PHAN KHÔI VỚI PHONG TRÀO THƠ MỚI

 

 

Trong cộng đồng văn nghệ Việt Nam với công chúng của mình, việc Phan Khôi đề xướng “thơ mới” tiếng Việt là một sự kiện mà tính hiển nhiên của nó trước sau vẫn được thừa nhận, có lẽ chỉ trừ một quãng thời gian 30 năm (1957-1987) ở miền Bắc, tại đó tên tuổi và tác phẩm của ông bị loại bỏ khỏi đời sống văn nghệ.

Tuy vậy, những dữ kiện về quan hệ của Phan Khôi với phong trào thơ mới thì hầu như vẫn chưa được làm rõ.

 

1. Trước hết xin đề cập đến sự việc Phan Khôi đề xướng “một lối thơ mới”.

         Như đã biết, sự việc đó xảy ra vào đầu năm 1932.

         Tuy vậy, sự mô tả theo đó thì Phan Khôi lên tiếng “trình chánh” lối thơ mới ấy đầu tiên trên báo chí miền Nam rồi sau đó tin tức về sự đề xướng này mới lan ra các miền trong nước, ‒ sự mô tả tưởng như đã được thừa nhận rộng rãi như là một sự kiện ấy, ‒ hóa ra lại không đúng.

 

Tư liệu mà tôi và một vài bạn nghiên cứu khác biết được, chỉ mới gần đây thôi, cho thấy rằng bài Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ  trên thực tế đã được Phan Khôi đưa in trước tiên trong Tập văn mùa xuân, một ấn phẩm kiểu phụ trương của báo Đông tây ở Hà Nội, ra mắt vào dịp Tết Nhâm Thân 1932. Ấn phẩm này chắc chắn đã được bán ra trước Tết nguyên đán (mồng 1 Tết Nhâm Thân là ngày 6/2/1932; dự đoán ấn phẩm trên ít nhất cũng phải được bán ra 1 tuần trước ngày ấy, tức là từ 1/2/1932). Sau đó chừng hơn một tháng, ở Sài Gòn, bài báo nói trên của Phan Khôi mới được đăng lại ở tuần báo Phụ nữ tân văn (số 122 ra ngày 10/3/1932); bản đăng lại này lại bị kiểm duyệt bỏ mất trên 100 từ so với bản đăng lần đầu trong Tập văn mùa xuân của báo Đông tây.

   

 Chính vì bài báo Phan Khôi đề xướng thơ mới đã xuất hiện ở ngoài Bắc sớm hơn so với trong Nam, cho nên tại Hà Nội dư luận phản hồi cũng xuất hiện sớm hơn. Cụ thể là trên báo Đông tây (số 147) ra ngày 17/2/1932 đã có bài của Thượng Minh nhan đề: Đôi lời về lối thơ mới của Phan Khôi, mở đầu như sau:

 

 “Xem bài Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ của Phan tiên sinh, đăng trong Tập văn mùa xuân của Đông tây, trong óc tôi vụt nảy ra một tia hy vọng mới về lối thơ văn đó.” (1)

 

Bài này là hồi âm sớm nhất đối với việc Phan Khôi đề xướng “thơ mới”. Phan Khôi đã trả lời phản hồi này bằng bài viết nhan đề Về lối thơ mới sau bài Tình già: vừa mở ra đã có người lo cột lại, cũng đăng Đông tây (số 154) ở Hà Nội ngày 12/3/1932, chỉ 2 ngày sau khi bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ  xuất hiện ở Sài Gòn trên tuần báo Phụ nữ tân văn.

Sự việc này được Nguyễn Xuân Huy và T.K. (T.K. chắc hẳn là Lê Tràng Kiều) nhắc lại trên báo Tân thiếu niên ở Hà Nội đầu năm 1935: 

 

“Năm 1932, trong Tập văn mùa xuân của báo Đông tây, ông Phan Khôi có đem “trình chính trong làng thơ” một lối thơ phỏng theo lối “thơ tự do” của văn học Pháp, không hạn chữ không hạn câu, mệnh danh là “thơ mới”. (2)  

 

Như thế, việc Hoài Thanh (1941) định lấy ngày 10/3/1932 làm dấu mốc khởi đầu sự kiện mà nhà phê bình này gọi là một “cuộc cách mệnh về thi ca”,(3) ‒ điểm mốc ấy đã tỏ ra là không hợp lý, đơn giản là vì bài báo đề xướng thơ mới của Phan Khôi cùng với bài thơ Tình già của ông đã ra mắt bạn đọc Hà Nội từ trước ngày đó trên một tháng.

 

Trong những năm 1930-33, Phan Khôi sống ở Sài Gòn và cộng tác đồng thời với các báo cả ở Sài Gòn lẫn ở Hà Nội. Mỗi bài viết của ông thường nhắm tới độc giả của từng tờ báo, tuy sau khi đăng ra một số bài sẽ được các tờ khác ở nơi khác đăng lại. Trường hợp công bố bài Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ cho thấy tác giả của nó chủ động đưa in ở cả hai đầu đất nước.

 

2. Có không ít căn cứ để nói rằng: không phải ngẫu nhiên mà Phan Khôi đề xướng “thơ mới”.

         Theo dõi hoạt động báo chí của Phan Khôi, ta sẽ nhận ra rằng, khoảng từ 1928, với Đông Pháp thời báo, bắt đầu thời kỳ sung sức của ông trong nghề báo, ‒ tức là bài viết ra được đăng đều đều hầu như hàng ngày, gây được phản xạ tích cực của dư luận, ‒ thì Phan Khôi liên tiếp có những sự đề xuất, đề xướng theo hướng duy tân, cả về học thuật lẫn về văn hóa xã hội. Chẳng hạn, xin kể những việc lớn:

     ‒ Năm 1928: trên Đông Pháp thời báo ông đề xuất tranh luận sử học về thực chất việc thực hiện hiệp ước Pháp-Việt 1787;

     ‒ Năm 1929: trên Thần chung ông mở cuộc thi quốc sử; trên Phụ nữ tân văn ông mở cuộc trưng cầu các phái trí thức trong nước về vấn đề phụ nữ; ông lại cũng tham gia cùng chủ báo lập học bổng cho du học sinh;

