MẤY KỶ NIỆM VỀ XUÂN QUỲNH

 

 

Vậy mà đã qua hai chục năm từ ngày Xuân Quỳnh vĩnh biệt cuộc đời sau tai nạn thảm khốc! Trong đám bè bạn cùng lứa ngày ấy, đầu óc có người bây giờ đã khi nhớ khi quên…

 

Năm 1977 tôi từ tỉnh xa chuyển về làm việc ở Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới của Hội Nhà Văn khi đó vừa được thành lập. Bên cạnh lớp đàn anh như Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Nguyễn Minh Tấn, Tâm Trung, Lê Sơn Hinh,… trong cơ quan có một loạt những người sàn sàn tuổi nhau: Ngô Văn Phú, Xuân Tùng, Bằng Việt, Ý Nhi, Bùi Hoà… Rồi liên tiếp trong một vài năm sau, thỉnh thoảng lại có thêm những bạn cũng lứa tuổi ấy từ các cơ quan khác chuyển về: Lê Minh Khuê từ Đài truyền hình trung ương, Xuân Quỳnh và Nguyễn Phan Hách từ báo Văn nghệ, Chu Nga từ Ủy ban khoa học xã hội, Quang Chiến từ ngành ngoại giao; rồi Vương Trí Nhàn từ Văn nghệ quân đội, Trần Vũ Mai từ trại viết quân khu 5, Thái Bá Tân, Vũ Đình Bình từ đại học ngoại ngữ, v.v…

 

Công việc làm sách thời bao cấp vốn theo nhịp bình thản, vì chỉ tiêu giấy in được cấp hằng năm thường là không đáp ứng số lượng bản thảo có thể đưa in; các biên tập viên hầu hết đều mặc nhiên coi công việc trên trang viết riêng của mình mới là “tay phải”, cho nên trong cơ quan, yêu cầu về “nghề” biên tập sách, dù thế nào cũng không thể đặt ra thật nặng như sau này. Nhất là với những người sáng tác, tức là những người viết văn, làm thơ. Nhất là Xuân Quỳnh…

 

Anh em trong cơ quan đều biết, Xuân Quỳnh khi vừa chuyển sang đây đã phải lập tức “chạy” bài cho các cuốn sách chuyên đề “Trận tuyến phía Bắc”, “Biên giới Tây Nam”, vất vả chẳng kém so với khi làm ở báo Văn Nghệ. Nhưng không phải ai cũng biết, Xuân Quỳnh còn bận tâm thậm chí nhiều hơn với những phần việc khác nữa, − không chỉ là việc “nội vụ” một gia đình vốn vẫn thường là phần việc của người làm vợ, làm mẹ. Phần việc khác ấy, chính Xuân Quỳnh cũng ít muốn để người khác hay biết, nhưng có thể lại là điều Quỳnh đau đáu trong lòng suốt nhiều năm ròng. Ấy là xung quanh chuyện nghề nghiệp, sự nghiệp của Lưu Quang Vũ.

 

Điều sắp viết dưới đây, tôi vẫn nói với Vương Trí Nhàn từ lâu, nhưng ngại rằng trong số thân nhân của người quá cố sẽ có phản ứng này nọ, nên hầu như chưa viết ra. Và đây là sự suy nghĩ thật của bọn tôi về một loại sự thật trong đời người, vốn rất khó đo lường kiểm chứng.

 

Khi Quỳnh về nhà xuất bản Tác Phẩm Mới chỗ bọn tôi, Quỳnh và Vũ kết hôn đã dăm sáu năm, đã có con chung là bé Quỳnh Thơ. Về phần Vũ, từ lúc ra khỏi quân đội (khoảng 1970), chuyện việc làm quả thực trở thành chuyện “cơm áo không đùa” với vị “khách thơ” ấy!

