội vượt so với phần của thời đại. Ngay sáng tác của không ít người trong giới nhà văn chuyên nghiệp, chẳng hạn, vẫn thấy có những truyện thơ không có gì khác biệt so với truyện nôm truyền thống… Nhìn chung, khá nhiều đặc điểm của sáng tác dân gian và sáng tác văn học trung-cận đại, hòa vào nhau, vẫn in đậm dấu vết ảnh hưởng lên văn học sau 1945 ở ngay những thể loại mà nhìn bề ngoài tưởng như rất ít dính líu với truyền thống. Chẳng hạn ở tiểu thuyết, truyện vừa, cốt truyện đơn tuyến, sự phân lập tuyệt đối trung/nịnh, chính/tà, ta/địch, khuynh hướng giáo huấn, kết thúc có hậu, v.v… là những nét phổ biến.

 

Hệ thống thể loại của văn học sau 1945 có sự tương đồng ở mức cao so với hệ thống thể loại của văn học tiếng Việt trước 1945. Cũng vẫn một phổ hệ thể loại như ở văn học những năm 1930-40, gồm thơ, kịch nói, văn xuôi nghệ thuật (tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa), ký, chính luận… Tuy vậy, nếu chú ý đến sự phân bố của nội dung thể tài, ta sẽ thấy có những khác biệt rõ rệt giữa hai hệ thống thể loại này.

 

Ở văn học tiếng Việt thời kỳ 1930-45, chủ yếu là văn học công khai, "thơ mới" được triển khai chủ yếu trong thể tài đời tư; văn xuôi Tự Lực văn đoàn chủ yếu triển khai thể tài đời tư và ít nhiều cả thể tài thế sự; văn xuôi của các cây bút tập trung quanh nhà Tân Dân (mà giới nghiên cứu sau này gọi là các nhà “hiện thực phê phán”) thì chủ yếu triển khai thể tài thế sự (với sự phối thuộc của thể tài đời tư). Trong khi đó, văn thơ cách mạng bí mật thì chủ yếu triển khai thể tài lịch sử dân tộc.

 

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 và sự thiết lập chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, văn thơ cách mạng bí mật bước từ bóng tối ra ánh sáng, trở thành văn học công khai, chính thống; xu hướng tư tưởng thẩm mỹ của nó trở thành chủ đạo, chi phối các bộ phận văn học khác, vừa thu hút, hoán cải vừa loại trừ, lọc chọn để quy các dòng về một hướng, tạo thành một dòng thống nhất duy nhất. Ngự trị chủ yếu trong văn học sau 1945 là thể tài lịch sử-dân tộc. Các thể tài đời tư và thể tài thế sự, nếu vẫn còn có mặt ở đây với liều lượng ít nhiều khác nhau, ở những tác phẩm khác nhau, thì cũng thường chỉ mang ý nghĩa chức năng và luôn luôn phụ thuộc vào mục đích nghệ thuật trung tâm: thể hiện cái ý thức về lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, ngợi ca và ghi chép công tích ở thời dựng nước mới vào lịch sử dân tộc. Vị trí chủ đạo của thể tài lịch sử-dân tộc quyết định sử thi như một âm hưởng chủ đạo của văn học sau 1945. Toàn bộ văn học chính thống sau 1945, rõ nhất là văn học dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945-75), là một nền văn học sử thi.

 

***

 

Bên cạnh các truyền thống nội tại, xa và gần, văn học nước ngoài, được dịch ra tiếng Việt để phổ biến trong nước (đồng thời cũng tạo thành bộ phận văn học dịch như một thành phần hữu cơ của một nền văn học dân tộc hiện đại), sự xúc tiếp trực tiếp giữa nhà văn trong nước với tác phẩm và đồng nghiệp nước ngoài − cũng là một nguồn ảnh hưởng đến sự phát triển văn học nói chung, thể loại văn học nói riêng.

 

Ảnh hưởng của văn học nước ngoài, trước hết là văn học Xô-viết, văn học Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và văn học của thế giới xã hội chủ nghĩa nói chung đến nền văn học mới Việt Nam từ sau 1945 là điều hiển nhiên và đã được đề cập trong nhiều bài vở nghiên cứu. Tuy còn thiếu những dữ kiện cụ thể do chưa có nhiều những quan tâm nghiên cứu trên các đề tài cụ thể, ta vẫn có thể đoán rằng sự ảnh hưởng trên đây đã diễn ra không chỉ về mặt tư tưởng xã hội mà còn cả về mặt hình thức nghệ thuật, mặt xử lý thể loại, nhất là trên những đề tài, những thể loại mà văn học nội địa chưa giàu thậm chí chưa có truyền thống (ví dụ truyện dài nhiều tập).

