HOÀNG LỘC, MỘT NHÀ THƠ MỚI

 

 

Trong tầm tri thức đại chúng hiện tại, tác giả Hoàng Lộc (1920-49) chỉ được biết đến như một nhà thơ nhà báo liệt sĩ thời kháng Pháp, tác giả của thiên phóng sự Chặt gọng kìm đường số 4 (1948) và bài thơ Viếng bạn. Từ dữ liệu ít ỏi này, có nhà nghiên cứu đã mặc nhiên liệt Hoàng Lộc vào hàng những “tác giả một bài” trong một nền thơ có hàng vạn người làm thơ.

 

Sự thật thì không ít nhà nghiên cứu đã biết mang máng rằng hai tên tác phẩm kể trên chỉ là những văn phẩm gần như sau chót của một đời văn ngắn ngủi ấy, rằng trước đó Hoàng Lộc đã có tác phẩm được công bố rồi. Nhưng tìm kiếm kỹ lưỡng thì bao giờ cũng không là việc dễ.

 

Một số sách báo hoặc hồi ức về phong trào thơ mới thảng hoặc có nhắc đến Hoàng Lộc trong một vài liên hệ với những nhóm thơ ở Hà Nội đầu những năm 1940, như nhóm của Đinh Hùng, nhóm của Thâm Tâm, và bên cạnh tập thơ Giác linh hương của Đông Hoài người ta thường nhắc tới tập thơ Từ tịch dương đến bình minh của Hoàng Lộc.

 

Từ nhiều năm nay tôi rất chú ý tìm manh mối tập thơ này. Nhưng đã không hề thấy nó trong lưu trữ của Thư viện Quốc gia.

 

Một lần đến chơi với nhà báo Ngô Vĩnh Bình ở tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi được anh cho xem bản chụp photocopy một tập thơ của Hoàng Lộc nhan đề Lời thông điệp do nhà Tin Hoa in năm 1946 ở Hà Nội. Từ bản chụp lại bản chụp của anh Bình, tôi lưu ý tìm kiếm thêm thông tin và sau cùng thì được xúc tiếp với một bản in của chính tập thơ này, hiện lưu tại Thư viện Quân đội.

 

Đó là một cuốn sách giấy dó khổ 16x24 cm, được thực hiện theo cách in những cuốn sách quý ở Hà Nội hồi trước chiến tranh, điều này có thể cảm nhận được ít nhiều qua nội dung trang đánh dấu sách (page de signet):

 

 

“LỜI THÔNG ĐIỆP, thơ Hoàng Lộc, Tin Hoa xuất bản, Văn Cao minh hoạ. Ngoài những bản thường còn có: 10 bản giấy Vergé crème trước số từ TIN HOA I đến TIN HOA X và 4 bản đặc biệt giấy dó hồng sắc đánh dấu: NGHE LỜI THÔNG ĐIỆP, THN, GT, HNT, KV. Những bản giấy quý đều mang chữ ký của tác giả và không bán. In tại nhà in Đông Dương 68 Ngõ Trạm, trong buổi hồi xuân của đất nước Việt Nam.

Kiểm duyệt số 410 ngày 20-7-1946”

 

Đối với việc hiểu biết sự nghiệp sáng tác của tác giả Hoàng Lộc thì nơi có nhiều thông tin nhất là trang “Cùng một tác giả” (tr. 6).

                           

                  

 

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

    

     Đã in

                  TỪ TỊCH DƯƠNG ĐẾN BÌNH MINH

                            LỜI THÔNG ĐIỆP

     Sẽ in

                                VIỄN PHỐ

 

 

 

Theo nội dung trang đó thì cho đến lúc in ra tập Lời thông điệp này, Hoàng Lộc có 2 tập thơ đã in: Từ tịch dương đến bình minhLời thông điệp. Ngoài ra, tác giả còn thông báo sẽ in tập Viễn phố.

 

 Như vậy, cho đến hiện giờ, để mô tả Hoàng Lộc, trong một mục từ của từ điển tác gia chẳng hạn, ta có đủ cơ sở để ghi tên 3 cuốn sách của ông: Từ tịch dương đến bình minh (chưa rõ năm in), Lời thông điệp (1946), Chặt gọng kìm đường số 4 (1948).

 

Tập Từ tịch dương đến bình minh tuy chưa tìm thấy văn bản, nhưng tên sách không chỉ tìm thấy trong một số hồi ức của người khác (như mức mà ta biết được trước đây), mà là được ghi rõ trong cuốn Lời thông điệp bởi chính tác giả.