 

Người đang viết những dòng này, chính năm ấy (1970) cũng bỗng dưng trở thành kẻ thất nghiệp, phải cầm đơn gõ cửa nhiều công sở. Còn nhớ, khi đưa đơn xin việc đến nhà xuất bản P.N., nữ giám đốc Lê Phương khi ra tiếp và nhận đơn, đã cho biết Lưu Quang Vũ cũng mới đến đây thử việc; tôi gặng hỏi thêm thì chỉ được biết lơ mơ rằng việc đã không thành chứ không thể biết lý do vì sao. Đến lượt chính tôi hăm hở thử việc, có lúc hí hửng vì được nhận xét khả quan, nhưng rồi lập tức thấy buồn ngay vì cũng bị từ chối nhận vào làm, với lý do gì, người ta nào có nói rõ! Ai từng sống qua hẳn đều nhớ cái năm 1970 ấy: từ vĩ tuyến 20 trở ra không lo bị ném bom nữa, nhưng lập tức bị đe doạ bởi chuyện “giảm biên chế” bỗng dưng dấy lên trong khắp các cơ quan! Đám sinh viên ra trường, ai chưa có chỗ làm, mặc nhiên trở nên sa cơ lỡ bước, nhắm mắt trông đợi ân huệ từ những tay cán bộ tổ chức quyền sinh quyền sát!

 

Lưu Quang Vũ, dù đã có đôi chút hào quang của một nhà thơ trẻ thành công sớm nhất ở miền Bắc khi ấy, song, từ lúc ra khỏi bộ đội, vẫn phải long đong ngót chục năm trời, khi thì làm biên tập “hợp đồng” với nhà xuất bản Giải Phóng với trụ sở ở đâu đó trong khuôn viên trường mỹ thuật, khi thì đi ngồi chấm công cho một đội cầu đường, khi thì vẽ pa-nô áp-phích,…. Cho đến 1978, khi đã là một cây bút viết báo thành thạo, Vũ mới được nhận vào biên chế của tạp chí Sân khấu.

 

Nhưng chỉ một năm sau đấy, từ chỗ chỉ là một cây bút viết về sân khấu, Vũ trở thành kịch tác gia, có tác phẩm đầu tiên được trình diễn. Vài năm sau đấy, Vũ nổi tiếng khắp cả nước với gần chục vở được diễn cùng lúc ở khắp nơi. Vũ thống trị sân khấu Việt Nam vào thời điểm hoàng kim − đã một đi không trở lại  − của nền sân khấu này. Trong nghệ thuật, từ chỗ là một nhà thơ trẻ mà cái triển vọng thời đầu dường như ngày càng xa vời, Vũ bỗng chốc trở nên một tác gia sân khấu với thành công có một không hai. Trong giới bạn bè, Vũ từ một người ham chơi trở thành một người ham việc. Trong cuộc đời rộng lớn, Vũ từ chỗ là kẻ bị đời ruồng bỏ bỗng trở thành một người rõ ràng đang là cần thiết lắm cho cuộc đời này chế độ này, v.v…

 

Chuyển biến lớn lao ấy do cái gì, do những ai thúc đẩy, tạo ra?

Người ta có thể giải thích khác nhau, nhưng tôi cũng như Vương Trí Nhàn và các bạn văn ở nhà Tác Phẩm Mới nghĩ nhiều nhất đến tác động của Xuân Quỳnh.

 

Quỳnh và Vũ lấy nhau trong trạng thái cả hai đều rơi vào cảnh lỡ dở, rồi việc họ đến với nhau cũng đã bị những ngăn trở mà ai cũng biết (tuy ít ai viết ra, sợ rơi vào tọc mạch chuyện trong nhà!). Khi họ đến với nhau, Vũ lại đang … thất nghiệp! Và chút tự hào về thành công đầu đời của Vũ thì đang bị tổn thương, − tổn thương ấy hẳn cũng lây đến Xuân Quỳnh! Trong nỗi niềm riêng của Xuân Quỳnh, việc làm sao để Lưu Quang Vũ thành đạt có lẽ là điều khẩn thiết thậm chí hơn cả sự thành đạt của bản thân Xuân Quỳnh! Bởi chỉ điều đó mới giúp Quỳnh trả lời đích đáng cho những đàm tiếu xung quanh cuộc hôn nhân mới mà Quỳnh đã lựa chọn, đã dấn thân vào!