     ‒ Năm 1929-1930: trên Thần chung, Phụ nữ tân văn, ông đề xuất việc viết chữ quốc ngữ cho đúng; trên Trung lập ông mở bút chiến với Đuốc nhà Nam về trách nhiệm của các dân biểu Lập hiến đối với thời cuộc và người dân, khi những cuộc biểu tình bị đàn áp bằng súng đạn; trên Phụ nữ tân vănTrung lập ông tranh luận với Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng về Nho giáo và nhân đó đưa ra đề tài “học phiệt”, tức là bàn về học phong của kẻ sĩ;

     ‒ Năm 1931 trên Đông tây ở Hà Nội, Phụ nữ tân vănTrung lập ở Sài Gòn, ông tham dự tranh luận về quốc học với phản đề “nước ta không có quốc học”, gây kích thích rất lớn đối với sự thảo luận; v.v…

     Riêng về các vấn đề văn chương báo chí, Phan Khôi sớm ghi nhận hiện tượng thay đổi phong cách ngôn ngữ viết ở các nền văn hóa Đông Á buớc vào thời hiện đại mà Trung Quốc là nơi ông thấy rõ nhất:

     “Độ Dân Quốc gây dựng được năm bảy năm chi đó, Hồ Thích bắt đầu xướng ra cái thuyết dùng bạch thoại thế cho văn ngôn, làm cho văn thể nước Tàu biến đổi ngay và từ đó tư tưởng người Tàu cũng phát đạt rất mau”.(4)  

     Hiện tượng thay đổi nói trên ở quy mô cả một vùng văn hóa rộng lớn tất nhiên không tránh khỏi cũng diễn ra ở Việt Nam thời kỳ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX mà diện mạo cụ thể của nó gắn với việc chữ Quốc ngữ (tiếng Việt viết bằng các chữ cái la-tinh) bắt đầu được sử dụng như một công cụ giao tiếp của toàn thể cộng đồng Việt đương thời; đúng lúc đó, bên cạnh các kênh giao tiếp cổ truyền (lưu truyền bằng lời nói miệng, bằng các bản viết trên giấy, bằng bản in khắc ván, …), trong đời sống đất nước, trước hết là một số đô thị lớn, lại đang xuất hiện (bằng du nhập) một số thiết chế truyền thông  hiện đại: một là các sản phẩm của công nghệ in hàng loạt: sách, báo, hai là các nhà giây thép (= bưu điện) với các kỹ thuật điện tín điện báo, bên cạnh thể thức thư tín đã có.

      Khi nhắc đến các tiêu chuẩn tín, đạt, mỹ của các ngôn ngữ viết nói chung, Phan Khôi nêu một chủ trương theo đó, văn chương báo chí của người Việt vào những năm 1920-30 đương thời ông hãy chú trọng “tín” và “thông” đi đã chứ chưa nên vội chú trọng đến “đẹp”. Vì sao? “Vì chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn phân vân, chưa nhứt định, chưa có sách mẹo cùng các sách khác thuộc về phép làm văn, thì buớc thứ nhứt là phải do chúng ta lập cái nền quốc văn cho vững chãi đã, rồi mới nói đến cái hay cái đẹp được; nghĩa là trước hết chúng ta phải tập viết văn cho đúng mẹo [= ngữ pháp, grammaire – LNA chú], cho thông. Hễ đã đúng mẹo, đã thông, rồi mới nhơn đó mà lập thành sách mẹo tiếng Việt Nam và lại nhơn đó lần lần làm ra các sách dạy phép làm văn, luyện đến cái hay cái đẹp, mà thành ra một nền văn chương Việt Nam vậy”.(5)  

      Phát ngôn đi liền với hành động, chính Phan Khôi đã bắt tay vào tìm hiểu và phổ biến những hiểu biết về luận lý học (logique) mà ông cho là một trong những cơ sở quan trọng của sự suy nghĩ, của cách dàn ý đặt câu; đồng thời, ông viết các bài giảng giải về “phép làm văn”, viết hàng loạt bài hoặc phổ biến hoặc hướng dẫn hoặc thảo luận tranh luận xung quanh việc nói và viết tiếng Việt. Có thể nói, việc Phan Khôi theo đuổi chủ trương “người Việt Nam phải nói đúng và viết đúng tiếng Việt Nam” đã khiến ông trở thành một trong những nhà ngôn ngữ học thực hành đặc sắc.

 

     Hiện tượng “lấy bạch thoại thay cho văn ngôn” diễn ra ở Trung Quốc đương thời gợi cho Phan Khôi thấy gì? Có thể nói hiện tượng đó đã sớm cho Phan Khôi hiểu rằng, thực chất của sự việc là phải từ bỏ loại văn phong kinh viện quy phạm hóa, bắt tay xây dựng văn phong viết của thời đại mới bằng cách trở lại sử dụng lời nói miệng đang được đông đảo cư dân bản ngữ sử dụng (đây cũng là phương hướng xây dựng các ngôn ngữ dân tộc ở châu Âu ở thời cận đại, khi chữ Latin dần dần bị giới hạn trong phạm vi các hoạt động thuần túy nghi lễ Ki-tô giáo). Từ hiểu biết này, Phan Khôi đã cùng giới những người cầm bút viết báo viết văn đương thời xây dựng một văn phong tiếng Việt sáng sủa, dễ hiểu cho số đông người trong cộng đồng. Về phần mình, ông viết văn nghị luận theo hướng khai triển các ý tứ một cách hợp lý, chặt chẽ, sáng sủa, tiêu biểu cho văn phong nghị luận của thời hiện đại; cạnh đó, ông còn bắt tay thử nghiệm một văn phong nữa, mang đậm ảnh hưởng khẩu ngữ tiếng Việt miền Nam (mà theo ông trên nét lớn là chung cho cả Trung Kỳ lẫn Nam Kỳ). Ta sẽ thấy các dạng sống động của văn phong đó ở thể tài “hài đàm” tức tản văn mà Phan Khôi viết, dưới bút danh Tân Việt ở Đông Pháp thời báoThần chung (1928-30), Tha Sơn và Thông Reo ở Trung lập (1930-33), Bướng Nhân ở Thực nghiệp dân báo (1933), Hồng Ngâm ở Phụ nữ thời đàm (1933-34), Tuệ Tinh và Sao Đuôi ở Tràng An (1935), v.v… Thực nghiệm này xét về lý thuyết, được ông công khai nói rõ nhiều lần: ông thấy thích thú và học hỏi được khá nhiều từ văn phong báo chí tiếng Pháp đương thời của nhóm các nhà báo Pháp: Georges de la Fouchardière (1874-1946), Clément Vautel (1876-1954), Gustave Téry (1870-1928); và về điểm này, ông có sự gặp gỡ về chí hướng và về nguồn ảnh hưởng với một nhà báo Hà Nội là Hoàng Tích Chu (1897-1933); trong sự thử nghiệm văn phong hài đàm và tản văn nói chung, nếu Phan Khôi khai thác khẩu ngữ và phương ngữ Trung-Nam, thì Hoàng Tích Chu khai thác khẩu ngữ và phương ngữ miền Bắc, nói gọn là phương ngữ vùng đồng bằng sông Hồng.

