ĐÔI NÉT VỀ HỒ HỮU TƯỜNG

VÀ TIỂU THUYẾT PHI LẠC SANG TÀU

 

Có lẽ trong các thế hệ người Việt mới lớn lên vài ba chục năm gần đây hầu như ít ai biết gì về tác gia Hồ Hữu Tường! 

Thế nhưng, nếu chịu khó lục tìm trong các tủ sách, các thư viện, người ta sẽ thấy có một tác gia Hồ Hữu Tường, dưới nhiều bút danh khác nhau, với một di sản trứ tác khá đồ sộ và đa dạng. 

 

Ông là soạn giả một loạt sách chính trị, kinh tế, triết học như Xã hội học nhập môn (1945), Kinh tế học và kinh tế chánh trị nhập môn (1945), Tương lai kinh tế Việt Nam (1945), Phong kiến là gì? (1946), Vấn đề dân tộc (1946), Muốn hiểu chính trị (1946), Tương lai văn hoá Việt Nam (1946, 1965).

 

Ông là soạn giả một loạt sách văn phạm, văn học sử như Phép nói và viết hỏi ngã (1950), Em học tiếng mẹ (1950), Em tập đọc (1951), Lịch sử văn chương Việt Nam, quyển 1 (1950).

 

Ông là tác giả 4 bộ truyện dài: bộ Một thuở ngàn năm (truyện trào phúng chính trị) gồm 4 cuốn: Phi Lạc sang Tàu (1949), Phi Lạc náo Hoa Kỳ (1955), Tiểu Phi Lạc náo Sài Gòn (1966), Diễm Hồng xuất giá (1966); bộ Hồn bướm mơ hoa  (truyện lịch sử xã hội miền Hậu Giang) gồm 4 cuốn: Mai Thoại Dung (1966), Tam nhơn đồng hành (1966), Ông thầy Quảng (1966), Bủa lưới người (1966). Bộ Gái nước Nam làm gì? (truyện chống Pháp) gồm 2 cuốn: Thu Hương (1949) và Chị Tập (1949). Bộ Thuốc trường sanh gồm 3 tập: Xây mộng (1964), Phúc đức (1964), Vẹn nguyền (1964). Cạnh đó là các cuốn tiểu thuyết: Nỗi lòng thằng Hiệp (1949), Kế thế (1964), Hoa dinh cẩm trận (1967), Người Mỹ ưu tư (1968), và các tập truyện ngắn, tạp văn: Quả trứng thần (1952), Kể chuyện (1965), Nợ tinh thần (1965).

 

Ông còn có các sách tiểu luận: Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo (1951, 1965), Trần tư của một tên tội tử hình (1965), Luận lâm 1 (1965), Nói tại Phú Xuân (1965); là tác giả các thiên tự truyện và hồi ký: Thằng Thuộc con nhà nông (1966), 41 năm làm báo (1968)…

 

Sách Từ điển văn học, bộ mới (Nxb. Thế giới, H., 2003) cho biết, Hồ Hữu Tường sinh ngày 8/5/1910 ở làng Thường Thạnh huyện Cái Răng tỉnh Cần Thơ; cha mẹ làm tá điền cho người cậu là một viên Hội đồng (tức là thành viên Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, cơ quan dân cử của xứ Nam Kỳ thời thuộc Pháp). Sống tại nhà người cậu này, Hồ Hữu Tường từ 6 tuổi đã đọc tạp chí Nam phong, từng nhiễm chất “tân hủ nho” bởi tờ tạp chí ấy, sau chơi với bạn là Phan Văn Hùm, được người này “gột rửa” giúp. Năm 16 tuổi Hồ Hữu Tường lại mê đọc tờ Đông Pháp thời báo (nhật báo xuất bản ở Sài Gòn từ 1923, do Nguyễn Kim Đính làm Giám đốc chính trị), chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước của tờ này, cùng các bạn làm tờ báo trường, lên tiếng phản đối vụ án xử Phan Bội Châu. Việc bị lộ, gia đình phải cho Tường sang Pháp du học (1926). Tại Pháp, Tường kết bạn với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và gia nhập Đệ Tứ quốc tế. Năm 1930, khi đang chuẩn bị thi Thạc sĩ toán học ở Lyon, nghe tin khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Tường bỏ thi lên Paris cùng các bạn làm tờ báo bí mật Tiền quân, nhưng chưa ra được báo thì cả ban biên tập bị bắt, bị trục xuất về nước; riêng Tường cùng Phan Văn Hùm trốn thoát sang Bỉ, liên lạc với tổ chức cách mạng ở Bỉ rồi lại quay lại Paris làm tờ Tiền quân trong 5 tháng, sau đó trở về nước hoạt động chính trị.  