 

Dĩ nhiên Vũ cũng có nỗi niềm riêng, có tự ái tự trọng riêng để mà vượt lên, nhưng khi những nỗi niềm ấy được hai con người ấy chia sẻ với nhau thì, ta nên hiểu, nỗi niềm ấy không chỉ được nhân đôi!

 

Trong đơn độc, có thể Vũ không chỉ một lần ngã lòng; nhưng khi đã có Quỳnh bên cạnh, hẳn bao giờ Vũ cũng được nâng dậy, được vỗ về bởi bàn tay người vợ, người bạn, mà cũng có thể là người chị nữa! Vũ được nâng dậy và thầm bảo: dù thế nào cũng phải đứng lên bước lên!

 

Quả thật tôi không từng thân thiết lắm với cặp đôi này để có thể bắt gặp những chi tiết thật đắt giá về việc Quỳnh đã “nắm cổ áo”, “xốc tay” Vũ đi tới, lao động và thành đạt. Nhưng nhìn vào thành đạt của Vũ, tôi không thể ngăn mình nghĩ bằng hình ảnh trên đây về sự trợ lực của Quỳnh. Dẫu tôi chỉ được thấy những điều mà các bạn Lê Minh Khuê, Ý Nhi hẳn cũng thấy: thời gian biểu của Quỳnh được ưu tiên cho công việc của Vũ, Quỳnh thường cùng Vũ đi làm việc với các đạo diễn, các đoàn kịch, Quỳnh đôn đáo tìm người đánh máy, rồi tự tay ngồi sửa bản đánh máy cho các kịch bản viết tay của Vũ, … Rất nhiều, rất nhiều những việc tương tự.

 

Thành công rực rỡ của Vũ quả là phần thưởng lớn đối với Quỳnh, nhưng tôi tin rằng, ngay trước khi Vũ đạt được thành công lớn, thì Quỳnh và Vũ cũng đã sát cánh bên nhau vượt qua được tình thế khó khăn. Từ chỗ là những cây bút tài tử, họ nhận ra rằng cần phải sống bằng cây bút chuyên nghiệp của mình, và đã lao động theo hướng ấy, không chỉ làm thơ mà còn viết truyện, viết kịch, và nhất là viết báo. Trong cái mong manh của nghề cầm bút đương thời, họ tìm cách sống được bằng ngòi bút, − ấy là sự thành công tuy không vang dội nhưng rất cơ bản của Quỳnh và Vũ từ giữa những năm 1970, là nền tảng cho những thành công sẽ lộ diện về sau.

 

Người ta thường nói, đằng sau sự thành đạt của một người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng ít ra của một người đàn bà. Trong trường hợp Lưu Quang Vũ, đằng sau thành công của anh, cái bóng dáng đáng kể nhất (điều nói đây có thể làm ai đó trong thân nhân phật lòng) theo tôi là Xuân Quỳnh. Nói điều này không phải để nhấn mạnh điều gì đặc biệt, càng không phải để yêu cầu một sự công nhận “đồng tác giả” nào đó (về những vở kịch của Vũ) cho Xuân Quỳnh! Nhưng đây là một loại tình tiết không thể giản lược đi được khi nói về sự nghiệp sáng tác của hai tác gia này, nhất là khi nói về sự thành công trong ngành sân khấu của Lưu Quang Vũ.

 

Còn về Xuân Quỳnh, ta đừng quên là Xuân Quỳnh có một sự nghiệp văn học riêng.

 

Trước lúc viết bài này, theo một thói quen mới có, tôi thử tìm trên trang www.google.com.vn. Điều trông thấy là khá ấn tượng: từ khoá “lưu quang vũ” cho kết quả 77.800 trong khoảng 0,32 giây; từ khoá  “xuân quỳnh” cho kết quả 182.000 trong khoảng 0,20 giây. Hiểu một cách “máy móc” từ kết quả này: trên thế giới mạng internet bây giờ, Lưu Quang Vũ chỉ nổi tiếng gần bằng ½ so với Xuân Quỳnh! Điều này có khả chấp chăng? Thử tìm trên các website chuyên về văn chương tiếng Việt, sẽ thấy một phản ánh tương tự: mạng nào đó có chừng 50 bài thơ Lưu Quang Vũ, sẽ thấy cũng ở đó có khoảng trên 100 bài thơ Xuân Quỳnh. (Ấy là còn chưa kể đến việc: sau khi Vũ mất còn có tập Bầy ong trong đêm sâu do thân nhân công bố; trong khi đó, từ lúc Quỳnh mất, hầu như không ai biết thêm nữ tác giả này còn những di cảo, sổ tay ghi chép ra sao, vì hầu như chẳng được ai quan tâm đến).