        

3. Sau khoảng 5 năm (1928-32) góp mặt một cách hiệu quả vào đời sống văn chương báo chí ở Sài Gòn và toàn quốc, sau thành công ở những vận động sửa đổi về sử dụng tiếng Việt vào văn chương báo chí, Phan Khôi đã từ địa hạt văn xuôi đi sang can dự vào việc cải cách ngôn ngữ thơ. Bài báo “trình chánh một lối thơ mới” ông đưa ra đầu năm 1932 là một bước đi liên tục của ông trong việc can dự vào “duy tân”, “cải lương” nền quốc văn của người Việt. 

         Như đã biết, khi đề xuất cần đổi mới trong thơ, Phan Khôi đã nêu ra kinh nghiệm của chính bản thân mình với tư cách người làm thơ, – người “ngâm vịnh” theo quan niệm truyền thống; – kinh nghiệm của một người trong cuộc ấy cho thấy, những khả năng nghệ thuật của nền thơ cũ đã cạn kiệt, sau nhiều thế kỷ, bởi nhiều thế hệ.  

 

“Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng, chẳng khác nào cái thân của tôi là lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi, làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức !” (6)

 

Phan Khôi cho biết, ông đã từng công bố một sáng tác theo hướng duy tân:

 

“Duy tân đi! Cải lương đi! À, có rồi chứ có phải không đâu. Thí dụ như bài thơ: Dân quạ đình công (…). Bài ấy của tôi đã đăng trong Đông Pháp thời báo năm 1928, được nhiều người hoan nghênh, kể cũng đáng cho là một ngôi sao chổi giữa trời thơ! Cho đến ngày nay tôi đọc lại vẫn còn nhìn là được, nhưng thích thì tôi không thích”. (7)

  

Nhận xét về hiệu quả kém chân thực của thơ, Phan Khôi cho lý do là ở sự câu thúc (ràng buộc) của luật thơ, ngay bài Dân quạ đình công của ông cũng vậy:

    

“Đại phàm thơ là để tả cảnh, tự tình, mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải quý cho chơn (= chân). Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có phóng ra theo lối thất cổ, như bài Dân quạ đình công đây, cũng vẫn còn bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó mất cái chơn đi, không mất hết cũng mất già nửa phần.

     Tôi nhìn thấy trong thơ ta có một điều đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nấy. Cứ rủ nhau khen hay thì nó là hay, chớ nếu lột tận xương ra mà xem, thì chẳng biết cái hay ở đâu. Như bài Dân quạ đình công đó, chỉ nhờ có đem việc đình công là một việc mới ra mà tả, việc ấy lại hiệp với … người đời nay thành thử người ta ưa, chớ coi kỹ thì nó cũ quá, thiệt tình chẳng phải hay gì”. (8)

   

Đây là nội dung “lối thơ mới” mà Phan Khôi đề xướng:

   

 “Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết. Ấy là như: Tình già…. (9)

   

 Đáp lại Thượng Minh trên Đông tây (Hà Nội), người có phản xạ sớm nhất về sự đề xướng của mình, Phan Khôi nói rõ hơn về sự đề xuất ấy, lại liên hệ đến các nguyên tắc cải cách ở thơ Pháp và thơ Trung Hoa đương thời:

     "Làng thơ bên Pháp lâu nay có nảy ra một lối thơ mới kêu là "thi tự do" (vers libre). Nó đã không niêm, không luật, không hạn chữ, cũng không có vần nữa. Bên Tàu chừng hơn 10 năm nay cũng có lối thơ mới ấy rất thịnh hành.

Lối thi tự do của họ đó, tôi phản đối. Bỏ luật, bỏ niêm, không bắt hạn chữ thì tôi chịu; nhưng bỏ vần đi thì tôi không chịu. Tôi nói: Thơ khác với văn là chỉ nhờ có vần. Làm như họ thì chỉ là một bài văn xuôi (prose) rồi đem viết riêng ra mỗi câu một hàng chớ không phải là thơ (vers). Theo cái nguyên tắc ấy tôi mới thành lập lối thơ mới của tôi, tức như bài Tình già. Bài này, không niêm, không luật, không hạn chữ, nhưng mà phải có vần, ấy là tôi làm nó ra theo như cái nguyên tắc tôi đã lập".(10)

Ta sẽ thấy, trong sự phản ứng với các sáng tác thơ mới, xuất hiện ở những năm sau, Phan Khôi sẽ giữ nguyên quan niệm ấy, và đó cũng sẽ là giới hạn tầm nhìn của ông về viễn cảnh phát triển thơ tiếng Việt.

4. Việc Phan Khôi đề xướng một lối "thơ mới" có thể sẽ chỉ là một hành vi cá nhân ít ý nghĩa nếu sau đó không nảy sinh cả một phong trào theo hướng ông đề xướng, nếu phong trào đó không trở thành một sự kiện văn học sử.

     Chính Phan Khôi ở cuối bài đề xướng kể trên đã không cao hứng mà lại dè chừng:

     “Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa, nhưng tôi tin rằng sau nầy có người sẽ làm như tôi mà thành công”. (11)

     Tuy vậy, hầu như không phụ thuộc ý muốn riêng của Phan Khôi, một phong trào sáng tác thơ mới đã nảy sinh, ban đầu là ở Sài Gòn, trên chính tờ Phụ nữ tân văn; nhưng không phải ngay lập tức sau khi ông công bố bài Tình già, mà là sau đó chừng một năm, cũng không phải khi Phan Khôi còn đang làm việc tại tòa soạn Phụ nữ tân văn, mà là sau khi ông đã thôi cộng tác với tuần báo này.         

