TRƯƠNG TỬU NHƯ MỘT TÁC GIA

VÀ NHƯ MỘT NHÂN VẬT VĂN HOÁ-LỊCH SỬ

CẦN ĐƯỢC TIẾP CẬN NGHIÊN CỨU

MỘT CÁCH BÀI BẢN

 

Tham luận tại Hội thảo về Trương Tửu (1913-1999)

tại khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội, 28/11/2008

 

 

1. Những năm gần đây thường gặp những hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm dành cho những cá nhân nhất định, thường là những người hoạt động chính trị hoặc văn hoá, trong số đó có nhiều trường hợp là những người từng tạo ra và để lại những sản phẩm chữ viết, được gọi chung là tác gia. Để kỷ niệm thì phải huy động các chuyên gia tìm hiểu và viết các bài tưởng niệm, bài nghiên cứu về thân thế và “hành trạng”, − tức là hoạt động xã hội, chính trị, văn hoá, hoạt động sáng tác hoặc trứ thuật − của cá nhân con người ấy. Có thể nói, ở những trường hợp như vậy, hai chuyên ngành nghiên cứu của sử học và văn học gặp nhau trên cùng một đối tượng, tuy phạm vi quan tâm tìm hiểu có hơi khác biệt chút ít: sử học chú trọng nghiên cứu về nhân vật (lịch sử, văn hoá), văn học chú trọng nghiên cứu về tác gia.

 

Nếu lấy sản phẩm đích của nghiên cứu nhân vật ở sử học cũng như của nghiên cứu tác gia ở văn học là việc viết và xuất bản các cuốn sách tiểu sử, thì kết quả 2 ngành này của ta còn quá khiêm nhường: chừng như ở ta chưa có được công trình tiểu sử nào được coi là đạt chuẩn về bất cứ nhân vật người Việt đáng giá nào. (Tôi chưa nói đến khía cạnh đáng thất vọng khi mà một vài nhân vật xuất chúng người Việt chỉ mới hiện diện trước thế giới bên ngoài qua những cuốn tiểu sử của nhà nghiên cứu nước ngoài!). Nghiên cứu nhân vật của sử học ở ta thường mới chỉ dừng lại ở đôi ba nét phác hoạ cuộc đời một con người, còn nghiên cứu tác gia của văn học ở ta cũng thường chỉ mới nói tập trung xung quanh vài tác phẩm nổi bật của một tác gia. Vượt ra ngoài và bao trùm lên những nghiên cứu cụ thể về từng nhân vật, từng tác gia, hầu như chúng ta chưa hề thấy những quan tâm, dù mang tính khái quát lý thuyết hay khái quát những kinh nghiệm nghiên cứu ở khu vực đề tài này.

 

Phải chăng, đã đến lúc phát triển một cách có ý thức hơn đối với ngành nghiên cứu nhân vật và tác gia như một hội tụ ít nhiều liên ngành giữa sử học và nghiên cứu văn học?

 

2. Trường hợp Trương Tửu (1913-99), rõ ràng ông là một tác gia; các sản phẩm ngôn từ của ông khá nhiều và đa dạng, cho thấy ông là nhà nghiên cứu và nhà phê bình văn học, là tác giả của một số tác phẩm thể truyện; ta còn có thể chứng minh Trương Tửu là một lý thuyết gia về văn hoá học, xã hội học …; mặt khác, ông là người lập ra và chủ trì những cơ quan văn hoá như thư xã Đại Đồng, nhà xuất bản Hàn Thuyên, tạp chí Văn mới, vào những năm 1939-40; những năm 1955-57 ông là một trong số những tác giả chính làm nên hiện tượng Nhân văn – Giai phẩm, một sự kiện đã in một dấu vết không thể tẩy xoá trong lịch sử tư tưởng văn hoá Việt Nam những năm 1950-70; ở phương diện thứ hai này, Trương Tửu là một nhân vật hoạt động văn hoá, cần được sử học nghiên cứu như một nhân vật lịch sử.  

 

 

3. Về tác gia Trương Tửu, từ cuối những năm 1980, một số tác phẩm của ông đã được đưa vào một số sách sưu tập hoặc hợp tuyển về văn học Việt Nam thế kỷ XX (ví dụ các bộ sách Tổng tập văn học Việt Nam, Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900-1945, v.v…); hai soạn giả Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn đã biên soạn hai sưu tập tác phẩm Trương Tửu: 1/ Nguyễn Bách Khoa: Khoa học văn chương (Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn và giới thiệu. - H. : Văn hoá Thông tin, 2003. - 538tr; 14x21 cm), 2/ Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, H. : Lao động, 2007. – 1088 tr. ; 16x24 cm).