 

Trong suốt nhiều thế kỷ thời trung-cận đại, văn học của người Việt chỉ có một nguồn xúc tiếp quốc tế duy nhất là văn học Trung Hoa. Quá trình hình thành và phát triển văn học dân tộc, trong quan hệ với luồng ảnh hưởng này, đã tạo nên sự tương đồng rõ rệt của chính  nó so với văn học Trung Hoa và văn học toàn vùng Đông Á, về hệ thống thể loại, về kiểu sáng tác, về loại hình tác giả văn học, về thiết chế văn hóa của xã hội và quy chế xã hội của văn học, v.v…

 

Trong những hoàn cảnh xã hội chính trị khác nhau, từ nửa sau thế kỷ XIX, văn học của người Việt có thêm một nguồn xúc tiếp mới: văn hóa và văn học châu Âu, đến từ phương Tây, trước hết là văn học Pháp. Ý thức dân tộc, thể hiện trong nỗ lực duy trì và phát triển một nền văn học bằng tiếng Việt, và tinh thần tiếp nhận nguồn ảnh hưởng mới từ bên ngoài, đã đưa tới kết quả là văn học của người Việt bằng tiếng Việt ở những năm 30-40 của thế kỷ XX đã được đổi mới về căn bản. Xét trên diện mạo chung, từ thiết chế văn hóa của xã hội và quy chế xã hội của văn học, đến loại hình nhà văn, kiểu sáng tác, bảng thể loại và sự phân bố thể loại…, nền văn học dân tộc của người Việt giờ đây trở nên tương đồng rõ rệt với hầu hết các nền văn học của thế giới đương đại.

 

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, đối với văn học của chính thể mới, có những nguồn xúc tiếp và ảnh hưởng bị thu hẹp hoặc cắt đứt, trong khi có những nguồn xúc tiếp mới lại được tạo ra, đưa tới những ảnh hưởng có màu sắc khác nhau. Nhìn chung, nguồn xúc tiếp và chịu ảnh hưởng ở đây được quy tụ về văn học của thế giới xã hội chủ nghĩa.[a]

 

***

 

 

Nhìn vào sự phát triển về chất liệu thẩm mỹ của sáng tác ở văn học từ sau 1945, có thể thấy rằng sự tăng cường tính sự kiện sự tăng cường tính chính luận là hai nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với cơ cấu nghệ thuật các tác phẩm, đối với sự phát triển của nội dung thể tài và các hình thức thể loại văn học.

 

Ngay từ trong truyền thống văn hóa tinh thần, người Việt Nam đã tỏ ra là chuộng sự thực chứ không chuộng sự tưởng tượng phóng túng. Thành phần hoang đường, kỳ quái, phóng đại.. chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong di sản sáng tác. Tuy nhiên ngay trong khi hướng tới sự thực, nền văn học này đồng thời cũng chưa bao giờ coi việc thể hiện sự thực như là mục đích cuối cùng của tác phẩm. Đối với nó, thể hiện sự thật chỉ là phương diện chức năng, phụ thuộc vào mục đích tư tưởng bao trùm tác phẩm.

 

Nói nền văn học mới chú trọng đến sự thực, trước hết có nghĩa là nó chú trọng ghi nhận những sự kiện, sự việc của cách mạng, trong cách mạng, theo con mắt cách mạng. Hiện thực mà nền văn học này mô tả và thể hiện không phải là bất cứ phạm vi và hiện tượng nào của đời sống, mà chỉ là những phạm vi nào được coi là hiện thực cách mạng, theo quan niệm của nền văn học này. Tất nhiên, quan niệm về phạm vi của hiện thực cách mạng cũng luôn luôn vận động, và độ mở rộng hay thu hẹp của nó là thuận chiều với việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng được đề ra cho từng thời kỳ. Ví dụ: ở thời kỳ đầu, hiện thực cách mạng − đó là hiện thực cuộc kháng chiến giành độc lập của toàn dân tộc. Nhưng khi bắt tay vào phát động giảm tô và cải cách ruộng đất thì hiện thực cách mạng − đó còn là hiện thực đấu tranh giai cấp ngay bên trong dân tộc, chủ yếu là giữa nông dân và địa chủ. Quan niệm này về hiện thực đã điều chỉnh lại quan niệm bên trên và được thể hiện rõ rệt trong sáng tác cuối những năm 1950, với việc ưu tiên mô tả người nông dân đổi đời, vươn mình trở thành những chiến sĩ ưu tú trong cuộc chiến đấu chung. Một ví dụ khác, trong văn học những năm 1970, phạm vi hiện thực cách mạng trong quan niệm văn học trước hết là hiện thực chống Mỹ cứu nước, cho nên một số tác phẩm đề cập đến những xung đột nội bộ (phạm vi sinh hoạt thế sự), − những hiện tượng mà sau này sẽ được gọi là hiện tượng tiêu cực − những sáng tác ấy đã không dễ được dư luận chấp nhận và đồng tình, bởi nó còn nằm ngoài phạm vi hiện thực cách mạng mà văn học ngay lúc đó quan niệm. Đến sau tháng Tư 1975, nhất là trong những năm 80 này, việc miêu tả các hiện tượng tiêu cực lại được khuyến khích, bởi quan niệm hiện thực cách mạng lúc này đã bao gồm cả những cuộc đấu tranh trong nội bộ nhân dân, trong hàng ngũ cán bộ các cấp, v.v… nhằm tháo gỡ những vướng mắc, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp trong quản lý xã hội và xây dựng kinh tế…