     Sau số 122 đăng bài Phan Khôi đề xướng “thơ mới”, trong suốt năm 1932, trên Phụ nữ tân văn hầu như chỉ xuất hiện lẻ tẻ một vài ý kiến ủng hộ, đáng kể nhất là ý kiến của Lưu Trọng Lư dưới bút danh  “Cô Liên Hương, Faifoo” (P.N.T.V. s. 153, tháng 6/1932), kèm theo 2 sáng tác thơ mới của tác giả này.

     Rất có thể, những diễn biến không thể lường trước, phát sinh sau Hội chợ Phụ nữ (tháng 5/1932), gây bất hòa lớn trong làng báo Sài Gòn, dẫn đến những bê bối và kiện tụng, (12) mà vợ chồng chủ nhân Phụ nữ tân văn là nhân vật trung tâm, kéo dài đến hết năm 1932 thậm chí sang đến giữa năm 1933, đã là một trong những nguyên nhân, hầu như vô tình, khiến sự đề xướng thơ mới của Phan Khôi suýt rơi vào sự im lặng mà chính ông đã lường trước.

        

     Điều may mắn là, sau khi Phan Khôi rời tòa soạn Phụ nữ tân văn,(13) ‒ hẳn là với ít nhiều thất vọng, ‒ thì một phong trào làm thơ mới và luận bàn về thơ mới đã dần dần nảy ra trên chính tờ báo này. Từ giữa năm 1933, trên tuần báo này liên tiếp xuất hiện các sáng tác thơ mới của nhiều tác giả như Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Nguyễn Thị Đồng, Thiết Mai, Khắc Minh, Tịnh Sơn, …, thậm chí cả thơ mới chữ Hán của một thanh niên Nam Kỳ du học Trung Hoa là Tôn Tùng Bính; cạnh đó là những luận bàn về lối thơ mới này của nhiều ký giả, nhà thơ, như Nguyễn Thị Kiêm (còn ký Thạch Lan, T. L.,…), Lưu Trọng Lư, Cao Văn Chánh, Huấn Minh (Hồ Hữu Tường), v.v… Việc tuần báo này lập riêng mục “Lối thơ mới” để vừa đăng tải các sáng tác kiểu mới này, vừa có bài giới thiệu phân tích những nét mới của mỗi sáng tác ấy, bàn luận về sự tất yếu phải đổi mới hình thức thơ tiếng Việt cho phù hợp với học vấn, tâm tình, cảm xúc của con người đương thời, v.v… đã có tác động không nhỏ, tạo thêm tác giả và công chúng cho thơ mới. 

     Ở miền Bắc, cũng từ đầu năm 1933, trên tờ tuần báo Phong hóa của Tự Lực văn đoàn bắt đầu xuất hiện những sáng tác thơ mới của Lưu Trọng Lư, Tân Việt (bút danh của một tác giả nào đó, có lẽ là Nhất Linh, chứ không phải Phan Khôi), Thế Lữ, Tứ Ly, Nhất Linh, Nguyễn Văn Kiện, Vũ  Đình Liên, Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, v.v…

     Ở miền Trung, trước hết là ở Huế, Ngân Sơn tùng thư (của Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đức Phiên) ra tập sách đầu tiên là Người sơn nhân vào giữa tháng 9/1933, gồm những sáng tác của Lưu Trọng Lư, bên cạnh truyện ngắn có một số bài thơ mới hoặc bài luận bàn về thơ mới.

     Từ 1934, thơ mới xuất hiện trên rất nhiều nhật báo, tuần báo trong cả nước; nhiều cuộc tranh luận về thơ cũ và thơ mới diễn ra trên mặt báo và trên các diễn đàn từ Sài Gòn đến Quy Nhơn, Huế, Hà Nội, Nam Định…

     Năm 1936 có thể được coi là thời điểm toàn thắng của thơ mới, khi một số sáng tác thơ mới đã thực sự chinh phục người đọc, các đề xuất đổi mới đã không còn là vấn đề tranh cãi trong dư luận nữa, các thể thơ mới được thừa nhận chung, tạo ra một mặt bằng mới cho sự sáng tác thơ bằng tiếng Việt.

     Khuôn khổ tham luận này không cho phép nhắc lại chi tiết hơn nữa về diễn biến của phong trào thơ mới tiếng Việt diễn ra những năm 1930; vả chăng đề tài này cũng đã được nhiều tác giả trình bày trong nhiều tài liệu nghiên cứu.(14)  Nhắc lại sự phát sinh và diễn biến của phong trào này, điều tôi muốn lưu ý là, tuy sự kiện Phan Khôi đề xướng “thơ mới” luôn luôn được ghi nhận trong suốt thời gian diễn ra phong trào, song, phải thừa nhận là phong trào thơ mới đó đã diễn ra một cách hoàn toàn độc lập với Phan Khôi.

 

5. Vậy trong thời gian diễn ra phong trào thơ mới, Phan Khôi và những người tham gia phong trào có những liên hệ, va chạm ý kiến ra sao? Sau đây xin gắng lọc ra một số sự việc.

 

5.1. Như đã kể trên, ngay sau khi được đọc phản xạ đầu tiên của Thượng Minh từ Hà Nội (Đông tây, 17/2/1932), Phan Khôi đã đáp lại bằng lời nhận xét mang tính khiêu khích, than phiền về chất già nua, ưa tồn cổ hơn là ưa đổi mới của thanh niên đương thời; ông bực mình vì lẽ cái lối “thơ mới” mà ông vừa mở ra thì Thượng Minh lại xắn tay cột lại.

“Một việc cải cách rất nhỏ, cải cách về lối làm thơ, mà người ta còn lôi kéo nhùng nhằng như vậy, huống chi là việc cải cách về tư tưởng, về chế độ gia đình xã hội; ông Nguyễn Khắc Hiếu ông cho rằng "cái nạn Phan Khôi" cũng phải ”! (15)  

Phan Khôi bác bỏ lối Thượng Minh sửa bài Tình già ra thể lục ngôn.