 

Tuy vậy, chưa thể nói là chúng ta đã làm đủ mức cần thiết để các lớp độc giả sau này có thể hình dung đầy đủ về hoạt động của tác gia Trương Tửu. Còn về nhân vật Trương Tửu thì các sưu tập tác phẩm trên chỉ cung cấp được một ít bằng chứng trong văn bản, trong khi đó, những điều cần thiết lại là những nghiên cứu mô tả về những hoạt động bên ngoài văn bản, bên trên văn bản, − điều này hiện vẫn rất hiếm thấy trên báo chí nghiên cứu.    

 

 

4. Dưới đây, tạm lấy ước lệ: những gì có trong cuốn Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình (2007) là “đã biết”, những gì chưa có trong đó là điều ta “chưa biết” về Trương Tửu, tôi xin nêu một số nguồn tài liệu mà tôi tra cứu được hoặc do một số bạn sưu tầm được đã cung cấp cho tôi. Những điều này tất nhiên chỉ làm rõ thêm ít nét nữa cho tác gia Trương Tửu chứ không thêm được nét gì đáng kể cho nhân vật Trương Tửu.

 

 

4a. Trên tờ Ích hữu từ số 94 (8/12/1937), tức là khi Lê Văn Trương giữ vai trò directeur của tuần báo này, Trương Tửu cũng khởi đăng ở đây loạt bài có tiêu đề chung, nghe như một khẩu hiệu: “Phải xây dựng tư tưởng và văn chương Việt Nam trên những nền tảng mới” ; lần lượt là các bài: Một quan niệm về văn chương (s. 94); Kết án “Lạnh lùng” (s. 95, ngày 15/12/1937); Kết án “Đời mưa gió” (s. 97, ngày 29/12/1937); “Mấy vần thơ”… đau ngực (s. 98, ngày 5/1/1938); Thi sĩ của đau khổ (s. 104, ngày 16/2/1938); Thi sĩ của tình thương (s. 105, ngày 23/2/1938); Ông Thế Lữ và mục “Tin thơ”  (s. 106, ngày 2/3/1938). Loạt bài này cho thấy Trương Tửu đã can dự vào cuộc xung đột giữa các nhà văn trong nhóm Tân Dân với nhóm Tự Lực, và loạt bài nói trên chừng như đã ngừng lại (ở số 106), có thể vì phản ứng của nhóm Tự Lực, trước khi tuần báo này ra số cuối cùng (ở số 110, ngày 30/3/1938). 

 

 

4b. Xung quanh tập thơ “Điêu tàn” của Chế Lan Viên:

Việc tìm hiểu tờ tuần báo “Bắc Hà” (xem: Lại Nguyên Ân: Một tờ tuần báo, mấy nhóm thơ văn // Nghiên cứu văn học, s. 2/2008, tr. 102-119) cho thấy từng có một cuộc đối đáp của Chế Lan Viên với Trương Tửu khi tập thơ đầu tay của Chế ra đời. Hiện nay mới chỉ tìm được văn bản bài của Chế nhan đề Ông Trương Tửu cãi lại ông Trương Tửu đăng ở mục “Chiến địa” của Bắc Hà số 12 (26/3/1938), đây là bài của tác giả Điêu tàn trả lời 2 bài của họ Trương: một bài nhan đề Quan niệm về thơ Chế Lan Viên, bài kia nhan đề Thi sĩ của Điêu tàn (chưa rõ từng bài đăng ở đâu, có thể một đăng ở Ích Hữu của Lê Văn Trương, một đăng ở tờ Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Thảo ở số 7 Hội Vũ, nơi Nguyễn Vỹ, Lê Thanh làm biên tập viên); theo giọng điệu của tác giả Điêu tàn thì nhà phê bình Trương Tửu đã tự mâu thuẫn khi  khen thơ trong tập Điêu tàn nhưng lại công kích quan niệm về thơ mà tác giả Điêu tàn tuyên ngôn ở đầu tập thơ, cũng là tuyên ngôn chung cho Trường Thơ Loạn. Qua bài của Chế, ta còn được biết rằng chính Hàn Mặc Tử cũng đã trả lời Trương Tửu bằng một bài cũng với nhan đề mà Chế đã mượn dùng để đặt tên bài trả lời họ Trương.