 

Một số lời đề tặng ở một số bài thơ cho thấy một số mối quan hệ của tác giả, chẳng hạn, bài Trẻ lòng (bài thứ 4 trong Khúc giáng hương) đề “Tặng anh chị Lê Ngọc Quân”; bài Người bước rung vang mấy xóm rừng (bài thứ 5 Khúc giáng hương) đề “Tặng Đông Hoài”; bài Nhạc kín đáo bảo với nàng hội hoạ (bài thứ 1 Khúc Vong tình) đề “Tặng Văn Cao”.

 

 

***

 

 

Tập thơ thứ hai của Hoàng Lộc, Lời thông điệp được cấu tạo như một liên hoàn các khúc thức (dạng thức các đơn vị gọi là “khúc” ở đây, có lẽ là mượn tên từ hình thức cấu trúc âm nhạc), tuy chất liệu vẫn là những bài thơ độc lập nhau. Xin hãy hình dung theo một “mục lục” sau đây:

Khúc dạo: 1 bài.

Khúc hoài niệm: 4 bài.

Khúc thông điệp: 4 bài.

Khúc đi hùng tráng: 3 bài.

Khúc giáng hương: 7 bài.

Khúc vong tình: 5 bài.

Khúc ca thần tụng: 10 bài.

 

Tập thơ mở ra bằng Khúc dạo, (1 bài) cho thấy một “tôi” đang “vào cõi phù du”:

 

                   Tôi nghe mà chưa hiểu

                   Những dấu hiệu chung quanh

                   …………………………………………

                   Tôi đi tìm sự vật

                   Lẽ tương đối trong tâm

  

         Tiếp đó, Khúc hoài niệm (4 bài) như một lời trò chuyện giữa “tôi” và một “Em” nào đó:                

Có phải Em là linh hồn nhân loại

Trong buổi hồi xuân?

Có phải Em về đây, qua thời đại

Nguyên vẹn thanh tân?

 

                   ……..  Theo lời mẹ, Em giao tình, đổi mới

                            Những tâm thần u dại chốn nhân gian

                            Những linh hồn vong bản nhục cơ hàn

                            Cho Đất sẽ nở hồng toàn hoa ngọt

 

“Em” (viết hoa) ấy, trong ý tác giả, vừa rất quen:

 

Tôi biết em từ buổi nhớn lên,

Rồi mơ đêm, thương nhớ giong đèn

 

Nhưng hình như lại chưa được gặp mặt, và vẫn thầm mong được gặp:

 

                            Chắp tay hỏi bóng: bao giờ gặp?

                            Cho thoả tấm tình chưa có tên.

 

                   ………  Tôi ruổi em hay bóng ruổi hình

                            Từ buổi bình minh

                            Biến thiên mấy độ, sầu nhân thế

                            Vẫn hát thanh bình

                            Ca ngợi tuyết trinh

                           

Em xa, xa mãi

                            Em vắng, vắng hoài

                            Tôi đi buổi mai

                            Gặp trời quan tái

                            Tôi ngồi nắng quái

                            Thương nhớ đêm dài

                            Như lạc Thiên Thai

 

“Em” ấy là ai? Khó có thể đáp rõ. Đó như là cái đối tượng mà tác giả hướng tới, tìm tới, đã từng biết nhưng không dễ gặp lại, như đối tượng tình ái, lại như đối tượng và nguồn cội của thi ca, như Nàng Thơ của các thi sĩ:

 

                            Tôi biết Em, đời thêm hãnh kiêu

                            Tôi mơ Em, thầm dám mơ nhiều

                            Chiêm bao cuồng loạn, riêng lòng biết

                            Và bảo thầm: Em sắp giáng thơ!

 

         Tiếp theo, ở Khúc thông điệp (4 bài), nghe như có một chuyển biến, chuyển hoá:

 

                            Đêm qua có tin xa lại

                            Mùa xuân về ngự kinh thành

                            Sáng nay hoa nở khắp cành

                            Cả thành rủ nhau đi hái

 

                            Đêm qua Mùa Xuân áo mới

                            Gọi người dậy đón mùa sang

                            Sớm nay phố xá hai hàng

                            Tưng bừng mở ngày Đại Hội

 

                            Đem qua cô gái thơm tươi

                            Áo trắng xinh thêm nụ cười

                            Sớm nay cảnh vật sáng ngời

                            Dịu hồng mặc toàn nắng mới

 

                            Bước chân rung vang đường sá

                            Người đi hoa bụi bay rơi

                            Chao ôi! Ai vẽ khắp trời

                            Đám mây mùa xưa chấm phá  

 

Rồi tới Khúc đi hùng tráng (3 bài) cho người ta hình dung một thay đổi ngang cỡ cuộc Sáng Thế:

                  

                            Buổi Xưa bên cuộc Hỗn Mang

                            Đất không ảnh ôm trời không toả bóng

                            Một hôm Người đến huy hoàng

                            Làm cuộc phân chia long trọng

                            Buổi Xưa tăm tối điệp trùng

                            Đất u dại trời không ánh giáng

                            Một hôm Người đến từng bừng

                            Mang ánh sáng lành chói rạng

                            ……….