“Tôi xin các ông đi, đừng có làm như Thượng Minh nữa. Lối thơ mới ấy của tôi, có đứng được thì để, không đứng được thì bỏ đi, chớ đừng có điều đình, tôi đã "bất điều đình" mà!” (16) 

Luôn thể, Phan Khôi "trình" thêm bài Điếu cô Thanh Vân (một cô gái ở Sài Gòn tự sát vì bị lừa tình), bài này có lẽ ông chỉ dành cho độc giả của tờ Đông tây, và thêm:

“Bài này có trọn tính chất quảng cáo, không có gì là hay; nhưng tôi lục trình ra đây cho biết cái lối thơ mới ấy đặt thế nào cũng được, không phải một thế như bài Tình già mà thôi”.(17) 

5.2. Nhưng sau đó, đối với một vài ý kiến hưởng ứng sự đề xướng của mình, ví dụ ý kiến Lưu Trọng Lư (tháng 6/1932), Phan Khôi lại hầu như im lặng.

Bài của Lưu Trọng Lư (ký  "cô Liên Hương ở Faifoo") là một bức thư gửi đích danh cho Phan Khôi:

“Cách đây đã lâu, tiên sinh có đưa trình chánh giữa làng thơ một lối thơ mới. Tôi đọc bài ấy rồi tôi cứ đợi mãi, đợi mãi, mà sau tiên sinh không thấy ai nối gót theo, mà chính tiên sinh hình như cũng không buồn giở dói đến việc ấy nữa. Thế là thôi. Cái "của mới" ấy có lẽ chưa thành hợp với với đời nầy. Mấy muôn độc giả đã yên trí như vậy, mà hẳn tiên sinh cũng từng chau mặt dậm chân mà nói rằng: "Thôi, không ai ưa thì ta xếp nó lại, đợi khi khác ta hãy mang ra". Thưa tiên sinh, đợi khi khác, khi nào nữa? Thi ca ta ngày nay đang lúc ngấp ngoải, không có lấy một chút sinh khí, nếu không xoay phương cứu chữa gấp, thì ôi thôi, còn chi là tánh mạng của thi ca. Đừng có nói láy lắt như vậy tiên sinh ạ! Nếu tiên sinh cứ giữ mãi cái thái độ tiêu cực ấy thì bọn thi nhân rỗng tuếch kia còn cứ ca đi hát lại những câu sáo hủ nghìn xưa mà không thấy nở ra được những bậc thi nhân chân chính”.(18)    

 Lời đề nghị của Lưu Trọng Lư thật là trực diện, trực tiếp, rất phù hợp với sự mong mỏi của Phan Khôi. Vậy mà ông lại hầu như im lặng. Vì sao?

Về sự việc này, nếu đi vào thật chi tiết thì tôi nghĩ là chưa thể có lời đáp chính xác, vì vẫn còn thiếu một chút cứ liệu. Các bộ sưu tập Phụ nữ tân văn hiện còn tại các trung tâm lưu trữ tại Hà Nội hay Sài Gòn đều không có đủ các số trong tháng 6/1932 để soát lại kỹ xem bức thư của Lưu Trọng Lư, ký bút danh "Cô Liên Hương ở Faifoo" (Hội An), sau khi cho đăng, có được tòa soạn Phụ nữ tân văn hay chính Phan Khôi đáp lại, dù thật vắn tắt, hay không? Nên nhớ đây lại chính là đoạn thời gian khá nhiều rắc rối của chủ nhân Phụ nữ tân văn và tòa soạn tờ báo này. (Vì vợ chồng chủ báo P.N.T.V. bị một nửa báo giới Sài Gòn lên án là lợi dụng Hội chợ Phụ nữ để kiếm lợi bất chính nên chủ nhân P.N.T.V. đối phó bằng cách ra thêm báo hàng ngày từ 3/6/1932 (số 133) đến 2/7/1932 (số 157) để cãi lại dư luận; các số báo này vẫn được đánh số thứ tự chung với báo ra hàng tuần nhưng khác khuôn khổ, và hầu như do một nhóm riêng thực hiện, do vậy việc hồi đáp độc giả và cộng tác viên chung của P.N.T.V. có thể bị trục trặc). Cứ cho là Phan Khôi đã có một hồi âm tối thiểu nào đó đối với bức thư của "cô Liên Hương" thì hồi âm ấy cũng quá khẽ khàng, coi như không có dấu hiệu gì về mặt văn học sử.

 

5.3. Từ tháng 9/1933 đến tháng 1/1934, làm chủ bút tuần báo Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội, hẳn Phan Khôi đã chứng kiến sự nảy sinh rất mạnh mẽ của sáng tác thơ mới trên báo chí Hà Nội và các vùng miền khắp cả nước. Trên tờ báo của mình, ông đã cho đăng khá nhiều bài thơ mới (của Vân Ánh, Lưu Trọng Lư, Đỗ Huy Nhiệm, Kim Lương, Bảo Giang, v.v…) kể cả bài "thơ tản văn" (poème en prose) Trên đỉnh núi (s. 17, 7/1/1934) thực chất là thơ văn xuôi, của Lưu Trọng Lư; bên cạnh đó cũng cho đăng những bài thảo luận về thơ mới (ví dụ bài của Nhất Chi: Thơ mới phải thế nào, s. 5, ngày 15/10/1933). Tuy vậy, đúng dịp Phan Khôi làm việc ở Phụ nữ thời đàm thì ông bỗng nổi cơn ngâm vịnh! Gặp được Tú Mỡ (người phản ứng với các hiện tượng mới của đời sống đương đại bằng các thể tài thơ cũ), Phan Khôi tự xưng danh Tú Xơn (Tout Seul) để có thơ đi thơ lại, và những bài xướng họa với nhau bằng "vận hài" – thơ đùa cợt, chủ yếu trong thể  thất ngôn Đường luật – của họ thường xuyên có mặt trên tờ tuần báo. Giữa lúc "thơ mới" đang nảy nở trên báo chí khắp nơi mà người đề xướng nó lại quay về làm và đăng thơ cũ, – đó là hành vi có thể gọi là thiếu trách nhiệm. Có lẽ Nhất Linh, chủ bút tờ Phong hóa sớm nhận ra cơn say sưa ngâm vịnh lối cũ rất không đúng lúc của tác giả Tình già, đã lên tiếng diễu nhại bài Hai cảnh trên xe hỏa, – bài thơ mới duy nhất của Phan Khôi đăng trên Phụ nữ thời đàm. Phan Khôi hiểu rằng Phong hóa là tờ "hài báo" – báo cười (ông đã có bài khen nó là "tờ báo hiện chạy nhất Đông Dương",(19) xác nhận nó là tờ báo cười đầu tiên và cho đến lúc ấy vẫn là duy nhất ở xứ này), nó có thể cười cợt bất cứ cái gì, thường là cười một cách không ác ý. Ông chấp nhận việc nó lấy ông, cũng như hầu hết những ai có tên tuổi, làm đối tượng cười cợt; song ông không chấp nhận điều mà ông coi là liên quan đến tôn chỉ một tờ báo: Phong hóa đã cổ vũ cho "thơ mới", đã đăng không ít các bài "thơ mới", vậy mà Phong hóa lại diễu tác giả Tình già, người đề xướng "thơ mới", như thế nghĩa là gì? (20)