Như vậy, có một mảng Trương Tửu phê bình thơ, va chạm về quan niệm với các nhà thơ mới đương thời, mà chúng ta chưa biết.

 

 

4c. Một chùm bài phê bình trên báo “Quốc gia”:

Trên tờ “Quốc gia” (Hà Nội, 1938) Trương Tửu viết một loạt bài phê bình dưới nhan đề chung: “Đi tới một nền văn chương tranh đấu”; những bài đã được biết là: Văn chương lãng mạn ở xứ ta (Quốc gia, số 1, ngày 9/9/1938), Cái buồn lãng mạn và các thi sĩ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Nguyễn Vỹ… (Quốc gia, số 3, ngày 23/9/1938). Ngay sau đó Lưu Trọng Lư đã lên tiếng (Thi sĩ Lưu Trọng Lư cũng nhận có văn chương tranh đấu, nhưng…// Quốc gia số 4, ngày 30/9/1938). Người ta biết, báo Quốc gia bị đình bản ngay sau số 4 và bị đưa ra truy tố (xem: Nguyễn Nhất Lang: Vụ báo “Quốc gia” bị truy tố // Thời vụ, ngày 16/12/1938) nên loạt bài này bị dừng lại ở đó.

 

 

4d. Về các tác phẩm thuộc các thể tài khác nhau mà Trương Tửu từng viết nhưng hầu như chưa được nhắc tới, có thể kê ra những tác phẩm sau (theo dữ liệu của Thư viện Quốc gia, Hà Nội):

 

A/ Loại sáng tác:

 

- Thanh niên S.O.S.  (Tiểu thuyết, In lần 2. - H. : Minh Phương, 1937. - 154tr.)

- Một chiến sĩ  (tiểu thuyết, - H. : Minh phương, 1938. - 165tr.)

- Đục nước béo cò (Tiểu thuyết, H. : Nxb. Minh Phương, 1940, 41tr. ; 19cm. Tủ sách "Mọi người yêu")

- Một cổ đôi ba tròng ( H. : Tân Việt, 1940. - 74tr.)

- Một kiếp đoạ đày  (H. : Hàn Thuyên xuất bản cục, 1940. - 160tr ; 19cm.)

- Khi chiếc yếm rơi xuống  (Tiểu thuyết, - H. : Impr. Minh Phương, 1940. - 44tr.)

- Trái tim nổi loạn  ( H. : Văn Thanh, 1940. - 165tr.)

 

 

B/ Loại nghị luận:

 

- Những thí nghiệm của ngòi bút tôi  (H. : Đại Đồng thư xã, 1939, 36 tr ; 21cm)

- Nhân loại tiến hoá sử  (H. : Impr. Hàn Thuyên, 1943. – 206 tr.)

- Nguồn gốc văn minh (H. : Impr. Hàn Thuyên, 1943. – 192 tr.)

- Văn minh sử yếu lược  (H. : Hàn Thuyên, 1944. – 183 tr. - Tân văn hoá)

- Tương lai văn nghệ Việt Nam  (H. : Impr. Hàn Thuyên, 1945. – 105 tr.)

- Văn nghệ bình dân Việt Nam  (Tiểu luận, - Kđ : Hợp tác xã Văn hoá mới, 1951. 162 tr.; 19cm.)

- Văn hoá nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ  (H.: Minh Đức-Thời đại, 1955. – 91 tr ; 10cm. - Loại sách tìm hiểu)

- Chỉnh huấn là gì (H. : Nxb. Minh Đức-Thời đại, 1955. - 84tr ; 17cm. - Sách tìm hiểu)

- Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam  (H. : Xây dựng, 1958. – 252 tr ; 19cm)

 

 

4e. Về việc cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam (1945) cuả Trương Tửu bị Thanh Bình (tức Đặng Thai Mai) phê phán trên bán nguyệt san Tiên phong của Hội Văn hoá Cứu quốc (số 2, ngày 1/12/1945, tr. 7 - 9; số 3, ngày 16/12/1945, tr. 8 - 10; số 6, ngày 16/2/1946, tr. 19 - 22) tuy là sự tiếp tục của những va chạm đã có từ những năm 1930s giữa các khuynh hướng tiếp nhận tư tưởng Mác-xít khác nhau ở Việt Nam, song lại cũng có thể coi như là biểu hiện đầu tiên của các xu hướng toàn trị hoá và chống toàn trị hoá trong tư tưởng văn hoá ở Việt Nam kể từ đầu thời kỳ vừa giành được độc lập dân tộc. Sự va chạm này hoặc chỉ mới được đề cập khá phiến diện như là việc chống tư tưởng “phản động”, “tờ-rốt-kít”, … chứ chưa được phân tích như sự tiếp nhận khác nhau đối với tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và văn hoá xã hội chủ nghĩa.  