 

Dường như truyền thống nói chí, tỏ lòng trong văn thơ truyền thống đã được tiếp tục ở văn học mới, với sự tăng cường rõ rệt tính chất chính luận trong sáng tác văn học.

Trong đời sống xã hội từ sau Cách mạng tháng Tám, có thể thấy rõ là chính trị đã thâm nhập và hầu hết các lĩnh vực sinh hoạt tinh thần của con người. Một quá trình diễn ra ở văn học nhiều nước từ giữa thế kỷ này mà người ta gọi là quá trình chính trị hóa − cũng đã diễn ra mạnh mẽ ở nền văn học của nước Việt Nam mới. Thành công trong việc đưa chính trị vào văn học là kết quả của việc Đảng cộng sản từ khi giành được chính quyền đã trực tiếp lãnh đạo, quản lý hoạt động văn học trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.[b]

 

Có thể nói đây là nền văn học thuyết minh cái lý của cách mạng, cái lý của người cách mạng, cái lý của tồn tại xã hội mới do cách mạng xác lập, cái lý của đường lối cách mạng, của những chính sách cách mạng. Đây là nền văn học lấy việc chuyên chở đạo lý cách mạng làm một trong những nhiệm vụ nghệ thuật trọng yếu của mình. Nó luôn luôn thực hiện không mệt mỏi sự kết hợp tuyên truyền với trữ tình (trong thơ), tuyên truyền với kể chuyện, miêu tả (trong văn xuôi). Tính chính luận không chỉ đậm nét ở những tác phẩm bút ký, tùy bút, truyện ký, mà còn ở cả những tác phẩm tự sự hư cấu, − truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, − ở cả những bài thơ trữ tình tha thiết nhất. Tính chính luận không chỉ nằm ở tư tưởng tác phẩm, nó là nhân tố điều chỉnh, chi phối cách đưa sự thực vào tác phẩm, tạo ra sự thống nhất giữa miêu tả hiện thực và bộc lộ tư tưởng trong chỉnh thể nghệ thuật của mỗi tác phẩm. Đương nhiên tính chính luận này cũng có nhiều sắc thái, cũng có sự phát triển. Nó có thể bộc lộ dưới dạng đơn giản của sự hô hào, động viên, cổ vũ, tuyên truyền, − điều này thường thấy rõ ở những sáng tác thời kỳ đầu. Nó cũng có thể bộc lộ dưới dạng sự suy nghĩ, phẩm bình, và nhiều khi chuyển dạng sang triết lý. Xu hướng triết lý bộc lộ khá rõ ở một số tác giả và đến những năm cuối 70 - đầu 80 thì trở thành một nét khá đậm trong sáng tác của nhiều tác giả. Tính triết lý ở nền văn học này trên thực tế là đã phát triển từ tính chính luận tuy đang ít nhiều trở nên độc lập với tính chính luận.

 

Từ sự tăng cường tính sự kiện và tính chính luận trong cơ cấu nghệ thuật của các tác phẩm, có thể đi tới nhận định là: nội dung xã hội-lịch sử chính là nét chủ đạo nghệ thuật của nền văn học mới. Điều này không chỉ thể hiện ở đề tài, mà còn thể hiện cả ở cơ cấu bên trong của các tác phẩm, ở nhân vật và cốt truyện, ở thời gian và không gian nghệ thuật, ở toàn bộ thế giới nghệ thuật của các tác phẩm.

 


 

[a] Đoạn từ đầu bài đến chỗ đánh dấu [a] này vốn không có trong bản in 1987, chỉ có trong bản in 1995, do tác giả khôi phục lại theo bản thảo cũ (L.N.A.)

[b] Đoạn này ở bản in lần đầu (1987) diễn đạt hơi khác một chút, như sau: “Một quá trình diễn ra ở rất nhiều nền văn học các nước từ giữa thế kỷ này mà người ta gọi là quá trình chính trị hóa – cũng đã diễn ra mạnh mẽ ở nền văn học của nước Việt Nam mới. Thành công trong việc đưa chính trị vào văn học là một phương diện thành công hết sức cơ bản của nền văn học này, một trong những phương diện cách tân lớn nhất mà giai đoạn văn học này đem vào tiến trình văn học dân tộc”.