                           

                            Đạp núi rừng và trạm đục hang sâu

                            Người kiêu hãnh vạch nên đường biên giới

                            Hồn bộ tộc tự non cao về tới

                            Cỏ gai nào nhường dấu vết gạch xây

                            Đất hoang sơ đảo lộn dưới lưỡi cày

                            Từng dân tộc bắt đầu chung cuộc sống

                            ……………

 

Tiếp đó, Khúc Giáng hương (7 bài), hầu như trở lại câu chuyện “tôi” hướng tới  “Em” :

                  

                   …….   Em vẫn giồng hoa ở viên thôn?

                            Xuân qua vườn nở hết hay còn?

                  

…….   Tôi tìm đường tắm nước sông Ngân

                            Tìm Em chiêm ngưỡng đời mơ ước

                            Rồi hỏi cho tường lẽ vọng xuân

 

Nhưng có lẽ đây không chỉ là, thậm chí không chủ yếu là chuyện yêu đương trai gái.

                   ……    Em trang điểm khoác vai đôi vòng lá

                            Thoa nắng hồng trên mắt với trên môi

                            Giục mau đi, Em chẳng muốn tôi ngồi

                            Nước ngừng đợi, cây bắt đầu lấp ý

                            Bước cùng nhẹ trong dáng trời thuỳ mị

                            Dạo lời ca từ phương gió xôn xao

                            Gió phương Tây: điệu hùng mạnh máu đào

                            Trời Đông Hải: hương xanh Kinh cầu nguyện

                            Đời hoan lạc, lòng nghe chim trò chuyện

                            Giọng từ bi trao ý chốn thiền môn

                            Bến Hằng Giang chìm hết chuyện vong tồn

                            Hồn cát bụi thoát chăng vòng luân chuyển

                            Lời tâm sự, Em ơi, lời cầu nguyện.

 

Tiếp theo, Khúc vong tình (5 bài) lại xuất hiện ý hướng muốn hành động vượt ra ngoài nghệ thuật:

                            Ôi bất lực! Những tà ma nghệ thuật

                            Ôi mong manh cả kiến trúc thần linh

        

                            Thế hệ nào đây đổi xác thay hình

                            Bao giờ sẽ mang dáng đời viễn vọng?

                            Người thường biết buồn mơ và xa ngóng

                            Thi nhân ơi, còn hát đến đêm nào?

                            Đốt ưu tư, bừng ngọn lửa khát khao

                            Nổ tiếng thét, khóc ý đời bay mất.

 

Trong “khúc” này lọt vào một âm chỏi: bài thơ Khóc chị bằng thể lục bát như tách biệt với tất cả các bài trong tập, cả về thể thơ lẫn ý thơ:

                  

……    Trời xanh xanh đến phương nao?

                            Hồn ma thơ dại má đào còn không?

                            Cõi âm còn để da hồng?

                            Tóc xanh tha thướt bềnh bồng còn bay?

                            ……..

 

Cuối cùng, Khúc ca thần tụng (10 bài), gồm những bài thơ ngắn, với những cảm xúc về sự gặp gỡ “tôi” và “Em”:

 

                   …….   Em đến bên trời khẽ nhủ tôi

                            Dậy nghe Tiếng Vọng gọi liên hồi

                            Mê chi giấc ngủ vô tri nữa

                            ………..

                           

Em đến rồi đây, ở cuối đường

                            Tôi nhìn kính cẩn bớt đau thương

                            Trời như phảng phất hương thanh tịnh

                            ……….

 

                            Tôi nhìn Em lại gặp xuân sang

                            Cầm tay Em hẹn phương trời mới

                            ………..

 

 

***

 

Ở trên, tôi gắng lướt qua giới thiệu những nét thơ trong tập Lời thông điệp của Hoàng Lộc. Rất có thể cách kể lướt ấy chưa nói được gì về chính tập thơ ấy, về thơ Hoàng Lộc. Người giới thiệu tạm mong, bằng cách đó, đưa người đọc xúc tiếp với khá nhiều đoạn thơ trong tập của tác giả.