 Ông nhận ra: điều mà ông xem là có thi vị và đã diễn tả nó trong bài thơ Hai cảnh trên xe hỏa, lại bị những văn nghệ sĩ thuộc thế hệ trẻ hơn, ví dụ Nhất Linh và các nhà văn trong văn đoàn Tự Lực, xem là không thi vị!

     “Há chẳng thấy như một bài thơ mới trong hai bài Hai cảnh trên xe hỏa đó mà người ta cũng cho là không có thi vị? Ôi! thực tình ra thì sự có thi vị với không nó dễ phân biệt làm sao! Mà “tinh quái” ra thì thế nào cũng bảo là không thi vị được hết mà!” (21)

Cuộc va chạm ý kiến này có lẽ đã tác động đáng kể đến Phan Khôi, không phải chỉ vì người ta không thấy ông tiếp tục cho đăng thơ lối cũ của mình trên mặt báo nữa, mà là vì người ta cảm thấy ông chừng như đã nhận ra khoảng cách thế hệ, – nhất là ở phương diện xúc cảm thẩm mỹ – rất đáng kể giữa ông và những người trẻ tuổi đang bước vào cuộc đời và vào văn chương bằng những sáng tác thơ theo lối mới.

Quả là, để tuyên bố công khai trước toàn cộng đồng về trạng thái bất lực của các hình thức thơ cũ trước đời sống hiện tại thì cần phải có người như Phan Khôi, từng sống trong thơ cũ và hiểu ra cái năng lực đã cạn kiệt của nó; nhưng để đưa cái mới đến cho thơ tiếng Việt thì lại cần một lớp người trẻ trung mà việc sáng tạo ra một đời sống thẩm mỹ mới chính là lẽ sống của họ, là cuộc đời họ; Phan Khôi chỉ có thể là người cổ vũ họ; ông không còn đủ trẻ trung để đứng trong lực lượng của họ.   

Có lẽ vì nhận ra khoảng cách thế hệ nói trên nên những năm 1935-1937, khi làm chủ bút Tràng An, chủ nhiệm Sông Hương ở Huế, Phan Khôi cho đăng khá nhiều sáng tác thơ mới của nhiều tác giả, nhưng không hề đăng tác phẩm thơ nào nữa của mình, dù thơ cũ hay thơ mới. Cũng thời gian này ông đã cho xuất bản Chương Dân thi thoại, − cuốn sách cho thấy tác giả là người am hiểu thơ cũ, chứ không phải nhà thơ cũ.

 

5.4. Khoảng gần chục năm sau, vào năm 1941, Phan Khôi ở Sài Gòn, lại ký Thông Reo để viết mục Chuyện hàng ngày cho tờ Dân báo do Bùi Thế Mỹ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Lúc này thơ mới đã giành vị trí chủ đạo trên thi đàn Việt Nam, đã hoặc đang được những nhà phê bình như Lê Tràng Kiều hay Hoài Thanh tổng kết. Tuy vậy vẫn có không ít người trong giới cầm bút đàn anh vốn là địch thủ "chung thân" của thơ mới, sẵn sàng tìm cách làm mất uy tín của nó. Chính Phan Khôi cũng không ngờ có lúc sẽ bị họ lợi dụng. Đó là khi ông, dưới bút danh Thông Reo, viết bài chê trách tập thơ Tinh huyết (1938) của Bích Khê, tựu trung, ông không chấp nhận những sáng tác thơ được đan dệt bằng những "câu văn vô nghĩa".

 

     "Phàm văn, khoan cầu hay đã, trước phải cầu cho có nghĩa. Phải có nghĩa đã, rồi sau mới nói đến hay hay dở. Nhưng hiện nay có một hạng văn sĩ, hình như họ chỉ cầu cho hay, còn có nghĩa hay không, họ không cần. Bởi vậy thường có những câu vô nghĩa trong văn họ mà có lẽ họ gọi là hay đó".

Ông dẫn bài Hoàng hoa của Bích Khê và đặt những câu hỏi: “Lam nhung” là gì? “Xanh nhung” là gì? “Chim yên” là gì? “Xương cây” là gì? Chẳng có nghĩa gì cả".(22)   

 

      Nhận xét này chính là bộc lộ quan điểm về sự viết văn nói chung của Phan Khôi mà ông cho là cần áp dụng cho mọi thể tài văn chương, kể cả thơ mới. Ông chỉ có thể quan niệm thơ ở dạng những sáng tác dù lãng mạn vẫn cần phải duy lý, trước nhất là duy lý về ngữ nghĩa, như thơ Thế Lữ, Xuân Diệu. Ông không chấp nhận các sáng tác tượng trưng với những chất liệu siêu thực tại, nhất là với những cú pháp và ngữ nghĩa phi lý như thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử.

 

     Nhưng những người kiên trì chống thơ mới lại hiểu, – nói đúng hơn là lợi dụng – phản xạ nói trên của Phan Khôi theo cách khác hẳn. Bài viết trên đây của ông đã được hai tác giả Minh Viên và Chuông Mai của tờ Tiếng dân ở Huế nhắc lại và bình luận như là Phan Khôi đã từ bỏ thơ mới, như là dấu hiệu sụp đổ nay mai của thơ mới! Sự loan tin và bình luận của báo Tiếng dân đã khiến Hoài Thanh, – lúc ấy ở Huế và đang viết thiên khảo luận Một thời đại trong thi ca và biên soạn cuốn tuyển Thi nhân Việt Nam 1932-1941, – cảm thấy bất thường, phải gửi thư cho Phan Khôi, nhờ đặt mua năm tờ Dân báo, lại lưu ý gửi cho từ số có bài bàn về thơ mới!