 

Những năm 1931-1939, Hồ Hữu Tường là lý thuyết gia của nhóm Đệ Tứ ở Việt Nam, vừa đi dạy tư vừa điều khiển nhiều tờ báo của nhóm này, hoặc bí mật (như các tờ Tháng Mười, 1931-32; Thường trực cách mạng, 1934-37; Quần chúng, 1937-38) hoặc công khai (như các tờ Le militant, 1936; Tháng Mười, 1938; Tia sáng, 1939), tham gia tờ La lutte của Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu.

 

Tháng 11/1932, Hồ Hữu Tường bị nhà cầm quyền thực dân Pháp bắt giam lần đầu, giam 6 tháng, ra toà ngày 1/5/1932 bị án treo 3 năm. Giữa năm 1939, Hồ Hữu Tường rời bỏ Đệ Tứ quốc tế, sau đó bị nhà cầm quyền Pháp bắt đày đi Côn Đảo cùng với Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu,… đến cuối năm 1944 mới được trả tự do.

 

1945, sau khi quân Nhật làm đảo chính Pháp, Hồ Hữu Tường ra Hà Nội, định sang Trung Quốc nhưng bị kẹt lại Hà Nội cùng với Tạ Thu Thâu.

 

1946, Hồ Hữu Tường được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời dự hội nghị Đà Lạt với tư cách cố vấn trong phái đoàn Việt Nam. Tiếp đó, giúp Bộ giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xây dựng chương trình, soạn sách giáo khoa trung học. 1947 khi tản cư về Kẻ Sặt (Hải Dương), Hồ Hữu Tường bị quân Pháp bắt, sau đó trở về Sài Gòn viết văn làm báo.

 

1948-49, hợp tác với tờ Sài Gòn mới của bà Bút Trà. Đầu 1949 sang Pháp. Ở Pháp, năm 1952 chủ trương tạp chí Pacific, thử vạch một “đường lối thứ ba” cho các nước Á-Phi. 1953 trở về nước, chủ trương nhật báo Phương Đông, nêu giải pháp “trung lập chế” không tưởng. 1954 sang dự hội nghị Geneve với tư cách ký giả, hết sức vận động cho giải pháp trung lập, nhưng thất bại.

 

Tháng 3/1955, vì có liên lạc với các nhóm chống chế độ Ngô Đình Diệm nên bị bắt, ra toà bị kết án tử hình, song nhờ các nhóm trí thức Pháp, trong đó có nhà văn A. Camus, viết thư can thiệp nên án lệnh bị đình chỉ và Hồ Hữu Tường bị đày ra Côn Đảo. Đầu năm 1964 được trả tự do sau khi chính quyền Diệm đổ.

 

1964 Hồ Hữu Tường cộng tác với nhật báo Ánh sáng, 1965 cộng tác với tuần báo Hoà đồng, làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh. 1967 được bầu làm Dân biểu Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hoà.

Sau tháng Tư 1975, Hồ Hữu Tường bị đưa đi học tập cải tạo trong 5 năm, được trả tự do ít lâu thì qua đời tại Gia Định ngày 26/6/1980.