 

Có lẽ với Lời thông điệp, ta chưa thể nói về một thành công đáng kể của Hoàng Lộc. Nhưng ta hoàn toàn có thể đặt Hoàng Lộc của Lời thông điệp vào một mạch thơ mới đương thời, mạch thơ mới hậu kỳ, với nhiều tác giả trẻ ở Hà Nội khi ấy; đó là những nhà thơ trẻ xuất hiện trong Dạ đài số 1 (Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch, Đinh Hùng, Nguyễn Văn Tậu), là Đông Hoài với Giác linh hương, là Hoàng Lộc với Từ tịch dương đến bình minhLời thông điệp. Cũng có thể kể thêm Văn Cao, Huyền Kiêu, Quang Dũng, v.v… Hầu hết các tác giả này công bố lần đầu các tác phẩm thơ của mình vào trước hoặc sau tháng 8/1945, tuy vậy, sáng tác của họ vẫn nằm trong phạm vi phong trào thơ mới, vốn khởi lên từ năm 1932 và đến đầu những năm 1940 thì đã trở thành diện mạo chủ đạo của thơ tiếng Việt.

 

Trong tập Lời thông điệp, trừ một bài Khóc chị dẫn trên viết bằng thể lục bát, tất cả các bài khác đều được viết bằng các thể thơ mới. Một số bài được viết bằng câu thơ 4 từ:

                            Ai khóc ? Ai cười ?

                            Hãy lặng nghe chơi

                            Tiếng người không bóng

                            Rung động hoa rơi

                                                        (Khúc thông điệp, 4. Dư âm)

 

Một số bài khác, bằng câu thơ 5 từ:

                           

                            Vài bóng hình thoảng qua

                            Dăm cuộc đời xáo trộn

                            Trăng lên rồi trăng tà

                            Người vẫn bàn nghiệp lớn

                                                        (Khúc dạo)

 

Một số bài bằng câu thơ 8 từ:

                           

                            Ôi! Vàng Xanh còn nhớ lại buổi nào

                            Vui sum họp đôi mặt kề chung gối

                            Câu tâm sự khi hoàng hôn xuống nội

                            Chuyện tâm tình trong đêm vắng mờ sương

                            Những canh khuya tìm dấu lạc trên đường

                            Hằng thoáng gặp những hồn đi run lạnh

 

Nhưng nhiều nhất vẫn là dùng câu thơ 7 từ.

 

                            Bước chân rung vang đường xá

                            Người đi hoa bụi bay rơi

                            Chao ôi! Ai vẽ khắp trời

                            Đám mây mùa xưa chấm phá

 

Có lúc Hoàng Lộc thử nghiệm câu thơ 8 từ xen với câu thơ 6 từ, tạo hiệu quả khá rõ:

                            Buổi Xưa thế cảnh xôn xao

                            Sông nhầm hướng vào núi rừng hoang xú

                            Một hôm người đến vun rào

                            Cảnh vật bắt đầu tình tứ

 

                            Người ơi, xin rắc phấn hương

                            Mưa châu ngọc cho đẹp lòng hoang phế

                            Người xa, gò đống khắp đường

                            Vùi chết linh hồn dương thế

 

Thoáng trong các bài của tập Lời thông điệp này, người ta có thể bắt gặp những chút xíu gì đó như là ảnh hưởng của Hàn Mặc Tử, của Bích Khê, của Đinh Hùng… Nhưng, khác với các tài thơ đàn anh kể trên, xúc cảm trong thơ Hoàng Lộc thường giản dị, sáng sủa, gần như không có những phức cảm quá tế vi. Mặt khác, nếu đặt các bài của Lời thông điệp cạnh những bài đăng trên Dạ đài  hay một số bài của Đông Hoài trong Giác linh hương, ta sẽ thấy Hoàng Lộc có vẻ lành hiền hơn. Các nhà thơ cùng thời ấy thường thích cất giọng hung hiểm từ cõi  ma, trong lúc ấy Hoàng Lộc cùng lắm chỉ phác ra được ít nét của cõi trời, hoặc thấy mình bị rủ rê về nép vào hiên thần thoại. Các nhà thơ kia trong những độc thoại mê man, miên man đôi khi bất giác tiên cảm những biến động lớn, những tai ách lớn; Hoàng Lộc trong Lời thông điệp chừng như ngập trong cảm giác về một đổi thay lớn, về một đời mới đang đến.

 

 

Trở lên là đôi nét ghi nhận của tôi về tập thơ Lời thông điệp của Hoàng Lộc, một tác phẩm ra đời cách nay trên 60 năm, nhưng vẫn còn hầu như chưa được biết đến, ngay trong giới văn học. Mong rằng tập thơ này của nhà thơ mới Hoàng Lộc trước khi trở thành nhà báo vệ quốc quân Hoàng Lộc sẽ được giới thiệu lại với đông đảo công chúng.

 

                                                                              1/7/2008