     Trước tình thế ấy, Phan Khôi đăng liền hai bài báo, bài thứ nhất khẳng định: Báo "Tiếng dân" nói sai, tôi không hề công kích thơ mới, nhắc lại bài viết ký Thông Reo, tuy không thừa nhận đó là tên mình, nhưng nhắc lại nội dung bài ấy, cho thấy rằng bài ấy chỉ công kích lối viết văn vô nghĩa mà thôi, chứ không hề công kích thơ mới.(23) Bài thứ hai, sau khi đính chính báo Tiếng dân, ông xác nhận, một lần nữa, thái độ của ông đối với thơ mới.

 

      "Vậy thì ý kiến tôi đối với thơ mới như thế nào, luôn tiện tôi cũng nên bày tỏ ra ở đây.

       Chữ “mới” trong cái danh từ “thơ mới”, có người cho là lạm, không xứng đáng, vì nó không phải mới gì, nó lấy nguồn ở thơ cổ phong hay từ khúc mà ra. Dầu vậy, cái danh từ ấy cũng thành lập được. Vì cái thể thơ như của Thế Lữ, Xuân Diệu, xưa nay chưa có ai làm nhiều, mà bây giờ có, thế là chúng ta nhận cho nó thành một thể được rồi. Thể thơ ấy phần nhiều dùng tám chữ làm một câu. Hoặc giả sau nầy không gọi là “thơ mới” nữa mà gọi là “thơ bát ngôn”, như ngũ ngôn, thất ngôn đã có rồi, cũng chẳng có gì trái với nguyên lý của văn học cả, cũng chẳng có gì làm hại, kêu bằng tai nạn cho văn học cả. Thế thì việc gì mà người ta yểm ố nó, cự tuyệt nó cho đành?

      Ai công kích thơ mới, tôi dám bảo người ấy chỉ tỏ mình ra là hẹp lượng và thiếu sự thấy xa biết suốt.

      “Ông cứ việc mà đánh đổ thơ mới đi, rồi sau nầy thơ mới nó cũng cứ đứng vững và phát đạt như thường”. – Câu nói ấy bất luận ra từ miệng người nào, sau đây vài ba mươi năm, nó sẽ được truyền tụng như câu của một nhà thiên văn học ngày xưa: “Mặc dầu các ông phản đối cái thuyết địa viên, trái đất cũng cứ việc quay và quay chung quanh mặt trời!”

      Chắc lắm, không hồ nghi gì nữa, cái lẽ nó phải như thế. Sau tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát gián thất, thêm một thể nữa gọi là “bát ngôn” làm giàu thêm cho văn học Việt Nam mà không trật ra ngoài con đường rầy tiến hoá, thì là sự chúng ta nên hoan nghinh, chứ lại điên gì mà yểm ố và cự tuyệt ?" (24)

    

         Tất nhiên Phan Khôi không làm ngơ trước hiện trạng dường như thơ mới đang lạm phát, đang xuất hiện nhiều và có nhiều thứ nhảm. Nhưng ông lạc quan:

   

         "Ấy thế mà đừng lo. “Sông có khúc, người có lúc” thì văn học hay là thơ cũng có thời kỳ của nó. Thời kỳ nầy chỉ là thời kỳ hỗn độn của thơ mới, nó phải đi cong quanh một lúc rồi trở lại theo đường thẳng mà tiến lên, làm vẻ vang cho nền văn học của chúng ta cho mà xem!

      Sao mà dám chắc thế? Vì một thể thơ đã sản xuất được những bài như của Xuân Diệu, của Thế Lữ thì không có thể nào nửa chừng bỗng tiêu diệt đi được, chết đi được, tha hồ cho ai ra sức đánh đổ nó, đang tay bóp cổ nó!" (25)

 

         Đến đây, ta thấy rõ, người đề xướng "thơ mới" đã giữ thái độ bảo vệ phong trào "thơ mới", mặc dù trong quan niệm của ông, chỉ có tuyến thơ mới lãng mạn duy lý, tiêu biểu là Xuân Diệu, Thế Lữ và những nhà thơ được Tự Lực văn đoàn cổ vũ, là hướng phát triển đáng mong muốn. Ngoài ra, bộ phận thơ mới gắn với các yếu tố siêu thực, tượng trưng, phi lý, như Hàn Mặc Tử, Bích Khê và "trường thơ loạn" thì vẫn nằm ngoài quan niệm về thơ của Phan Khôi.

 

6. Nhìn lại từ bài đề xướng "thơ mới" đến những ứng xử của Phan Khôi trong quá trình diễn biến phong trào "thơ mới", người ta có cảm tưởng không thuần nhất về quan hệ của ông với phong trào.

         Nói vắn tắt, khi đề xướng "thơ mới", ông lên tiếng với tư cách một người làm thơ đã "hết đất sống" trong thơ cũ, phải đi tìm "đất mới" cho thơ; ông đưa ra mấy bài của mình như là ví dụ (chứ không là mẫu mực) về "quy ước mới" của việc làm thơ lối mới. Khi "thơ mới" trở thành phong trào lôi cuốn nhiều người làm thơ, Phan Khôi có đưa đăng thêm "thơ mới" (dù ít ỏi) của mình, nhưng có lúc lại để lộ ra rằng mình vẫn còn có thể, thậm chí có hứng thú ngâm vịnh lối cũ. Do phản ứng của một vài người trong phong trào "thơ mới", ông đã kịp tự điều chỉnh, tuy không giấu diếm con người am hiểu thơ cũ của mình. Nhưng chung cuộc, đối diện với những cật vấn trong dư luận, Phan Khôi dứt khoát ủng hộ "thơ mới", khẳng định "thơ mới" đã có thành tựu, những tìm tòi mới đã được thừa nhận.

      Ai cũng thấy, dù cũng là tác giả của khoảng mươi bài "thơ mới", nhưng Phan Khôi không góp được gì vào thành tựu sáng tạo của "thơ mới", nói đúng ra, ông đã không trở thành một nhà thơ mới thuần thục.              