 

Nhìn vào hành trạng và sự nghiệp Hồ Hữu Tường, người ta thấy đây là một nhân vật ít nhiều kỳ lạ, một hành nhân có rất ít bạn đồng hành, một tiếng nói dù gắng sức bao nhiêu vẫn giống như tiếng nói giữa sa mạc, ít người nghe thấy, ít người hiểu thấu. Sống với giả tưởng, sống trong giả tưởng dường như là thực tại sống của nhà tư tưởng kiêm nhà văn này. Tác phẩm của ông, nhất là các tác phẩm tự sự, bộc lộ khá rõ tính chất nổi loạn của con người, − nổi loạn không phải theo nghĩa đòi tự do cá nhân, mà rộng hơn, con người ấy tìm mọi phương cách chống lại các dạng thức cai quản dân tộc mình, tìm mọi cách giải thoát cộng đồng mình khỏi các dạng thức kìm kẹp mà ông ý thức được; nhưng con người ấy suốt đời thất bại, là tù nhân dưới mọi chế độ; luôn luôn “cưỡng lại số trời”, cũng luôn luôn thất bại.

 

Ở Hồ Hữu Tường cũng thấm đậm khí chất kẻ sĩ đất Lục tỉnh, khí chất con người Việt Nam. Một trong những huyền thoại mà ông say mê, vừa là tín đồ vừa là kẻ tân tạo nó, − ấy là huyền thoại về dòng họ Hồ với hai vị vua Hồ Quý Ly và Quang Trung (Nguyễn Huệ tương truyền gốc họ Hồ, được gọi là Hồ Thơm); những “dự phóng” làm mới tương lai dân tộc ở tầm vĩ mô được ông phác hoạ trong sự gắn kết với vị trí tương lai những con người thuộc dòng họ ấy!   

 

Điều vừa nói trên liên quan đến một loạt cuốn truyện của nhà văn này, trong đó có cuốn Phi Lạc sang Tàu được giới thiệu lại ở đây.

 

Phi Lạc sang Tàu là một thiên trào phúng khá đặc sắc. Nhân vật chính là một anh bợm, vốn là thằng mõ làng Phù Ninh, vô học nhưng tài phét lác, lại giả danh là dòng dõi họ Hồ, là con cháu của Hồ Thơm tức Nguyễn Huệ Quang Trung đế. Anh bợm này bị một anh bợm khác là thằng mõ làng Cổ Nhuế lừa “bán” cho một vị tu hành Trung Hoa là sư Hồng Hạc, vốn có sứ mệnh xuôi Nam tìm một “Khổng Minh mới” rước về trung nguyên làm thánh sư cho sự nghiệp phò Minh đuổi Thanh phục quốc. Chuyến Bắc du của chàng Phi Lạc trải ra với những cuộc du thuyết bất tận trong đó thằng mõ làng Việt này hiện diện trong vai trò một ngài cố vấn, vai trò một vị “phu tử”, đã khuynh đảo nền văn minh vĩ đại kia bằng các trò tán phét, nói láo … như thật!

 

Phi Lạc sang Tàu là một thứ “truyện bợm”, truyện phiêu lưu, thấm đậm chất trào phúng. Chàng bợm Phi Lạc thuyết phục các yếu nhân xứ người bằng cách đảo lộn các giá trị tinh thần hàng ngàn năm, đem chúng ra thao tác theo lối diễu nhại, xuyên tạc. Ở phương diện này, tác giả Phi Lạc sang Tàu tỏ ra khá gần gũi với tinh thần nổi loạn tiền phong chủ nghĩa của văn nghệ thế giới đầu thế kỷ XX. Đọc lại tác phẩm được viết những năm giữa thế kỷ XX này thậm chí ta còn thấy sự gần gũi thú vị của nó với những xu hướng phát triển mới trong văn nghệ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.

 

Xin trân trọng giới thiệu tiểu thuyết Phi Lạc sang Tàu với bạn đọc. [1]

 

                                                                    Hà Nội, 18/6/2008

                                                                                 

Chú thích

[1]  Bài viết này là lời giới thiệu cho một bản in lại cuốn tiểu thuyết Phi Lạc sang Tàu.