 

Những tham khảo trên đây có lẽ cũng đáng cho ta suy nghĩ, nhất là trong sự dự đoán về sức sống mai hậu của di sản thơ, không chỉ của hai tác giả đang bàn.

 

Tất có bạn sẽ bảo: dẫu sao thì thơ Vũ cũng hay hơn thơ Quỳnh! Vâng, sẽ có ít ra là ½ số người được hỏi nghĩ như thế, − người ta đồng ý với nhau rằng thơ Vũ “tầm vóc” hơn, hào hoa hơn, v.v… Nhưng cũng sẽ có ít ra là ½ số người được hỏi chia sẻ cái ý ngược lại: thích thơ Quỳnh nhiều hơn. Người ta bảo rằng “hào hoa” hay “sức vóc” không phải những phẩm tính cần nói về thơ Quỳnh! Nhưng lại rất dễ cảm thấy thơ Quỳnh chân thành hơn, da diết hơn, thơ Quỳnh đi hẳn về phía cái mộc mạc đời thường, giàu khả năng chia sẻ với mọi người hơn…

 

Còn nhớ, vào những năm cuối thế kỷ trước, tôi ở trong một nhóm 5 soạn giả (cùng Ý Nhi, Ngô Thế Oanh, Mai Hương, Phạm Xuân Nguyên) biên soạn 2 cuốn Tuyển thơ tác giả nữ Việt Nam và Tuyển văn nữ tác giả Việt Nam cho nhà xuất bản Phụ Nữ. Công việc tuyển chọn thơ đã khiến mỗi thành viên nhóm chúng tôi càng nhận rõ vai trò nổi bật của một vài tác giả trong thế kỷ 20 mà Xuân Quỳnh hầu như là trường hợp tiêu biểu. Nhóm đã chọn 7 tác phẩm của tác giả này vào tuyển ấy (Sóng; Thuyền và biển; Tuổi thơ của con; Con yêu mẹ; Thơ tình cuối mùa thu; Hoa cỏ may; Nếu ngày mai em không làm thơ nữa), là số lượng bài chọn nhiều nhất trong số các tác gia thơ nữ Việt Nam thế kỷ 20 có mặt trong cuốn tuyển nhắc trên.

 

Thơ Quỳnh từ lâu đã đi vào đời sống. Có thể không khó để thấy thơ Quỳnh được chép trong khá nhiều sổ tay, nhất là của các nữ sinh. Những bài Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu  được phổ nhạc, càng trở nên quen thuộc trong nhiều giới công chúng. Có thể là sớm chăng nếu bây giờ đã nói rằng một số bài thơ của Xuân Quỳnh đang đi vào vốn sở hữu “kinh điển” của thơ ca Việt Nam?

 

Đã hai chục năm trôi qua từ ngày Xuân Quỳnh vĩnh biệt cuộc đời này. Nhắc đến cái chết đau lòng ấy, bạn bè và người thân vẫn chưa nguôi tiếc thương. Nhưng khi tĩnh trí lại, ta đều phải nhận rằng, Xuân Quỳnh đã kịp trở thành tác giả ở tuổi 40. Đời Quỳnh có thể dài thêm hàng chục năm nếu không có tai nạn khốc hại kia, tác phẩm Quỳnh viết ra có thể nhiều thêm, nhưng những nét căn bản của tác gia Xuân Quỳnh đã định hình, thậm chí đã định hình chắc chắn rồi.

Có thể dự cảm rằng, trí nhớ của công chúng người Việt, một mai không xa lắm, sẽ xếp cái tên Xuân Quỳnh ngay sau những cái tên Xuân Hương, Thị Điểm, − những cái tên của các tài nữ Việt Nam.

 

                                                                                 24/8/2008