      Ở nhà văn Phan Khôi, ưu thế của tư duy luận lý trội hơn hẳn khả năng mô tả hay cảm xúc; tuy ông có viết tiểu thuyết, nhưng ông chủ yếu là nhà văn viết nghị luận, chính luận; con người ông nếu có nhu cầu về trữ tình thì đó sẽ là các dạng trầm tư trữ tình truyền thống hơn là các dạng xúc cảm hiện đại.

     Tóm lại, nhu cầu "duy tân, cải lương" thi ca mà ông lên tiếng đó, là nhu cầu của cả giới làm thơ, của cả nền văn học, chứ nó không hẳn là nhu cầu bức thiết của riêng ngòi bút ông.  

 

      Như vậy, có thể kết luận rằng: Phan Khôi đề xướng và cổ vũ phong trào thơ mới tiếng Việt chủ yếu không phải với tư cách một nhà thơ đi tìm không gian ngôn ngữ mới cho sự sáng tạo của bản thân mình, mà chủ yếu như một nhà hoạt động văn hóa nhận thấy sự cần thiết giải thoát thi ca tiếng Việt khỏi giới hạn của những khuôn khổ cũ, mở đường tìm kiếm những không gian ngôn ngữ mới, thích hợp với việc bộc lộ thế giới xúc cảm trữ tình của con người Việt Nam khi đó bắt đầu bước vào đời sống hiện đại.

Hà Nội, 5/9/2009

Bổ sung : 2011

 

 

Chú thích

 (1) Thượng Minh (1932): Đôi lời về lối thơ mới của Phan Khôi // Đông tây, Hà Nội, s. 147 (17/2/1932).

(2) Nguyễn Xuân Huy, T.K. (1935): Một trào lưu mới trong thi ca: thơ mới // Tân thiếu niên, Hà Nội, s. 3 (16 Fevrier 1935), tr. 10.  

(3) Hoài Thanh (1942): Một thời đại trong thi ca // Thi nhân Việt Nam 1932-1941  (tái bản), Hà Nội: Nxb Văn học, 1988, tr. 22.

(4) C.D. (1928): Lý với thế: Hồ Thích với Quốc dân đảng // Đông Pháp thời báo, S.G., 18/12/1928. Xem: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Đà Nẵng, 2003, tr. 123-124.

(5) T.V. (1928): Văn chương và văn chương của nhà báo // ĐPTB., 27/10/1928, xem Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1928, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Đà Nẵng, 2003, tr. 139.

(6) Phan Khôi (1932): Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ // Tập văn mùa xuân, Đông tây xb., Hà Nội, xuân Nhâm thân (1932), tr. 6 -7.

(7)  Như chú thích (6)

(8)  Như chú thích (6)

(9)  Như chú thích (6)

(10) Phan Khôi (1932): Về lối thơ mới sau bài Tình già: vừa mở ra đã có người lo cột lại // Đông tây, H.N., s. 154 (12/3/1932). Xem trong sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1932 (đang in).

(11)  Như chú thích (6)

 (12) Về sự kiện này xin xem chi tiết ở lời tiểu dẫn trong sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1932, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Tri thức, 2010.

(13) Trên Phụ nữ tân văn số 184 (5/1/1933) tr. 8 có đăng thông báo: “Từ nay trở đi, ai có gởi thơ cho ông Phan Khôi xin do theo địa điểm nầy: M. Phan Khôi, Village de Bảo-An-Tây, Quảng Nam”. Như vậy từ lúc đó Phan Khôi rời hẳn khỏi P.N.T.V. Suốt năm 1933 không có bài nào của Phan Khôi đăng tuần báo này. Đây có thể là hậu quả của những xung đột giữa P.N.T.V. với một số tờ báo ở Sài Gòn sau sự kiện Hội chợ Phụ nữ (tháng 5/1932), hậu quả của “thái độ kép” của chính Phan Khôi trong thời gian xảy ra sự cố ấy. Xem Tiểu dẫn trong sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1932 (Nxb. Tri Thức, 2010). 

(14)  Chẳng hạn, xin xem: Nhìn lại một cuộc cách mạng thi ca (60 năm phong trào thơ mới), Huy Cận và Hà Minh Đức biên soạn, Hà Nội: Nxb Giáo dục, 1993, 1997; Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, tập II, (phần Tranh luận thơ mới / thơ cũ), Nguyễn Ngọc Thiện và Cao Kim Lan biên soạn, Hà Nội: Nxb. Lao động, 2002, tr. 29-513.

(15)  Như chú thích (10)

(16)  Như chú thích (10)

(17)  Như chú thích (10)

(18) Lưu Trọng Lư (1932): Bức thư ngỏ cùng Phan Khôi tiên sinh sau khi đọc bài “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” // Phụ nữ tân văn, S.G., s. 153 (tháng 6/1932); đăng lại trên Phong hóa, Hà Nội, s. 31 (25. 1. 1933).

(19)  Hồng Ngâm (1933): Tiểu phê bình: “Phong hóa”, tờ báo hiện chạy nhất Đông Dương // Phụ nữ thời đàm, H.N., s. 6 (22. 10. 1933), tr. 8-11.

(20) Xem các bài: Hồng Ngâm (1933): Tiểu phê bình: “Phong hóa”, tờ báo trẻ con // Phụ nữ thời đàm, H.N., s. 11 (26. 11. 1933), tr. 6-8; Tòa soạn P.N.T.Đ. (1933): “Phụ nữ thời đàm” với “Phong hóa” // Phụ nữ thời đàm, H. N., s. 13 (10. 12. 1933), tr. 7.

(21) Tòa soạn P.N.T.Đ. (1933): “Phụ nữ thời đàm” với “Phong hóa” // Phụ nữ thời đàm, H.N., s. 13 (10. 12. 1933), tr. 7.

(22) Thông Reo (1941): Chuyện hàng ngày: Một tai nạn của văn học // Dân báo, S.G., s. 605 (25.6. 1941)

(23) Phan Khôi (1941): Báo “Tiếng dân” nói sai, tôi không hề công kích thơ mới // Dân báo, S.G., s. 627 (23.7. 1941)

(24) Phan Khôi (1941): Sau khi đính chánh báo “Tiếng dân”: Ý kiến tôi đối với thơ mới // Dân báo, S.G., s. 628 (24. 7. 1941)

(25)  Như chú thích (24)