 

 

4f. Về việc tác gia Trương Tửu bị phê phán chung trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm những năm 1956-58, hiện đã có một số tư liệu được tập hợp, trong đó Trương Tửu được đề cập chung trong một số bài, đề cập riêng trong một số bài khác, điều này sẽ cần thống kê riêng. Ở đây tôi chỉ lưu ý đến loạt bài Phê phán “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” của Trương Tửu, là trường hợp được đề cập hầu như muộn nhất, khi cao trào của đợt đấu tranh đã hầu như chấm dứt, những quyết định hoặc khai trừ hoặc truy tố hoặc treo bút đối với những cá nhân cụ thể đã được tuyên bố. Loạt bài phê phán cuốn văn học sử này đăng nhiều kỳ trên báo Văn học từ 25/9/1958 đến cuối năm 1958, với các bài của Vũ Đức Phúc (số 13, ngày 25/9/1958), Nguyễn Kiến Giang (số 14, ngày 5/10/1958 và số 15, ngày 15/10/1958), Hồng Quảng (có người nói đây là bút danh của Hoàng Văn Hoan/?/, bài đăng các số 16, ngày 25/10/1958, số 17, ngày 5/11/1958, và số 18, ngày 15/11/1958), v.v… 

 

 

5. Như vậy, đối với việc nghiên cứu Trương Tửu (như tác gia và như nhân vật), theo tôi, việc cần thiết hiện nay là:

– tiếp tục sưu tầm văn bản các tác phẩm đã từng đăng báo và in sách của tác giả này,

– lập niên biểu hoạt động của nhân vật này, chi tiết hoá thời điểm viết và công bố các tác phẩm thuộc các thể tài,

– đặc biệt lưu ý quan sát tương quan giữa các hành động ngoài văn bản với nội dung bên trong văn bản các loại tác phẩm, phác hoạ một (hoặc những) tiến trình tư tưởng của tác gia này.

 

Tất nhiên điều vừa phác ra trên đây có dụng ý bao quát toàn bộ tác gia này, nhân vật này; những nghiên cứu ở các phương diện khác có thể không lệ thuộc nhiều vào sự nắm bắt toàn bộ kể trên, nhưng hẳn cũng sẽ được lợi ít nhiều từ sự bao quát toàn bộ này.

 

Cái đích nhắm tới cuối cùng của nghiên cứu văn học chung quanh tác gia Trương Tửu là những phân tích đánh giá về đóng góp của tác gia này vào sự phát triển của văn học Việt Nam, là việc biên soạn những vựng tập tác phẩm Trương Tửu ở các cấp độ: sưu tập chuyên đề, tuyển tập, toàn tập… Cái đích đến cuối cùng của nghiên cứu sử học về nhân vật Trương Tửu cũng là những phân tích đánh giá công lao cuả nhân vật này, tác gia này vào khoa học, văn hoá, văn học Việt Nam, và nhất là viết ra và công bố được những cuốn sách có chất lượng tốt về tiểu sử cuộc đời hoạt động mọi mặt của nhân vật Trương Tửu.

 

Để đi tới đích đó, tôi nghĩ là cần triển khai một tiếp cận nghiên cứu bài bản và toàn diện. Từng loại công việc cụ thể cần được khai triển bằng những dự án, và cần tìm cho các dự án ấy những khoản tài trợ cần thiết để có thể tiến hành. Có thể tìm tài trợ từ các nguồn từ ngân sách (nhà nước), nhưng với trường hợp Trương Tửu, thiết nghĩ cần chủ yếu tìm các nguồn tài trợ từ kinh phí dân doanh. Tuy vậy, tôi đề nghị khoa Ngữ văn của Đại học sư phạm Hà Nội hoặc một nhóm chuyên gia của khoa cần phải chủ trì đề tài về tác gia và nhân vật này.

 

                                                                                     1/9/2008